Vì sao cơn giận lại có vị trí trong tình yêu
Thật tự nhiên khi chúng ta nghĩ rằng đức tính cao quý nhất trong tình yêu là sự dịu dàng, và liền sau đó là sự lịch thiệp.
Nhưng ở đây ẩn chứa một mối nguy kỳ lạ: một mối quan hệ quá lịch sự, nơi thiếu đi sự thẳng thắn, nơi mọi thứ đổ vỡ không phải vì thiếu đi sự dịu dàng hay yên bình, mà vì quá dư thừa những phép tắc cứng nhắc. Đó là nơi thiếu đi những tiếng nói lớn, những lời lẽ gay gắt, những cơn giận chính đáng và những khoảnh khắc mà cả hai đối phương đều cảm thấy thoải mái gọi nhau là kẻ ngốc – hoặc tệ hơn nữa.
Khi nghe tiếng cãi vã giữa hai người yêu nhau, có lẽ vọng lại từ một căn phòng khách sạn bên cạnh, ta dễ cảm thấy lo lắng cho họ và cho mối quan hệ của họ. Nhưng trong giới hạn hợp lý, một cuộc tranh cãi gay gắt đôi khi lại có thể mở ra điều gì đó rất cần thiết và cứu rỗi. Sống bên cạnh một người nào đó chắc chắn sẽ có những lúc đầy thất vọng. Và để tình yêu tiếp tục sống động, ta cần có tự do để bộc lộ sự thất vọng ấy. Dường như ta không thể yêu nếu tất cả những gì ta được phép làm chỉ là yêu.
Nhiều người trong chúng ta từ nhỏ đã ngầm được dạy rằng sự thất vọng nên được nuốt trọn trong im lặng. Có thể cha mẹ ta quá mong manh, hoặc quá dễ nổi giận, khiến ta sợ rằng việc bộc lộ những cảm xúc chân thật sẽ hoặc hủy hoại họ, hoặc khiến họ nổi cơn thịnh nộ không thể kiểm soát. Chúng ta lớn lên trở thành những người lịch sự và tử tế, nhưng đồng thời cũng dễ cảm thấy tâm hồn mình như chết lặng, và tin rằng không ai có thể nhìn thấu con người thật của ta mà vẫn yêu thương ta.
Một kiểu lịch sự nào đó chính là kẻ thù của tình yêu. Ta không thể yêu – hoặc không thể bước vào một mối quan hệ thật sự sống động – nếu cứ mãi giấu kín quá nhiều điều bất mãn. Tình yêu, trước hết và quan trọng nhất, phải chân thật – và điều này đồng nghĩa với việc bộc lộ đủ loại cảm xúc trái ngược. Trong hầu hết các mối quan hệ khác, lịch sự là đủ; giữa bạn bè hay đồng nghiệp, ta chỉ cần có vậy. Nhưng tình yêu cần thứ gì đó mạo hiểm hơn: ta cần đủ dũng cảm để nói rằng ta ghét khi thực sự thấy ghét – để rồi sau đó có thể yêu một cách trọn vẹn khi đã đến lúc yêu.
Chính vì thế, để bảo vệ mối quan hệ, có lúc ta cần nói thẳng với người yêu rằng họ đã phá hỏng cuộc đời mình, rằng họ ích kỷ và đáng ghét, rằng ta đã chịu đựng đủ rồi. Và người ấy, thay vì chỉ cảm thấy bị xúc phạm (mặc dù điều đó cũng có vai trò của nó), nên hiểu cơn giận này đúng với ý nghĩa của nó: một sự tôn vinh niềm tin và sự gắn kết giữa hai người. Bởi lẽ, chẳng ai trên đời này dám nói những lời như vậy với họ ngoài người yêu thương họ nhất. Điều đó, kỳ lạ thay, lại là một đặc ân lớn lao.
Họ không chỉ ghét bạn – dù ở thời điểm ấy họ thật sự ghét – mà còn đặt rất nhiều hy vọng ở bạn, và có niềm tin sâu sắc rằng bạn yêu họ đủ để chấp nhận con người thật của họ. Và khi cơn giận qua đi, tình yêu của họ sẽ chân thành như chính sự tức giận vừa rồi.
Chúng ta nên nổi giận khi hoàn cảnh thật sự đòi hỏi; những ai quá nhút nhát và rụt rè hãy thử cảm nhận cảm giác mạnh mẽ và cần thiết khi dám buông bỏ, dám giải tỏa cơn bực bội mà không kìm nén như thường lệ. Đừng quá sợ hãi trước những cuộc cãi vã to tiếng thỉnh thoảng xảy ra; hãy biến sự khó chịu của mình thành những lời lẽ gay gắt đầy sáng tạo. Điều đó không phải là dấu hiệu tình yêu đã chết hay mọi thứ sắp kết thúc. Ngược lại, đó là dấu hiệu mối quan hệ của bạn vẫn còn tràn đầy lòng tốt, sự chân thành và bao dung.
Nguồn: WHY ANGER HAS A PLACE IN LOVE – The School Of Life