Dùng khoa học thần kinh để quên người yêu cũ

dung-khoa-hoc-than-kinh-de-quen-nguoi-yeu-cu

Cách làm tình yêu biến mất 

Khoa học thần kinh có thể giúp người ta nhanh chóng thoát khỏi lưới tình

Một bài báo trên NPR mô tả chi tiết những nỗ lực của ca sĩ nhạc rap Dessa dùng khoa học để quên người yêu cũ. Lấy cảm hứng từ bài nói chuyện TED Talk của nhà nhân chủng học-sinh học Helen Fisher, Dessa nói với NPR, cô đã sử dụng một kỹ thuật gọi là phản hồi thần kinh (neurofeedback), đo sóng não bằng cách sử dụng điện não đồ (EEG) và biến chúng thành hình ảnh hoặc âm thanh. Ý tưởng là bằng việc nhìn thấy hoặc nghe thấy những gì đang diễn ra trong bộ não của bạn, bạn có thể huấn luyện lại những suy nghĩ của mình. Trong bối cảnh của cuộc chia tay, bằng cách xóa bỏ những suy nghĩ không ngừng về người yêu cũ, bạn có thể tăng tốc quá trình quên đi người cũ.

Trong nhiều năm qua, các phòng khám đang cung cấp (phương pháp) phản hồi thần kinh để điều trị chứng lo âu, mất ngủ, đau đầu và một loạt than phiền khác trên khắp cả nước. Và đặc biệt đối với chuyện tan nát cõi lòng, ta dễ dàng nhận thấy điểm thu hút— khi bạn cảm thấy bất lực trước cảm xúc của chính mình, thật an ủi làm sao khi biết rằng có một quá trình, với sự hậu thuẫn của khoa học, có thể giúp bạn giành lại quyền kiểm soát.  

Theo Fisher, giám đốc khoa học của trang web về hẹn hò Match và tác giả cuốn sách Anatomy of Love: A Natural History of Mating, Marriage, and Why We Stray (Giải phẫu tình yêu), ý tưởng này có lý về mặt khoa học. Chí ít thì cũng có những bài học được rút ra từ việc hợp nhất nghiên cứu của bà về bộ não khi yêu với những khái niệm làm nền tảng cho phản hồi thần kinh: Cùng với nhau, hai ý tưởng này có thể đưa ra hướng dẫn cho những người mới quay lại tình trạng độc thân cách đẩy mạnh quá trình chữa lành trái tim tan nát-hậu chia tay, không cần thiết bị sóng não.

Để hiểu làm cách nào người ta có thể thoát khỏi lưới tình nhanh hơn, trước tiên chúng ta cần nắm được bộ não trông như thế nào khi đang yêu. Trong các nghiên cứu được nêu trong bài nói chuyện TED Talk của bà, một trong số chúng đã được công bố trên Tạp chí Journal of Comparative Neurology, Fisher đưa — 17 người đang quen người mới, 15 người gần đây bị từ chối tình cảm—vào một máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để quan sát các quá trình thần kinh của người rơi vào lưới tình và người thoát khỏi lưới tính.

Khi Fisher cho những người còn đang yêu trong máy fMRI xem những tấm ảnh về người đó, bộ não của họ phát sáng như cây thông Noel. “Chúng tôi đưa mọi người vào máy, và các kết quả thực sự khiến tôi bất ngờ,” bà nói. “Chúng tôi phát hiện ra khi họ xem một tấm ảnh của người họ yêu, vùng dưới đồi tiết ra dopamine” — chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến khoái lạc và phần thưởng—“và gửi nó đến nhiều vùng não bộ.”

“Hiểu được cách chúng ta yêu đương trên bình diện sinh lý không nhất thiết có nghĩa là chúng ta có thể kiểm soát được nó, mà nó hàm ý là ta có thể ảnh hưởng đến nó.”

“Bề ngoài của bộ não là vỏ não, nơi bạn suy nghĩ, đưa ra quyết định và bày mưu tính kế,” Fisher giải thích. “Rồi đến hệ viền, và nằm sâu bên dưới, ở đáy não, là chỗ cư ngụ của những bản năng của bạn: đói, khát, dục vọng.” Và xuống dưới đó, trong một khu vực được gọi là khu VTA (ventral tegmental area), là vùng dưới đồi — cái mà Fisher gọi là nhà máy sản xuất dopamine của não bộ.

“Dopamine được liên kết với những cảm giác hân hoan sung sướng, tâm trạng lâng lâng, những ham muốn, và suy nghĩ một cách ám ảnh,”bà nói. “Chúng đều là những đặc điểm cơ bản của tình yêu lãng mạn. Khi bạn bắt đầu say nắng ai đó, tất cả mọi thứ về họ đều đặc biệt. Căn nhà họ ở, khu phố họ sống, tất cả đều đặc biệt đối với bạn. Chúng là những thứ kích hoạt dopamine.” Sau khi bạn chia tay, những yếu tố gợi nhắc về người ấy kích hoạt phản ứng dopamine tương tự, khiến bạn càng khó mà quên họ.

Và đây là lúc mà phản hồi thần kinh nhập cuộc. Hiểu được cách chúng ta yêu đương trên bình diện sinh lý không nhất thiết có nghĩa là chúng ta có thể kiểm soát được nó, mà nó hàm ý là ta có thể ảnh hưởng đến nó. Bạn không thể buộc bản thân quên (người đó), nhưng khi đầu óc bạn cứ quay cuồng với những ý nghĩ về họ, bạn có thể chuyển hướng thứ hócmon phiền phức đó. Trong nghiên cứu của bà, Fisher quan sát thấy khi các đối tượng đang nằm trong cỗ máy fMRI dịch chuyển sự tập trung của họ đến một công việc không liên quan, vùng dưới đồi dịu xuống và ngừng tiết ra dopamine—cái chất khiến họ yêu đắm đuối, khó mà hành xử như bình thường hay nghĩ được chuyện gì khác ngoài người đó.

“Chúng tôi đưa ra một con số rất lớn—như 4,821 — trên màn hình và yêu cầu họ đếm ngược từ đó đến khoảng 12,” bà lý giải. “Nó buộc chức năng não bộ phải rời khỏi các vùng liên kết với tình yêu và đi vào những vùng não dành cho việc đếm ngược.”

Đó là tất cả những gì bạn cần biết để tự mình bắt chước thí nghiệm của Fisher. Đừng chỉ lên nhiều kế hoạch hơn với bạn bè hay có một thú vui mới; khi bạn thấy mình đang nghĩ về người cũ, hãy dừng lại ngay bằng cách làm một việc gì đó đòi hỏi sự tập trung chú ý của bạn—không cần biết nhiệm vụ ấy ngớ ngẩn ra sao.

“Bạn có thể nghĩ ra một trò tiêu khiển, một cách gây sao lãng để hướng chức năng não bộ của bạn ra khỏi cái phần sâu nhất của não,” Fisher nói. “Hãy đi thanh toán các hóa đơn, cân đối sổ sách chi tiêu của bạn, chơi Scrabble, học thuộc lòng một bài thơ, chơi Legos —hãy làm việc gì đó kích thích vỏ não của bạn.”

Điều này có hiệu quả nhất nếu bạn có thể tạo ra một môi trường không kích hoạt những ký ức mà bạn đang cố tránh. “Nếu bạn đang cai rượu, bạn sẽ không để một chai bourbon trên bàn của bạn,” Fisher cho biết. Tương tự thế, nếu bạn đang cố xoa dịu nỗi đau của cuộc chia tay, bạn có thể dễ dàng đánh lạc hướng bản thân hơn nếu bạn không bị bao quanh bởi những dấu vết của mối quan hệ. Ảnh, thư thoại, áo len cũ của người ấy— tất cả đều nên xóa hoặc loại bỏ. Vì những lý do tương tự, Fisher nói, giữ liên lạc với người cũ chỉ khiến nỗ lực đánh lạc hướng của bạn đổ sông đổ biển: “Đừng gọi điện, đừng viết, và đừng tìm cách làm bạn với họ trong vài năm.”

Nghe chừng bạn phải đổ cả núi công sức cho chuyện này, nhưng phải vậy thôi. Bạn càng nỗ lực, bạn sẽ càng ít tốn năng lượng tinh thần cho việc đắm chìm vào cuộc tình dĩ vãng. Và chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đánh lạc hướng bản thân đủ lâu, và chứng nghiện người cũ, hay chỉ là luôn nghĩ về mối quan hệ đổ vỡ, rốt cuộc sẽ phai nhòa.  

“Qua việc đưa những người từng bị từ chối tình cảm hay bị đá vào máy fMRI, chúng tôi phát hiện ra một điều hứa hẹn,” Fisher nói, “đó là sự gắn bó cuối cùng sẽ giảm đi. Rồi thời gian sẽ chữa lành bộ não.”



Nguồn: https://elemental.medium.com/you-can-force-yourself-to-fall-out-of-love-16c7a409909e

menu
menu