Nguyên lý của sự thấu cảm

nguyen-ly-cua-su-thau-cam

Sự thấu cảm phụ thuộc vào một lý trí tỉnh táo cũng như một trái tim nồng nhiệt.

Sherlock đã đúng - một nghiên cứu mới cho thấy khi nhìn nhận sự việc từ vị trí của người khác ta sẽ có một óc phán đoán độc lập chứ không chỉ có một trái tim nồng nhiệt.

Điều đầu tiên bạn nghĩ tới là gì khi nghe đến Sherlock Holmes? Có thể là chiếc mũ thợ săn, cái tẩu thuốc hoặc một cái violin, hay những tội ác bí ẩn trên các đường phố sương mù ở London. Rất có thể không phải là trái tim bao la ấm áp và bản tính hào phóng của ông. Trên thực tế, có thể bạn nghĩ ông là một người lạnh lùng - người mà sẽ nói với người bạn thân nhất đang chìm đắm trong tình yêu rằng ‘đó là một thứ cảm xúc và bất cứ điều gì là cảm xúc đều đối lập với lý trí tỉnh táo mà tôi cho là quan trọng hơn tất cả’. Có lẽ bạn có thể bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm phóng tác gần đây, đã đi quá xa trong việc coi Holmes là một người ‘rối loạn nhân cách’.

Có đúng là Holmes không hề có sự thấu cảm (empathy)? Hay ông ta là người như nào?

Hãy trở về thời điểm trong truyện ‘Ngọn lửa bạc’ (năm 1892), câu chuyện về những chú ngựa đua dũng cảm đã biến mất và huấn luyện viên của chúng được tìm thấy đã chết chỉ vài ngày trước một cuộc đua lớn. Cảnh sát rất bối rối và Sherlock Holmes được gọi đến để tìm ra nguyên nhân. Ông đã tìm ra nguyên nhân bằng cách đặt mình vào vị trí của cả huấn luyện viên đã chết và những con ngựa bị mất tích. Holmes phỏng đoán rằng ngựa là 'một sinh vật rất thích giao du’. Giả định rằng khi không có huấn luyện viên đám ngựa có thể chạy đến thị trấn gần nhất, ông đã tìm thấy dấu vết của những con ngựa, ông bảo bác sỹ Watson dẫn ông tới đó. ‘Hãy xem giá trị của trí tưởng tượng ... Chúng ta tưởng tượng ra những gì có thể đã xảy ra, hành động theo giả thiết đó và sau đó kiểm nghiệm giả thiết.’

Holmes có một trí tưởng tượng quá xuất sắc, không chỉ đặt bản thân vào vị trí của một người, mà còn đặt mình vào vị trí của loại động vật. Cách đặt mình vào vị trí của người/vật khác để có thể nhìn thế giới từ quan điểm của người khác là một trong những yếu tố trung tâm của sự thấu cảm mà Holmes đã nâng lên thành nghệ thuật.

Thông thường, khi chúng ta nghĩ về sự thấu cảm, nó gợi lên cảm giác ấm áp và thoải mái, trở về bản chất là một hiện tượng cảm xúc. Nhưng có lẽ sự hiểu biết của chúng ta về sự thấu cảm là không đủ. Giá trị của sự thấu cảm cũng có thể không thật như "giá trị của trí tưởng tượng" mà Holmes sử dụng trong việc tìm hiểu cảm xúc của người khác. Có lẽ sự duy lý lạnh lùng của Sherlock Holmes giúp chúng ta xem xét lại định kiến của chúng ta về định nghĩa và tác dụng của sự thấu cảm.

Mặc dù các tài liệu khoa học về sự thấu cảm rất phức tạp, một đánh giá gần đây trên tạp chí Nature Neuroscience bởi một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard và Columbia, bao gồm Jamil Zaki và Kevin Ochsner đã phân chia hiện tượng này thành ba giai đoạn trung tâm. Giai đoạn đầu tiên là "chia sẻ trải nghiệm", hoặc cảm nhận những cảm xúc của người khác như thể chúng là của mình - sợ hãi khi họ sợ hãi, hạnh phúc khi họ hạnh phúc v.v. Giai đoạn thứ hai là 'ý thức' tức là xem xét những cảm xúc và nguyên nhân dẫn đến cảm xúc đấy một cách có ý thức và cố gắng hiểu chúng. Giai đoạn cuối cùng là ‘quan tâm đến xã hội’ hay bị thúc đẩy hành động - ví dụ, muốn tiếp cận với sự đau đớn của người khác. Tuy nhiên, bạn không cần có tất cả ba điều này cùng một lúc để trải nghiệm sự thấu cảm. Thay vào đó, bạn có thể xem chúng là ba điểm trong quá trình thấu cảm: đầu tiên, bạn cảm nhận; sau đó, bạn cảm nhận và bạn hiểu; cuối cùng, bạn cảm nhận, hiểu và bắt buộc phải hành động dựa trên sự hiểu biết của bạn. Có vẻ như điều chắc chắn ở đây là tất cả các giai đoạn đều phải có ‘sự cảm nhận’.

'Cảm xúc là đối lập với lý luận khoa học.

Tôi thề với bạn rằng người phụ nữ quyến rũ nhất

mà tôi từng biết đã bị treo cổ vì đầu độc ba đứa trẻ.'

‘Sự cảm thông’ có lịch sử lâu đời - trong tiếng Hy Lạp cổ đại, sympatheia có nghĩa đen là ‘với sự đau khổ' – nhưng từ ' thấu cảm' mới chỉ được sử dụng phổ biến trong thời hiện đại. Từ này được đưa ra bởi các nhà tâm lý học nhận thức người Anh Edward Titchener vào cuối năm 1909, ông viết rằng “Không chỉ làm tôi thấy sự hấp dẫn và sự khiêm tốn và lòng tự hào và sự nhã nhặn và sự ổn định, mà tôi cảm thấy hoặc thực hành nó trong tâm trí”. Đối với Titchener, sự thấu cảm là một loại ‘cảm nhận’ trạng thái cảm xúc của người khác.

Ngay sau đó, từ này đã được sử dụng bởi các nhà tâm lý trị liệu tâm thần như Carl Rogers, một nhà tâm lý học người Mỹ và là người sáng lập ra cách tiếp cận nhân văn, người đã viết trong cuốn sách Client-centred Therapy (1951) của ông rằng những nhà trị liệu cần ‘sống với cuộc sống của người khác’. Nhưng trong khi thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi gần đây – năm 1984 nhà phân tâm học Stanley Olinick gọi nó là một ‘từ thịnh hành’ - nó tồn tại trong một khoảng thời gian dài tương đối vô định; linh hoạt trong định nghĩa và cách sử dụng.

Năm 1986, nhà tâm lý học Lauren Wispé cố gắng để tóm tắt lại khái niệm sự thấu cảm một cách có hệ thống. Bà viết ‘tất nhiên, câu hỏi quan trọng là tại sao con người lại bị thôi thúc có sự cảm thông hay sự thấu cảm, dưới những điều kiện gì và cho ai’. Mặc dù cam kết có một cái nhìn mới, khách quan đối với khái niệm này, bà định nghĩa sự thấu cảm ban đầu dựa trên một cảm giác, một sự ép buộc: chúng ta bị thôi thúc, dưới những điều kiện thích hợp và với những người thích hợp ngay trong tầm tay. Khả năng chúng ta có thể không bị thôi thúc, thay vào đó chúng ta có thể chọn để suy nghĩ và hành động vì lợi ích của người khác mà không có sự thúc đẩy của yếu tố cảm xúc, không được xem xét đến.

Nhưng điều này có nhất thiết là chính xác? Cơ sở của sự thấu cảm là có thể nhìn sự việc từ vị trí của người khác. Thấu cảm cho phép chúng ta ‘tiến một bước dài bằng đôi chân của người khác’, nhìn thế giới qua con mắt của người khác hoặc bất kỳ một khẩu hiệu sáo rỗng nào khác. Nhưng quan điểm kiểu như đứng ở vị trí của người khác để cảm nhận nỗi đau của họ dường như quá thiên về cảm xúc, đôi khi nó thực sự không cần thiết. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, có những lúc việc quá xúc động thực sự bóp nghẹt khả năng thấu cảm của chúng ta.

Bạn có tưởng tượng ra được một tính cách vô cùng thấu cảm - nhưng hoàn toàn không cảm xúc? Tôi nghĩ rằng, chỉ có thể là một người hoàn toàn không có cảm xúc như tôi đã nhắc đến ở trên: Sherlock Holmes, nhân vật thám tử vĩ đại nhất thế giới. Holmes lạnh lùng và logic. Holmes độc lập. Như ông giải thích khi Watson nhận xét về sự hấp dẫn và thánh thiện của một phụ nữ trẻ, ‘Điều quan trọng nhất là không cho phép phán đoán của bạn bị ảnh hưởng bởi những đặc điểm cá nhân’. Ông giải thích tầm quan trọng của việc loại bỏ những cảm xúc riêng của bản thân ra khỏi sự tính toán của ông : ‘Đối với tôi khách hàng là một đơn vị đơn thuần, là một yếu tố trong một vấn đề. Những yếu tố cảm xúc đối lập lý luận chặt chẽ. Tôi thề với bạn rằng người phụ nữ quyến rũ nhất mà tôi từng biết đã bị treo cổ vì đầu độc ba đứa con để lấy tiền bảo hiểm và người đàn ông khó chịu nhất trong số người quen của tôi là một nhà từ thiện đã dành gần một phần tư triệu bảng cho người nghèo ở London’.

Dường như Holmes là một cái máy giải quyết vấn đề chứ không phải là một con người. Nhưng ông cũng là một người có trí sáng tạo không tưởng. Ông không dừng lại ở bề nổi của sự kiện. Ông đưa ra nhiều khả năng, vẽ ra nhiều tuyến đường khác nhau, liên tục lắp ráp những sự kiện thực tế vào để tìm ra phương án đúng nhất. Cách thức của ông đối lập với kiểu lập luận theo một đường thẳng. Nếu ông chỉ có một cách tiếp cận thì ông cũng không thể giỏi hơn thanh tra Lestrade hay thám tử Gregson - những người của sở cảnh sát Scotland Yard chỉ luôn theo một lối mòn lập luận mà không có trí tưởng tượng.

Khi loại bỏ cảm xúc trong sự thấu cảm của mình, Holmes thực sự làm cho nó mạnh hơn:

một ý thức hợp lý, chứ không phải một sự xúc động phù phiếm.

Trên thực tế, sự thành công của ông bắt nguồn từ tư duy tưởng tượng phong phú, khả năng đưa ra các giả thuyết như thể ông có mặt tại hiện trường. Trong cuốn Thung lũng khủng khiếp (năm 1915), truyện về Sherlock Holmes cuối cùng của Conan Doyle, trong đó thanh tra MacDonald, hay Mac như Holmes trìu mến gọi ông, lúng túng với những sự chỉ dẫn rõ ràng - tìm kiếm một người đi xe đạp bị mất tích, theo dõi các khách sạn và các nhà ga, nói chung là làm mọi thứ một thám tử nhiệt tình có thể làm. Thay vào đó Holmes yêu cầu ở một đêm trong căn phòng xảy ra vụ án. Tại sao? Mơ màng trong bầu không khí tội ác xảy ra giúp ông nhìn thấy thế giới như tên tội phạm đã thấy, để suy nghĩ xem liệu tên tội phạm đã làm gì. Trí tưởng tượng là trung tâm trong năng lực suy luận của ông.

Holmes là chuyên gia trong việc thực hiện bước đầu của sự thấu cảm – nhìn thế giới từ vị trí của người khác. Ông có khả năng thấu hiểu bản chất bên trong của con người, xem xét và phân tích bản chất đó và bày tỏ những mối quan tâm đến xã hội. Trên thực tế, ông là bậc thầy trong việc này. Vào cuối truyện ‘Chàng quý tộc độc thân’ (năm 1892), chính Holmes chứ không phải Watson hiểu rõ nhất động cơ của người kỵ sĩ. Watson nhận xét châm biếm rằng ‘hành vi của anh ta không nhã nhặn’. Holmes trả lời với một nụ cười: “Ah, Watson, có lẽ anh cũng sẽ không nhã nhặn được nếu anh bị cướp mất vợ và tài sản sau tất cả những rắc rối của việc tán tỉnh và cưới xin. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cám ơn chúa vì chúng ta sẽ không bao giờ ở trong hoàn cảnh tương tự”.

Holmes chắc chắn sẽ lấy lý lẽ rằng việc không có cảm xúc giúp ông tự do phán đoán mà không định kiến. Theo một nghiên cứu gần đây thì điều này là đúng. Hầu hết chúng ta bắt đầu nhìn nhận sự việc một cách khá ích kỷ/chủ quan: chúng ta nhận thức sự việc như chúng ta nhìn thấy và sau đó chúng ta khái quát quan điểm của mình, áp đặt lên cả những sự việc khác. Nhưng chúng ta lại không giỏi trong việc này. Khái niệm ‘sự tham chiếu và điều chỉnh chủ quan’ đã được nghiên cứu rộng rãi bởi các nhà tâm lý học Nicholas Epley của Đại học Chicago và Thomas Gilovich của Đại học Cornell. Ngay cả khi chúng ta biết rằng lý lịch người khác không giống chúng ta và chúng ta nên thận trọng với các giả định rằng mình có thể hiểu được hoàn cảnh của họ như thể mình cũng ở trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta vẫn không thể thoát khỏi những định kiến ​​của bản thân trong việc đánh giá người khác. Chúng ta càng được rèn luyện nhiều về tinh thần thì chúng ta càng trở nên tệ hơn trong việc điều chỉnh quan điểm chủ quan của mình sao cho phù hợp với cái nhìn của người khác đối với thế giới. Gilovich gọi điều này là 'thoả mãn'. Chúng ta không làm được gì nhiều để điều chỉnh quan điểm của chúng ta phù hợp với quan điểm của người khác. Chúng ta hài lòng với những thứ gần đủ. Có lẽ hệ thống thần kinh của chúng ta có thể phản ánh sự đau khổ của người khá nhưng phần lớn chỉ vì chúng ta lo lắng việc chúng ta sẽ cảm thấy thế nào.

Nhưng Holmes thì không như vậy. Bởi vì ông đã rèn luyện vất vả để giảm những cảm xúc bột phát ban đầu đối với mọi người, ông hoàn thiện sự điều chỉnh của mình, có khả năng suy đoán ra sự thật từ những hoàn cảnh khác nhau. Từ đó ông trở nên ít chủ quan hơn, phản ánh chính xác hơn những gì mà người khác nghĩ và trải qua tại một thời điểm nhất định.

Holmes gần như đọc được chính xác tính cách của người khác, ý tưởng bất chợt của họ, động cơ của họ và cảm xúc bên trong của họ. Ông cố gắng hiểu rõ và mở lòng đối với tất cả những dấu hiệu ông bắt gặp. Như ông đã viết trong bài luận của mình về sự quan sát: ‘Con người bộc lộ tính cách qua đặc điểm của móng tay, cổ áo, giầy, đầu gối quần, chai ở ngón trỏ và ngón cái, sự lúng túng hay cổ tay áo sơ mi’. Trong nỗ lực của chúng ta để hiểu người khác, chúng ta thường xem nhẹ những chi tiết vụn vặt - tại sao lại bận tâm tới những điều nhỏ nhặt như vậy trong khi đang cần tìm hiểu về cảm xúc, tình cảm, cuộc sống? Nhưng bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt, chúng ta bỏ lỡ những bằng chứng quan trọng. Chúng ta bỏ lỡ những dấu hiệu của sự khác biệt có nghĩa là chúng ta đã không xem xét kỹ tình huống. Chúng ta bỏ mất nền tảng của trí tưởng tượng trong tương lai. Chúng ta sẽ trở nên thấu cảm nhiều hơn hay ít hơn khi làm như vậy? Sự thấu cảm dường như không chỉ đơn giản là cảm xúc vội vã, nếu chỉ như vậy thì nó không phải là một thước đo hoàn toàn đáng tin cậy đối với thế giới nội tâm của người khác.

Simon Baron-Cohen, giáo sư về sự phát triển của rối loạn tâm lý tại Oxford và nổi tiếng với công trình về tự kỷ, đã phân biệt giữa hai yếu tố của sự thấu cảm. Sự thấu cảm về tình cảm, đó là thành phần cảm xúc. Và có sự thấu cảm về nhận thức, hay khả năng suy nghĩ như đặt mình ở vị trí của người khác. Dựa trên việc có một lý thuyết hữu ích về tâm lý, sự thấu cảm về nhận thức cung cấp một đối trọng quan trọng với cảm xúc. Nhưng có phải cả hai yếu tố này luôn đi cùng nhau? Chúng ta có thể tin vào việc chỉ hoàn toàn là sự thấu cảm về nhận thức chứ không có một chút cảm xúc nào?

Câu hỏi này không mới. Năm 1963 trong nghiên cứu về sự thấu cảm và thứ tự phát sinh, các nhà tâm lý học Ezra Stotland và Robert Dunn đã phân biệt "tính logic" và "tính cảm xúc" của sự thấu cảm với những người giống nhau và khác nhau. Trước tiên là thực hành để đạt được quan điểm về nhận thức, sau đó là sự lan truyền của những cảm xúc phi lý. Gần đây hơn, Baron-Cohen đã nhận xét rằng, một vài người có chứng rối loạn tự kỷ có thể không hiểu hoặc không có ý thức, nhưng họ hoàn toàn có khả năng thấu cảm (về mặt cảm xúc) khi trạng thái cảm xúc của người khác xuất hiện rõ ràng trước họ - đây là một dấu hiệu chỉ ra rằng dường như hai yếu tố nhận thức và cảm xúc có phần độc lập.

Sự thấu cảm và sự sáng tạo có chung một đặc điểm rất quan trọng:

đó là chúng ta cần phải bỏ qua quan điểm của bản thân chúng ta.

Những nghiên cứu sinh lý dường như cũng chỉ ra điều này. Trong năm 2009, một nhóm các nhà tâm lý học từ trường Đại học Haifa nhận thấy những bệnh nhân có tổn thương não trước giữa trán thể hiện việc thiếu sự thấu cảm về nhận thức và lý thuyết tâm lý - đó là cạnh nhận thức của sự thấu cảm - trong khi họ vẫn có khả năng thấu cảm về cảm xúc và nhận biết cảm xúc. Ngược lại, những bệnh nhân có tổn thương ở các nếp của bộ não phần dưới trước trán có biểu hiện thiếu sự thấu cảm về mặt cảm xúc và sự nhận biết cảm xúc - nhưng sự thấu cảm về nhận thức của họ vẫn như người bình thường. Vậy có đúng là mỗi nhóm người này đồng cảm theo cách riêng của họ - một theo cảm xúc và một theo nhận thức?

Đối với hầu hết chúng ta, sự phân biệt giữa khía cạnh nhận thức và cảm xúc của sự thấu cảm dường như không quá rõ. Ngay cả trong trường hợp của Holmes: Conan Doyle là nhanh chóng cho chúng ta thấy rằng người hùng của ông cũng có sự thương cảm riêng, nhưng chúng được kiểm soát tốt, thậm chí dấu đi. Holmes cũng sẵn sàng bao che cho một tên tội phạm có mục đích tốt, ông nói rằng: “Tôi thà làm trái với luật pháp của nước Anh còn hơn với lương tâm của tôi" Và tình bạn của ông với Watson đôi khi làm ông mất vẻ lạnh lùng bề ngoài. “Anh không bị thương chứ, Watson? Vì Chúa, hãy nói rằng anh không bị thương!”. Ông kêu lên trong một lần hiếm hoi không kiềm chế được cảm xúc khi người bạn của mình bị bắn trong tập truyện ‘Ba người họ Garridebs’ (1924).

Không phải là Holmes không có cảm xúc thấu cảm, mà ông không cho phép chúng điều khiển hành động của mình. Thay vào đó, ông chỉ hành động khi nhận thức đồng tình với cảm xúc. Và nếu không? Cảm xúc sẽ bị bác bỏ. Nó không phải là về cảm xúc của Holmes mà về sự nắm bắt vấn đề, các giả thuyết về các khả năng có thể xảy ra là gốc rễ của trí tưởng tượng. Nói ngắn gọn, nó là về sự sáng tạo xuất phát từ tâm trí của riêng bạn - bất kể động lực đằng sau là gì thì nó vẫn xảy ra. Khi loại bỏ cảm xúc trong sự thấu cảm của mình, Holmes thực sự làm cho nó mạnh hơn: một ý thức hợp lý, chứ không phải một sự xúc động phù phiếm. Như Watson nhận xét: ‘Một ít bụi trong nhạc cụ, hay một vết nứt trong ống kính của Holmes, cũng sẽ không gây xáo trộn hơn một cảm xúc mạnh mẽ trong bản chất của ông’.

Khi nói về sự thấu cảm, những nhà tâm lý học như Daniel Batson, giáo sư tâm lý học xã hội tại Đại học Kansas và Frans de Waal, giáo sư về hành vi của động vật linh trưởng tại trường Đại học Emory, đã viện dẫn giá trị tiến hóa của nó như là một kỹ năng xã hội của động vật, cho dù là con người hay không. Cái gọi là tế bào thần kinh gương - động cơ tạo ra sự bắt chước ngay lập tức trong não của chúng ta khi chúng ta quan sát một người nào đó làm hay trải qua một cái gì đó - có vẻ chỉ ra nguồn gốc tiến hóa sâu xa của sự thấu cảm. Chúng ta không chỉ bắt chước lại những gì người khác làm, mà việc phản chiếu như vậy cũng giúp tương tác xã hội thông suốt, giúp chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, và giúp chúng ta vượt qua những chướng ngại vật mà cản trở tính xã hội nếu chúng ta không có một khuynh hướng ủng hộ xã hội mạnh mẽ.

Nhưng phần nhận thức của sự thấu cảm hay lý thuyết về lý trí có tiến hóa giống như vậy không? Khả năng nhìn thế giới qua con mắt của người khác, để trải nghiệm mọi thứ một cách gián tiếp, ở nhiều cấp độ, là sự rèn luyện cho trí tưởng tượng kỳ diệu và đó là lý do cho phép Holmes có thể giải quyết hầu hết các vụ án, Einstein có thể tưởng tượng ra một thực tế không giống như bất kỳ cái gì chúng ta đã trải qua trước đây, và Picasso đã sáng tạo nghệ thuật khác với bất kỳ quan niệm nào về nghệ thuật trước đây.

Có một bước nhảy vọt về nhận thức sâu sắc mà chúng ta có thể thực hiện. Bắt đầu với tính vị kỷ và suy nghĩ thế giới như thể chỉ có bản thân mình. Nó đặt sự tập trung vào người khác và thế giới sinh ra là vì những người khác. Tách cảm xúc ra khỏi sự thấu cảm và bạn sẽ có khả năng phát triển lý luận logic và tư duy sáng tạo. Sự thấu cảm và sự sáng tạo có chung một đặc điểm rất quan trọng: đó là chúng ta cần phải bỏ qua quan điểm của bản thân chúng ta. Chúng ta phải nhìn thấy những khả năng có thể xảy ra chứ không chỉ nhìn sự việc trước mắt. Khả năng này sẽ được phát triển vượt xa thực tế đơn giản rằng một số tế bào thần kinh của chúng ta được kích hoạt khi chúng ta nhìn thấy một ai đó đau khổ - hoặc chúng ta cảm thấy cần phải giúp đỡ khi chúng ta động lòng với một người khác, là người thật hay nhân vật hư cấu.

Có lẽ không nên hoàn toàn loại bỏ yếu tố cảm xúc ra khỏi sự thấu cảm vì cảm xúc có thể phát triển thành một yếu tố thiết yếu trong sự sáng tạo và giải quyết vấn đề. Các yếu tố cảm xúc trong sự thấu cảm bản thân nó cũng có sự hạn chế. Nó thường chọn lọc và định kiến - chúng ta có xu hướng cảm thông hơn với những người mà chúng ta biết hoặc thấy họ giống chúng ta, hoặc chỉ đơn giản là khi chúng ta có đầu óc để bận tâm đến người khác. Sự thấu cảm có thể trở nên mạnh hơn và sáng tạo hơn trong hình thái nhận thức khi nó độc lập với bối cảnh và sự xúc động.

Sherlock Holmes có thể được mô tả như là người rất lạnh lùng, đó là sự thật. Nhưng bạn muốn ai đứng về phía bạn khi nói đến việc được đưa ra một tiếng nói công bằng, để được giúp đỡ khi sự giúp đỡ thật sự cần thiết, để biết rằng ai đó sẽ vượt ra ngoài tiếng gọi của trách nhiệm vì lợi ích của bạn, bất kể bạn là ai hay bạn làm gì? Tôi sẽ chọn một người có cái đầu lạnh như Holmes, người hiểu được những giới hạn của tình cảm con người, và người tìm cách ‘đại diện cho công lý’ bằng tất cả sức mạnh của ông.

 

Ảnh: William Powell (left) and John Barrymore as the title character in Sherlock Holmes, a 1922 silent film. Photo by John Springer Collection/Corbis

Dịch: Cao Hằng

Nguồn:  https://aeon.co/essays/empathy-depends-on-a-cool-head-as-much-as-a-warm-heart

menu
menu