18 Bộ phim dành cho sinh viên tâm lý học
Nếu bạn đang theo học một chương trình học trực tuyến hoặc đang quan tâm về ngành tâm lý học, hãy điểm qua danh sách những bộ phim mà giảng viên Saint Leo đề xuất cho tất cả các chuyên ngành tâm lý cần phải xem.
Nếu bạn đang theo học một chương trình học trực tuyến hoặc đang quan tâm về ngành tâm lý học, hãy điểm qua danh sách những bộ phim mà giảng viên Saint Leo đề xuất cho tất cả các chuyên ngành tâm lý cần phải xem.
Người tiên phong của điện ảnh Pháp, nhà làm phim Jean-Luc Godard đã nói, “Nghệ thuật thu hút chúng ta chỉ bởi nó tiết lộ những bí mật thầm kín nhất trong mỗi chúng ta.”
Phim điện ảnh cũng không ngoại lệ trong công cuộc nắm bắt tâm trí và tưởng tượng của chúng ta. Phim mang đến một phương tiện đầy tiềm năng giúp chúng ta khám phá ý nghĩa làm người, đưa cho chúng ta cái nhìn khái quát về bản chất bên trong con người, những điều tốt đẹp nhất, xấu xa nhất và mọi vùng giao thoa.
Có lẽ đó chính là lý do tại sao chúng ta không bao giờ bị thiếu hụt những bộ phim khai thác về chủ đề tâm lý học, cũng như biến phim ảnh trở thành một trong những công cụ giảng dạy được yêu thích nhất đối với ngành tâm lý. Một số cảnh phim được ưa thích có thể kể đến:
Những hành vi hoang tưởng phát sinh do căng thẳng cực độ của Thuyền trưởng Queeg do Humphrey Bogart thủ vai trong phim “The Caine Mutiny.”
Cảnh tượng lạnh gáy khi Jack Nicholson chìm dần vào điên loạn trong bộ phim “The Shining.”
Ảo tưởng sinh ra từ nỗi ám ảnh của một người phụ nữ đối với một người đàn ông và gia đình của anh ta trong bộ phim “Fatal Attraction.”
Các vấn đề về đạo đức mà những người sống sót trên một con tàu ngư lôi bị trôi dạt trên biển phải đối mặt trong bộ phim “Lifeboat” của Alfred Hitchcock.
Mặc dù có hàng trăm bộ phim có thể được liệt kê vào danh sách những bộ phim có chủ đề về tâm lý học, dưới đây là một số ít phim đã được các giảng viên khoa tâm lý học của trường Saint Leo đề cử – tất cả đều là những phim mà các sinh viên hiện đang theo học khoá tâm lý học trực tuyến cần phải xem.
1. “12 Angry men”
Chính kịch (1957)
Chủ đề: Xã hội, phát triển đạo đức
Diễn viên: Henry Fonda, John Fiedler
Nội dung: Một nhóm Bồi thẩm đoàn gồm 12 người phải quyết định số phận của một thanh niên người Latin 18 tuổi bị buộc tội giết cha mình. Khi một người duy nhất trong đoàn bồi thẩm đó cố thuyết phục những người còn lại rằng vụ án này không đơn thuần như những gì họ nhìn thấy, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh giữa định kiến cá nhân và những lầm tưởng ban đầu về phiên toà.
Đề cử: Tiến sĩ Lara Ault
Lý do đề cử: Bộ phim này chứa đựng những bài học quan trọng cùng những giá trị to lớn trong lĩnh vực tâm lý học xã hội. Nó đề cập đến vấn đề định kiến, sự tuân thủ, sự xung đột, giao tiếp trong một nhóm, khả năng lãnh đạo, thuyết phục cũng như các khía cạnh khác của tâm lý học xã hội và nghiên cứu về các hành vi của người bình thường.
2. “28 Days”
Chính kịch/Lãng mạn (2000)
Chủ đề: Rối loạn lạm dụng chất gây nghiện/nghiện rượu
Diễn viên: Sandra Bullock, Viggo Mortensen, Dominic West
Nội dung: Sandra Bullock thủ vai một người phụ trách chuyên mục của một tờ báo, hiện đang phải lựa chọn vào trung tâm cai nghiện rượu thay cho án tù vì tội ăn cắp một chiếc limousine tại đám cưới của em gái mình và làm hỏng nó. Ban đầu cô phủ nhận rằng mình bị nghiện rượu và từ chối điều trị, nhưng với sự giúp đỡ của các bệnh nhân tại đó, cô đã dần bắt đầu xem xét lại về cuộc đời mình và nhìn nhận chứng nghiện rượu cũng như thói quen nghiện sử dụng các loại thuốc khác.
Đề cử: Tiến sĩ Glenn Lowery
Lý do đề cử: Bộ phim này là một hình mẫu lý tưởng về khả năng tư vấn cũng như thúc đẩy sự lạc quan bên trong mỗi người, đồng thời cũng đề cập về các vấn đề liên quan đến việc lạm dụng chất kích thích một cách nghiêm trọng.
3. “A Beautiful Mind”
Chính kịch (2001)
Chủ đề: Tâm lý bất thường, rối loạn thần kinh/tâm thần phân liệt
Diễn viên: Russell Crowe, Ed Harris, Jennifer Connelly
Nội dung: Dựa trên cuộc đời của thiên tài toán học đoạt giải Nobel John Forbes Nash – một người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Bộ phim này đã giành được bốn giải Oscar trong đó có giải dành cho Phim hay nhất.
Đề cử: Tiến sĩ Antonio Laverghetta
Lý do đề cử: Bộ phim cho thấy được cuộc đời và những đau khổ mà một người mắc chứng tâm thần phân liệt phải chịu đựng. Các sinh viên tâm lý học sẽ nhận thấy rằng Nash có rất nhiều triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt, đồng thời có thể quan sát được mức độ ngày càng tăng của những triệu chứng này cũng như những ảnh hưởng lên bản thân anh ta và những người xung quanh. Bộ phim cũng cho thấy những khó khăn khi phải kiểm soát các rối loạn tâm thần này và vai trò quan trọng của xã hội trong việc giúp đỡ người bệnh.
4. “The Blind Side”
Tiểu sử/thể thao (2009)
Chủ đề: Tâm lý học xã hội, cụ thể hơn là ảnh hưởng của xã hội, quan hệ gia đình.
Diễn viên: Quinton Aaron, Sandra Bullock, Tim McGraw, Kathy Bates.
Nội dung: “The Blind Side” là câu chuyện có thật của Michael Oher, một cậu bé người Mỹ gốc Phi vô gia cư được nhận nuôi bởi một gia đình da trắng giàu có. Nhờ đó Michael nhận ra được tiềm năng của mình, thành công trong trường học và được chọn ngay trong vòng chiêu mộ cầu thủ đầu tiên của NFL 2009.
Đề cử: Tiến sĩ Helen Oderinde
Lý do đề cử: Bộ phim này đã làm nổi bật được những vấn đề khó khăn và hiểu lầm có thể xảy ra khi những người ở những nền văn hoá khác nhau cố gắng vượt qua những khác biệt về văn hoá và chủng tộc để nối kết với nhau. Bộ phim cũng cho thấy việc nối kết này đem lại lợi ích to lớn như thế nào cho cả 2 bên: gia đình Tuohys mở ra cho Michael một cơ hội về giáo dục và tài chính, trong khi cậu bé mở rộng được tâm hồn của họ.
5. “Driving Miss Daisy”
Hài/Chính kịch (1989)
Chủ đề: Tâm lý học xã hội, tâm lý học phát triển/lão hóa, bệnh Alzheimer
Diễn viên: Jessica Tandy, Morgan Freeman, Dan Akroyd
Nội dung: Bộ phim bắt đầu vào năm 1948 khi Daisy Werthan, một phụ nữ Do Thái giàu có ở miền Nam bị con trai buộc phải dừng việc lái xe và thuê một tài xế người Mỹ gốc Phi tên là Hoke Colburn. Câu chuyện này trải dài tiếp đến tận 25 năm sau, với những khác biệt và sự khó chịu lẫn nhau mà họ cùng vượt qua để phát triển thành một tình bạn chân thành.
Đề cử: Tiến sĩ Antonio Laverghetta
Lý do đề cử: Ngoài việc tiếp cận đến bản chất thoái hóa của bệnh Alzheimer, bộ phim này còn khai thác một số trong những câu hỏi lớn rất được quan tâm trong lĩnh vực tâm lý xã hội: định kiến phát triển từ đâu và có thể được khắc phục bằng cách nào.
6. “Enough”
Chính kịch/kinh dị (2002)
Chủ đề: Tâm lý học xã hội, bạo lực gia đình
Diễn viên: Jessica Jennifer Lopez, Billy Campbell, Tessa Allen
Nội dung: Dựa trên cuốn tiểu thuyết “Black and Blue” của Anna Quindlen, bộ phim kể về một cô hầu bàn tên Slim, người nghĩ rằng cô ấy đã kết hôn với người đàn ông trong mơ của mình. Sau sự ra đời của đứa con đầu tiên, người chồng bắt đầu trở nên kiểm soát và có hành vi bạo hành. Slim đã cố trốn thoát rất nhiều lần, mang theo con gái di chuyển đến rất nhiều nơi nhưng vẫn không thoát được sự săn đuổi của hắn. Cuối cùng cô quyết định chống trả bằng cách học kỹ năng tự vệ Krai Maga.
Đề cử: Tiến sĩ Tammy Zacchilli
Lý do đề cử: Mô tả một trận chiến về thể chất và tâm lý giữa hai nhân vật chính, bộ phim này đề cập đến những thách thức của việc đương đầu cũng như thoát khỏi một mối quan hệ có tính bạo hành.
7. “Good Will Hunting”
Chính kịch (1997)
Chủ đề: Tâm lý học xã hội và tâm lý học phát triển, điều trị, năng khiếu.
Diễn viên: Ben Affleck, Matt Damon, Robin Williams, Minnie Driver
Nội dung: Will Hunting là một người gác cổng trẻ tuổi và cứng đầu với khả năng toán học siêu việt tại đại học MIT. Do tuổi thơ bất hạnh nên cậu thường xuyên phạm pháp và không nhận ra được hết tiềm năng của mình. Với sự giúp đỡ của một giáo sư tâm lý học, cậu đã có cơ hội tìm được giá trị của bản thân cũng như thay đổi được đời mình.
Đề cử: Tiến sĩ Glenn Lowery
Lý do đề cử: “Good Will Hunting” là một hình mẫu giảng dạy rất phù hợp. Bộ phim mô tả một mối quan hệ trị liệu khó khăn giữa một khách hàng nhiều mâu thuẫn và một nhân viên tư vấn thiếu chân chính.
8. “The Hurricane”
Tiểu sử/Thể thao (1991)
Chủ đề: Tâm lý học xã hội, cụ thể hơn là thành kiến, phân biệt đối xử, bạo lực, quyền công dân
Diễn viên: Denzel Washington, Vicellous Reon Shannon, Deborah Kara Unger
Nội dung: Bộ phim này được dựa trên cuộc đời của Rubin “Hurricane” Carter, một võ sĩ quyền anh hàng đầu người Mỹ gốc Phi. Vào năm 1966 anh sắp sửa trở thành nhà vô địch thế giới thì phải vào tù do bị buộc tội giết ba người. Kháng cáo của anh bị từ chối và mọi chuyện trở nên vô vọng cho đến khi một cậu thiếu niên cùng bố mẹ nuôi của cậu tìm thấy được chứng cứ dẫn đến việc phóng thích cho Cartier gần 2 thập kỷ sau đó..
Đề cử: Tiến sĩ Bob Jacobs
Lý do đề cử: “The Hurricane”nhấn mạnh đến khả năng vượt qua hoàn cảnh của mỗi người chúng ta thông qua sự thay đổi nhận thức từ bên trong.
9. “Identity”
Kinh dị/bí ẩn (2003)
Chủ đề: Rối loạn tâm thần, tâm lý học pháp y
Diễn viên: John Cusack, Ray Liotta, Amanda Peet
Nội dung: Một nhóm người xa lạ từ nhiều tầng lớp khác nhau buộc phải tìm nơi trú ẩn giữa cơn mưa xối xả tại một nhà trọ nằm chơ vơ ở sa mạc Nevada. Từng người một lần lượt bị hạ sát. Song song với đó là một câu chuyện khác có liên quan, về một bác sĩ tâm thần đang cố gắng chứng minh sự vô tội của một người đàn ông bị buộc tội giết người.
Đề cử: Tiến sĩ Lara Ault
Lý do đề cử: “Identity” đề cập đến một chứng bệnh độc đáo và gây tranh cãi. Bộ phim đặt ra một số quan niệm sai lầm về chứng bệnh này, tuy nhiên lại đưa được ra một gợi ý về cách thức điều trị hết sức hấp dẫn. Ngoài ra đây cũng là một vụ án giết người vô cùng hồi hộp.
10. “Memento”
Kinh dị tội phạm (2000)
Chủ đề: Tâm lý học thần kinh, mất trí nhớ
Diễn viên: Guy Pearce, Carrie-Anne Moss, Joe Pantoliano
Nội dung: Leonard Shelby là một cựu điều tra viên bảo hiểm hiện đang mất trí nhớ do bị chấn thương ở đầu trong khi đang cố gắng ngăn chặn vụ sát hại vợ mình. Anh phải tự đối phó với tình trạng của mình bằng cách dùng các ghi chú cũng như hình xăm, đồng thời truy tìm thủ phạm để trả thù cho người vợ đã mất.
Đề cử: Tiến sĩ Lara Ault
Lý do đề cử: “Memento” đưa ra tình huống một người bị mất trí nhớ ngắn hạn phải cố gắng giải đáp một vụ án bí ẩn. Bộ phim miêu tả một cách chính xác cuộc sống của một người chỉ lưu giữ ký ức được trong một vài phút hoặc vài giây. Đây là một bộ phim có thể mang lại cảm giác vừa hấp dẫn, vừa cảm động, cũng như vô cùng thú vị.
11. “The Notebook”
Lãng mạn (2004)
Chủ đề: Tâm lý học lâm sàng, tâm lý học xã hội, khác biệt văn hóa, bệnh Alzheimer
Diễn viên: Ryan Gosling, Rachel McAdams, Gena Rowlands, James Garner
Nội dung: Vào mùa hè năm 1940, chàng thanh niên nghèo Noah Calhoun bỗng rơi vào lưới tình của cô nàng thừa kế trẻ tuổi Allie Hamilton. Khi mẹ của Allie phát hiện ra, bà cấm cô không được gặp mặt Noah nữa, đồng thời cả gia đình cũng rời khỏi ngôi biệt thự mùa hè của họ trên đảo Seabrook để quay về Charleston. Chiến tranh thế giới thứ II xảy ra và Allie cùng Noah tiếp tục cuộc sống của mình cho đến khi gặp lại nhau nhiều năm sau đó.
Đề cử: Tiến sĩ Tammy Zacchilli
Lý do đề cử: Tôi đã cho chiếu một vài đoạn trích của phim này trong giờ học về những mối quan hệ gần gũi, bởi qua đó bạn có thể thấy được tình yêu và những mỗi quan hệ sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian. Bộ phim này cũng có liên quan đến chủ đề tâm lý học phát triển, do một trong các nhân vật của phim bị mắc chứng Alzheimer khi về già.
12. “On Golden Pond”
Chính kịch/hài kịch (1981)
Chủ đề: Tâm lý học thần kinh/mất trí nhớ, hôn nhân/động lực gia đình
Diễn viên: Katherine Hepburn, Henry Fonda, Jane Fonda
Nội dung: Bộ phim đoạt giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất này kể về câu chuyện của một đôi vợ chồng già, Norman và Ethel Thayer. Hai người cùng nhau quay về ngôi nhà mùa hè của họ để đối diện với trí nhớ đang mất dần của Norman, tuổi già cùng mối quan hệ căng thẳng với con gái mình.
Đề cử: Tiến sĩ Mark Benander
Lý do đề cử: Bộ phim này là một cuộc khám phá vĩ đại vào rất nhiều khía cạnh cơ bản của bản chất con người, bao gồm các mối quan hệ gia đình, sự lão hoá, cái chết và sự ăn mòn cơ thể, sự phát triển của mỗi người cũng như về lòng khoan dung và sự tha thứ. Bộ phim còn khắc họa cho ta thấy những yếu tố thiên nhiên như một hồ nước xinh đẹp trong rừng, một vùng vịnh nguy hiểm, một cuộc ngụp lặn xuống dòng nước xanh trong hay một gia đình vịt biển bé nhỏ cũng có thể làm sáng tỏ những thôi thúc tâm lý mạnh mẽ của con người.
13. “One Flew Over the Cuckoo’s Nest”
Chính kịch (1975)
Chủ đề: Rối loạn nhân cách/tâm trạng, tâm lý học pháp y, điều trị
Diễn viên: Jack Nicholson, Louise Fletcher, William Redfield
Nội dung: Randle McMurphy có một quá khứ phạm tội. Để thoát khỏi án tù mới nhất, hắn ta tự nhận mình bị điên để được chuyển đến một bệnh viện tâm thần thay vì phải vào tù. Sau khi vào viện, Randle đã liên kết với các bệnh nhân khác tại đây tổ chức một cuộc nổi loạn để chống lại sự áp bức của nữ y tá Ratched.
Đề cử: Tiến sĩ Kevin Kieffer
Lý do đề cử: Bộ phim cổ điển từng đoạt giải Oscar này là một phim bắt buộc phải xem đối với sinh viên tâm lý học. Nó cho ta thấy một thực trạng kinh khủng của các bệnh viện tâm thần vào thời điểm những năm 1960 với các liệu pháp điều trị như sốc điện, đồng thời cũng thể hiện một dạng thức sai trái của biện pháp tâm lý trị liệu theo nhóm.
14. “Ordinary People”
Chính kịch (1980)
Chủ đề: Động lực gia đình, căng thẳng và cách đối phó, rối loạn tâm trạng, điều trị
Diễn viên: Mary Tyler Moore, Timothy Hutton, Donald Sutherland, Judd Hirsch
Nội dung: Sau cái chết bất ngờ của anh trai, cảm giác tội lỗi và đau buồn đã đẩy Conrad Jarrett đến ý định tự sát. Sau khi trải qua sáu tháng trong một bệnh viện tâm thần, cậu trở về nhà, gặp một bác sĩ tâm lý, và sẽ cố gắng để trở lại cuộc sống bình thường. Cha mẹ của Conrad có phản ứng rất khác nhau với tai nạn vừa qua; cha cậu cố gắng để đối phó với nỗi đau buồn của mình, trong khi mẹ của cậu vẫn kiên quyết phủ nhận, đồng thời tỏ ra tức giận và vô cùng tuyệt vọng.
Đề cử: Tiến sĩ Kevin Kieffer
Lý do đề cử: Bộ phim này làm sáng tỏ thực tế về cách một gia đình đối diện với tổn thương và những sự nứt vỡ từ bên trong. Bộ phim cũng xây dựng hình tượng tích cực về các bác sĩ tâm lý cũng như các giá trị của liệu pháp trong việc giúp Conrad và cha mình chữa lành.
15. “Rain Man”
Hài/Chính kịch (1988)
Chủ đề: Tâm lý học thần kinh/tự kỷ, hôn nhân/động lực gia đình
Diễn viên: Dustin Hoffmann, Tom Cruise, Valeria Golino
Nội dung: “Rain Man” là câu chuyện về một thanh niên ích kỷ hẹp hòi tên là Charlie Babbit cùng anh trai của mình, Raymond, một người tự kỷ có trí nhớ rất bác học mà trước nay Charlie chưa hề được biết tới. Khi cha của hai người qua đời và để lại quyền thừa kế cho Raymond, Charlie bèn lập ra một kế hoạch để giành lại số tiền thừa kế đó thông qua một chuyến du hành đường bộ xuyên nước Mỹ.
Đề cử: Tiến sĩ Antonio Laverghetta
Lý do đề cử: Bộ phim này làm sáng tỏ nhiều vấn đề về bệnh tự kỷ tại thời điểm mà công chúng có rất ít nhận thức về hội chứng này. Raymond đã thể hiện rất nhiều những hành vi điển hình của một người tự kỷ chức năng cao. Khi Charlie bắt đầu hiểu hơn về Raymond, anh dần biết cách để kiểm soát những căng thẳng của anh trai, đồng thời cũng trở thành một người tốt hơn, biết quan tâm chăm sóc cho người khác.
16. “Regarding Henry”
Chính kịch (1991)
Chủ đề: Tâm lý thần kinh, quên ngược chiều, hôn nhân/động lực gia đình
Diễn viên: Harrison Ford, Annette Benning, Michael Haley
Nội dung: Henry là một luật sư nhẫn tâm. Một ngày nọ ông bị bắn vào đầu trong một vụ cướp dẫn đến tổn thương não. Khi tỉnh dậy sau cơn hôn mê, ông bắt đầu bị chứng quên ngược chiều. Trong quá trình nỗ lực để khôi phục lại giọng nói, khả năng di chuyển cũng như trí nhớ của mình, Henry đã trải qua một sự thay đổi về giá trị con người, đồng thời xây dựng một cuộc sống mới cho gia đình cũng như bản thân.
Đề cử: Tiến sĩ Antonio Laverghetta
Lý do đề cử: Mặc dù chứng bệnh quên ngược chiều này rất hiếm xảy ra trong thực tế, bộ phim lại có chủ ý miêu tả nó theo hướng khá phổ biến, do đó có thể gây ra ngộ nhận và thiếu chính xác. Tuy nhiên, bộ phim này cũng thể hiện rất tốt những tác động đáng kể của chứng bệnh này (tốt lẫn xấu) lên người bệnh và những người xung quanh họ.
17. “Reign Over Me”
Chính kịch (2007)
Chủ đề: Rối loạn căng thẳng sau chấn thương
Diễn viên: Adam Sandler, Don Cheadle, Jada Pinkett Smith
Nội dung: Sự đau khổ mà Charlie Fineman phải trải qua sau khi mất hết gia đình của mình trong vụ tấn công ngày 11/9 khiến anh phải từ bỏ công việc và cô lập chính mình. Sau khi cơ hội gặp gỡ, Charlie xây dựng lại mối quan hệ với bạn cùng phòng cũ thời đại học, Alan Johnson, người đã giúp anh đối mặt với quá khứ và xây dựng lại cuộc sống của mình.
Đề cử: Tiến sĩ Mark Benander
Lý do đề cử: “Rein Over Me” là một bộ phim giải trí tràn đầy tiếng cười cùng những cảnh quay yên tĩnh và gợi mở nhiều suy nghĩ. Bộ phim này cũng thể hiện một số cách thức mà PTSD có thể tác động đến cuộc sống của người mắc phải cũng như những người thân xung quanh.
18. “Save The Last Dance”
Nhạc kịch/lãng mạn (2001)
Chủ đề: tâm lý học xã hội, mối quan hệ giữa các chủng tộc, áp lực, bạo lực
Diễn viên: Julia Stiles, Sean Patrick Thomas, Kerry Washington
Nội dung: Sara, một cô gái da trắng đang sống ở vùng ngoại ô bị buộc phải chuyển nơi ở đến thành phố Chicago. Theo đó, cô cũng phải chuyển đến một ngôi trường mới với đa số sinh viên là người Mỹ gốc Phi. Bạn trai mới của Sara là một thanh niên da đen tên Derek, người chia sẻ cùng cô những đam mê đối với việc nhảy múa.
Đề cử: Tiến sĩ Helen Oderinde
Lý do đề cử: Save the Last Dance tập trung vào một cặp đôi ở tuổi thiếu niên cũng như mối quan hệ của họ với những người khác. Cả hai liên tục gặp phải những vấn đề do xung đột xã hội và viên hoá cũng như phải luôn cố gắng vượt qua những định kiến của bản thân mình để vượt lên các áp lực văn hoá và xã hội này.
Biên dịch: CP
Theo www.Inpsychology.net/2016/11/27/18-bo-phim-danh-cho-sinh-vien-tam-ly-hoc
Nguồn: http://blog.online.saintleo.edu/degree-programs/18-Must-See-Films-For-Psychology-Students