Việc tin vào những gì ta từng biết, không phải những gì ta cảm thấy hiện giờ
Cuộc sống đôi khi rắc rối hơn bởi một thói quen không mấy dễ chịu: thói quen nghi ngờ chính những phán đoán của mình khi thời gian trôi qua.
Cuộc sống đôi khi rắc rối hơn bởi một thói quen không mấy dễ chịu: thói quen nghi ngờ chính những phán đoán của mình khi thời gian trôi qua. Những quyết định từng rõ ràng và có lý giờ đây lại trở thành đối tượng của sự soi xét mới, khiến ta rơi vào vòng xoáy của nghi ngờ, hối tiếc, xấu hổ, mất ngủ, và đôi khi là những cố gắng vội vàng nhằm đảo ngược quyết định.
Ví dụ, vài tháng trước, ta nghĩ rằng kết thúc mối quan hệ là điều hoàn toàn đúng. Ta thấy rõ những khuyết điểm của người ấy và biết rằng những điều đó khiến mọi dự định tương lai đều không thể thành hiện thực. Nhưng giờ ta không chắc nữa. Sau vài buổi hẹn hò không mấy thành công, những buổi tối cô đơn tự giặt giũ hay dạo bước trong công viên, ta lại nhớ đến những giây phút người ấy hài hước, thông minh, dịu dàng và ngọt ngào đến lạ. Và có khi, dù trước đó đã tự nhủ đừng liên lạc một thời gian, ta lại muốn gửi một tin nhắn ngây thơ giả vờ hỏi thăm tối nay.
Photo by BĀBI on Unsplash
Hoặc, mùa hè năm ngoái, ta đã biết chắc rằng kỳ nghỉ ở khu resort ven biển đó không vui vẻ gì và tự hứa lần tới sẽ tìm đến nơi có khí hậu mát mẻ hơn. Nhưng từ đó đến nay, trời chuyển lạnh, và gần đây, ta lại cảm thấy hứng thú với việc trở lại phương Nam vào năm sau.
Hoặc, ta đã tự bảo rằng mình đã dứt khoát với sự nghiệp cũ. Nhưng rồi suy nghĩ chợt thay đổi sau khi tình cờ gặp lại một đồng nghiệp cũ vào tuần trước, và giờ ta đang tự hỏi liệu có nên thử quay lại một lần nữa.
Hoặc một người bạn thời đại học mới đây ngỏ ý mời dùng bữa. Ngày trước, ta từng thấy họ hơi tự cao và nhàm chán, nhưng trong lời mời lần này lại có chút thú vị. Ta đã đồng ý gặp họ ăn trưa gần nhà ga vào tuần tới.
Trong những lúc như thế, có lẽ ta cần ghi nhớ một nguyên tắc quan trọng: càng xa thời điểm ta đưa ra quyết định, nhận thức của ta càng dễ bị che mờ và xáo trộn.
Điều này xuất phát từ một đặc điểm của tâm trí — một đặc điểm thường giúp ta rất nhiều trong cuộc sống: khả năng buông bỏ nỗi đau. Chính cái khả năng đã cho phép ta nguôi ngoai khi mất một người thân yêu, vượt qua sự phá sản hay chịu đựng sự sụt giảm thu nhập, cũng khiến ta dễ dàng "làm lành" trong tâm trí với một người yêu cũ mà ta đã rất sáng suốt để rời bỏ. Khả năng này cũng khiến ta, chỉ sau vài phút gặp lại người quen cũ, lại nhớ rõ lý do mình từng thấy họ khó chịu ra sao.
Ta bóc tách và dần tan biến những phán đoán của mình vì không thể giữ được sự sáng suốt trước những động cơ đầy sức ép; ta không nhận ra sự thật đã trở nên quá khó nuốt trôi. Ta dễ rơi vào nghi ngờ giữa những đợt cô đơn, buồn bã, sự xa cách và lẫn lộn không ngừng. Dĩ nhiên là ta sẽ bắt đầu nghi ngờ đánh giá của mình về ưu, khuyết điểm của người yêu cũ sau bảy cuối tuần dài đằng đẵng bị từ chối trên ứng dụng hẹn hò. Và cũng chẳng lạ gì khi ta không nhớ nổi sự nhạt nhẽo của người bạn cũ khi lòng đang khát khao có một đời sống xã hội phong phú hơn.
Khi thức dậy và tự hỏi liệu mình có đã bất công hoặc quá vội vàng, phần mạnh mẽ và sáng suốt nhất trong ta cần nắm chắc tay lái và hỏi rằng, liệu sự thay đổi quan điểm này có thật sự chính xác, hay chỉ là tạm thời tiện lợi. Dù có bao nhiêu áp lực khiến ta tin vào điều ngược lại, hãy đặt niềm tin vào sự khôn ngoan của một câu châm ngôn quen thuộc: Hãy tin vào điều mình đã biết khi xưa, đừng chỉ dựa vào cảm xúc của hiện tại.
Nguồn: TRUST WHAT YOU KNEW THEN, NOT WHAT YOU FEEL NOW - The School Of Life