Vì sao thế giới luôn sẵn sàng để được thay đổi

Một trong những điều làm nên sự khác biệt giữa những người tự tin và những người thiếu tự tin chính là cách họ nhìn nhận về khả năng thay đổi hiện trạng.
Một trong những điều làm nên sự khác biệt giữa những người tự tin và những người thiếu tự tin chính là cách họ nhìn nhận về khả năng thay đổi hiện trạng. Nói một cách đơn giản, những người thiếu tự tin tin rằng lịch sử đã khép lại, còn người tự tin tin rằng lịch sử vẫn đang được viết tiếp – và có lẽ một ngày nào đó, chính họ sẽ góp phần tạo nên chương mới.
Cách chúng ta bước vào thế giới luôn mang theo một định kiến rằng mọi thứ đã được định đoạt từ lâu. Mọi điều xung quanh dường như đều toát lên vẻ bất biến. Khi còn nhỏ, chúng ta bị bao quanh bởi những người cao lớn hơn hẳn, những người tuân thủ những truyền thống đã tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Hiểu biết của trẻ con về thời gian thường đặt nặng vào hiện tại. Một năm trước, với một đứa trẻ 5 tuổi, có vẻ như đã là cả một thế kỷ. Ngôi nhà ta ở dường như vững chãi và lâu đời như một ngôi đền cổ; ngôi trường ta học trông như đã diễn ra những nghi thức cũ kỹ từ thời sơ khai. Chúng ta thường được dạy rằng mọi thứ vốn như thế và rằng thực tế không phải được hình thành theo mong muốn của mình. Ta dễ tin rằng loài người đã vẽ xong bản đồ của những điều khả thi: nếu một điều gì đó chưa từng xảy ra, có lẽ là vì nó không thể – hoặc không nên – xảy ra.
Kết quả là, ta trở nên dè dặt với việc hình dung ra những khả năng khác. Làm gì có chuyện bắt đầu một công việc kinh doanh mới (thị trường chắc chắn đã bão hòa rồi), hay thử nghiệm một cách tiếp cận mới trong nghệ thuật (mọi thứ đều đã theo khuôn mẫu), hoặc đặt niềm tin vào một ý tưởng mới (hoặc là nó đã tồn tại, hoặc là nó quá điên rồ).
Tuy nhiên, khi nghiên cứu lịch sử, ta bỗng thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Khi thời gian được tăng tốc, và ta leo lên ngọn núi của những phút giây để ngắm nhìn toàn cảnh thế kỷ, sự thay đổi hiện lên như một điều tất yếu. Những lục địa mới được khám phá, những cách thức cai trị mới được khởi xướng, cách ăn mặc và tôn thờ cũng thay đổi. Đã có lúc, con người mặc những chiếc áo choàng kỳ lạ và cày đất bằng những dụng cụ thô sơ. Đã có thời, người ta từng chém đầu một vị vua. Và rất xa xưa, họ di chuyển bằng những con tàu mỏng manh, ăn nhãn cầu cừu, dùng bô, và chẳng biết cách chữa răng.
Khi nhìn lại tất cả những điều đó, ít nhất trên lý thuyết, ta nhận ra rằng thế giới có thể thay đổi. Nhưng thực tế, hầu như không nhận ra, chúng ta thường tách mình và xã hội của mình ra khỏi dòng chảy đầy biến động ấy. Ta không nghĩ rằng mình là một phần của câu chuyện lịch sử đang tiếp diễn. Lịch sử, ta ngỡ, là chuyện đã qua; nó không phải là những gì đang diễn ra quanh ta, ngay ở đây và ngay bây giờ. Ta cảm thấy mọi thứ – ít nhất là trong tầm mắt – đã ổn định.
Để xua tan sự vô cảm này trước sự thay đổi không ngừng, và cũng để xóa bỏ sự thụ động mà nó mang lại, ta có thể tìm đến vài câu thơ đầy ám ảnh trong tập Tứ Tấu (Four Quartets) của T. S. Eliot:
"Vậy nên, khi ánh sáng tàn lụi
Vào một buổi chiều đông, trong nguyện đường hẻo lánh
Lịch sử đang diễn ra – ngay tại nước Anh."
Những buổi chiều đông, vào tầm bốn giờ, thường mang lại cảm giác tất cả mọi thứ đã được sắp đặt đâu vào đấy, nhất là trong những nhà nguyện yên tĩnh vùng nông thôn nước Anh, nơi nhiều nhà nguyện đã tồn tại từ thời trung cổ. Không khí ở đó tĩnh lặng và vương mùi ẩm mốc. Những phiến đá lát sàn dày nặng đã mòn đi qua bao thế kỷ bởi những bước chân tín đồ. Có thể sẽ có một tờ rơi giới thiệu về buổi hòa nhạc sắp tới hoặc một chiếc hộp từ thiện được đặt để thu hút ánh nhìn. Trên bàn thờ, ánh sáng cuối ngày rọi qua cửa sổ kính màu, nơi hình thánh Peter và John mỗi người ôm một chú cừu, khẽ bừng lên. Những nơi và khoảnh khắc như thế không phải là lúc để nghĩ về việc thay đổi thế giới; mọi thứ đều gợi ý rằng ta nên chấp nhận thực tại, thong thả bước về nhà qua cánh đồng, nhóm lửa và an yên tận hưởng buổi tối. Và rồi, câu thơ thứ ba của Eliot xuất hiện, vang vọng: “Lịch sử đang diễn ra – ngay tại nước Anh.”
Nói cách khác, mọi điều ta gắn với lịch sử – sự táo bạo của những con người vĩ đại, những thay đổi ngoạn mục về giá trị, sự chất vấn sâu sắc với những niềm tin lâu đời, sự lật đổ trật tự cũ – vẫn đang tiếp diễn, ngay tại thời điểm này, ở những nơi tưởng chừng bình yên và bất động như vùng quê gần Shamley Green, Surrey, nơi Eliot viết bài thơ ấy. Chúng ta không nhìn thấy điều đó, đơn giản bởi ta đứng quá gần. Thế giới đang được định hình và tái định hình ở từng khoảnh khắc. Và vì vậy, bất kỳ ai trong chúng ta, về lý thuyết, đều có cơ hội trở thành một nhân tố trong dòng lịch sử, dù là ở quy mô lớn hay nhỏ.
Thời hiện tại cũng bất định như quá khứ – và cũng mềm dẻo không kém. Nó không nên khiến ta e dè. Cách ta yêu thương, du lịch, tiếp cận nghệ thuật, quản lý, giáo dục, kinh doanh, già đi hay đối diện cái chết – tất cả đều có thể được phát triển hơn nữa. Những quan điểm hiện tại chỉ trông có vẻ chắc chắn bởi ta đang phóng đại sự bất di bất dịch của chúng. Phần lớn những gì tồn tại đều là ngẫu nhiên, không phải tất yếu, cũng chẳng hoàn toàn đúng đắn, mà chỉ là kết quả của sự hỗn độn và tình cờ.
Dù là vào lúc hoàng hôn của một buổi chiều đông, ta vẫn có thể tự tin rằng mình có khả năng góp phần vào dòng chảy của lịch sử – và, dù khiêm tốn, thay đổi hướng đi của nó.
Nguồn: WHY THE WORLD STANDS READY TO BE CHANGED – The School Of Life