8 Lý Do Vì Sao Bạn Cứ Mãi Vấn Vương Tình Cũ

 8-ly-do-vi-sao-ban-cu-mai-van-vuong-tinh-cu

Nếu bạn đang cảm thấy bế tắc và không thể tự "gỡ rối tơ lòng", thì hãy cùng xem qua một số lý do có khả năng nhất khiến bạn cứ mãi vấn vương tình cũ, và phải mất một thời gian dài để bước tiếp từ mối quan hệ trước đó.

Chia tay, dù là dưới bất kỳ hình thức nào đi chăng nữa đều có thể khiến con người ta trở nên vô cùng khổ sở và đau đớn. Nếu nói theo lý thuyết, thì việc tiến về phía trước và chữa lành vết thương lòng sau khi kết thúc một mối tình lãng mạn là một hướng giải quyết rõ ràng và đơn giản nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc quên đi người cũ đôi khi là một quá trình đầy gian khổ, và vấn đề mất bao lâu để quên còn tùy thuộc vào từng cá nhân và từng hoàn cảnh cụ thể. Nếu bạn đang cảm thấy bế tắc và không thể tự "gỡ rối tơ lòng", thì hãy cùng xem qua một số lý do có khả năng nhất khiến bạn cứ mãi vấn vương tình cũ, và phải mất một thời gian dài để bước tiếp từ mối quan hệ trước đó.

  1. Bạn chỉ nhớ về những kỉ niệm đẹp.

Tiến sĩ Patrick Wanis, một chuyên gia về hành vi con người và là tác giả của Get Over Your Ex Now!, một quyển sách đề cập đến việc nhớ lại các sự kiện hoặc con người trong quá khứ theo hướng tích cực trong khi quên đi hoặc bỏ qua các mặt tiêu cực. Wanis nói rằng: “Mặc dù nó được gọi là sự 'nhớ lại', nhưng thực sự chỉ là sự hồi tưởng và trải nghiệm lại những mặt tích cực, niềm vui của sự kiện hoặc con người trong quá khứ.

Wanis giải thích rằng hiện tượng tương tự này xảy ra trong chứng nghiện và có mối liên hệ trực tiếp đến khoái cảm hoặc trung tâm khen thưởng của não.

April Davis, chủ sở hữu và người sáng lập của LUMA-Luxury Matchmaking, cho biết, nhớ lại hưng phấn chính là thứ đã ngăn bạn bước tiếp. Nếu bạn chỉ nhớ về những khoảng thời gian tuyệt vời mà hai bạn đã chia sẻ cùng nhau, bạn sẽ rất khó để có thể tiến về phía trước. Davis đã cho chúng ta một lời khuyên rằng: "Nên nhớ rằng họ đã trở thành người yêu cũ của bạn cũng là vì một lý do nào đó, và có thể sẽ tốt hơn khi nhớ lại những khoảng thời gian không tuyệt vời như vậy."

  1. Bạn thực sự nghĩ rằng người yêu cũ sẽ là người tốt nhất mà bạn có thể có được.

Chuyên gia tư vấn Sheryl Paul, M.A., nói rằng, một trong những lý do chính khiến một số người đấu tranh trong việc có nên tiếp tục với người cũ không chính là sự lý tưởng hóa. Bạn đã lý tưởng hóa họ, thuyết phục bản thân rằng họ là đối tác "hoàn hảo" của bạn mà không ai có thể thay thế. Nhưng thực tế, trên thế giới này mỗi người sẽ có rất nhiều người phù hợp. Chúng ta thực sự có nhiều loại người được xem là tri kỷ, không phải cứ nhất thiết tri kỷ là sẽ đi với chúng ta đến hết cuộc đời.

Theo Cherlyn Chong, một huấn luyện viên chuyển đổi chuyên về phục hồi tinh thần sau chia tay, rằng nếu bạn thấy mình nghĩ rằng người cũ là người tốt nhất bạn có thể có được và bạn sẽ không bao giờ có thể yêu một ai khác, thì có lẽ bạn đang có một lối tư duy cứng nhắc trái ngược với tư duy của sự trưởng thành. Chong giải thích: “Đó là lúc mà bạn coi mối quan hệ ấy quan trọng với bạn hơn bất cứ điều gì khác, và lòng tự trọng của bạn về cơ bản là phụ thuộc vào người này. Theo cách nghĩ này, “nếu 2 bạn không thể tiếp tục, thì đó là vì bạn không đủ tốt, và do đó, bạn cũng sẽ không đủ tốt cho những mối quan hệ khác."

Tuy nhiên, Chong đã nói rằng, nếu bạn tiếp tục giữ lối suy nghĩ đổ lỗi cho định mệnh này, thì đó chính xác sẽ là những gì bạn mà bạn nhận được trong cuộc sống. Không gì có thể ngăn cản bạn tìm kiếm tình yêu mới, thậm chí là một tình yêu tuyệt vời hơn, ngoại trừ thái độ tự đánh bại bản thân của mình.

  1. Bạn thầm nghĩ rằng mình nên đau khổ.

Nếu bạn đang mang trong mình những niềm tin tiêu cực chưa được giải quyết kéo dài từ quá khứ cho đến hiện tại, cho dù đó là từ những người cha, người mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc hay những người bạn yêu cũ khác, Chong nói rằng bạn có thể đã bị mắc kẹt trong suy nghĩ rằng mình đáng phải chịu đựng và điều đó vô tình kéo dài quá trình tự chữa lành của chính mình sau chia tay.

"Sự dằn vặt đau khổ, nó thực sự có thể trở thành một thói quen, thậm chí là bạn có thể bị nghiện nó, giống như một người với chứng nghiện thuốc lá," Chong trình bày. Và đôi khi, sự đau khổ ấy có thể là điều duy nhất còn sót lại sau khi kết thúc một mối quan hệ, và bạn sợ rằng nếu bạn để nó qua đi, bạn sẽ không còn lại gì trong mối quan hệ này.

Nói cách khác, bạn hài lòng với cảm giác này.

  1. Bạn vẫn theo dõi người yêu cũ trên mạng xã hội hoặc duy trì liên lạc với họ.

"Nếu bạn vẫn duy trì liên lạc với người yêu cũ, hoặc theo dõi họ trên mạng xã hội, đó có thể là một lời nhắc nhở liên tục về những gì bạn đã mất", nhà tâm lý học lâm sàng Roxy Zarrabi, Psy.D., cho hay. "Đồng thời, điều này cũng có thể làm bạn mang trong mình hy vọng rằng một ngày nào đó mình sẽ quay lại với họ."

Việc duy trì liên lạc, chơi chung trong một nhóm, hoặc theo dõi người cũ trên mạng xã hội có thể làm cho nỗi buồn của bạn ngày càng trầm trọng và ngăn bạn đến với một mối quan hệ mới. Ở đây, quy tắc tốt nhất chính là sự ngắt liên lạc. 

  1. Bạn vẫn đang cố gắng để có thể hiểu những gì đã xảy ra.

Khi bạn không hiểu lý do tại sao mình lại chia tay, tâm trí của bạn sẽ quay cuồng khi cố gắng phân tích, kết nối các sự kiện và bằng chứng lại với nhau, và tiếp tục nghiền ngẫm về cuộc chia tay này. Bạn có cảm giác rằng việc hiểu được mọi chuyện là một phần của sự kết thúc, một điều cần thiết để quên đi và bước tiếp.

Tuy nhiên, Paul đã nói thêm rằng đôi khi, việc tìm ra câu trả lời cũng có thể khiến ta bị ám ảnh bởi nó: "Bởi vì hầu hết mọi người đều gặp khó khăn với việc chịu đựng nỗi đau về mặt tinh thần, khi đó, cái tôi sẽ "bước vào" và chuyển sự đau buồn ấy thành nỗi ám ảnh về lý do của việc chia tay." cô giải thích, "Cả hai hình thức suy nghĩ tiêu cực này đều không mang lại hiệu quả hướng tới mục tiêu cuối cùng của cuộc chia tay, đó là sự đau buồn về sự mất mát và học hỏi bất cứ điều gì bạn có thể học về bản thân."

Nếu bạn không thể tìm ra lý do, thì cũng không sao cả. Không phải tất cả các cuộc chia tay đều "có lý", và đôi khi mọi người sẽ dựa theo cảm xúc của mình để đưa ra quyết định hơn là sử dụng bất kỳ lý do "hợp lý" nào. Hãy cho phép bản thân chấp nhận rằng mình không thể thay đổi những gì đã xảy ra. Đồng thời, rút ra bài học từ đó, và tạm dừng việc phân tích này.

  1. Bạn đã đánh mất chính mình trong mối quan hệ.

Theo Zarrabi, nếu bạn đánh mất danh tính hoặc hệ thống hỗ trợ của mình khi đang ở trong mối quan hệ trước đó, thì việc quên đi để bước tiếp sẽ trở nên rất khó khăn vì bạn có thể sẽ không còn biết mình là ai nữa nếu không có người ta bên cạnh. Việc tập trung vào việc đứng lên từ nỗi buồn và xây dựng một hệ thống hỗ trợ mới, mạnh mẽ, không phụ thuộc vào một mối quan hệ tình cảm lãng mạn sẽ có thể giúp bạn quên đi người cũ cùng sự đau khổ liên tiếp ám ảnh bạn sau khi chia tay.

  1. Bạn đã không buồn đúng cách.

Zarrabi nói rằng: “Khi trải qua một sự mất mát, con người ta sẽ có xu hướng né tránh những đau khổ, buồn bã, nhưng cuối cùng, điều đó chỉ sẽ càng làm kéo dài thêm quá trình tự chữa lành này.

John Kahal, một chuyên gia về sức khỏe tinh thần và chứng nghiện ngập, đồng thời là người sáng lập Capo by Sea Rehab ở San Juan Capistrano, California cho biết. "Khi đối mặt với chuyện chia tay, một trong những cách đối phó phổ biến nhất mà hầu hết mọi người là đắm chìm trong men rượu hoặc tự dùng thuốc theo nhiều cách khác nhau. Nó có thể giúp chúng ta quên đi cảm giác đau buồn hoặc cô đơn trong khi những cảm xúc ấy vẫn còn tồn tại."

Thay vì cố gắng gạt bỏ nó, đắm mình trong men rượu hoặc giả vờ vẫn ổn, cả Kahal và Zarrabi đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối mặt và xử lý những cảm xúc tiêu cực ấy. "Có lẽ bạn nên thử tránh xa rượu, và dành chút thời gian để bản thân nhìn nhận lại và xử lý những cảm xúc mà cuộc chia tay ấy đã mang lại", Kahal gợi ý. "Điều này sẽ có thể mang lại một số những kết thúc rất cần thiết cũng như cho phép bạn thu được một số các  quan điểm mới mẻ, những điều sẽ giúp ích  cho sự tiếp tục của bạn sau này."

  1. Cuộc chia tay đã làm bạn nhớ đến những tổn thương cũ.

Emmy Crouter, LSW, một nhà trị liệu tại Embolised Counseling ở Denver, Colorado, lưu ý rằng quá khứ của bản thân là một phần chính của cuộc chia tay.

"Nếu bạn có một thời thơ ấu bị bỏ rơi, lạm dụng hoặc thậm chí là chỉ cảm thấy bị hiểu lầm, đặc biệt là bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc, và khi kết thúc một mối quan hệ tình cảm, nỗi đau về một sự mất mát, nỗi đau với những người quan trọng trong cuộc đời bạn sẽ bị gợi lại, và đôi khi, bản thân cuộc chia tay lại không phải là điều khiến con người ta bận tâm, mà cái chính đó là ý nghĩa đằng sau cuộc chia tay ấy cùng những kỷ niệm trong quá khứ, những kỷ niệm mà bạn luôn ước mong được giải quyết."

Trong trường hợp này, Crouter đã đề ra một phương pháp hiệu quả nhằm khám phá các kiểu liên hệ của một người cùng những người quan trọng của họ cũng như cách họ kết nối các mối quan hệ và trải nghiệm sớm nhất với chúng ta.

Vậy thì chúng ta nên làm gì bây giờ?

Nâng cao nhận thức về lý do bạn luôn cảm thấy mình bị mắc kẹt trong một mối quan hệ đã qua và không thể quên người cũ là một bước quan trọng đầu tiên giúp bạn tiến về phía trước. Sau đó, động thái tiếp theo sẽ là hành động và giành lại quyền tự chủ trong quá trình chữa lành của chính mình.

Bên cạnh việc giải quyết lý do cụ thể khiến bạn cứ mãi vương vấn tình cũ, còn có những phương pháp cụ thể mà bạn có thể bắt đầu thực hiện và biến nó thành thói quen của mình, chẳng hạn như thiết lập một ranh giới nhất định trên mạng xã hội, bắt đầu thực hành thiền định hằng ngày hay điều hòa cảm xúc thông qua những trang nhật ký. Nhận tư vấn hoặc trị liệu cũng có thể thực sự hữu ích, đặc biệt nếu bạn đang cảm thấy rằng mình không thể tiếp tục với người cũ, một người làm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của mình.

Tất cả những giải pháp này sẽ có thể giúp cung cấp cho bạn sự rõ ràng mà bạn cần để xoa dịu nỗi lo lắng kéo dài về cuộc chia tay và từ đó, sống một cuộc đời mới, cùng một tình yêu mới.

----------

Tác giả: Georgina Berbari

Link bài gốc: 8 Reasons You Can't Get Over Your Ex & Can't Move On

Dịch giả: Hải My - ToMo - Learn Something New

menu
menu