10 thói quen của những người oán giận
Và làm thế nào để bạn có thể tránh đụng độ với những người như vậy.
Tôi có quen một đồng nghiệp, và anh ta là người oán giận ghê gớm thứ hai mà tôi từng biết. Có lần, anh ta từng đe doạ sẽ đốt nhà sếp. Sau đó, anh ta còn đổ lỗi cho sếp vì đã tố giác anh ta với cảnh sát.
Rồi anh đồng nghiệp đó lại nói, “Tôi chỉ đùa thôi mà.”
Những người hay oán giận không biết đùa giỡn là gì đâu, đặc biệt là khi họ nói họ “chỉ đùa thôi mà”. Một người oán giận không biết kể chuyện cười. Họ chỉ lấy đó làm cái cớ để ngụy biện cho những lời đe dọa và lăng mạ mà họ nói, nỗ lực yếu ớt và thảm hại để cố giấu diếm sự tàn ác của chính mình.
Mẹ tôi giành huy chương vàng trong “bộ môn oán giận”. Bà ấy khiến tất cả mọi người đều phải xa lánh mình – ngay cả những đứa con của bà cũng chẳng phải ngoại lệ. Chúng tôi đã không nói chuyện với mẹ suốt nhiều năm. Mẹ ra đi trong cô độc tại một cơ sở chăm sóc y tế – nơi duy nhất của tiểu bang đồng ý tiếp nhận bà. Ngay cả trước khi mẹ tôi bị tâm thần, bà ấy cũng từng là một người oán giận.
Cuộc “giải phẫu” những người oán giận
Có sự khác biệt giữa việc bạn nổi giận và bạn là một người oán giận. Mọi người đều có lúc nóng giận. Thể hiện ra được sự tức giận của bản thân là một điều tốt, miễn là bạn còn chút nhận thức về hành vi của mình.
Một người trưởng thành sẽ nói: “Tôi thất vọng về X quá”. Hay cũng có thể nói: “Tôi nổi giận với bạn là vì Y đấy.”
Song, người oán giận sẽ không làm như vậy. Những người oán giận dễ mất bình tĩnh, nhưng lại không bao giờ thực sự nói về những thứ khiến họ phiền muộn – và họ không bao giờ giải quyết những phiền toái đó. Chính vì vậy, sự tức giận trong họ ngày càng tích tụ nhiều hơn.
Những người oán giận tự khiến bản thân họ bực tức, ngay cả khi chẳng có lý do. Họ âm thầm thích việc nổi giận. Tức giận với mọi người, với mọi việc khiến họ quên đi những vấn đề của chính mình. Nhưng chính những vấn đề cá nhân của họ lại là căn nguyên dẫn đến sự tức giận trong họ. Họ bị cuốn vào vòng xoáy do chính mình tạo ra.
Đừng làm những gì người oán giận làm
Sự tức giận thô thiển, thiếu suy nghĩ sẽ đầu độc khả năng logic và óc sáng tạo của bạn. Nó phá hỏng các mối quan hệ, và thậm chí cả sức khỏe thể chất của bạn. Nó là rào cản khiến bạn không thể đến với thành công trong bất cứ việc gì.
Giống như nhiều nhà thông thái đã nói trước đây, suy nghĩ đơn giản là một trong những cách tốt nhất để trở nên giỏi hơn trong bất cứ việc gì. Nhận ra những thói quen xấu, rồi kiểm soát và hạn chế chúng. Dù làm vậy không hẳn sẽ giải quyết hết mọi vấn đề, nhưng vẫn mang lại rất nhiều lợi ích.
Đây là những gì những người oán giận làm:
1. Họ tự vẽ ra những cuộc tranh luận trong đầu
Tất cả chúng ta thỉnh thoảng đều làm vậy. Chúng ta dự đoán ai đó sẽ hành xử theo một cách nào đó, và bắt đầu vội vã tìm cách đối phó. Chúng ta nghĩ đến những gì họ sẽ nói và cách nào mà ta sẽ đáp trả.
Chúng ta tự chuẩn bị cho mình những gì cần thiết để sẵn sàng cho một buổi trình diễn, hoàn thành nó với những cú thả mic (mic drop) có đôi chút nhức tai trước khi chúng ta tức giận rời đi (do biết mình đang tự biên tự diễn).
(*chú thích từ dịch giả: Trong tiếng Anh, “mic drop” dùng để chỉ hành động cố ý làm rơi mic của một người vào cuối buổi biểu diễn hoặc cuối bài phát biểu, như một cách kết thúc ấn tượng, cho thấy họ đã làm khá tốt.)
Hành vi này mang tính chất ngấm ngầm và chẳng mấy bổ ích. Bạn đã tạo nên sự thù hận vô nghĩa đối với người mà bạn quan tâm. Tệ nhất là, bạn đã tức giận với họ trong khi thậm chí còn chưa có chuyện gì xảy ra.
Đây là lý do vì sao những người oán giận thường nổi đóa lên mà không có lý do rõ ràng. Còn chúng ta thì cố gắng tránh những cuộc tranh luận ảo tượng này. Chúng chẳng khiến ta cảm thấy thoải mái. Chúng không giúp ta đạt được bất cứ điều gì. Nhưng những người oán giận lại sống trong trạng thái này. Họ luôn chuẩn bị cho cuộc tranh luận tiếp theo của họ.
Bài học rút ra: Đừng biến một cuộc tranh luận tưởng tượng thành một cuộc tranh luận thực tế. Hãy tự hỏi tại sao bạn lại biến người khác thành một kẻ xấu xa đến vậy. Hãy nhận ra bạn thực sự chỉ đang tranh cãi với chính mình, và hãy nhìn nhận những cảm xúc mà bạn không muốn có theo một cách khác.
2. Họ đột ngột nổi điên mà không có dấu hiệu báo trước, dù trước đó mọi chuyện vẫn bình thường.
Sự tức giận tồn tại trên một quang phổ (spectrum) cảm xúc, cũng giống như bất kỳ cảm xúc nào khác. Trên quang phổ cảm xúc, tầng thấp là cảm xúc bực bội khó chịu, tầng trung là cảm xúc thất vọng tức tối, và tầng cao nhất là cảm xúc giận dữ tột độ. Chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự bực tức tuyệt vọng và khinh miệt.
Một phần của việc trở thành người trưởng thành chính là phát triển vốn từ vựng của bản thân để gọi tên tất cả các cảm xúc mà bạn có, và để chọn ra một các phản ứng thích hợp cho những cảm xúc đó. Hãy tưởng tượng việc này giống như một hộp dụng cụ chứa rất nhiều công cụ bên trong.
Những người oán giận không có vốn từ vựng phong phú để miêu tả cảm xúc của họ. Hộp dụng cụ của họ không đủ lớn.
Họ cố gắng giải quyết mọi vấn đề bằng một cái búa duy nhất với vận tốc 60 dặm/giờ. Làm thế sẽ có tác dụng trong một khoảng thời gian ngắn. Khi bạn nổi giận với ai đó, bạn có xu hướng làm theo những gì bạn muốn. Đây là những gì mà đồng nghiệp mà tôi kể phía trên đã làm. Anh ta ức hiếp người khác để khiến họ phải phục tùng. Anh ta điên lên và đùng đùng nổi giận xông ra khỏi văn phòng.
Loại hành vi này sẽ “bám đuôi” những người oán giận, và sớm muộn gì thì nó cũng sẽ mang lại hậu quả. Lâu dần, chẳng ai muốn làm việc cùng họ nữa. Không ai mời họ đến ăn tối. Cuối cùng, họ trở thành những người mà chẳng ai muốn dính dáng tới.
Bài học rút ra: Tìm một từ miêu tả cụ thể hơn những gì mà bạn đang cảm thấy thay vì chỉ biết đến mỗi từ “giận dữ”. Giải phóng cơn nóng giận của bạn một cách riêng tư nếu bạn cần. Chờ cho đến khi bạn bình tĩnh lại trước khi đối mặt với ai đó.
3. Họ thù dai nhớ lâu.
Người trưởng thành không phải lúc nào cũng phải thứ tha và bỏ qua mọi lỗi lầm. Bạn không cần phải làm bạn với người đã lừa dối bạn. Bạn không cần phải yêu mến người sếp của mình, hoặc thậm chí cũng không cần thiết phải tôn trọng họ. Bạn có thể thẳng thắn về người bạn muốn và không muốn xuất hiện trong cuộc đời của mình. Điều đó không giống với việc thù dai nhớ lâu.
Những người oán giận luôn mang trong họ vô số hận thù. Họ kể đi kể lại những câu chuyện giống nhau về cùng một lỗi lầm mà ai đó đã gây ra cho họ. Họ tìm cách trả đũa, họ muốn được bù đắp. Họ cố gắng lôi kéo mọi người cùng đứng ở phe chống đối với cái người mà họ coi là kẻ thù.
Họ giữ mối hận thù luôn sôi sục trong mình bằng cách nhớ lại tất cả những trải nghiệm tồi tệ của bản thân. Việc này ngăn cản họ vượt qua những nỗi đau và bước tiếp.
Sâu thẳm trong tâm thức, những người oán giận không muốn giải quyết mối hận thù của chính mình. Họ thậm chí còn không muốn nhận lời xin lỗi. Họ muốn “diệt trừ” tất cả những ai đã ngược đãi họ – một điều thật sự bất khả thi. “Diệt trừ” ai đó chỉ có trong tiểu thuyết và phim ảnh mà thôi. Trong cuộc sống thực, âm mưu trả thù thường sẽ đưa bạn vào tù đấy. Những người oán giận cũng phần nào nhận thức được điều này, vì vậy họ chấp nhận mang theo mình những oán giận âm ỉ – thứ còn khiến họ tổn thương nhiều hơn bất cứ ai.
Bài học rút ra: Loại những người mang cho bạn phiền não ra khỏi cuộc sống của bạn, và rồi bạn sẽ không cần phải oán hận nữa. Khi nhớ lại những gì họ đã làm, hãy vui mừng vì bạn không phải đối mặt với họ nữa.
4. Họ phán xét những người xung quanh.
Mọi người đều biết phán xét một người dễ thế nào. Tuy nhiên, nó chỉ khiến bạn cảm thấy “trên cơ” và tự ảo tưởng về quyền hạn của bản thân trong thời gian ngắn mà thôi. Tất cả chúng ta đều có lúc phán xét lẫn nhau. Người trưởng thành biết điều đó vô nghĩa như thế nào. Không phải là họ không bao giờ phán xét ai. Chỉ là họ biết kiểm soát bản thân. Họ biết bù đắp. Họ cố gắng cho mọi người cơ hội thứ hai hoặc thứ ba.
Quan trọng nhất là, những người trưởng thành muốn được phạm sai lầm.
Họ thích thừa nhận mình sai khi đã đánh giá lầm một ai đó. Họ thích những người chứng tỏ bản thân thông minh hơn hoặc có năng lực hơn so với những gì họ tưởng về người đó trước đây. Và dù họ cảm thấy làm thế thật ngớ ngẩn, họ vẫn thấy ổn.
Còn những người oán giận thì luôn phán xét mọi người.
Họ thích đưa ra những giả định tồi tệ nhất về bất cứ ai sống tốt hơn họ. Họ thích gán cho người khác những động cơ xấu xa, bởi việc đó bào chữa cho những suy nghĩ và hành vi tồi tệ của họ. Nếu ai cũng tệ như họ, họ sẽ không cần phải cố gắng quá nhiều. Phán xét dẫn đến việc ngồi lê đôi mách. Những người oán giận thích buôn chuyện, ngoại trừ những lúc câu chuyện đó liên quan đến họ.
Bài học rút ra: Bạn không cần phải phán xét ai đó ngay cả khi bạn tin chắc họ là kẻ tội đồ. Hãy để cuộc đời phán xét họ. Trong khi đó, hãy để họ yên. Đừng ngồi lê đôi mách về họ chỉ để khiến bản thân cảm thấy dễ chịu hơn, hay chỉ để thỏa mãn thú vui tiêu khiển.
5. Họ cố tình hiểu sai mọi thứ.
Đôi khi bạn không có gì phải tức giận đến mức như thế. Người trưởng thành yêu sự hòa bình và yên tĩnh. Những người oán giận thì không. Khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, họ cần phải “châm ngòi” cho một cái gì đó.
Hiểu lầm ai đó là cách dễ nhất để bắt đầu một cuộc xung đột. Một nửa những bi kịch của thế giới đến từ việc giao tiếp kém giữa người với người.
Những người oán giận cố gắng “bóp méo” câu từ cho đến khi chúng không còn mang ý nghĩa hoặc mục đích ban đầu. Họ dành thời gian để tìm kiếm những lời đe dọa và lăng mạ.
Họ thích bị xúc phạm.
Việc “được” xúc phạm sẽ biện minh cho sự tức giận vô nghĩa và vô cớ đã sẵn có bên trong một người oán giận, và cho họ một chỗ để giải tỏa những bức bối. Trớ trêu thay, họ lại quay ra nói với người khác, rằng đừng dễ cảm thấy bị xúc phạm và nóng nảy như vậy.
Bài học rút ra: Thế giới đã có quá nhiều hiểu lầm và sự yếu kém trong giao tiếp rồi. Đừng khiến tình hình tệ hơn bằng cách buộc tội mọi người vì những lời mà họ không nói hay những điều mà rõ ràng họ không làm.
6. Họ cố gắng hết sức để tự biến mình thành một kẻ ngốc.
Những người oán giận khao khát xung đột để đánh lạc hướng bản thân khỏi những vấn đề trong cuộc sống của chính mình – những vấn đề mà họ có thể khắc phục nếu họ chịu sống tử tế hơn một chút. Thay vào đó, họ cố tình chen ngang giữa dòng người đang tham gia giao thông, họ ném giấy gói thức ăn nhanh lung tung ở khắp nơi, và họ gây ra những phiền toái không cần thiết tại các quầy thanh toán.
Những người oán giận nói chuyện trong rạp chiếu phim.
Những người này hành hạ thế giới trong vô thức chỉ vì sự khốn khổ của chính họ. Họ muốn ai đó yêu cầu họ im lặng, để họ có thể hành động như thể họ bị xúc phạm, và sau đó bắt đầu những cuộc tranh cãi. Họ muốn bị người quản lý đuổi ra ngoài để họ có thể phàn nàn về việc họ bị đối xử bất công như thế nào. Sau đó, họ muốn gọi đến rạp chiếu phim mỗi ngày để yêu cầu hoàn trả tiền.
Hôm nọ, tôi đọc được một câu chuyện trên mạng về một người phụ nữ cố gắng bắt chuyện với một người đàn ông ở Target. Người phụ nữ yêu cầu anh kia giúp mình tìm một vật gì đó. Anh ấy thậm chí còn không hề mặc áo đồng phục sơ mi đỏ của Target, nhưng cô ấy cứ khăng khăng rằng anh ấy làm việc ở đây. Hành động đó không chỉ đơn thuần là coi mọi chuyện hiển nhiên phải theo ý mình. Đó còn là sự oán giận sâu sắc và mất kiểm soát.
Bài học rút ra: Bất cứ ai đối xử tệ bạc với một người họ không quen biết thì đều có rất nhiều vấn đề liên quan đến sự tức giận. Đừng quá để bụng những người như thế.
7. Họ đổ lỗi cho người khác vì những vấn đề nhỏ nhặt nhất của họ.
Người trưởng thành không bao giờ giãy nảy lên khi mọi chuyện không theo ý họ. Họ không đi tìm kẻ thù để lấy đó làm lời giải thích cho từng khuyết điểm trong cuộc sống của họ. Họ biết rằng thế giới vốn đã không hoàn hảo.
Còn người oán giận thì rất cần một thế giới không hoàn hảo như thế, một phần là vì họ biết rằng không có gì là hoàn hảo, phần còn lại là vì đó là cái cớ hoàn hảo để họ tiếp tục sống trì trệ.
Họ lúc nào cũng mò ra vô số thiết sót để mà chỉ trỏ. Những thiếu sót ấy luôn là do người khác gây ra, và họ cũng luôn có thể giải thích tường tận cho sự không hài lòng của chính mình. Ngay cả khi họ cuối cùng cũng phải thừa nhận lỗi lầm đó là của mình, họ vẫn tìm cách biến thiếu sót ấy thành 40% lỗi thuộc về người khác.
Những người trưởng thành thì đi tìm nguyên nhân và lý giải, bao gồm cả những nguyên nhân và lý giải mà trong đó có một phần trách nhiệm của chính họ. Người oán giận thì tìm lý do. Họ nhìn nhận mọi vấn đề dù là nhỏ nhất đều qua lăng kính phóng đại.
Bài học rút ra: Hãy bỏ qua những sai lầm nhỏ nhặt của người khác. Bạn cũng sẽ mắc lỗi như họ mà thôi, luôn luôn là vậy. Nếu bạn nghĩ mình hoàn hảo, thì đó là vì bạn đã làm hỏng việc và những người khác đang không muốn bạn nhúng tay vào việc của họ thêm nữa mà thôi.
8. Họ đưa ra những lời đe dọa sáo rỗng.
Đe dọa là một hành vi nghiêm trọng đấy. Khi một người trưởng thành đưa ra lời đe dọa, họ thực sự không muốn làm theo lời đe dọa đó đâu. Nhưng họ sẽ làm được. Đó là lý do tại sao họ không thường xuyên đe dọa người khác.
Nhưng những người oán giận thì luôn nói ra những lời đe dọa.
Kết quả là, những lời đe dọa của họ đều vô nghĩa. Không ai coi trọng chúng. Điều này lại khiến họ càng thêm tức giận và đe dọa nhiều hơn.
Một trong những lời đe dọa ghê gớm nhất mà những người oán giận đưa ra chính là nghỉ việc. Nhưng đó thực chất lại là lời đe dọa mà họ ít có khả năng thực hiện nhất. Không ai muốn thuê một người oán giận đã bỏ công việc trước đó của mình một cách bồng bột và bất chấp như thế cả.
Đôi khi, nhìn họ làm vậy cũng thật buồn cười, cho đến khi họ bắt đầu “nâng cấp” những lời đe dọa của mình lên. Giờ đây, họ đe dọa sẽ đốt nhà của ai đó, ngay cả khi họ biết rằng họ sẽ không bao giờ làm như vậy.
Bài học rút ra: Tốt hơn hết là bạn đừng bao giờ đe dọa người khác. Nói ra những lời đe dọa sẽ khiến bạn nghiện đấy, và mỗi lời đe dọa bạn đưa ra sẽ dần mất đi trọng lượng mà thôi.
9. Họ ngó lơ vẻ đẹp của thế giới.
Ngay cả trong những ngày tồi tệ nhất, bạn vẫn có thể đi dạo – hoặc chỉ cần ngồi bên ngoài một lúc. Bạn có thể ngắm ảnh. Bạn có thể xem phim 18+.
Thật sự rất khó để giữ được sự tức giận trong một thời gian dài. Khiến mình luôn trong trạng thái tức giận không dễ dàng gì đâu. Bạn phải liên tục nghĩ về những thứ khiến bạn khó chịu.
Bạn phải không muốn làm bất cứ điều gì khác ngoài việc nổi giận và phàn nàn.
Trong khi đó, vẻ đẹp làm tiêu tan sự giận dữ. Đây có lẽ là lý do tại sao những người oán giận không thể cảm thụ nghệ thuật, âm nhạc, văn học hay phim ảnh. Những thứ này đều là “thuốc giải độc tự nhiên” cho sự tức giận. Không phải lúc nào chúng cũng giải quyết được vấn đề của bạn, nhưng chúng sẽ luôn giúp bạn nguôi ngoai phần nào.
Bài học rút ra: Nếu bạn đang tức giận, hãy tìm kiếm vẻ đẹp ngay bây giờ. Tìm đến nghệ thuật trước, rồi giải quyết những thứ khiến bạn khó chịu sau.
10. Họ tìm kiếm xung đột và các nỗi bực dọc.
Những người trưởng thành sẽ tự tránh xa những tình huống khó chịu hoặc căng thẳng nếu họ có thể. Họ mang tai nghe đến phòng tập thể dục để không phải nghe anh chàng bên cạnh lảm nhảm trên điện thoại trong lúc đạp xe. Những người oán giận lại muốn ôm vào mình những bức xúc khó chịu. Đó cũng là lý do họ làm mọi thứ khác hẳn với những gì tôi khuyên bạn trong danh sách này.
Bài học rút ra: Đừng phàn nàn về điều gì đó mà bạn có thể trực tiếp hay gián tiếp thay đổi chúng.
Kiểm soát cơn giận không đồng nghĩa với việc kìm nén nó
Không kiểm soát được cơn tức giận là trở ngại lớn nhất đối với thành công hay hạnh phúc, bất kể bạn định nghĩa hai khái niệm đó như thế nào.
Việc này sẽ bóp nghẹt tất cả những ý tưởng tốt của bạn.
Ngay cả sự ghen tị và đố kị cũng chỉ là hình thức khác của cơn tức giận mà bạn có đối với một người đang sống tốt hơn bạn, có điều chúng là sự tức giận bị kiểm soát sai cách mà thôi.
Tức giận không phải là điều xấu nếu bạn biết cách điều khiển nó. Đầu tiên bạn phải nhận thức được cơn giận của mình và xác định nguồn gốc của nó. Sự tức giận không làm bạn mạnh mẽ lên đâu. Nhưng đối phó được với sự tức giận của bản thân thì có. Thay thế những cách giải tỏa cơn giận phản tác dụng bằng những cách giải tỏa hiệu quả chính là một khởi đầu tốt đấy.
Tác giả: Jessica Wildfire
Dịch giả: Dương Hy – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Link bài gốc: 10 Habits of Deeply Angry People