Vì sao người tốt bụng lại khiến ta “mất cảm tình”

vi-sao-nguoi-tot-bung-lai-khien-ta-mat-cam-tinh

Tại sao sự tử tế lại có thể trở nên khó chấp nhận đến vậy? Vì lẽ gì mà sự ấm áp đôi khi lại khiến ta cảm thấy hoàn toàn phản cảm?

Có rất nhiều điều có thể làm hỏng bầu không khí hứa hẹn của một buổi hẹn hò đầu tiên: phát hiện đột ngột về một quan điểm chính trị khó chịu, một tràng cười gây ức chế, tình trạng răng miệng kém vệ sinh, hay một chiếc áo chẳng may chọn sai. Nhưng còn có một loại cảm giác khó chịu khác, phức tạp hơn, và thoạt nhìn thì dường như mâu thuẫn: ta bỗng muốn rời đi, thậm chí lao ra ngoài để nôn, không phải vì đối phương thô lỗ, ngốc nghếch hay độc ác, mà bởi họ lại… quá tốt bụng.

Tại sao sự tử tế lại có thể trở nên khó chấp nhận đến vậy? Vì lẽ gì mà sự ấm áp đôi khi lại khiến ta cảm thấy hoàn toàn phản cảm? Làm sao mà sự trưởng thành trong cảm xúc lại có thể dẫn đến cảm giác buồn nôn?

Photo by Remi Turcotte on Unsplash

Nguyên nhân, không phải do lỗi của ta, mà có thể nằm ở chỗ cả tính cách ta đã được xây dựng quanh việc phải đối mặt và thích nghi với cảm giác không bao giờ nhận được điều mình mong muốn: không tìm thấy sự thỏa mãn trong mối quan hệ thân mật, không được ai đó đối xử tốt một cách đáng tin cậy, không đạt được sự dịu dàng hay cảm thông mà mình hằng tìm kiếm. Những người có phản ứng dị ứng với sự tốt bụng rất có thể đã từng trải qua nỗi thất vọng nặng nề trong quá khứ. Để bảo vệ bản thân, họ phải bọc mình trong những chiến lược phòng vệ khéo léo: học cách từ chối trước khi bị từ chối, không để bất kỳ lời ngọt ngào nào làm lay động mình, thay hy vọng bằng hoài nghi, thay sự mong manh bằng một vỏ bọc bất khả xâm phạm.

Không có gì lạ khi một người tử tế lại khiến ta cảm thấy bị đe dọa. Cơn buồn nôn mà ta cảm nhận khi đối diện với họ không hẳn là sự ghê tởm mà chính là nỗi sợ: sợ rằng ta sẽ phải từ bỏ lớp phòng vệ của mình và tin tưởng rằng cuộc đời phía trước có thể không còn lạnh lẽo, cô lập và đáng sợ như nó từng là.

Người ta thường nói về nỗi khổ đau khi cô đơn về mặt cảm xúc, nhưng nỗi đau ấy có thể chẳng thấm vào đâu so với thử thách của việc chấp nhận hạnh phúc – thử thách từ việc phải buông bỏ sự nghi ngờ và buông tay khỏi kho dự trữ sợ hãi, khinh thường mà ta từng bấu víu.

Nguy cơ thực sự của việc hẹn hò không phải là việc gặp phải một đối tác tồi tệ (bởi ít ra ta còn có thể biến những thảm họa nhỏ thành trò hài hước đen tối), mà là đôi khi, ta có thể gặp được một người hoàn hảo và ngọt ngào. Ai cũng có thể chịu đựng được tình yêu thất bại; nhưng phải có một tuổi thơ thật an lành và an toàn, ta mới đủ dũng cảm để đối diện với khả năng tình yêu ấy có thể thành công.

Ta sẽ dễ bị cám dỗ để gán cho một người tốt bụng những lời buộc tội, như gọi họ là “nhàm chán” hay “sến súa”, hoặc châm chọc cách họ bước qua cửa hay gọi thêm đá. Nhưng ta cần đủ thấu hiểu để nhìn sâu hơn vào nguồn gốc thực sự của cảm giác bất an ấy: đó không phải vì họ không phù hợp, mà là vì họ không khiến ta phải chịu đựng – điều mà ta đã quen tin rằng tình yêu luôn phải đi kèm. Ta không từ chối họ vì ác ý, mà vì ta đã có quá ít trải nghiệm với lòng tốt chân thành.

Lần tới, nếu cảm giác “mất cảm tình” vì sự tử tế lại xuất hiện, hãy thử mạnh dạn đẩy nó sang một bên. Bởi có lẽ, ta đang đứng trước cơ hội bắt đầu một hành trình lớn lao nhất trong đời: tin rằng hạnh phúc và sự gắn kết thực sự là điều khả dĩ.

Nguồn: WHY NICE PEOPLE GIVE US THE ‘ICK’ - The School Of Life

menu
menu