Toàn Tập Về Deep Work – Làm sao để thôi "hời hợt" và lên "đỉnh" hàng ngày

toan-tap-ve-deep-work-lam-sao-de-thoi-hoi-hot-va-len-dinh-hang-ngay

Tâm trí lan man là tâm trí không hạnh phúc.

Tại sao phải Deep Work?

Hạnh phúc: Tâm trí lan man là tâm trí không hạnh phúc. Bạn không cần phải như Tôn Ngộ Không để sử dụng chiêu Thần Hành. (Linh hồn có thể tạm thời rời khỏi thể xác và tự do di chuyển.)

Ngay lúc này, cơ thể bạn đặt trên ghế, mắt bạn đang nhìn chữ, nhưng tâm trí lại có thể đang băn khoăn tỷ thứ chuyện (bữa ăn tối qua, người yêu đang giận, sắp được đi Đà Lạt nghỉ mất rồi, yo yo...).

Nếu bạn vào Mode "Deep Work", tâm trí bạn sẽ tập trung cao độ vào việc đang làm (giống như 2 tiếng thi đại học, hay sex, hay làm các công việc thủ công, chân tay như sửa xe máy, đóng đồ gỗ). Giống như người đang cưa bom, toàn bộ tinh lực của bạn sẽ được hấp thụ (absorb) và tan chảy (dissolve) vào công việc. Cảm giác phê như đang ăn "cỏ" mà chẳng cần phải lên bar.

Năng suất: Thần thoại về công việc 8 tiếng ở công sở là bạn sẽ ngồi làm như điên 8 tiếng, nhưng thực chất, phần lớn căng nhất bạn làm việc tập trung được 3 tiếng cũng đã là thành tích rồi.

Thời gian lớn còn lại hay phải dành vào những việc vặt như trả lời Email, nói chuyện, chat nhóm Skype, ăn nem chua buổi chiều, sinh nhật tháng... Hoặc nếu bạn có muốn tập trung thì đồng nghiệp cũng không cho phép. Đang nặn chữ, mà đứa bên ngồi buôn Zalo thì thôi, vào nhà vệ sinh làm việc cho lành.

Vậy nên, chắc văn phòng mở (open office) hay các co-working, đôi khi lại là phát minh tệ nhất của CNTB khi chúng đặt con người luôn trong trạng thái sẵn sàng sao nhãng và không thể tập trung quá nổi 15' trước khi bị ai đó làm phiền, đứt mạnh.

Chuyên sâu: Tận cùng thì vấn đề đủ thử, từ lương, năng lực, cơ hội nghề nghiệp, sẽ tựu trung một phần vào chữ trình độ "chuyên gia" – nghĩa là bao nhiêu người ở Hà Nội này làm được việc mà bạn đang làm.

Thời đại của hời hợt và làng nhàng ở VN thì còn lâu mới qua (Kinh tế gia Tyler Cowen có viết cuốn Average is Over, nhưng là cho trời tây), nhưng thực sự là bạn hiếm có thể chuyên sâu vào một lĩnh vực (và xây lợi thế cạnh tranh cho mình) nếu không thực sự hiểu sâu về nó.

Và Deep Work có lẽ là cách để thúc đẩy việc luyện tập có chủ đích & sâu tốt nhất.

Tạo môi trường để Deep Work

Để nhập được Mode "Deep Work" thì thứ quan trọng số không phải lao ngay vào bàn học, mà phải tạo môi trường cho mình trước đã.

Giống như chẳng mấy ai mở lớp hành thiền ở Ngã Tư Sở hay người ta cần lên chùa để tĩnh tâm, đôi khi không phải do tâm trí bạn thích đi "phượt", mà vì nó bị hấp dẫn và tấn công bởi quá nhiều các kích thích.

Và cách khôn ngoan nhất để chống lại cám dỗ không phải là cưỡng lại nó mà là khiến nó biến mất (out of sight, out of mind). [Đừng cố ép mình không vào Instagram hay chơi Game, xoá luôn App đó trên Iphone đi].

Vậy nên, để có thể sống hạnh phúc ngay lập tức, hãy dọn dẹp môi trường như sau:

1. Tắt toàn bộ Notification (Cả dạng Text, Âm thanh, Thông báo Đẩy) của tất cả các App Facebook, Instagram, Zalo, Viber... trên tất cả các nền tảng từ Lap, Mobile, Ipad, Watch...

2. Chọn không gian làm việc cực kỳ yên tĩnh: Ý tưởng giống bên Nhã Nam có một phòng đọc với tên gọi 0 Db thì phải, ý là không có một chút tiếng động nào. Chỉ còn ta với nồng nàn.

Thường các văn phòng Việt Nam sẽ siêu ồn, các khu cafe cũng không ồn kém, nhà riêng thì tiếng xe cộ, tiếng rao vặt, tiếng loài người... nhưng vẫn có những khu tuyệt đối yên tĩnh để bạn "lên đồng".

Cái này phải cố gắng tìm thôi, ví dụ như phòng làm việc của mình ngoài tiếng quạt & thỉnh thoảng có tiếng chim hót, thì không còn tiếng gì khác. Bàn làm việc của mình khi đi làm cũng luôn quay mặt vào tường, tránh xa các khu hay ra vào, tránh các loại cửa, và tránh luôn những bạn có nhu cầu phải giải toả tâm tư bằng tiếng động.

Những gợi ý khác:

1. Nên chuyển thanh Taskbar/Dock của Win/Mac sang bên phải (nằm bên lề tầm nhìn) thay vì để dưới cùng. Nếu để dưới, tâm trí sẽ rất tiện, vừa làm việc này, vừa định ấn sang ứng dụng khác.

2. Áp dụng chủ nghĩa tối giản trên bàn làm việc: Cất hết mọi đồ tinh, như mình trên bài chỉ có 1 Lap + 1 chuột + 1 chai nước + 1 cái đèn.

3. Deep Work giống như chạy Turbo Mode, nên sẽ hao năng lượng siêu nhanh. Tốt nhất, nên tập ý thức (mindful) về mức năng lượng của cơ thể và ăn cách nhịp (1 tiếng 1 miếng táo chẳng hạn) để giữ mức độ hăng say tối ưu.

4. Tốt nhất là ngồi bàn làm việc, thay vì ngồi bàn gấp như sinh viên hay ngồi hoặc nằm giường. Có 1 truyền thuyết kể rằng Kindle giúp đọc sách nhiều hơn, nhưng nhiều người mình gặp mua Kindle... chỉ để chữa chứng mất ngủ đêm.

Vì tư thế đọc sách khá phổ biến sẽ là: lên giường, nằm nghiên, cầm kindle, rồi từ từ đi vào giấc ngủ. Làm việc tử tế nghĩa là cho nó một chỗ ngồi tử tế trước đã.

Khi nào nên Deep Work?

Cái này tuỳ người, nhưng hầu hết sẽ vào 2 khung giờ, khi Hà Nội chưa kịp/ngừng cất tiếng là 5-7h sáng hoặc 22h-24h tối. Tuỳ vào khả năng, nhưng thường bạn chỉ tập trung được 1 tiếng là quá giỏi (giống như căng cơ) sau đó thì phải nghỉ.

Có những người có thể lên đỉnh được tận 3-4 tiếng (làm việc quên mệt mỏi, in the zone, đánh mất cảm giác về thời gian, trôi, phiêu – đến người quan sát cũng thấy sướng lây), nhưng nếu bạn chưa bao giờ làm việc siêu tập trung, thì hãy dành ra 1 khung giờ cố định hàng ngày tầm 90 phút là đủ. 
[Thường thì sẽ mất khoảng 15' mới vào Mode được, nên nhớ chú ý tính cả thời gian đó.]

Quan trọng của việc xây dựng thói quen không phải là đặt mục tiêu mà là xây hệ thống. Vận động viên huy chương vàng và huy chương đồng đều đặt mục tiêu như nhau là chiến thẳng, chỉ khác nhau ở hệ thống triển khai nó như nào thôi.

Ví dụ: Ngày mai thực hành Deep Work là mục tiêu. Nhưng Thử thách 14 ngày tới, thực hành Deep Work trong đọc sách từ 22h-23h, có đo lường (tracking), đánh giá, thưởng phạt là một hệ thống.

Tóm tắt lại cách để thực hành Deep Work mỗi ngày:

1. Chọn 1 khung giờ mỗi ngày: Ví dụ 10h-12h đêm

2. Không tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả bố mẹ, vợ, hay người yêu: Đặt biển, Cấm loài người hay Thú dữ nguy hiểm, tránh lại gần. Đóng chặt cửa phòng. Thế giới lúc đó chỉ tồn tại 2 thứ: Bạn và công việc.

3. Tắt mọi thể loại sao nhãng: Để điện thoại sang phòng bên hoặc cho vào 1 cái túi vải đen/Tắt hết các loại rung chuông của FB, Zalo, Insta. Tuyệt đối không vào Email, không Skype. Tắt Wifi (rất nên).

4. Chọn thể loại công việc phù hợp: Cái này tối quan trọng. Thường bạn sẽ đọc sách 30' rồi thấy chán quá rồi bỏ, thế là hết "Deep". Đôi khi do bạn, nhưng có thể do tài liệu không khiến bạn "hứng" được.

Để "hứng" được, độ thử thách của việc cần làm phải nằm ngoài khoảng buồn chán (boredom) & khoảng khóc thét. Nghĩa là không được dễ quá, cũng không được khó quá, phải rất vừa với sức mình. Giống như bạn chơi Game hay tập Gym, mọi thứ cần vừa sức.

Rất nhiều bạn thích đặt ra các mục tiêu mà trong The Change Lab mình gọi là "đáng kính": Đọc 100 trang sách mỗi ngày & Đọc Karl Mark và hiểu 90% những gì cụ nói. Đừng! Thay đổi, thường không từ các cuộc cách mạng, mà từ những chiến tích vừa đủ.

Nếu trình bạn đang 5 hãy học ở mức 7, đừng học ở mức 9 hoặc ở mức 3. Khó quá, bạn sẽ bỏ luôn và dễ quá cũng vậy. Hoặc tốt nhất phải nhúng mình vào bằng cách đọc thông tin "viền", bao quanh chủ đề mình định tìm hiểm trước.

5. Chỉ làm 1 công việc trong Deep Work: Nghĩa là Đọc sách thì chỉ đọc sách (tra từ điển nhưng nên là từ Offline); Nghe Lectures thì chỉ nghe Lectures. Tập vẽ thì chỉ tập vẽ. Lắng nghe thì chỉ có lắng nghe.

Kỵ nhất là vừa đọc sách, vừa nhắn Messenger hoặc vừa làm vừa lướt FB, vừa làm nhưng ý thức lại để ở quá khứ. Tâm bạn sẽ nhảy loạn xì ngầu như chú khỉ (tâm viên).

[1 số người hay chọn nghe nhạc, nhưng với mình, thường phải nghe nhạc trên công ty vì không muốn nghe chị bên cạnh kể chuyện cho con đi học & cảm giá phiêu phiêu. Với Deep Thinking, thường đòi hỏi 1 sự toàn tâm, nên cứ thử chịu đựng buồn chán 10' lúc đầu xem.]

6. Chuyên tập, thật chuyên tâm vào công việc đang làm: Hãy dùng ý chí (Will) của mình để ép bản thân "nhập hồn" vào hành vi bạn đang làm nhiều hơn, giống như kiểu bạn dùng "ý chí" để ép mình Plank 1 phút: 50 giây đã muốn buông, nhưng dùng ý chí, ép mình, ép mình thế là đến 59 giây vẫn chưa từ bỏ.

Khi vào Mode, càng làm bạn sẽ càng thấy sướng, gọi là trạng thái dòng chảy (Flow), khi "lực ma sát" giảm bớt đi và bạn như cảm thấy mình trôi đi cùng công việc, thay vì phải ì ạch đẩy mình từng cm.

Tuỳ khả năng, nhưng thường sau 1h hãy giải lao, ăn chút hoa quả, sau đó có thể Deep Work cho đến khi thấy đầu óc bay bay, thì dừng lại và nghỉ ngơi.

Tóm lại, với mình, chương trình này không chỉ có ích cho cuộc sống mỗi ngày của bạn & không quá khó để áp dụng, nếu các cơ quan, nhà trường, chỉ cần đặt ra khoảng 2h mỗi ngày cho nhân viên, học sinh thực sự làm việc, thì chỉ số hạnh phúc của VN cũng tăng lên kha khá rồi.

Tất nhiên là đừng kỳ vọng vào thay đổi từ mấy người đó (họ không quan tâm đến bạn như bạn nghĩ đâu), hãy bắt đầu luôn với mình mỗi ngày đã.

Chúc thành công.

Đọc thêm:

The Complete Guide to Deep Work (https://doist.com/blog/complete-guide-to-deep-work/)
Cuốn Deep Work: Rules for Focused Success in a Distracted World: (Khuyên đọc bản Anh)

Cuốn Flow: The Psychology of Optimal Experience
Cuốn What the Internet is Doing to Our Brains: The Shallows

 

Minh Đào viết

menu
menu