Tại sao Nghèo đói giống như một căn bệnh

tai-sao-ngheo-doi-giong-nhu-mot-can-benh

Những căng thẳng và stress đi cùng với tình trạng đói nghèo có khả năng thay đổi sinh học của chúng ta theo những cách mà ta không tưởng tượng nổi.

Chỉ dựa vào mỗi bài viết này thì bạn sẽ chẳng bao giờ đoán nổi tôi lớn lên trong cảnh nghèo khổ đói ăn.

Mức lương hằng năm gần đây nhất của tôi là hơn $700,000. Tôi là Thành viên an ninh quốc gia Truman và thành viên nhiệm kỳ của Hội đồng quan hệ Đối ngoại. Nhà xuất bản của tôi vừa mới phát hành loạt sách mới nhất của tôi về tài chính định lượng trong phân phối toàn cầu.

Song không điều nào khiến tôi cảm thấy đủ. Tôi có cảm giác như mình bị sắp đặt ở trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy thường trực, lúc nào cũng chờ đợi tai hoạ ập đến. Tôi đã lựa chọn không sinh con, một phần vì—dù cho thành công tới đâu—tôi vẫn không cảm thấy mình có một mạng lưới an toàn. Tôi có một số dư tài khoản tối thiểu rất lớn trong đầu trước khi tôi có thể cân nhắc đến chuyện có con. Nếu bạn biết rõ cá nhân tôi thì bạn có thể có cái nhìn thoáng qua về stress, ngờ vực bản thân, lo lắng và trầm cảm. Và bạn có thể nghe nói đến Tennessee.

Gặp bất cứ ai đến từ Tennessee và họ sẽ không bao giờ nói rằng họ đến từ “mỗi” Tennessee. Họ sẽ thêm một tiền tố: Đông, Tây hoặc Trung. Tuổi thơ của tôi là ở Đông Tennessee, tại thị trấn Appalachian tên là Rockwood. Tôi là anh cả của bốn đứa em trong một gia đình mà thu nhập không thể nuôi nổi một đứa trẻ. Mọi nhà thờ vào Lễ ngũ tuần ở vùng quê đầy rẫy heroin này đều có mùi giống nhau: một hỗn hợp mồ hôi của chất tẩy rửa rẻ tiền và dầu thánh thậm chí còn rẻ tiền hơn, mới chỉ là dấu hiệu của hy vọng bị từ bỏ. Một trong những nhà thờ bị bỏ hoang đó chính là ngôi nhà thời thơ ấu của tôi, và trường học của tôi.

Lớp học là một phòng đơn chứa được 20 người theo từ mẫu giáo đến lớp 12, một phần của trường học ngoài công lập được gọi là Chương trình giáo dục Cơ đốc. Chúng tôi được tặng cho những cuốn sách nhỏ để tự đọc, một mình. Chúng tôi chấm điểm bài tập về nhà của mình. Không có bài giảng, và cũng chẳng có giáo viên. Thỉnh thoảng vợ của Linh mục sẽ cho chúng tôi làm một bài kiểm tra. Chúng tôi không được phép làm bất cứ điều gì. Không phim ảnh, cũng chẳng ca nhạc. Nhiều năm trôi qua mà không có nét đặc trưng nào. Hầu như không có bất kỳ sự kiện xã hội nào.

Trên hết, tôi mất rất nhiều thời gian để suy ngẫm về những câu hỏi cơ bản. Bữa ăn tiếp theo của tôi sẽ đến từ đâu? Ngày mai sẽ có điện không? Tôi biết rõ sự tủi hổ của mẹ khi đang cố giấu những tem phiếu trợ cấp thực phẩm của chúng tôi tại quầy thanh toán ở cửa hàng tạp hóa. Tôi nhớ lại sự hoảng loạn đã xuất hiện ngay từ khi tôi mới 8 tuổi, trước viễn cảnh về một sự bất định thường trực về tất cả mọi thứ trong cuộc đời, từ thức ăn đến quần áo cho đến chuyện học hành. Tôi biết rằng cuộc đời mà tôi đang sống không phải là bình thường. Có điều gì đó sai sai với thế giới bé nhỏ mà tôi được sinh ra. Chỉ là tôi không biết chắc nó là gì.

Khi trưởng thành, tôi nghĩ là tôi đã phát hiện ra điều này rồi. Tôi lúc nào cũng tin rằng quá trình nuôi dạy đã biến tôi thành người hay cảnh giác và thận trọng, theo kiểu “những bài đã học được” đại loại thế. Tuy nhiên trong nhiều thập kỷ qua, câu chuyện đó đã thay đổi. Chúng ta biết rằng những căng thẳng và stress đi cùng với tình trạng đói nghèo có khả năng thay đổi sinh học của chúng ta theo những cách mà ta không tưởng tượng nổi. Nó có thể làm giảm diện tích bề mặt của não bộ, rút ngắn telomeres và tuổi thọ của bạn, tăng khả năng bị béo phì và khiến bạn dễ đưa ra những lựa chọn quá mạo hiểm.

Bây giờ, bằng chứng mới đang xuất hiện cho thấy những thay đổi thậm chí có thể còn sâu sắc hơn—đến tận cách thức mà cơ thể chúng ta quy tụ lại, thay đổi các loại tế bào mà chúng được tạo ra, và có lẽ thậm chí cả cách thức mà mã di truyền của chúng ta được biểu hiện, chơi với nó như một khối Rubik ném vào một chiếc máy giặt đang chạy. Nó có nghĩa là nghèo đói không chỉ là một tình trạng kinh tế-xã hội. Nó là một tập hợp của các triệu chứng có liên quan có thể phòng ngừa được, điều trị được—và thậm chí mang tính di truyền. Nói cách khác, những ảnh hưởng của đói nghèo bắt đầu trông rất giống với các triệu chứng của một căn bệnh.

Từ căn bệnh mang theo một sự kỳ thị. Khi dùng từ này ở đây, tôi không có ý nói là người nghèo là thấp kém hay dễ tổn thương. Ý tôi là người nghèo bị làm cho thất vọng, và được phần còn lại của thế giới bảo rằng tình trạng của họ là một phần cần thiết, tạm thời và thậm chí tích cực của chủ nghĩa tư bản thời hiện đại. Chúng ta nói với người nghèo rằng họ có cơ hội thoát nghèo nếu như họ làm việc đủ chăm chỉ; rằng tất cả chúng ta đều được đầu tư bằng nhau trong một hệ thống phân phát phần thưởng và hình phạt một cách công bằng. Chúng ta chỉ vào những câu chuyện tay trắng làm giàu hiếm hoi giống như câu chuyện của tôi, mà có vẻ như đang tiếp tay cho chế độ nhân tài.

Song tài năng chẳng mấy liên quan đến cách mà tôi thoát nghèo. 

Chúng ta có thể không nhớ 1834 như một năm kỷ lục, nhưng đó là trong lĩnh vực hóa hữu cơ. Lúc bấy giờ, các nhà hóa học Jean-Baptiste Dumas và Eugène Péligot đã chưng cất và phân tích một chất lỏng trong suốt—mà họ gọi là methylene, và đó là cái mà chúng ta gọi là methanol ngày nay. Tại trung tâm của nó là một nhóm methyl, bao gồm một nguyên tử carbon liên kết với ba nguyên tử hydrogen. Hóa ra 150 năm sau, các nhóm methyl đóng một vai trò quan trọng trong biểu hiện gen. 

Vào mùa thu năm 1991, Aharon Razin và Howard Cedar đã xuất bản bài báo đặc biệt “Methyl hoá DNA và Biểu hiện Gen,” cho thấy biểu hiện gen hoạt động giống như một con rắn quấn chặt quanh Gậy Asclepius.1 Nằm trên mạng lưới bền vững của mã gen của chúng ta là các nhóm methyl kiểm soát mã di truyền của chúng ta quấn chặt các protein đặc biệt như thế nào, được gọi là histone proteins. Một phần của mã di truyền được quấn càng chặt thì nó càng ít khả năng phát huy tác dụng (hoặc nói theo thuật ngữ, nó càng ít có khả năng “được biểu hiện”). Bây giờ chúng ta đã biết đây là một trụ cột của cơ chế di truyền biểu sinh: bạn là ai không chỉ được xác định bởi DNA của bạn, mà còn bởi những phần nào của nó mà bộ gen biểu sinh của bạn được phép biểu hiện.

Sáu năm sau, Michael Meaney, một giáo sư tại đại học McGill chuyên về lĩnh vực sinh học của stress, đã công bố một kết quả mang tính đột phá cùng với các đồng nghiệp của ông:

Chất lượng chăm sóc của người mẹ làm thay đổi bộ gen biểu sinh ở chuột, ảnh hưởng đến các thụ thể stress glucocorticoid ở hồi hải mã cũng như phản ứng của trục vùng hạ đồi-tuyến yên-thượng thận trước stress.2 Những ảnh hưởng tương tự sau đó được tìm thấy ở loài chim sẻ vằn, cũng giống như con người, chế độ một vợ một chồng và đòi hỏi cả cha và mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Mức độ glucocorticoid của RNA thông tin và các thụ thể mineralocorticoid bị suy giảm ở những con chim thiếu thốn tình cảm, khiến cho các hocmon stress vẫn tăng cao ở những con chim trưởng thành trong khoảng thời gian dài hơn. Các nhà nghiên cứu viết rằng những cơ chế biểu sinh có thể chịu trách nhiệm cho những thay đổi, nhưng họ không chứng minh được điều đó.3

Ở trẻ em, những thay đổi biểu sinh trong thụ thể stress biểu hiện gen dẫn đến phản ứng stress tăng cao và rối loạn tâm trạng đã được đo lường để ứng phó với ngược đãi thời thơ ấu.4 Và năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại đại học Duke phát hiện thấy “tình trạng kinh tế-xã hội thấp trong thời niên thiếu gắn liền với sự gia tăng quá trình methyl hóa của vùng gen khởi động của gen vận chuyển serotonin,” thứ cung cấp thông tin cho hạch hạnh nhân—trung tâm về cảm xúc và sợ hãi của não bộ—cho “phản ứng của hạch hạnh nhân liên quan đến mối đe dọa.”5 Mặc dù việc trải nghiệm mức độ stress cao có thể có một số lợi thế (ví dụ, học tập khi gặp áp lực có thể tăng tốc 6), thông điệp cơ bản của những nghiên cứu này đều nhất  như sau: căng thẳng mãn tính và sự bất định trong suốt thời thơ ấu khiến cho stress càng trở nên khó ứng phó hơn khi đã trưởng thành.

Theo một quan điểm, di truyền biểu sinh mang đến một câu chuyện hấp dẫn về những trải nghiệm cuộc sống phản hồi trực tiếp vào chương trình cơ bản tạo nên con người chúng ta. Nhưng lĩnh vực này cũng có một số tranh cãi cơ bản. Vào tháng sáu năm ngoái, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ đại học y khoa Albert Einstein, đại học Bristol và Viện Tin Sinh học châu Âu đã xuất bản một bài báo cho rằng lĩnh vực này đầy rẫy những kết quả bị giải thích sai. Các nguồn giải thích sai bao gồm lẫn lộn nguyên nhân và kết quả (bệnh tật có thể sinh ra những ghi dấu vết biểu sinh và ngược lại); những thống kê giả và giải thích sai; các biến nhiễu gây ra các mối tương quan rõ ràng; và một sự biến động lớn giữa các bộ gen biểu sinh của các tế bào riêng lẻ, thường không được kiểm soát trong thực nghiệm.

John Greally, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, cho rằng một số kết quả mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực này, bao gồm cả của Meaney, từng gặp phải những vấn đề này. “Vào thời điểm [của nghiên cứu của Meaney],” ông giải thích, “ý tưởng là nếu tôi thấy điều gì đó giống như một sự thay đổi methyl-hóa DNA, trong các tế bào của những con chuột không được mẹ chúng liếm, hoặc ở những đứa trẻ xuất thân từ nhóm kinh tế-xã hội thấp hơn, hoặc dù đó là gì đi nữa, thì khi đó tôi đang biết được cách mà chúng ta tái lập trình lại như một phản ứng trước điều kiện môi trường đó.” Nhưng phép đo methyl-hóa DNA còn giải thích nhiều hơn việc liệu một tế bào đang được lập trình lại hay không. Nó cũng liên quan đến các tỷ lệ của các tiểu loại tế bào, mỗi loại với bộ gen biểu sinh khác nhau, có mặt trong các đối tượng được so sánh. Greally và các đồng tác giả gọi đây là siêu-biểu sinh.

Nhưng Greally cũng chỉ ra rằng, ngay cả nếu cơ chế phân tử là một sự thay đổi trong các tiểu loại tế bào thay vì lập trình lại tế bào thông qua quá trình methyl hóa, vẫn còn một cuộc trò chuyện thú vị. “Ngay cả khi bạn phát hiện thấy có một sự thay đổi trong tỷ lệ, giả sử tỷ lệ tiểu loại tế bào trong máu ngoại vi, và nó liên quan đến một tình trạng như địa vị kinh tế-xã hội thấp hay đại loại như thế, đó thực sự là một phát hiện khá thú vị,” ông nói. “Nó quay trở lại vấn đề về cách mà bạn định nghĩa về di truyền biểu sinh.”Có khả năng những thay đổi trong những tiểu loại tế bào là mang tính di truyền, mặc dù chúng không liên quan đến việc lập trình lại một tế bào thông qua quá trình methyl hóa. Chẳng hạn, Tim Spector của Đại học King’s College ở London đã phát hiện thấy các biến thể chuỗi DNA gắn liền với biến thể tiểu loại tế bào.

Khoa học về những tác động sinh học của sự căng thẳng, stress do nghèo đói mới ở giai đoạn đầu. Nhưng nó đã chỉ cho ta thấy nhiều cơ chế mà qua đó các tác động như vậy có thể xảy ra, và nhiều tác động trong số chúng có yếu tố di truyền. Ví dụ, nếu một phụ nữ mang thai phải đối mặt với những căng thẳng của đói nghèo, thì thai nhi và giao tử của bào thai đó có thể bị ảnh hưởng, ảnh hưởng của đói nghèo mở rộng ra ít nhất là tới đời cháu của cô ấy. Và nó có thể đi xa hơn nữa.

Các nghiên cứu về chuột và ruồi giấm đã cho thấy những đặc điểm biểu sinh tương tự như những gì mà Meaney đề xuất có thể được truyền lại và kéo dài đến hàng chục thế hệ. Những tác động của những thứ như chế độ ăn uống và sự căng thẳng của cha mẹ trước khi sinh theo quan sát là do di truyền, không chỉ thông qua sửa đổi đuôi histone, mà còn thông qua quá trình methyl hóa DNA và RNAs không mã hóa.7 Trong một nghiên cứu năm 2014, con cái của một con chuột được huấn luyện cho sợ hãi trước một mùi hương nào đó thì cũng được quan sát thấy cũng sợ mùi hương đó, ngay cả khi không hề tiếp xúc với nó trước đây. Ảnh hưởng này kéo dài trong hai thế hệ.8 Ở con người, những ảnh hưởng di truyền của stress được quan sát thấy kéo dài qua ít nhất ba thế hệ từ thế hệ cha mẹ sống sót qua nạn đói trên diện rộng (Dutch Hunger Winter),9 nguồn cung thực phẩm biến động (the Överkalix cohort)10 và nạn diệt chủng. Những ảnh hưởng của việc cha mẹ hút thuốc từ sớmcha mẹ ăn trầu được quan sát thấy truyền cho trẻ em tương ứng theo giới tính, hỗ trợ truyền di truyền biểu sinh ở loài người.11 Theo một khảo sát năm 2014 về lĩnh vực này, “ Ít nghiên cứu quan sát trên con người nào từ trước đến nay có thể khẳng định rằng (phụ hệ) những ảnh hưởng xuyên thế hệ không thể quy cho sự tiếp nối về văn hóa và/hoặc gen” 10

Ngay cả ở giai đoạn này, chúng ta có thể rút ra vài điều từ khoa học. Đầu tiên, những căng thẳng của tình trạng nghèo đói để lại một tác động sinh học có thể kéo dài suốt cuộc đời. Thứ hai, có bằng chứng cho thấy những tác động này có thể là do di truyền, cho dù đó là thông qua tác động lên thai nhi, hiệu ứng biểu sinh, hiệu ứng tiểu loại tế bào hay một thứ gì đó khác.

Khoa học này thách thức chúng ta đánh giá lại một nền tảng của huyền thoại Mĩ, và các chính sách xã hội của chúng ta dành cho người nghèo: chương trình khởi động. Câu chuyện về những cá nhân tay trắng dựng nên cơ đồ, truyền cảm hứng, vượt lên trên hoàn cảnh của anh/cô ta bằng mồ hôi và nỗ lực. Một trụ cột của chế độ nhân tài, nơi phần thưởng được cho là phân phối một cách công bằng đến những ai xứng đáng nhất.  

Vậy chúng ta sẽ còn lại kiểu trò chơi-dựa vào-tài năng gì nếu đói nghèo làm què quặt các thí sinh? Đặc biệt nếu nó có những tác động kéo dài qua nhiều thế hệ? Giả thuyết rằng những người không vượt qua được nghịch cảnh của họ thì đáng phải nhận lãnh chúng—càng ít có lý khi đối mặt với sinh học nghiệt ngã của nghèo đói. Khi súng nổ, người nghèo bị bỏ lại phía sau vạch xuất phát. Mặc cho thành công của tôi, tôi chắc chắn cũng giống như vậy. 

Vậy làm sao tôi thoát nghèo? Do may mắn.

Thật dễ dàng để gắn một câu chuyện hư cấu về tài năng và nỗ lực cho câu chuyện của tôi, vì đó là những gì chúng ta được mớm bởi tất cả mọi thứ từ Hollywood đến các bài diễn văn chính trị. Nhưng đó là một câu chuyện sai. Cuộc đào tẩu của tôi được tạo thành từ hàng loạt các sự kiện cực kỳ khó xảy ra, mà tôi không hề có sự kiểm soát nào đối với chúng.

Ở tuổi 14, tôi đã có tám năm kinh nghiệm cố gắng tự dạy chính mình cách sử dụng tài liệu được photo, không có sách giáo khoa, giáo án, giáo cụ, hay thậm chí một giáo viên. Tôi đã tuyệt vọng để thoát ra và sợ hãi đời mình sẽ lại có kết cục giống như những người tôi nhìn thấy xung quanh tôi tại khu nhà Cơ đốc giáo. Vì vậy tôi vớ lấy cuốn danh bạ điện thoại và bắt đầu quay số của các trường dạy nghề, trường đại học, bất cứ thứ gì hay bất cứ ai có thể cho tôi một lựa chọn mới. Một cách ngẫu nhiên, bất ngờ, tôi tiếp cận được chủ tịch của trường cao đẳng cộng đồng địa phương, Sherry Hoppe. Lần đầu tiên tôi gặp Hoppe có lẽ tôi mới 12 tuổi và thậm chí ở độ tuổi đó tôi có thể nói rằng câu chuyện của tôi không phải là duy nhất theo kinh nghiệm của bà ấy.

Cũng tại trường cao đẳng đó, tôi gặp được Bruce Cantrell, một giáo sư xuất hiện như một người cha tinh thần của tôi trong khi tôi đang chật vật ở tuổi 15 và nghèo khó. Ông ấy cũng lớn lên trong cảnh bần hàn nhưng cuối cùng đã làm rất tốt. Chúng tôi chưa bao giờ đả động đến nó nhưng chúng tôi đều thấu tỏ lòng nhau. Vài năm sau, ông ấy ra tranh cử và đưa tôi lên làm người quản lý cho chiến dịch của ông. Chúng tôi đã giành chiến thắng và tôi nhận được một nền giáo dục vô giá trong thực trạng của nền chính trị chợ búa tại quận Roane. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn Bruce và Sherry. Với sự giúp đỡ của họ, cuối cùng tôi cũng nhận được tấm bằng cao đẳng.

Tôi có tỏ ra chủ động không? Chắc chắn. Và đã có nhiều người lý giải chuyện tôi thoát nghèo như một sự khẳng định của chế độ nhân tài, biện minh cho toàn bộ hệ thống. Nhưng sự thật thì quê hương đầy những người cũng tuyệt vọng tìm cách thoát nghèo giống như tôi, và họ sáng tạo ra một loạt biện pháp. Vâng, tôi là một ngoại lệ chứng minh cho quy tắc—nhưng cái quy tắc đó là thoát nghèo là do may mắn, chứ không phải nhờ tài năng.

Có những người thân và bạn bè của tôi cũng sáng dạ và chăm chỉ giống như tôi, với cùng một con đường học vấn tương tự như tôi hoặc còn tốt hơn. Nhưng không con đường nào trong số chúng giúp họ thoát nghèo. Một người trong số họ cũng vào cao đẳng cộng đồng, nhưng không thể tránh khỏi việc chứng kiến thằng bạn thân của anh ta chơi thuốc quá liều và tự sát. Đó là tấm vé một chiều cho những vấn đề về tâm lý, cảm xúc kéo dài suốt đời. Người khác thì có đủ may mắn để được nhận vào trường công lập, học được nhiều thứ hơn tôi học trong chương trình Giáo dục Cơ đốc. Kết cuộc anh ấy lại trở thành một người nghiện heroin. Họ sẽ không tìm thấy con đường để thoát khỏi những trở ngại giống như tôi. Họ sẽ không trở thành người đứng đầu một bàn giao dịch phái sinh ở phố Wall giống như tôi. Họ không viết về nghèo đói như tôi. Họ vẫn đang sống nghèo khó. Đến bây giờ, tôi có thể đếm được chừng 20 người bạn và thành viên gia đình bị kiểm tra vì dùng súng hoặc heroin. Tôi chắc chắn sẽ bổ sung thêm vào danh sách đó trong năm nay.

Tại sao rất ít người thoát được cảnh nghèo? Tôi có thể cho bạn biết từ kinh nghiệm, không phải vì một số người có nhiều tài năng hơn người khác. Mà bởi vì, là người nghèo là một canh bạc nhiều rủi ro. Sự bất cân xứng của hậu quả đối với người nghèo là cực lớn vì làm người nghèo thì phải trả cái giá cực đắt. Hãy tưởng tượng bạn bị mất việc làm vì điện thoại của bạn bị mất sóng, hay hủy một bài kiểm tra vì bạn dành cả ngày ở phòng cấp cứu để xử lý chuyện gì đó mà việc chăm sóc phòng ngừa lẽ ra có thể giúp bạn tránh được hoàn toàn. Một cái gì đó đơn giản kiểu như vậy có thể châm ngòi cho một vòng xoắn ốc nghịch cảnh gần như không thể vượt qua nổi. Thực tế là khi bạn nghèo, nếu bạn mắc phải một sai lầm thì coi như xong đời. Mọi thứ trở thành một canh bạc sinh tử.

Bây giờ hãy tưởng tượng, trên hết, bộ não của bạn được thiết lập để nhân trải nghiệm stress chủ quan lên gấp 10 lần. Kết quả dẫn đến sự tập trung sâu sắc vào tư duy ngắn hạn. Đối với những người ngoài cuộc, nhờ may mắn mà chưa bao giờ biết đến phương pháp tính toán của đói nghèo, người nghèo dường như phải đưa ra những quyết định kém tối ưu không biết bao nhiêu lần. Nhưng những lựa chọn của người nghèo là những lựa chọn cực kỳ hợp lý dựa theo hoàn cảnh. Suy ngẫm về những quyết định tối ưu, dài hạn là một gánh nặng khi bạn chỉ còn lại lượng thực phẩm đủ sống trong 48 giờ. Căng thẳng mang một ý nghĩa hoàn toàn mới—và bạn cứ thử đi nếu được—rất khó mà vượt qua.

Huyền thoại về chế độ nhân tài theo tiêu chuẩn Mĩ đã giải thích sai về những câu chuyện cá nhân giống như của tôi. Vốn xã hội tích lũy của các tổ chức Hoa Kỳ—chuyển giao quyền lực, pháp quyền, và tinh thần kinh doanh ổn định—chắc chắn tạo ra những phép màu kinh tế mỗi ngày. Nhưng các tổ chức này phù hợp với vốn tăng trưởng theo cấp số nhân nơi nó đã tồn tại hơn là tạo ra vốn mới nơi xã hội cần đến. Những câu chuyện như của tôi được coi là nguyên mẫu, và chúng ta lầm tưởng rằng chúng là con đường để thoát nghèo cho toàn bộ một phân khúc dân số. Khi làm vậy, họ bỏ lại khúc dân số đó đằng sau. Tôi đang là gương mặt của câu chuyện thành công về một người tay trắng làm nên, và tôi ở đây để nói rằng câu chuyện đó là hoang đường. Thuật ngữ “chế độ nhân tài” được đặt ra vào năm 1958 như một sự nhạo báng chính cái ý tưởng đánh giá dựa vào một mình tài năng. Chúng ta quên cười, và trò đùa này là của chúng ta.

Đã đến lúc để chúng ta cập nhật phản ứng của mình trước đói nghèo để xem xét khoa học mới mô tả về nó.

Học hành. Một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất hiểu được mối quan hệ từ nghèo đói đến thành tích học tập và sự ngặt nghèo về kinh tế sau này trong cuộc đời là Roland G. Fryer của trường Harvard. Trong công trình của họ, “It May Not Take a Village: Increasing Achievement Among the Poor,” Fryer và các đồng nghiệp của ông tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách thành tích giữa học sinh giàu và học sinh nghèo thông qua một chuỗi các chiến lược, chủ yếu ở trường học.

Nhưng người mang tiêu chuẩn của khoảng cách thành tích—thành tích môn toán—là một triệu chứng và không phải nguyên nhân. Khi sự hỗ trợ từ những chương trình xã hội có ý tốt nhằm giải quyết những vấn đề như điểm thi chắc chắn sẽ giảm sút hoặc dừng lại, những kết quả tích cực của chúng không kéo dài và chúng ta dần nghi ngờ về giảm nghèo nói chung. Nhưng thành tích học tập không phải là vấn đề thực sự—mà vấn đề chính là sự bất ổn và stress. Khi Đánh giá về Tiến bộ Giáo dục Quốc gia năm 2011 không tìm thấy thành phố nào ở Mĩ nơi có hơn 25 phần trăm trẻ em da đen hoặc Mĩ Latinh ở lớp tám đạt được trình độ theo chương trình về khả năng đọc hoặc làm toán, liệu chúng ta sẽ đổ lỗi cho trường học của chúng ta, hay là kết luận rằng chúng ta đã thua trong cuộc chạy đua trí tuệ trước cả khi những đứa trẻ được kiểm tra?

Chúng ta nên tận dụng những bài học từ khoa học nghèo đói thay vì bỏ qua chúng. Các chương trình xóa đói giảm nghèo như chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt có điều kiện, chẳng hạn, thưởng tiền trực tiếp cho cha mẹ hay những người chăm sóc cho việc hành động, như đảm bảo cho trẻ đi học hay sắp xếp cho chăm sóc phòng ngừa. Họ khuyến khích giảm căng thẳng và lập kế hoạch dài hạn vượt xa khả năng làm bài kiểm tra tốt—họ cung cấp chính xác loại chắc chắn mà bộ não-nghèo khổ cần. Trong một bài báo phát hành vào tháng Sáu năm 2009, Lia Fernald và Megan Gunnar đã chỉ ra rằng các chương trình như vậy đã làm giảm hàm lượng cortisol trong nước bọt và giảm nguy cơ suốt đời trước một loạt các chứng rối loạn tâm thần và thể chất.12 Cần có nhiều chương trình giống như thế này hơn: Ví dụ các chính sách được gọi là ‘trẻ toàn diện’, tập trung vào sự phát triển về lâu về dài của trẻ em bắt đầu từ lúc mới sinh, trong khi đó giảm bớt sự không chắc chắn trong suốt 3 năm phát triển đầu đời của trẻ.    

Hiểu biết khoa học mới của chúng ta về trải nghiệm nghèo đói cũng có thể cung cấp các phương pháp điều trị y tế sau này trong cuộc sống. Năm 2009, Michael Meaney, Gustavo Turecki, Moshe Szyf và các đồng nghiệp đã lấy các mẫu hồi hải mã từ các nạn nhân tự tử có tiền sử bị ngược đãi thời thơ ấu và xét nghiệm Methyl hóa DNA kiểm soát sự biểu hiện của gen NR3C1.4 Họ khám phá ra sự gia tăng methyl hóa xung quanh chất hoạt hóa NR3C1, mà trong các nghiên cứu khác, có liên quan trực tiếp đến một biểu hiện sụt giảm của một protein được gọi là yếu tố thần kinh có nguồn gốc từ não bộ (BDNF). BDNF là một trong những yếu tố thần kinh năng động nhất, điều này thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của các tế bào thần kinh mới ngay cả ở tuổi trưởng thành. Và mức độ mà nó được biểu hiện có thể là do di truyền. Một nghiên cứu năm 2015 liên kết NR3C1 và suy giảm biểu hiện của BDNF ở trẻ sơ sinh của những bà mẹ thông báo về các triệu chứng trầm cảm trước khi sinh.13

BDNF có lẽ là người bạn tốt nhất của bạn nếu bạn là người trưởng thành và muốn thay đổi thiết lập thần kinh của bạn. Nó có thể mở ra một con đường để thay đổi thiết lập não bộ ở chính xác những khu vực bị tổn hại nặng nề nhất bởi căng thẳng và nghèo đói đầu đời: vỏ não trước trán, hồi hải mã và toàn bộ chuỗi của hệ thống vùng hạ đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận. Những vùng não đó chi phối trí nhớ dài hạn, kiểm soát cảm xúc và trì hoãn sự thỏa mãn; tất cả các dấu hiệu của những cá nhân vượt trội trong môi trường học tập thời trẻ và là những người có thu nhập cao hơn ở tuổi trưởng thành.14, 15 Hàm lượng ketamine thấp từng được chứng minh là có tác dụng chống-trầm cảm nhanh và tác động đó liên kết trực tiếp với mức tăng của BDNF.16

Tôi sẽ thử xem xét kiểu điều trị này cho bản thân. Nhưng đó không phải là mối quan tâm chính của tôi về khoa học nghèo đói. Mối quan tâm của tôi bắt nguồn từ thứ khác: lo lắng về tương lai.

Chúng ta đang đứng trước vực thẳm không đáy nếu chúng ta không đánh giá lại hiểu biết của chúng ta về đói nghèo và bất bình đẳng. Câu chuyện kể ở miền tây tân-tự do là nếu bạn làm việc chăm chỉ thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nếu mọi chuyện không suôn sẻ, chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân, không chừa lại cho họ lựa chọn nào. Brexit, Le Pen, và sự thất bại của Hillary Clinton là những ví dụ về những rạn nứt, kết quả của bất bình đẳng và nghèo đói, những triệu chứng rõ ràng của trải nghiệm thời thơ ấu của tôi. Những cái chĩa của Piketty đang được dựng lên, và cuộc tuần hành đến tình trạng bạo loạn toàn cầu chỉ có thể được chặn đứng bằng cách thực hiện các biện pháp để tính sổ với những bất công mà tôi và bất kỳ ai sinh ra trong sự nghèo túng đều chứng kiến, và căm hận. 

Tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến phong trào Italian Five Star Movement đệ trình một cuộc trưng cầu dân ý, và Marine Le Pen có nhiều cơ hội chiến thắng tại cuộc tuyển cử ở Pháp. EU có nguy cơ chịu khuất phục dưới một thất bại toàn cầu và có thể chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa trong 2 năm nữa kể từ nay.

Những khuynh hướng này đang được tăng tốc bởi niềm tin mù quáng là người nghèo đã không nắm bắt được những cơ hội mà thị trường hoặc toàn cầu hóa đã tạo ra. Điều hoang đường này xứng đáng bị rút ống trợ thở—và môn khoa học về sự nghèo đói đang hình thành, dựa theo kinh nghiệm và đã được theo dõi cẩn thận có thể giúp chúng ta thực hiện điều đó nếu chúng ta dành cho nó sự chú ý mà nó xứng đáng.

 

Tài liệu tham khảo

1. Razin, A. & Cedar, H. DNA methylation and gene expression. Microbiological Reviews 55, 451-458 (1991).

2. Liu, D., et al. Maternal care, hippocampal glucocorticoid receptors, and hypothalamic-pituitary-adrenal responses to stress. Science 277, 1659-1662 (1997).

3. Banerjee, S.B., Arterbery, A.S., Fergus, D.J., & Adkins-Regan, E. Deprivation of maternal care has long-lasting consequences for the hypothalamic-pituitary-adrenal axis of zebra finches. Proceedings of the Royal Society B 279, 759-766 (2012).

4. McGowan, P.O., et al. Epigenetic regulation of the glucocorticoid receptor in human brain associates with childhood abuse. Nature Neuroscience 12, 342-348 (2009).

5. Swartz, J.R., Hariri, A.R., & Williamson, D.E. An epigenetic mechanism links socioeconomic status to changes in depression-related brain function in high-risk adolescents. Molecular Psychiatry 22, 209-214 (2017).

6. Champagne, D.L., et al. Maternal care and hippocampal plasticity: Evidence for experience-dependent structural plasticity, altered synaptic functioning, and differential responsiveness to glucocorticoids and stress. Journal of Neuroscience 28, 6037-6045 (2008).

7. Lim, J.P. & Brunet, A. Bridging the transgenerational gap with epigenetic memory. Trends in Genetics 29, 176-186 (2013).

8. Dias, B.G. & Ressler, K.J. Prenatal olfactory experience influences behavior and neural structure in subsequent generations. Nature Neuroscience 17, 89-96 (2014).

9. Heijmans, B.T., et al. Persistent epigenetic differences associated with prenatal exposure to famine in humans. Proceedings of the National Academy of Sciences 105, 17046-17049 (2008).

10. Pembrey, M., Saffery, R., Bygren, L.O., & Network in Epigenetic Epidemiology. Human transgenerational responses to early-life experience: Potential impact on development, health and biomedical research. Journal of Medical Genetics 51, 563-572 (2014).

11. Pembrey, M.E., Bygren, L.O., & Golding, J. The nature of human transgenerational responses. In Jirtle, R.L. & Tyson, F.L. (Eds.) Environmental Epigenetics in Health and Disease Springer Publishing, New York, NY (2013).

12. Fernald, L.C.H. & Gunnar, M.R. Poverty-alleviation program participation and salivary cortisol in very low-income children. Social Science & Medicine 68, 2180-2189 (2009).

13. Braithwaite, E.C., Kundakovic, M., Ramchandani, P.G., Murphy, S.E., & Champagne, F.A. Maternal prenatal depressive symptoms predict infant NR3C1 1 F and BDNF IV DNA methylation. Epigenetics 10, 408-417 (2015).

14. Xu, X., et al. A significant association between BDNF promoter methylation and the risk of drug addiction. Gene 584, 54-59 (2016).

15. Kheirouri, S., Noorazar, S.G., Alizadeh, M., & Dana-Alamdari, L. Elevated brain-derived neurotrophic factor correlates negatively with severity and duration of major depressive episodes. Cognitive and Behavioral Neurology 29, 24-31 (2016).

16. Haile, C.N., et al. Plasma brain derived neurotrophic factor (BDNF) and response to ketamine in treatment-resistant depression. International Journal of Neuropsychopharmacology 17, 331-336 (2014).

 

Nguồn: http://nautil.us/issue/47/consciousness/why-poverty-is-like-a-disease

menu
menu