Vì sao Người ta lừa dối trong tình yêu? Đâu chỉ là vì tình dục
Một số người có thể cảm thấy khá ngạc nhiên khi nghe rằng, trong 100 cặp đôi thì có khoảng 20 cặp vướng vào vấn đề ngoại tình.
Một số người có thể cảm thấy khá ngạc nhiên khi nghe rằng, trong 100 cặp đôi thì có khoảng 20 cặp vướng vào vấn đề ngoại tình.
Cho dù đó là tin tức về việc ngoại tình của một người nổi tiếng, của một người thân trong gia đình, hay của một người bạn, người ta sẽ ngay lập tức lên án và đổ hết mọi tội lỗi cho kẻ ngoại tình. Chúng ta thường tin rằng, những mối quan hệ lãng mạn là thứ có thể đáp ứng nhu cầu của con người về mặt tình cảm, sự an toàn cũng như nhu cầu được bảo vệ, che chở. Vậy nên, khi phát hiện một người nào đó ngoại tình, người ta thường sẽ đau buồn, tổn thương và hoang mang, bởi lẽ ngoại tình là một hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức cũng như phản bội lòng tin của người khác. Việc ngoại tình làm tăng thêm khả năng đổ vỡ trong các mối quan hệ gần gũi, thân thiết và quan trọng nhất đối với ta.
Nhiều người cho rằng ngoại tình là hành vi của những kẻ vô đạo đức và thèm khát tình dục quá mức. Tuy nhiên, trong thực tế, nguyên nhân dẫn đến ngoại tình không chỉ đơn giản chỉ vì vấn đề tình dục. Theo nghiên cứu của Baucom và các cộng sự năm 2017, tỷ lệ các cặp vợ chồng ngoại tình đơn thuần chỉ vì tình dục chỉ chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ này tăng lên đến 1/3 khi đề cập đến cả các cặp ngoại tình vì cảm xúc.
Ngoại tình là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của cả hai đang gặp trục trặc. Nếu không có kiến thức về các kỹ năng cần thiết để giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ, một trong hai người có thể sẽ tìm đến việc ngoại tình như một cách tồi tệ để cố gắng thỏa mãn nhu cầu của bản thân cả về sự thân mật, cảm giác được trân trọng, tình dục và nhiều thứ tương tự. Vì vậy, những người ngoại tình xem mối quan hệ thay thế này như là một cách để đáp ứng những nhu cầu mà mối quan hệ hiện tại của họ không thể cung ứng được.
Ai là người có khuynh hướng ngoại tình và vì sao?
Có không ít những nghiên cứu đa dạng về vấn đề ngoại tình trong các mối quan hệ lãng mạn. Một vài nghiên cứu cho thấy, những đối tượng không tạo được cảm giác dễ chịu và thiếu đi sự tận tâm cũng như sự cảm thông với người khác thường có xu hướng quan hệ tình dục bừa bãi (Schmitt, 2004); ngoài ra, theo nghiên cứu của Brewer và các cộng sự vào năm 2015, những người có những tính cách thuộc nhóm “bộ ba tăm tối” (rối loạn nhân cách ái kỷ, xảo quyệt, rối loạn đa nhân cách) cũng có xu hướng nêu trên. Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng, những người có khuynh hướng ngoại tình thường có những quan điểm “thoáng” hơn về chuyện tình dục, chẳng hạn, họ quan niệm rằng không nhất thiết phải bó buộc bản thân trong việc chỉ được quan hệ với một người duy nhất (Mattingly và các cộng sự, 2011).
Các yếu tố quan trọng khác có liên quan đến mức độ cam kết của một người với bạn đời của họ và mức độ thỏa mãn của họ trong mối quan hệ này (Fincham và May, 2017). Một người sở hữu hai mức độ này thấp tức là người này có khuynh hướng ngoại tình nhiều hơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, khả năng lặp lại con đường sai trái này là rất lớn nếu như người này đã từng ngoại tình trước đó (Fincham và May, 2017).
Một cuộc khảo sát trên 5000 người ở Anh đã cho thấy sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa nam và nữ về các nguyên nhân dẫn đến ngoại tình (không tính đến trường hợp tình dục được ưu tiên) (Majoribanks và Bradley, 2017). Năm lý do hàng đầu khiến phái nữ muốn ngoại tình là bởi thiếu vắng sự thân mật về mặt cảm xúc (84%); thiếu giao tiếp giữa cả hai (75%); cảm giác mệt mỏi (32%); quá khứ tồi tệ liên quan đến tình dục và lạm dụng (26%); cuối cùng là thiếu sự hứng thú trong tình dục với đối tượng hiện tại (23%).
Đối với phái nam, năm lý do chính khiến họ ngoại tình đó là: thiếu sự giao tiếp giữa cả hai (68%); áp lực, căng thẳng trong cuộc sống (63%); rối loạn cương dương với bạn đời hiện tại (44%); thiếu đi những cảm xúc thân mật (38%); và tình trạng lao lực hay mệt mỏi kinh niên (31%).
Vì thế, nếu chúng ta thực sự gặp khó khăn trong việc trò chuyện với người ấy, hoặc họ khiến ta cảm thấy không được trân trọng, ta có thể dễ dàng “sa ngã” mà tìm đến người thứ ba. Muốn bồi đắp một mối quan hệ, cái người ta cần chính là thời gian và năng lượng. Mắc kẹt trong tình trạng mệt mỏi qua nhiều năm liền đồng nghĩa với việc khả năng gìn giữ mối quan hệ của bạn cũng bị tổn hại.
Ngoại trừ một số cặp vợ chồng đề cập đến nhu cầu tình dục cao, thì đa số đều tin rằng vấn đề nằm ở chính họ hoặc là do các tác nhân bên ngoài. Nguyên nhân thứ hai có thể do các tác nhân căng thẳng gây nên. Chúng tạo ra những thách thức khiến những người yêu nhau khó mà vượt qua được để giữ gìn mối quan hệ của mình.
Nếu bạn đang trải qua giai đoạn khó khăn trong mối quan hệ của mình, hãy tìm đến nhà trị liệu để trò chuyện nhằm khám phá ra các giải pháp giúp hạn chế, khắc phục tình trạng ngoại tình.
Thành thật với nhau và tiến hành trị liệu.
Nhiều người chọn giữ kín chuyện ngoại tình để tiếp tục duy trì những hành vi ấy của bản thân, có thể do họ cảm thấy tội lỗi hoặc tin rằng đây là cách duy nhất giúp đối phương đỡ đau khổ hơn. Tuy nhiên, việc giữ bí mật chỉ góp phần duy trì sự phản bội này mà thôi. Nếu một người thật sự nghiêm túc với việc hàn gắn mối quan hệ hiện tại, việc cần làm trước hết là nên thành thật với đối phương, tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia để có thể cùng nhau vượt qua giai đoạn rắc rối này và hồi phục lại mối quan hệ.
Hầu hết các chuyên gia về tâm lý trị liệu gia đình đều nói rằng những vấn đề liên quan đến ngoại tình đều có thể được cải thiện thông qua trị liệu (Majoribanks và Bradley 2017). Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, ngoại tình là vấn đề nan giải bậc nhất trong việc xây dựng lại một mối quan hệ lãng mạn (Whisman và các cộng sự, 1997).
Có rất nhiều cách tiếp cận dựa trên những bằng chứng cụ thể nhằm giải quyết vấn đề ngoại tình, nhưng hầu hết đều phải thừa nhận rằng hành vi này có thể được trải nghiệm như một dạng chấn thương tâm lý của người đã từng bị phản bội, người luôn giữ một giả thuyết trong đầu về việc bị bạn đời của mình lừa dối (Baucom và các cộng sự, 2017). Những cách được kể đến bao gồm xây dựng lòng tin và sự tin tưởng rằng người bạn đời ở bên cạnh ta là để yêu thương và bảo vệ ta, chứ không phải để làm ta đau khổ.
Tuy nhiên, không chỉ những người bị phản bội mới gặp những vấn đề về sức khỏe tâm lý. Nghiên cứu cho thấy, khi chuyện ngoại tình bị bại lộ, cả người ngoại tình lẫn người bị phản bội đều có thể vướng phải vấn đề như lo âu, trầm cảm và suy nghĩ tự sát (Allen và các cộng sự, 2005). Không những vậy, việc bạo hành về tinh thần và thể xác cũng có khả năng bộc phát giữa cả hai.
Vì vậy, để giải quyết những hậu quả mà ngoại tình gây nên, các cặp đôi nên tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia, không chỉ để hàn gắn tình cảm giữa cả hai mà còn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của nhau.
Có nhiều cách tiếp cận để tư vấn cho các cặp đôi hậu ngoại tình, nhưng nhìn chung, việc cần làm chủ yếu là tìm ra nguyên nhân đã gây ra và làm kéo dài tình trạng này. Một trong những phương pháp được nghiên cứu nhiều nhất để hỗ trợ các cặp đôi chính là tìm ra những tác động ban đầu đã dẫn đến tình trạng ngoại tình của một trong hai, giúp cả hai chia sẻ và hiểu thấu được nguồn cơn của tình trạng này, tha thứ cho nhau và cùng nhau bước tiếp trên con đường phía trước. (Baucom và các cộng sự, 2017).
Lựa chọn bước tiếp hoặc dừng lại.
Nhìn chung, liệu pháp trị liệu có hiệu quả đối với khoảng 2/3 các cặp đôi gặp phải vấn đề ngoại tình. Nếu một cặp chọn ở lại bên nhau, họ cần xác định được những chỗ phải khắc phục và cam kết cùng nhau giải quyết những vấn đề giữa cả hai (Baucom và các cộng sự, 2017).
Việc xây dựng lại niềm tin là vô cùng quan trọng và thiết yếu. Nhà trị liệu có thể giúp chỉ ra một vài thời điểm trong mối quan hệ giữa một cặp đôi, nơi mà niềm tin đã được dựng xây trở lại, giúp họ có được cảm giác thoải mái, an tâm. Sau đó, qua việc trải nghiệm nhiều tình huống mang lại cảm giác như thế, người bị phản bội sẽ ngày càng cảm thấy tin tưởng hơn, dần dà khiến họ gạt bỏ những hoài nghi và lựa chọn tin tưởng đối phương nhiều hơn.
Thế nhưng, nếu phương pháp trị liệu có hiệu quả đối với 2/3 các cặp đôi, vậy 1/3 còn lại phải chăng sẽ thực sự đi vào ngõ cụt? Chuyện gì sẽ xảy đến tiếp theo? Nếu mối quan hệ ấy chẳng còn gì ngoài những xung đột dang dở, những hiềm khích và khó chịu lẫn nhau, thì tốt nhất là nên đặt dấu chấm hết cho nó. Bởi đến cuối cùng, những mối quan hệ cũng chỉ là thứ giúp thỏa mãn được nhu cầu gắn bó của con người về mặt tình cảm, nhu cầu được an toàn cũng như được bảo vệ, che chở.
Với bất kỳ ai, việc ở trong một mối quan hệ không thể đáp ứng được những nhu cầu nêu trên đều được cho là một vấn đề nan giải hay một sự rối loạn chức năng.
Tuy nhiên, khi nhìn lại mối quan hệ gắn kết mà cả hai đã cùng nhau vun đắp, thì việc kết thúc nó là không hề dễ dàng (Gillath và các cộng sự, 2016). Mặc dù đôi lúc mối quan hệ lãng mạn của ta không được trọn vẹn, nhưng ta vẫn không ngừng đặt niềm tin vào đối phương, tin rằng một ngày nào đó họ sẽ thay đổi và đáp ứng được những nhu cầu về mặt cảm xúc của mình.
Chúng ta thường bị lấp đầy bởi những cảm giác đau khổ của việc chia ly khi nghĩ đến chuyện phải cắt đứt mối quan hệ của cả hai. Ta không chỉ đau lòng khi đặt dấu chấm hết cho nó (bất kể nó tốt hay xấu), mà còn bởi những trăn trở về việc, liệu có còn tìm được người nào có thể khiến ta cảm thấy trọn vẹn hay không?
Thời kì đau khổ hậu chia ly của mỗi người đều khác nhau. Nhiều người cho rằng, việc kết thúc một mối quan hệ không ra gì rất đáng để ăn mừng; tuy nhiên, cảm giác đau khổ vẫn sẽ đeo bám họ theo cách này hay cách khác. Khi một cặp đôi quyết định chia tay mà vẫn đang trong quá trình trị liệu, nhà trị liệu có thể hỗ trợ họ tìm cách để giảm bớt những tổn thương, giúp nỗi đau sớm được nguôi ngoai.
Tóm lại, ngoại tình liên quan nhiều đến vấn đề tình cảm, cảm xúc và những quyết định sai lầm để bù đắp cho nhu cầu của một người trong một mối quan hệ, hơn là chỉ về tình dục. Vấn đề thực sự ở đây là, một số người thà ngã vào vòng tay của người khác, chứ không màng đến việc cải thiện lại mối quan hệ hiện tại của chính mình.
Tài liệu tham khảo
Allen, E. S., Atkins, D. C., Baucom, D. H., Snyder, D. K., Gordon, K. C., & Glass, S. P. (2005). Intrapersonal, interpersonal, and contextual factors in engaging in and responding to extramarital involvement. Clinical Psychology: Science and Practice, 12, 101-130.
Baucom, D. H., Pentel, K. Z., Gordon, K. C., & Snyder, D. K. (2017). An integrative approach to treating infidelity in couples. In J. Fitzgerald (Ed.) Foundations for Couples' Therapy: Research for the Real World (pp. 206-215). NY: Routledge.
Brewer, G., Hunt, D., James, G., & Abell, L. (2015). Dark Triad traits, infidelity and romantic revenge. Personality and Individual Differences, 83, 122-127.
Fincham, F. D., & May, R. W. (2017). Infidelity in romantic relationships. Current Opinion in Psychology, 13, 70-74.
Gillath, O., Karantzas, G. C., & Fraley, R. C. (2016). Adult attachment: A concise introduction to theory and research. Oxford: Academic Press.
Marjoribanks, D., & Bradley, A. D. (2017). Let’s talk about sex: The state of our sexual relationships in the UK today. UK: Relate.
Mattingly, B. A., Clark, E. M., Weidler, D. J., Bullock, M., Hackathorn, J., & Blankmeyer, K. (2011). Sociosexual orientation, commitment, and infidelity: A mediation analysis. The Journal of Social Psychology, 151, 222-226.
Schmitt, D. P. (2004). The Big Five related to risky sexual behaviour across 10 world regions: Differential personality associations of sexual promiscuity and relationship infidelity. European Journal of Personality, 18, 301-319.
Whisman, M. A., Dixon, A. E., & Johnson, B. (1997). Therapists' Perspectives of Couple Problems and Treatment Issues in Couple Therapy. Journal of Family Psychology, 11, 361-366.
Dịch: Anne
Biên tập: Catthi
Minh Họa: Bảo Trân
Nguồn: Acrazymind.vn