Vì sao những người cầu toàn dễ bị trầm cảm và đâu là giải pháp để chấm dứt tình trạng này?

vi-sao-nhung-nguoi-cau-toan-de-bi-tram-cam-va-dau-la-giai-phap-de-cham-dut-tinh-trang-nay

Một nghiên cứu của Úc đã khám phá ra rằng tự dằn vặt bản thân về thất bại của những người cầu toàn có thể dẫn đến bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực này có thể khắc phục nếu áp dụng phương pháp dưới đây.

Một nghiên cứu của Úc đã khám phá ra rằng tự dằn vặt bản thân về thất bại của những người cầu toàn có thể dẫn đến bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực này có thể khắc phục nếu áp dụng phương pháp dưới đây.

Những người cầu toàn thường hà khắc với chính bản thân khi mọi thứ không như những gì mà họ mong muốn. Sinh viên đặt ra cho mình mục tiêu phải đứng đầu lớp nhưng chỉ có thể ở vị trí thứ 2 trong kỳ thi sẽ tự khiển trách bản thân và cho đó là một thất bại. Người phụ nữ nhịn ăn để giảm cân nhưng rồi ấm ức nhận ra mình tăng lên 2 cân, hay nhân viên nghĩ rằng chỉ mắc một lỗi nhỏ trong công việc thôi cũng dẫn đến một tai họa lớn là những ví dụ thể hiện họ là người cầu toàn.

Theo Jackie Chan, một chuyên gia tâm lý tại Trung tâm tư vấn tâm lý Hồng Kông thì chủ nghĩa hoàn hảo là thái độ, niềm tin sẽ không xảy ra bất cứ sai sót gì trong việc thực hiện của một người nào đó. Người cầu toàn luôn đặt ra các tiêu chuẩn cao đôi khi không thực tế với chính họ và không bao giờ thấy hài lòng về bất cứ thứ gì. Nó làm cho người ta ngày càng khắt khe với người khác cũng như chính bản thân mình.

Những kỳ vọng vào sự hoàn hảo bắt đầu rất sớm ở nhiều người, đặc biệt là ai có bố mẹ giữ chức vụ cao hoặc làm giáo viên. Họ luôn là người thiết lập những tiêu chuẩn mong muốn cho con cái của mình. Bất cứ lỗi lầm nào mà con cái mắc phải cũng bị bố mẹ phê bình, nhắc nhở, cảnh cáo thậm chí là bị trừng phạt. Họ lớn lên với mong muốn làm hài lòng và nhận nhiều lời khen từ cha mẹ, những người tin rằng giá trị bản thân của con cái liên quan đến thành tựu của họ.

Cầu toàn là một tính cách đặc trưng được thể hiện bởi sự đánh giá bản thân quá cao, thường xuyên tự phê bình và luôn bị chi phối bởi những đánh giá của người khác. Mặc dù không có gì sai khi thiết lập hoặc theo đuổi các tiêu chuẩn cao, nhưng điều quan trọng là nó sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm cho bản thân bạn. Chúng có thể là các triệu chứng như mệt mỏi mãn tính, tự hủy hoại bản thân, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, mất ngủ, lo lắng và trầm cảm.

Mối liên hệ giữa chủ nghĩa hoàn hảo và bệnh trầm cảm là trọng tâm của một nghiên cứu gần đây của Đại học Catholic ở Úc. Nghiên cứu được công bố vào tháng hai trên tạp chí PLOS One cho thấy rằng, lòng từ bi với bản thân là một công cụ để thúc đẩy sự chữa lành về mặt tâm lý cho những người cầu toàn để trở nên hạnh phúc và khắc phục được các vấn đề về sức khỏe.

Tiến sĩ Madeleine Ferrari, tác giả chính của nghiên cứu và là một giảng viên về tâm lý học lâm sàng tại trường đại học đã theo dõi 500 người trẻ và 500 người trưởng thành ở Úc. Bà phát hiện ra rằng lòng từ bi với bản thân đã làm giảm tần số suy nghĩ của người cầu toàn hoặc thậm chí là thay đổi hoàn toàn nhận thức của họ.

Ferrari cho biết: "Lòng từ bi với bản thân có thể kiểm soát sự tin tưởng của người cầu toàn giúp họ tránh rơi vào tình trạng bị trầm cảm. Ngày nay, người lớn và vị thành niên đều phải chịu áp lực rất lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn cao đặc biệt trong cuộc sống cá nhân như ở trường học và nơi làm việc. Khi họ trở nên quá chú trọng tới những sai lầm, thất vọng, chán nản và khó chịu với chính bản thân mình vì không đáp ứng đúng theo kỳ vọng thì sẽ gia tăng rủi ro mắc bệnh trầm cảm".

Đây là vấn đề trên toàn thế giới. Theo thống kê của Trung tâm bảo vệ sức khoẻ, tại Hồng Kông, ước tính trong 100 người thì có tới 3 người lớn bị mắc bệnh trầm cảm.

Ông Chan chia sẻ: "Trầm cảm ảnh hưởng đến cách người ta nghĩ và hành xử. Nó liên quan đến một loạt các triệu chứng như mất hứng thú trong sở thích, cảm giác vô dụng, kém tập trung, không có khả năng đưa ra quyết định, tự cô lập và dễ bị kích động".

Ông cho biết thêm, có các cách giải quyết vấn đề khác nhau giữa những người có lòng vị tha với bản thân và những người hay lên án bản thân. Ví dụ, người có lòng bao dung với bản thân sẽ hiểu rằng khó khăn là một phần của cuộc sống. Vì vậy họ đối mặt với chúng với tâm thái bình thản, chứ không coi thường hay bị cuốn theo những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực.

Nếu bạn bị mắc phải căn bệnh trầm cảm, thì lòng từ bi có thể giúp bạn trong quá trình điều trị. Ngoài ra, các kỹ năng đối phó hiệu quả và sự hỗ trợ của xã hội cũng quan trọng trong việc chữa bệnh.

Nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nicholas Wai, 46 tuổi, không coi mình là một người cầu toàn, nhưng thừa nhận luôn đặt ra các tiêu chuẩn cao cho bản thân mình. "Lúc mà tôi có cảm giác tự khiển trách bản thân, tôi bắt đầu ngồi thiền và tập trung vào hơi thở. Tôi nhận ra thiền định giúp đầu óc mình quên đi những vấn đề trong chốc lát rồi cho chúng ta thời gian để quyết định nên làm gì”.

Wai nói rằng ông có một cuốn nhật ký viết về những thứ muốn nói với bản thân mình. Điều này giúp ông hiểu bản thân tốt hơn và luôn giữ được cảm xúc ổn định. Wai chia sẻ: "Đó là ý tưởng của tôi về lòng từ bi với bản thân. Cho dù bất cứ điều gì hay lỗi lầm nào xảy ra thì tôi cũng đã cố gắng hết sức mình".

Vân Anh

Theo Trí Thức Trẻ/SCMP  

menu
menu