10 nghiên cứu thú vị về hạnh phúc
Hạnh phúc “nằm” ở đâu trong cơ thể của chúng ta? Nó ảnh hưởng đến di truyền của chúng ta như thế nào? Tại sao nó lại thay đổi theo tuổi tác? … cùng nhiều thông tin thú vị khác về hạnh phúc sẽ được tóm tắt trong 10 nghiên cứu dưới đây.
1. Hạnh phúc kích hoạt toàn bộ cơ thể
Không giống suy nghĩ, cảm xúc không chỉ nằm trong đầu óc, chúng còn gắn liền với cảm giác cơ thể.
Nhờ vào một nghiên cứu mới mà lần đầu tiên, chúng ta có được bản đồ về liên hệ giữa cảm xúc và cảm giác cơ thể.
Các nhà nghiên cứu ở Phần Lan đã kích thích những cảm xúc khác nhau của 701 người tham gia nghiên cứu và cho họ tô màu vào sơ đồ cơ thể những khu vực họ cảm thấy tăng hoặc giảm hoạt động.
Sơ đồ cơ thể về cảm xúc
Màu vàng cho thấy mức hoạt động cao nhất, sau đó là đến đỏ. Màu đen thể hiện trung tính trong khi xanh và xanh nhạt thể hiện mức độ hoạt động thấp và rất thấp.
Thú vị ở chỗ hạnh phúc là cảm xúc duy nhất khiến cơ thể tràn ngập hoạt động, bao gồm cả chân, có thể ám chỉ việc hạnh phúc khiến chúng ta sẵn sàng lao vào hành động hay khiến ta muốn “nhảy cẫng lên”.
2. Hạnh phúc làm thay đổi mã di truyền
Hạnh phúc “đúng kiểu” không chỉ khiến bạn cảm thấy thoải mái, nó còn mang lại những ích lợi cho cơ thể, tác động đến cả mã di truyền của chúng ta.
Một nghiên cứu đã tìm hiểu mô hình biểu hiện gene trong các tế bào chịu trách nhiệm cho việc chống trả các bệnh truyền nhiễm và bảo vệ cơ thể trước những ngoại chất.
Kết quả cho thấy nhóm người cảm giác mức độ hạnh phúc “ý nghĩa” cao có biểu hiện gene kháng thể và kháng virus mạnh hơn.
Như vậy, dù hạnh phúc “hưởng thụ” (hedonic happiness: cảm giác hài lòng bạn có khi trực tiếp thỏa mãn bản thân, như mua sắm hay một bữa ăn ngon) hay hạnh phúc “ý nghĩa” (eudomonic happiness: cảm giác hài lòng khi bạn hướng đến một mục tiêu cao quý, khi đi tìm ý nghĩa cuộc sống) đều khiến chúng ta hạnh phúc, thì chỉ có hạnh phúc “ý nghĩa” mới mang lại lợi ích cho chúng ta ở mức độ di truyền.
3. Chúng ta hạnh phúc hơn khi sống tử tế
Chuyện gì xảy ra với hạnh phúc của con người khi họ phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế? Chúng ta phản ứng với thất nghiệp, khó khăn, thất vọng và cảm giác bất lực trước cơn ác mộng triền miên này ra sao?
Câu trả lời: Sự đoàn kết.
Dữ liệu từ 255 khu vực đô thị trên khắp nước Mỹ cho thấy những cộng đồng tập hợp lại với nhau – bằng cách làm những việc tử tế nhỏ nhặt cho nhau như tình nguyện hay trợ giúp láng giềng – sẽ trở nên hạnh phúc hơn.
Gắn kết xã hội có tác dụng phòng ngừa: chúng ta hạnh phúc hơn khi biết làm việc tử tế.
4. Hãy cư xử như người hướng ngoại – ngay cả khi bạn là người hướng nội.
Cư xử như người hướng ngoại – ngay cả khi bạn là người hướng nội – giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn.
Kết luận này đến từ khảo sát được thực hiện trên hàng trăm người ở Mỹ, Venezuela, Philippines, Trung Quốc và Nhật Bản.
Những người tham gia cho biết họ cảm thấy cảm xúc tích cực nhiều hơn trong các sự kiện thường nhật khi họ hành động hay cảm nhận nghiêng về hướng ngoại.
Trước đó, các nghiệm thể được yêu cầu hành xử theo hướng cởi mở trong vòng 10 phút và sau đó ghi nhận việc đó khiến họ cảm thấy như thế nào.
Ngay cả với những người hướng nội – những người đặc biệt thích các hoạt động làm việc cá nhân – cư xử theo cách hướng ngoại cũng mang lại những tác động tích cực cho hạnh phúc.
5. Hạnh phúc lây lan trên mạng
Một nghiên cứu vừa kết luận, những cảm xúc được thể hiện trên mạng – cả tích cực và tiêu cực – đều có khả năng lây lan.
Một trong những nghiên cứu lớn nhất về Facebook đã tìm hiểu nội dung cảm xúc của một tỉ bài đăng trong vòng 2 năm. Phần mềm đã được sử dụng nhằm giúp phân tích nội dung cảm xúc của mỗi bài đăng.
Kết quả cho thấy các cảm xúc tích cực lan truyền mạnh mẽ hơn những cảm xúc tiêu cực, với những thông điệp tích cực sẽ lây lan nhanh hơn các thông điệp tiêu cực.
6. Tuổi tác thay đổi nguyên nhân khiến chúng ta hạnh phúc
Khi tuổi càng cao, chúng ta càng cảm thấy vui vì những trải nghiệm thường nhật.
Một nghiên cứu vừa khảo sát 200 người từ 19 đến 79 tuổi về những trải nghiệm hạnh phúc, cả bình thường và khác thường, mà họ có được.
Trên khắp các nhóm tuổi, mọi người tìm thấy niềm vui thích nơi nhiều kiểu trải nghiệm khác nhau. Nhưng nhóm người cao tuổi là những người có được nhiều niềm vui nhất từ những trải nghiệm diễn ra hàng ngày.
Họ thích thú khi giành thời gian với gia đình, từ việc gặp mặt ai đó cho đến một vòng tản bộ trong công viên.
Trong khi đó, những người trẻ lại tự xác định mình bằng những trải nghiệm “phi thường” nhiều hơn.
7. Tại sao người sống vật chất lại ít hạnh phúc hơn?
Lý do là vì khi bạn tập trung vào thứ bạn muốn – những thứ bạn chưa có – bạn sẽ khó trân trọng những thứ bạn đang có hơn.
Một nghiên cứu vừa phát hiện rằng những người vật chất thường ít có lòng biết ơn và điều này liên hệ tới mức độ hài lòng với cuộc sống thấp.
Nghiên cứu trích dẫn câu nói của nhà hiền triết Hy Lạp Epicurus:
“Đừng làm hỏng những gì bạn đang có bằng cách khao khát những gì bạn chưa có; hãy nhớ rằng những thứ bạn hiện có đã từng là những thứ bạn mong có.”
Câu nói này xem ra cần phải có mặt trên tất cả các thẻ tín dụng.
8. Sức mạnh của kết nối xã hội
Một nghiên cứu cho thấy mối tương quan có liên hệ đến hạnh phúc mạnh hơn cả thành tích học tập.
Trong khi mối liên hệ giữa thành tích học tập với hạnh phúc không cao thì liên kết xã hội chặt chẽ ở tuổi nhỏ và vị thành niên gắn với mức độ hạnh phúc cao hơn trong tuổi trưởng thành.
Có vẻ như tất cả những gì bạn được dạy trong trường là chưa đủ để giúp bạn hiểu được như thế nào là hạnh phúc, cả về ý nghĩa cảm xúc lẫn thể lý.
9. Những mục tiêu hướng đến hạnh phúc
Điều bất ngờ là chúng ta thường sai lầm về những mục tiêu khiến chúng ta hạnh phúc.
Một nghiên cứu mới cho thấy một vài mục tiêu hạnh phúc cụ thể sẽ có hiệu quả hơn những mục tiêu trừu tượng.
Nghiên cứu tìm ra rằng những hành động giúp vươn tới một mục tiêu cụ thể (như khiến người khác cười) sẽ khiến chủ thể cảm thấy hạnh phúc hơn so với một mục tiêu trừu tượng (khiến ai đó hạnh phúc).
Bằng cách suy nghĩ những mục tiêu hạnh phúc theo hướng cụ thể, chúng ta có thể giảm thiểu khoảng cách giữa kỳ vọng và những điều thực sự khả thi.
10. Hạnh phúc bất ngờ từ những khoảnh khắc nhỏ nhặt
Một nghiên cứu cho thấy, những điều “tầm thường”, những trải nghiệm thường nhật có thể mang đến những niềm vui bất ngờ.
Trong một nghiên cứu, 135 sinh viên được yêu cầu viết một số nội dung vào đầu mùa hè, sau đó sẽ được niêm phong trong 3 tháng, bao gồm:
- Một cuộc trò chuyện mới diễn ra;
- Sự kiện xã hội cuối cùng họ vừa tham gia;
- Một trích đoạn trong bài làm họ mới viết;
- Và ba bài hát họ yêu thích.
Khi đó, họ cũng được yêu cầu dự đoán họ sẽ cảm thấy như thế nào về những điều trên khi họ đọc lại những thông điệp này trong 3 tháng sau.
Dù đây là những thứ khá “tầm thường” nhưng các sinh viên đều đã đánh giá thấp mức độ họ sẽ bất ngờ và tò mò ra sao khi họ xem lại những điều này.
Nghiên cứu nhắc nhớ về cách thức chúng ta thường đánh giá thấp mức độ hạnh phúc ta có được từ những sự kiện thường nhật.
Vậy, tại sao bạn không thử viết cho mình một thông điệp ngay từ ngày hôm nay?
(Hành Lang Tâm Lý dịch)
http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/02/nghien-cuu-thu-vi-ve-hanh-phuc.html