Yêu 2 năm mới cưới sẽ tránh bị 'lấy nhầm người'
Hai năm là thời gian tốt nhất để hiểu rõ một người, tránh được tình trạng lấy vội về mới nhận ra không hợp.
"Nên yêu bao lâu rồi mới cưới", đó là câu mà cô em họ hỏi tôi vài tháng trước, khi cô ấy đột ngột cho tôi biết mình đã đính hôn. Em tôi và chồng sắp cưới mới hẹn hò được vài tháng, nhưng cô ấy tâm sự về mức độ gắn kết giữa họ và cho thấy thời gian bao lâu không phải là điều kiện tiên quyết cho hôn nhân.
Cá nhân tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng phải có một khoảng thời gian nhất định mới giúp người đàn ông, đàn bà thêm tình cảm và kết nối. Tôi chưa bao giờ cảm thấy hai người yêu nhau cần phải dành nhiều thời gian cùng nhau trước khi kết hôn. Vì vậy khi nói đến hôn nhân, không phải là thời gian các bạn bên nhau bao lâu mà là chất lượng khoảng thời gian bên nhau đó. Ít nhất, đó là ý kiến của tôi. Mark, một chuyên gia tâm lý chia sẻ.
Ảnh: Thejollysailorsouthsea.
Tuy nhiên, tiến sĩ Shauna H. Springer (Trường đại học Florida, Mỹ) không đồng ý điều này. Trên trang Psychology Today, bà lập luận rằng sự hài lòng về nhau và bản tính nguyên thủy của một người sẽ được nhận ra theo thời gian.
Tiến sĩ Springer đã tham khảo thí nghiệm marshmallow nổi tiếng được thực hiện bởi Walter Mischel. Trong thí nghiệm, Mischel đã cho 600 trẻ từ 4 đến 6 tuổi ngồi trước một viên kẹo dẻo và phải trì hoãn sự thèm ăn 15 phút lần đầu và 20 phút lần sau. Số đông trẻ không thể và một số làm được điều này. Thí nghiệm theo sát đến khi những đứa trẻ trưởng thành và phát hiện ra những trẻ biết kìm hãm sự sung sướng là những trẻ thành công nhất.
Cứ cho là thí nghiệm liên quan trẻ em và kẹo dẻo có thể không phù hợp với hôn nhân và thời gian. Nhưng lập luận cơ bản về trì hoãn sự sung sướng áp dụng đúng cho cả hôn nhân.
Mặc dù mối quan hệ của hai người có thể rất tốt trong thời điểm này nhưng bạn không thể biết nó phai nhạt vào lúc khác. Thời gian trôi đi có thể không tăng cường mối quan hệ, nhưng nó sẽ cho phép bạn thấy rõ hơn những khiếm khuyết của nó.
Hầu hết các mối quan hệ đều trải qua một thời kỳ trăng mật. Trong thời gian này, bạn sẽ nghĩ rằng đã tìm thấy người tri kỷ của mình và hai người là định mệnh của nhau. Bạn sung sướng với điều đó.
Nhưng bạn cũng có thể sai.
Giai đoạn trăng mật có thể làm mờ mắt bạn. Springer miêu tả "sự mê đắm ban đầu như thuốc phiện". Khi bạn đang ở trong đó, bạn sẽ khao khát nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Nhưng khi mà sự mê đắm ban đầu bắt đầu phai mờ theo thời gian, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những điều bạn không biết từ trước.
Những thói quen của người bạn đời có thể bắt đầu làm phiền bạn. Bạn sẽ để ý nhiều hơn đến những cái này và soi mói họ, thậm chí bạn còn đặt câu hỏi sao trước đây bạn không nhận ra.
Khi điều này xảy ra sẽ nguy hại cho mối quan hệ. Bạn hoảng sợ. Bạn nhận ra rằng bạn đã cam kết với một người không phù hợp với mình. Bạn đang dồn tâm sức vào một điều bạn không thực sự muốn. Chính vì vậy, yêu nhau một thời gian trước khi quyết định tiến tới hôn nhân có thể giúp bạn giải quyết những bất đồng trên.
Theo Springer, con số hợp lý này là hai năm. Mặc dù không có quy tắc vàng hoặc thời gian cho các mối quan hệ hạnh phúc nhưng Springer giải thích rằng hai năm là khoảng thời gian đủ để có chúng ta có thể thực sự hiểu biết một người.
Điều đó nghĩa là, sau hai năm nếu bạn không cảm thấy thoải mái với một người nào đó, bạn có thể chờ đợi lâu hơn một chút hoặc nếu đã chắc chắn chuyện của mình không thể giải quyết bằng thời gian thì có thể chấm dứt.
Nếu bạn là kiểu người thường mắc lỗi, thì chờ đợi là lựa chọn tốt nhất cho bạn. Nhưng nếu bạn là một người bốc đồng, thích được học hỏi từ những sai lầm hơn là ngồi một chỗ đoán mò thì có thể yêu và cưới ngay. Điểm mấu chốt là không có câu trả lời đúng hoặc sai nên chờ đợi bao lâu trước kết hôn. Khi mà thời điểm đó đến, con tim bạn sẽ mách bảo.
Bảo Nhiên (Theo Elitedaily)