Làm sao để cấy ký ức giả vào đầu người khác

lam-sao-de-cay-ky-uc-gia-vao-dau-nguoi-khac

Làm sao để cấy ký ức giả vào đầu bạn của bạn, trong 4 bước

Thỉnh thoảng ai cũng thích mấy trò chơi khăm – giả sử trò đùa ấy không có ác ý hay quá nguy hiểm, thậm chí nạn nhân tội nghiệp của trò đùa cũng có thể đánh giá cao yếu tố hài hước của nó!

Tôi dám chắc là bạn cũng có những trò đùa yêu thích của mình: dán tiền lên vỉa hè, thả đầy bóng bay trong văn phòng của đồng nghiệp, dịch chuyển giường ngủ của bạn cùng phòng xuống tầng hầm...khi cậu ta đang ngủ trên giường.

Những trò nguy hiểm hơn có thể sẽ dùng đến đệm whoopee, hỗn hợp chất nôn giả, nhưng thành thật mà nói, mấy trò đó hơi quá trớn và thiếu chín chắn. Do đó, trong một nỗ lực nhằm nâng cao tiêu chuẩn của mấy trò chơi khăm, tôi muốn giới thiệu một trò đùa không sử dụng bom thối, mà là sử dụng khoa học.

Làm sao để cấy ký ức giả vào đầu bạn của bạn, trong 4 bước 

Trong The Demon-Haunted World, Carl Sagan cho rằng việc cấy những ký ức giả vào người khác không chỉ khả thi mà trên thực tế còn khá dễ dàng khi được thực hiện trong những bối cảnh phù hợp với một đối tượng nhẹ dạ cả tin. Ông đưa ra ví dụ về những người, dưới sự thuyết phục của nhà trị liệu tâm lý hoặc nhà thôi miên, đã bắt đầu tin rằng họ từng bị người ngoài hành tinh bắt cóc hoặc nhớ sai về chuyện bị bạo hành khi còn bé. Đối với những người này, sự khác biệt giữa ký ức và tưởng tượng trở nên mờ nhạt, và những sự kiện chưa từng xảy ra lại trở thành những ký ức của họ như những sự kiện có thật. Thậm chí họ còn có thể mô tả lại những ký ức sai này một cách cực kỳ sống động– cứ như thể chúng thực sự đã xảy ra!

"Ký ức có thể bị làm hỏng," Sagan viết. "Những ký ức giả có thể được cấy ghép vào đầu óc những người không xem bản thân họ là yếu kém và mù quáng."

Hiểu biết sâu sắc của Sagan mang đến một bước chuyển đến bước đầu tiên trong âm mưu cấy ghép một ký ức của chúng tôi: bạn của bạn-- hiển nhiên bạn ấy là người trung thực, hài hước, hay giúp đỡ, và thông minh -- nhưng có lẽ không sở hữu một bộ óc sắc bén và bất khả chiến bại. Do đó, bước đầu tiên là chọn một người trong số những người bạn của bạn, mà theo sự đánh giá của bạn, "dễ bị ám thị." Lưu ý là bạn phải chơi với người bạn này trong ít nhất 5 năm, và từng chia ngọt sẻ bùi với anh/cô ấy. Điều đó sẽ giúp tăng tính đáng tin và tỷ lệ thành công của bạn.

Khi bạn đã chọn được mục tiêu của mình, bước tiếp theo và có thể là bước quan trọng nhất là bịa đặt ra một ký ức. Ký ức giả phải “đã xảy ra” ít nhất 1 năm trong quá khứ, không quá phức tạp và không phải là một việc gì đó có thể gây ra những cảm xúc mãnh liệt.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rất dễ khiến con người nhớ sai những chi tiết nhỏ về sự kiện nào đó, nhưng khi các ký ức giả phát triển trong bối cảnh phức tạp và có nét đặc trưng, thì việc cấy ghép ký ức sẽ ngày càng khó hơn, dù không phải là không làm được. Sau 3 cuộc phỏng vấn, các nhà nghiên cứu ở trường đại học Western Washington University đã thành công trong việc khiến cho các đối tượng nhớ lại những chi tiết như vô tình làm đổ bát đồ uống lên người cha mẹ cô dâu tại tiệc cưới. Theo mô tả của nhà tâm lý học Đại học Washington Elizabeth Loftus trong một bài viết năm 1997 cho Scientific American:

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, một người tham gia, khi được hỏi về sự kiện đám cưới giả, đã tuyên bố: “Tôi không biết. Tôi chưa từng nghe về điều đó trước đây.” Trong cuộc phỏng vấn thứ hai, người tham gia nói: “Đó là tiệc cưới ngoài trời và tôi nghĩ là bọn tôi đã chạy loanh quanh khắp nơi và làm rơi vỡ thứ gì đó, kiểu như bát đựng đồ uống hay đại loại thế và um để lại một đống hỗn độn và tất nhiên bị ăn chửi.”

Cảm xúc có xu hướng làm cho mọi người nhớ các sự kiện liên quan một cách sinh động hơn. (Chẳng hạn, bạn có thể nhớ lại mình đang ở đâu và làm gì trong khoảng thời gian xảy ra sự kiện gây sang chấn tâm lý.) Bởi thế, đối tượng của bạn có thể không đời nào chấp nhận một ký ức giả nếu bạn bảo với anh/cô ấy rằng họ đã trải qua một chuyện gì đó gây cảm xúc tột độ. Năm 1999, các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia đã thành công trong việc thuyết phục 26% đối tượng của họ rằng họ từng là nạn nhân của một vụ tấn công động vật dã mãn thời thơ ấu, nhưng các phương pháp tinh vi của nhóm nghiên cứu có lẽ sẽ không áp dụng vào bối cảnh một trò chơi khăm.

Chọn một ký ức thời thơ ấu sẽ cho bạn tỷ lệ thành công cao nhất.

Bạn sẽ dễ dàng cấy ghép một điều gì đó được cho là đã xảy ra từ rất lâu trong quá khứ rồi. Vì đây chỉ là một trò chơi khăm thôi nên tôi khuyên bạn hãy tạo ra một ký ức giả có tính hài hước và không có nguy cơ để lại vết thương lòng suốt đời.

Nếu bạn muốn nhiều thách thức hơn, hãy thử cấy một ký ức được cho là mới xảy ra gần đây. Chẳng hạn, bạn có thể dựng lên một tình huống tại quầy bar mà ở đó bạn đã mua cho bạn mình nhiều đồ uống và anh/cô ấy chưa có gửi tiền cho bạn. Bằng cách đó, nếu bạn thành công thì bạn sẽ kiếm được chút tiền từ trò này (…tất nhiên bạn sẽ trả lại tiền cho họ khi bạn tiết lộ mánh khóe lừa bịp của bạn).

Khi đã chọn lựa ký ức và đối tượng, nhiệm vụ thứ ba của bạn là chuẩn bị. Bạn sẽ cần chuẩn bị vài thứ nếu muốn trò chơi khăm của bạn có cơ hội thành công. Trước hết, bạn sẽ cần xây dựng một số chi tiết xung quanh ký ức giả. Càng chi tiết, cụ thể càng tốt. Bạn của bạn mặc đồ gì? Những tình tiết nào dẫn đến sự kiện đó? Bối cảnh trông ra sao? Những ai có mặt ở đó?

Nếu bạn có kỹ năng chỉnh sửa hình ảnh, bạn cũng có thể thử chỉnh sửa cho một tấm ảnh. Vào năm 2002, các nhà tâm lý đã cho 20 đối tượng tiếp xúc với một sự kiện giả thời thơ ấu bằng cách sử dụng một tấm ảnh giả. Qua ba cuộc phỏng vấn, các đối tượng được hướng dẫn hãy nghĩ về bức ảnh, cho thấy họ đang ngồi trên một khinh khí cầu, và được làm cho nhớ lại về sự kiện bằng các bài tập chỉ dẫn-hình ảnh. Khi kết thúc nghiên cứu, 50% số đối tượng đã bịa ra những ký ức sai hoàn toàn hoặc một phần ký ức sai!

Bạn cũng sẽ cần đến các nhân chứng; càng nhiều càng tốt. Sức mạnh của bằng chứng/nhân chứng trong việc cấy ghép các ký ức giả đã được chứng minh vào những năm 1990 bởi các nhà nghiên cứu ở đại học Williams College. Trong nghiên cứu của họ, những người tham gia đã bị buộc tội oan là làm cho máy tính bị sự cố do bấm nhầm bàn phím. Theo Loftus:

"Những người tham gia vô tội ban đầu phủ nhận cáo buộc, nhưng khi một liên minh những người đồng mưu nói rằng cô ấy đã nhìn thấy họ thực hiện thao tác, nhiều người tham gia đã ký vào đơn tự thú, mặc cảm tội lỗi vì hành động này và tiếp tục đưa ra các chi tiết phù hợp với niềm tin đó. "

Bây giờ, bạn đã sẵn sàng để thực thi kế hoạch của bạn. Khi bạn bắt đầu làm, hãy kiên trì. Ký ức có thể không cấy vào đầu ngay lập tức; bạn có lẽ cần phải nhắc lại nó nhiều lần trong suốt nhiều ngày hoặc thậm chí vài tuần. Thêm vào đó, đừng ngại sử dụng áp lực của bạn bè . Bạn và đồng bọn có thể dùng những cụm từ như sau:

"Thật à? Cậu không nhớ chuyện đó sao?"

"Bớt giỡn đi? Cậu đã ở đó mà!"

"Trí nhớ của cậu tệ quá!"

Trí nhớ không cố định một chỗ. Nó thường xuyên thay đổi và dễ dàng bị giả mạo, bị sửa đổi; một tấm chăn chắp vá có thể bị xé rách, cắt nát và khôi phục lại.

"Có lẽ những gì chúng ta thực sự nhớ," Carl Sagan nói, "là một tập hợp các mảnh ký ức được khâu trên một tấm vải do chúng ta nghĩ ra. Nếu chúng ta may đủ khéo léo, chúng ta có thể tạo cho mình một câu chuyện không thể quên được và dễ nhớ lại."

Tuy nhiên, việc cấy một ký ức sai vào một người và khiến cho họ hoàn toàn tin vào ký ức đó, đặc biệt khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Ngay cả trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu chỉ thành công chưa đến một nửa số trường hợp

…nhưng nó có thể thực hiện được. Vì vậy các bạn của tôi ơi, hãy cứ may đi. Khâu đi. 

 

Tác giả: Steven Ross Pomeroy

https://blogs.scientificamerican.com/guest-blog/how-to-instill-false-memories/

menu
menu