Vì sao có người rất kém trong việc nhận ra “cờ đỏ”
Có những người trong chúng ta có cách tiếp cận rất đặc biệt với các “cờ đỏ” trong mối quan hệ.
Có những người trong chúng ta có cách tiếp cận rất đặc biệt với các “cờ đỏ” trong mối quan hệ. Chúng ta có thể, nếu cố gắng, nhận thấy vài dấu hiệu bất ổn ở người bạn đời tiềm năng hoặc hiện tại. Có thể là giao tiếp kém, không tôn trọng ranh giới, hay dễ xúc động thái quá. Có thể là những lời nói dối nhỏ, thái độ lảng tránh để làm vừa lòng người khác. Thế nhưng, điều làm chúng ta “đặc biệt” chính là bước đi tiếp theo: hoàn toàn phớt lờ chúng.
Chúng ta vẫn tiếp tục tiến sâu vào mối quan hệ, thậm chí xây dựng cả một cuộc đời bên người ấy, bởi năng lực nhận diện và phản ứng với “cờ đỏ” của ta yếu ớt và gần như bị bỏ quên. Vì sao “cơ bắp” quan trọng này lại bị lãng quên? Ta có thể trả lời thế này: khả năng đối diện và xử lý những dấu hiệu bất ổn phụ thuộc rất nhiều vào kiểu tuổi thơ mà ta từng trải qua.
Edward Hopper, Room in New York, 1932
Hãy tưởng tượng bạn lớn lên trong một gia đình có người cha hay bắt nạt, người mẹ từng phản bội niềm tin của bạn, và một người anh lớn áp bức bạn mọi lúc. Trong một gia đình mà lời nói dối là lẽ thường, và những hành vi xấu luôn bị che đậy cẩn thận. Trong bối cảnh như vậy, liệu việc nhận ra “cờ đỏ” có ích gì không? Nếu bạn phát hiện ra một hay mười, hoặc thậm chí ba nghìn dấu hiệu tiêu cực, bạn sẽ làm gì? Báo cảnh sát? Nhờ bạn bè giúp đỡ? Đối chất với những kẻ đã làm tổn thương bạn? Khi ấy, bạn mới chỉ là một đứa trẻ ba tuổi rưỡi, và sự sống còn của bạn phụ thuộc vào việc không thấy gì cả – hoặc nếu có thấy, thì quy hết lỗi về mình.
Hơn nữa – điều này phức tạp hơn – bạn có thể đã thực lòng yêu thương những người mà “cờ đỏ” vây quanh. Bạn vừa đau lòng vì cách họ đối xử với mình, vừa quấn quýt với những khoảnh khắc họ mang lại sự dịu dàng. Họ có thể đã từng rất tàn nhẫn với bạn, nhưng bạn lại chọn tập trung vào những điều tốt đẹp hơn: kỳ nghỉ bên biển, chiếc xe đạp họ tặng bạn. Những gì tồi tệ hơn, bạn tự nhủ, không đáng để làm lớn chuyện. Trong chừng mực họ bỏ bê và hạ thấp bạn, có lẽ lỗi là do chính bạn.
Con người chỉ nhận ra nhiều cờ đỏ bằng đúng mức mà họ có thể chịu đựng được.
Với một quá khứ như vậy, bạn sẽ không dễ dàng nổi giận khi nhận thấy vài khía cạnh “có vấn đề” ở người yêu mình. Nếu ai đó nói yêu bạn, vậy là đủ để bạn tin rằng mọi thứ sẽ ổn thôi. Sao phải chú ý đến những điểm bất thường? Rằng họ thường xuyên nói về người họ thấy hấp dẫn? Rằng họ luôn khéo léo để bạn trả tiền? Rằng họ không bao giờ đến đúng giờ? Rằng họ chưa từng giới thiệu bạn với bạn bè của họ? Hay rằng họ chẳng có công việc, cũng không có kế hoạch tìm một việc làm nào?
Những điều này, tất nhiên, khiến bạn bận lòng, nhưng cũng đồng thời khiến bạn mệt mỏi, muốn lơ đi. Bạn biết chúng tồn tại, nhưng lại chọn nghĩ đến điều khác.
Để thực sự nhạy cảm với các “cờ đỏ”, ta cần được lớn lên trong một môi trường nơi hạnh phúc, an toàn và sự bình yên của ta là điều quan trọng đối với ai đó – và từ đó, ta học cách trân trọng và bảo vệ bản thân. Ta cần có cảm giác rằng mình sẽ không cho phép bất kỳ ai đối xử tệ với mình, rằng việc bị lừa gạt không bao giờ là điều có thể biện minh, và nếu ai đó dối trá, đó hoàn toàn là lỗi của họ, không phải của ta.
Bước đầu tiên để thay đổi là nhận ra điều khác biệt ở chính mình. Dù ta có thông minh, sắc sảo trong nhiều lĩnh vực, nhưng trong các mối quan hệ, ta đang mắc phải một dạng “chứng ngủ rũ” có chọn lọc. Ta không muốn nhận ra vấn đề, bởi sâu trong thẳm tâm hồn, ta chưa từng được yêu thương đủ để tin rằng mình xứng đáng không gặp phải những vấn đề ấy.
Ta cần bắt đầu đặt cho bản thân vài câu hỏi nghe có vẻ rất ngây ngô nhưng lại vô cùng cần thiết:
- Liệu ta có đang được đối xử tử tế?
- Ta có đồng ý với những gì đang xảy ra với mình không?
- Ta có dám phàn nàn hay không?
- Và, quan trọng nhất, ta có hạnh phúc không?
Với phần lớn mọi người, đây là những câu hỏi hiển nhiên và tự nhiên. Nhưng với một số ít người, chúng chính là tín hiệu của một năng lực mới đang dần hình thành: khả năng chăm sóc cho bản thân một cách sâu sắc và trân trọng hơn.
Nguồn: WHY SOME OF US ARE SO BAD AT SPOTTING RED FLAGS - The School Of Life