Quyển sách buồn của Michael Rosen

quyen-sach-buon-cua-michael-rosen

“Đôi khi tôi buồn mà không biết vì sao tôi buồn. Nó như một đám mây chợt đến và bao phủ quanh tôi.”

“Đôi khi tôi buồn mà không biết vì sao tôi buồn. Nó như một đám mây chợt đến và bao phủ quanh tôi.”

“Nỗi buồn, khi nó tới, nó không như những gì ta dự đoán”, Joan Didion đã viết như vậy sau khi mất đi tình yêu của cuộc đời mình. “Những người ta yêu nhất trở thành một phần trong ta”, đó là nhìn nhận của Meghan O’Rourke trong bài luận văn tuyệt hảo về sự mất mát, “ăn sâu vào khớp thần kinh, trên con đường tạo nên ký ức.” Những khía cạnh không ngờ của nỗi buồn và vết tích tình yêu là điều mà nhà văn, nhà thơ thiếu nhi nổi tiếng người Anh phải đối mặt khi người con trai mười tám tuổi của ông Eddie đột ngột qua đời vì bệnh viêm màng não. Đau buồn vô hạn, năm năm sau đó Rosen bắt đầu đi sâu vào những đặc điểm, tính chất nổi bật và thâm sâu nhất của nỗi buồn trong Quyển sách buồn của Michael Rosen (Michael Rosen’s Sad Book) – một trong những quyển sách thiếu nhi về sự mất mát hay nhất, được minh họa bởi không ai khác ngoài Quentin Blake tài hoa.

Với sự tinh tế trong cảm xúc, Rosen đi qua từng lớp từng lớp nỗi buồn, mở ra một sắc thái khác của nỗi buồn – nỗi buồn chợt đến khi bạn đi trên đường, nỗi buồn lởn vởn như một tấm phông nền trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất, nỗi buồn bao trùm bạn như tấm khăn mà bạn không hể cởi ra ngay cả khi đi tắm.

Điều nổi bật trong quyển sách là nghịch lý trung tâm trong trải nghiệm của con người – nhận thức về việc trái tim chứa đựng được bao nhiêu tình yêu thì cũng sẽ chịu đựng bấy nhiêu đau khổ, nhưng ta vẫn cứ yêu và bằng một cách nào đó nhận ra những mảnh vỡ tình yêu cũng nằm lẫn trong đống hoang tàn của sự mất mát.

Đây là tôi khi buồn.
Có thể bạn nghĩ tôi đang vui trong bức hình này.
Thực sự tôi buồn nhưng vờ như vui.
Tôi phải làm vậy vì tôi nghĩ người khác sẽ không thích tôi nếu tôi buồn.

 

Đôi khi nỗi buồn rất lớn.
Nó ở khắp nơi. Bao trùm tôi.

Rồi tôi trông như thế này.
Và tôi chẳng thể làm được gì cả.

Điều làm tôi buồn nhất là khi tôi nghĩ về con trai Eddie của tôi. Tôi yêu nó rất, rất nhiều nhưng nó vẫn ra đi.

Với sắc thái thanh tú, Rosen nắm bắt những cảm xúc trái ngược ủng hộ nỗi buồn – tình yêu và sự giận dữ, tự xem xét nội tâm và mong mỏi sự cảm thông – và cách nỗi buồn cư ngụ trong tâm hồn để dấu tích của một mất mát nào đó sẽ dấy lên nỗi buồn của tất cả những mất mát, và nỗi đau vô hạn khi nhận ra ta ngu ngốc thế nào vì đã mong muốn một sự vĩnh cửu trong cái vũ trụ của những đổi thay liên tục.

 

Đôi lúc điều này khiến tôi rất tức giận.
Tôi nói với bản thân, “Sao nó dám chết đi như vậy?
Sao nó dám làm tôi buồn?”

Eddie không nói gì cả,
vì nó không còn ở đây.

 

Đôi khi tôi muốn nói tất cả mọi chuyện với một ai đó.
Như mẹ tôi chẳng hạn. Nhưng bà cũng không còn ở đây. Nên tôi không thể.
Tôi tìm một người khác. Và tôi sẽ kể với họ mọi thứ.

Đôi khi tôi chẳng muốn nói về điều này.
Không nói với ai cả. Không ai cả.
Tôi chỉ muốn suy nghĩ một mình.
Vì đó là chuyện của tôi. Và không phải của ai khác.

Nhưng điều làm câu chuyện trở nên độc đáo và đáng đọc là nó không theo đuổi những câu nói sáo rỗng xoa dịu nỗi đau bằng những lời hứa suông về một tương lai tươi sáng. Quyển sách an ủi bạn không phải theo cách cố ý an ủi mà bằng những trải nghiệm con người chân thật – chân thật một cách mãnh liệt, tuyệt đẹp, và éo le.

 

Đôi khi tôi buồn và tôi làm những việc điên rồ – như là hét lên khi đang tắm…

Đôi khi tôi buồn mà không biết tại sao tôi buồn.
Nó như một đám mây chợt đến và bao phủ quanh tôi.
Không phải vì Eddie đã không còn,
Không phải vì mẹ tôi đã không còn. Mà chỉ là vì.
(Tôi luôn tìm cách buồn mà không đau. Dưới đây là một số ví dụ:

 

Tôi nói với bản thân rằng ai cũng có chuyện buồn.
Tôi không phải người duy nhất. Có thể cả bạn cũng có.

Mỗi ngày tôi cố gắng làm một điều gì đó khiến tôi tự hào.
Rồi khi tôi đi ngủ, tôi sẽ suy nghĩ rất, rất, rất nhiều về điều đó.

Tôi nói với bản thân buồn không giống như tệ bạc. Tôi buồn, chứ không xấu.

 

Mỗi ngày tôi cố gắng làm một điều gì đó khiến tôi được vui. Là điều gì cũng được chỉ cần không làm người khác không vui.

Blake, người đã minh họa cho quyển sách thiếu nhi ít được biết đến của Sylvia Plath và nhiều truyện của Roald Dahl, gửi gắm sự đa cảm không lẫn vào đâu được của ông vào quyển sách, đâu đó cụ thể hóa những ngôn từ trừu tượng của Rosen thành hình ảnh khiến ta tự hỏi ông đang thể hiện sự mất mát gì qua những hình vẽ ấy.

 

Nỗi buồn ở đâu?
Nỗi buồn ở khắp nơi.
Nó sẽ đến và tìm bạn.

 

Khi nào thì buồn?
Nỗi buồn ở mọi lúc.
Nó sẽ đến và tìm bạn.

 

Nỗi buồn là ai?
Nỗi buồn là bất cứ ai.
Nó sẽ đến và tìm bạn.

 

Kết hợp Quyển sách buồn của Michael Rosen với Trái tim và chiếc lọ (The Heart and the Bottle) củaa Oliver Jeffer và tuyệt phẩm của Nhật Bản Cái cây nhỏ (Little Tree), rồi hãy quay lại với nỗi buồn của Joan Didion.

 

Dịch: Hồng Phương
Nguồn: BrainPickings

menu
menu