20 điều cần ghi nhớ nếu bạn yêu một người trầm cảm

20-dieu-can-ghi-nho-neu-ban-yeu-mot-nguoi-tram-cam

tôi đưa ra đây 20 điều đơn giản chúng ta cần nhớ khi tương tác với những người mà có lẽ đang phải vật lộn với căn bệnh trầm cảm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hiện có trên 350 triệu người trên toàn cầu mắc bệnh trầm cảm. Con số gây sửng sốt đó cho thấy rằng tất cả chúng ta ở một vài thời điểm đều có khả năng gặp người đang trải qua cơn bệnh này. Với khả năng đó, những người có lẽ bạn chẳng bao giờ nghĩ tới họ mắc bệnh trầm cảm, như bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, thậm chí sếp của bạn, lại có thể là những người đang phải chiến đấu với nó.

Là một nhà tâm lí trị liệu, tôi thấy cần phải tiết lộ rằng trong nhiều năm kinh nghiệm làm việc với nhiều cá nhân và có cả các cặp vợ chồng mắc trầm cảm, một trong những điều gây tổn hại nhất khi đối phó với căn bệnh này là sự kì thị và chỉ trích từ phía mọi người. Hơn thế nữa, người ta thậm chí không biết rằng hành vi và lời nói của họ mang tính tiêu cực và gây tổn thương, thậm chí khiến người bệnh cảm thấy tồi tệ hơn.

Với thực tế đó, tôi đưa ra đây 20 điều đơn giản chúng ta cần nhớ khi tương tác với những người mà có lẽ đang phải vật lộn với căn bệnh trầm cảm. Bất kì điều nào sau đây đều sẽ giải quyết không chỉ vấn đề kì thị xung quanh căn bệnh, mà còn có thể giúp những cá nhân đang mắc trầm cảm đối mặt với căn bệnh.

1. Tính cách họ vô cùng mạnh mẽ

Trong một bài diễn thuyết tại chương trình Tedx gần đây, nhà tâm thần học và triết gia Neel Burton giải thích rằng trầm cảm có thể đại diện cho công cuộc miệt mài tìm kiếm ý nghĩa và giá trị cuộc đời. Có thể xem một người mắc bệnh trầm cảm như là người làm việc để tạo ý nghĩa sống, cố gắng đạt được nhiều hơn, sửa chữa nhiều hơn và cải thiện nhiều hơn. Hơn nữa, trầm cảm cũng có thể là cách để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp lành mạnh hơn cho chính chúng ta và những người xung quanh. Giáo sư Burton tiếp tục đề cập đến những người có ảnh hưởng và truyền cảm hứng nhất đã từng phải đối mặt với căn bệnh đó như Abraham Lincoln và Winston Churchill. Họ tìm kiếm sự bình yên, hạnh phúc để rồi lạc đến hố sâu của bệnh trầm cảm, nhưng rồi cuối cùng họ cũng thay đổi được tiến trình lịch sử.

Cần có ý chí lớn lao cùng sự thành thực mới dám thừa nhận sự hiện diện của trầm cảm, nhưng nó cũng thúc đẩy con người tìm ra câu trả lời trong những thời khắc tăm tối nhất của cuộc đời. Kết lại là bệnh trầm cảm có thể dẫn lối con người ta vào trong rừng sâu của tâm hồn, giúp phát quang những bụi cây, cỏ dại đang che khuất đi vẻ đẹp của cuộc sống. Nó không phải là việc làm sợ hãi, hèn nhát hay thờ ơ.

2. Họ vô cùng cảm kích khi bạn bất ngờ hỏi thăm

Tôi tin rằng một trong những giả định thường thấy nhất về những người mắc bệnh trầm cảm là họ muốn được ở một mình. Dù đôi khi điều đó có vẻ đúng, nhưng nếu có một người bạn nào đó, người thân, hay hàng xóm tạt qua thăm hỏi thì đó sẽ là một liều thuốc tinh thần hữu hiệu. Theo một giả thuyết đang tiếp tục được nghiên cứu, gốc rễ của bệnh trầm cảm là do sự thiếu các mối quan hệ giao tiếp trong cộng đồng, thậm chí cả trong gia đình. Làm việc quá sức, truyền hình và công nghệ khiến những giao tiếp thường ngày không ngừng trở nên giả tạo, thiếu kết nối. Những người mắc bệnh trầm cảm cần nhiều sự đồng hành hơn, nhiều bạn hơn, nhiều lời hỏi thăm hơn và nhiều người sẵn sàng dành thời gian bên họ hơn chứ không phải là bỏ họ lại một mình.

Lần sau nếu bạn nghĩ được ra ai đó đang phải trải qua tình trạng trầm cảm, thay vì chọn cách xa lánh, hãy nghĩ về việc thể hiện điều gì đó tốt đẹp, gắn kết và thân thiện với họ. Chúa Giê-su là một ví dụ, Ngài luôn ở bên cạnh mọi người. Cụ thể hơn, Ngài chọn được ở bên những người đáng tin tưởng để không cảm thấy cô độc. Thực tế, Satan đã chọn đúng lúc Ngài chỉ có một mình để thuận lợi cám dỗ Ngài nhất.

Hãy lưu tâm những người thân yêu hay bạn bè mắc chứng trầm cảm là người đang cần bạn ở bên hơn bao giờ hết.  Giờ nghĩ về ngày tôi còn nhỏ mẹ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nương tựa vào anh chị em của bà những lúc cô đơn khốn khó mới thấy mẹ tôi có lý. Gia đình và cộng đồng là liều thuốc tự nhiên cho bệnh trầm cảm. Hãy tận dụng điều đó thường xuyên hơn.

Mẹ Teresa đã nói rõ rằng “Sự thiếu thốn tồi tệ nhất là cô đơn và cảm giác không được yêu thương”.

3. Họ không muốn làm gánh nặng cho bất kì ai

Chỉ những người mắc chứng trầm cảm mới hiểu phải giấu đi cảm xúc và suy nghĩ thật để không thấy xấu hổ khó khăn thế nào. Họ có một đặc điểm là nhận thức rõ được bản thân và cả suy nghĩ, cảm xúc, cách đối xử của mọi người với họ. Ảnh hưởng mà căn bệnh trầm cảm mang lại đủ lớn để chôn vùi họ cả ngày dài – họ không còn thời gian để quan tâm đến việc những người xung quanh làm gì.

Không may rằng những người mắc bệnh trầm cảm có khả năng tự cô lập mình bởi họ không muốn gây tác động tiêu cực đến bất kì ai. Dù không phải lúc nào cũng vậy nhưng người trầm cảm khao khát có thể kiểm soát được căn bệnh này để không làm liên lụy mọi người. Điều này có thể là một nghịch lý bởi vì ở một mình thực tế có thể khiến các triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Trầm cảm khiến con người ta cảm thấy mình là gánh nặng của xã hội và mọi người xung quanh. Họ không muốn gây chú ý, cũng không muốn được nuông chiều hay nhìn đời qua lăng kính màu hồng. Họ thấu hiểu được rằng kiểm soát được chứng trầm cảm là mục tiêu quan trọng nhất cuộc đời họ để không tạo ra gánh nặng hay làm tổn thương người khác. Nếu chẳng may họ làm tổn thương hay xúc phạm bạn, hãy nhớ rằng đó không phải do họ mà do chính căn bệnh trầm cảm gây ra. Hãy nói với người bạn yêu thương rằng bạn hoàn toàn chấp nhận họ, vô điều kiện, và nhắc về những ưu điểm bạn yêu quý ở họ.

4. Họ không “thương tật” hay “khiếm khuyết”

Cơ thể con người là một cỗ máy phức tạp. Nó là sinh vật lâu đời nhất tồn tại trên Trái Đất mà chúng ta vẫn chưa biết làm thế nào để nó không bị phá huỷ. Bộ não con người và nhiều cấu trúc và chức năng khác của nó còn phức tạp hơn nữa. Dù nguyên nhân của một vài chứng trầm cảm chưa được hoàn toàn làm rõ, nhiều người trong số chúng ta vẫn cho rằng người mắc bệnh trầm cảm là khiếm khuyết, thậm chí là tật nguyền. Phẩm chất con người không tương quan gì với việc bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Giống như việc có cằm đôi, thừa cân, hay nói ngọng, trầm cảm là một đặc điểm của con người, không rõ nguyên nhân cụ thể, trầm cảm có thể xảy ra trong cuộc đời con người bởi rất nhiều lý do. Và đó không phải dấu hiệu của một con người thương tật hay khiếm khuyết.

Điều hữu ích nhất bạn có thể làm là tiếp tục trân trọng họ, tiếp tục coi họ là những người bình thường, mạnh mẽ và đáng quý.

5. Họ là những triết gia bẩm sinh.

Những người đang phải sống với bệnh trầm cảm mang trong mình nhiều thắc mắc và quan niệm về cuộc đời, về hạnh phúc và về ý nghĩa của họ trên Trái Đất này. Đó không đơn giản chỉ là kiếm tiền hay thành công trong sự nghiệp. Không đơn giản là sống với “giấc mơ Mỹ”. Không đơn giản là sống cho hiện tại và hi vọng mọi chuyện đều sẽ được giải quyết. Lạ kỳ là trầm cảm khiến thế giới quan của bạn rộng mở và bao quát hơn.

Những người trầm cảm mong muốn thế giới trở thành một nơi tốt đẹp và công bằng hơn. Họ muốn có câu trả lời cho mọi thách thức trong cuộc sống để rồi sẻ chia kiến thức với càng nhiều người càng tốt. Nhiều lúc, sự tò mò đó có thể phản tác dụng bởi nó chỉ khiến có thêm nhiều nghi vấn được đặt ra thay vì câu trả lời.

Vì vậy, hãy ghi nhận bản chất của họ, những người bị trầm cảm là những người thông minh, ham học hỏi, tò mò và sáng tạo.  Và đó là một ưu điểm, không phải nhược điểm.

6. Họ đang nỗ lực chống lại căn bệnh và trân trọng sự hỗ trợ.

Trong cuộc chiến lớn nhất của cuộc đời mình, bệnh nhân trầm cảm cần người động viên chứ không phải những kẻ bắt nạt.  Trong thời khắc đen tối nhất, bạn bè có thể trở thành thiên thần và thiên thần có thể trở thành cứu nhân. Tại một vài thời điểm trong đời, bạn sẽ được chọn trở thành cứu nhân hoặc ngược lại, người cướp đi mạng sống. Hãy là một cứu nhân. Trao cho họ món quà là sự chấp nhận, giúp đỡ, động viên và chính sự hiện diện của bạn.

7. Họ muốn có cơ hội được vui cười

Trái với trầm cảm là gì? Là hưng cảm! (Mania: tâm trạng hứng khởi cao bất thường hoặc dễ bị kích thích) Khoa học đã chứng minh được rằng tiếng cười có lợi cho tâm hồn và trí óc. Điều đó cũng đúng với người bị trầm cảm. Tôi luôn nhớ tập phim của Jerry Seinfeld khi mà Jerry có một người bạn bị ốm phải nằm viện và Jerry đã cố làm cho cậu ấy vui cười.
Nhưng, cuối cùng chính anh ấy đã giết chết người bạn của mình bởi anh đã khiến bạn cười quá nhiều. Nhưng đừng lo, bạn sẽ không làm đau người thân, bạn bè mình bởi niềm vui và tiếng cười đâu. Hãy cứ làm họ vui cười nhiều hơn nữa.

8. Họ nhạy cảm với cảm xúc và hành động của người khác

Người mắc trầm cảm quan tâm rất nhiều. Họ quan tâm đến điều bạn nghĩ, cách bạn nhìn nhận họ, cách bạn nhìn nhận mình và cả những gì mọi người cần. Có thể họ còn quan tâm quá mức. Những người hay quan tâm nhất mà tôi từng gặp đều là những người mắc phải một dạng trầm cảm nào đó.

Hãy cho họ biết những gì bạn cần và không cần.

Hãy tạo ra những ranh giới tôn trọng, rõ ràng và ý tứ cùng họ. Đồng thời hãy hỏi họ muốn và cần gì và cho họ biết bạn có thể đáp ứng được điều gì. Không gì hơn một mối quan hệ tốt đẹp dựa trên giao tiếp lành mạnh và những ranh giới hợp lý.

9. Họ cần được đối xử tôn trọng

Đối mặt với trầm cảm đồng nghĩa với chịu đựng sự phân biệt đối xử. Và tất nhiên không phải người bị trầm cảm tạo nên sự phân biệt mà chính là do xã hội. Tôi không biết phải nhắc lại bao nhiêu lần nữa rằng ngừng phân biệt đối xử sẽ giúp xoa dịu những ảnh hưởng xã hội của chứng trầm cảm. Sự tôn trọng mang ý nghĩa một giá trị, hơn là một hành động. Nếu đó là hành động, tôi thà trả tiền để mua nó còn hơn là hi vọng mà không nhận được nó. Tôn trọng nghĩa là nhìn nhận cả con người họ, đừng chỉ dừng lại ở căn bệnh trầm cảm.

Trầm cảm có khả năng che giấu đi những mặt tích cực và những phẩm chất vượt trội của người bệnh. Đừng để căn bệnh đánh lừa bạn hay chính người thân yêu của bạn. Hãy tìm kiếm và tôn vinh những gì tốt đẹp nhất mà lúc ban đầu bạn chưa thấy ở những người đang phải chịu đựng căn bệnh khắc nghiệt này.

10. Họ cần được đối xử công bằng

Cư xử với họ không cần quá thận trọng. Hãy cứ làm việc của bạn và mặc nhiên cho rằng người bệnh trầm cảm hoàn toàn khoẻ mạnh. Đơn giản là sống theo thói quen, nhưng là một thói quen có thể đoán trước và có mục đích đôi khi có thể mang lại tiến triển không ngờ, thậm chí như một phương thuốc chữa trị trầm cảm.

11. Họ có tài năng và cũng có thú vui

Ai cũng có những năng khiếu riêng cũng như mỗi người đều có một hơi thở riêng vậy. Dĩ nhiên, người mắc trầm cảm cũng có những khả năng riêng. Họ còn có thể làm giỏi là đằng khác. Nếu bạn chưa biết họ làm được gì thì nhiệm vụ tiếp theo của bạn chính là tìm ra nó đấy. Hãy giúp họ tìm kiếm đam mê thật sự. Hãy tìm cách nuôi dưỡng, phát triển và mãi dũa niềm đam mê đó và dần dần xoá hết dấu hiệu tiêu cực mà cuộc chiến chống trầm cảm mang lại.

12. Họ hoàn toàn có khả năng cho và nhận yêu thương

Mỗi người trên Trái Đất đều có khả năng cho và nhận yêu thương. Người mắc trầm cảm không phải ngoại lệ. Cho đi để có thể nhận lại. Hãy đối xử với mọi người như cách bạn muốn họ đối xử với mình. Có thể có nhiều luật lệ ở đời nhưng việc họ đang đối mặt với bệnh trầm cảm không làm thay đổi khả năng yêu thương cũng như tình cảm của họ. Hãy mang yêu thương đến với họ, cũng mang yêu thương đến cho chính mình. Bạn sẽ thấy yêu thương đong đầy hơn những gì vẫn tưởng.

Xen lẫn trong thời khắc đối mặt với những triệu chứng của trầm cảm vẫn có những niềm vui, tiếng cười và sự đồng cảm. Nếu bạn đang mong đợi những khoảnh khắc đó xuất hiện, bạn hãy thử nghĩ rằng, thực tế dù là bộ phim bạn yêu thích thì không phải mọi phân cảnh đều tuyệt vời. Bạn chỉ phải đợi đến những phần bạn thích nhất thôi.

13. Họ say mê tìm hiểu cách cuộc sống vận hành

Trong công cuộc tìm kiếm cách để xoa dịu chứng bệnh trầm cảm, người bệnh trở thành những người giải quyết vấn đề thiên bẩm. Vì thế đừng ngạc nhiên nếu họ trở thành những kẻ ham đọc sách hay ham học. Cũng đừng ngạc nhiên nếu họ hỏi những câu chẳng thể trả lời ngay được. Nhiều nhà lãnh đạo tiên phong trên thế giới được dẫn lối từ phân tích sâu sắc, suy nghĩ thấu đáo và niềm tin cùng giá trị vững vàng. Đây thực sự là một nhận thức mới mẻ! Trầm cảm không phải là vô năng mà là một tài năng bị ẩn giấu. Không ai trả lời hết những câu hỏi của cuộc đời, cũng như giải quyết hết những vấn đề bất bình đẳng. Đôi khi chỉ cần để những câu hỏi cứ thế xuất hiện, thế thôi.

14. Họ không có ý định đầu hàng bệnh trầm cảm

Cuộc chiến chống trầm cảm có thể kéo dài cả đời, cũng có thể chỉ trong khoảnh khắc. Dù thế nào cũng phải có bên thắng. Câu hỏi đặt ra là: bao giờ căn bệnh mới chấm dứt và làm thế nào để có thể thoát khỏi nó nhanh hơn? Mục tiêu là chiến thắng căn bệnh chứ không phải bỏ cuộc để rồi sống trong tự thán bản thân. Quan trọng nhất là phải nhớ rằng trầm cảm có thể chữa trị được và có nhiều rất nhiều sự hỗ trợ dành cho người muốn chống lại nó. Một trong những việc đầu tiên cần làm là phải biết chấp nhận sự hiện diện của căn bệnh này. Một khi chấp nhận được nó, bạn mới có thể bắt đầu chữa trị. Người không chấp nhận thực tế là mình mắc bệnh thường mất nhiều công sức để che giấu, hoặc cố gắng để tự giải quyết vấn đề.

15. Họ có thể buồn không vì lí do gì cả, vì thế chỉ cần ở bên họ thôi

Giống như màn sương im lặng bao trùm đồng cỏ, dần cản trở tầm nhìn trên con đường bạn đi, trầm cảm cũng có thể lặng lẽ tiếp cận những nạn nhân của nó. Tâm trạng là thứ không ổn định, dễ thay đổi. Nó không phải là thứ dễ kiểm soát chỉ bằng một cái công tắc hay chiếc cần gạt. Giống như sương giăng, bạn có xua tan nó được không? Có lẽ không. Người bạn yêu thương đang hết sức cố gắng để được hạnh phúc, vui vẻ và gắn kết với mọi người, và thứ họ cần vô cùng đơn giản.

Họ chỉ cần bạn ở bên họ. Chỉ cần như vậy. Đơn giản là ngồi cùng nhau đọc sách, xem một bộ phim hài, đi đến một quán cà phê và cùng nhâm nhi. Những việc như vậy không cần đến bác sĩ tâm lí, chỉ cần bạn có mặt và đón nhận họ. Hãy để màn sương tự tan biến khi mặt trời lên và đón chào một ngày mới.

16. Họ có thể không có nhiều năng lượng như họ mong muốn

Một trong những triệu chứng trầm cảm là mệt mỏi, thiếu sức sống. Một trong những liều thuốc hữu hiệu nhất trong thực tế là tập thể dục. Có thể rằng bạn đã từng nghe lời khuyên này rồi nhưng hãy cứ để tôi nói rõ hơn. Có nhiều hình thức và thời lượng tập luyện khác nhau nhưng để đạt được hiệu quả thì tối thiểu hãy đi bộ nhanh 3 lần mỗi tuần trong 30 phút. Đó là khối lượng tập luyện mà một người cần thực hiện để có thể cảm nhận được hiệu quả chống trầm cảm.

Việc này dễ thực hiện, đúng không?  Vậy nên, nếu mặt trời đã lên và những cơn gió đang thì thầm với bạn rằng hãy ra ngoài tận hưởng, hãy đưa người bạn yêu mến đi dạo một vòng. Họ có thể chưa thấy hiệu quả ngay lập tức nhưng rồi sẽ dần nhận ra. Tập luyện theo phương pháp này cũng là cách tăng cơ hội chiến thắng bệnh trầm cảm và tăng cường sức sống.

17. Nhiều khi họ có vẻ dễ cáu – đừng để bụng

Cáu kỉnh cũng là một triệu chứng của trầm cảm. Dù không nên bào chữa cho việc đối xử không tôn trọng với mọi người, nhưng quan trọng là nên bỏ qua những xích mích với người mắc trầm cảm. Mặt khác, đặt kì vọng thậm chí cả giới hạn với họ là điều thỏa đáng và cần làm. Kì vọng là tiêu chuẩn tối thiểu mà bạn trông đợi ở một người, còn giới hạn cũng có thể xem như một kì vọng được đặt ra để giữ một mối quan hệ hài hoà.

Nếu một người bị trầm cảm làm tổn thương cảm xúc của bạn, nên nói cho họ biết, tuy nhiên, cũng như trong bất kì mối quan hệ nào, bạn không nên đưa sự chỉ trích vào những lời góp ý. Hãy chỉ đơn giản là nói cho họ biết bạn cảm thấy thế nào và mong đợi gì từ họ. Còn nếu như họ không sẵn sàng lắng nghe, hãy thử lại lần sau khi cảm xúc khá hơn. Hãy để họ biết rằng bạn yêu họ nhưng bạn cũng yêu bản thân mình. Bạn không chỉ đang làm tấm gương tự yêu bản thân mà còn dạy họ kĩ năng giao tiếp và đặt giới hạn nữa.

18. Họ không muốn nghe “nên hay không nên” làm gì

Giống như là “Cậu nên đi chơi với bạn bè nhiều hơn”. Nếu có thứ gì như một thứ ngòi nổ khiến người bị trầm cảm bộc phát thì đó chính là những lời “khuyên bảo” rằng họ phải làm gì. Thói quen tự “khuyên bảo” bản thân nó đã đủ ăn sâu bám rễ trong họ rồi. Nếu bạn chưa rõ lắm một lời “khuyên bảo” ở đây là gì, thì nó chính là bất cứ câu nói nào có chứa chữ NÊN. Ví dụ như, “Cậu NÊN ra ngoài và tập thể dục nhiều hơn nữa”, “Cậu đừng NÊN buồn nữa”, “Nếu tôi mà là cậu, tôi sẽ …” “Cậu NÊN nghe theo lời khuyên của tôi”.

Điều đó không chỉ cho thấy bạn ra vẻ kẻ cả mà còn mặc định cho rằng những người bị trầm cảm không tự ý thức được họ phải làm gì. Mấu chốt ở chỗ nó khiến người ta có cảm giác giống như người nói là cha mẹ mình vậy. Mà người trầm cảm thì chẳng cần ông bố bà mẹ nào bảo họ NÊN làm gì. Thay vì thế, nên hỏi họ càng nhiều những câu hỏi mở càng tốt. Điều đó sẽ giúp họ suy nghĩ về những lựa chọn, xem xét các giải pháp, đào sâu ý tưởng, mở rộng khả năng và còn nhiều hơn nữa. Việc khuyên họ “nên hay không nên” chỉ khiến họ thấy bó buộc hơn và chẳng có tác dụng gì. Hãy nhớ rằng, câu hỏi mở không phải câu hỏi “Có hay không” nhé!

19. Họ cần sự hỗ trợ động viên rất lớn từ phía gia đình

Đây là điều bắt buộc. Nếu nói gia đình không giúp ích được gì thậm chí làm trầm cảm tồi tệ hơn là không đúng. Trong thực tế, nhiều phương pháp điều trị trầm cảm cần đến vai trò của gia đình hoặc bạn đời. Và mặc dù bệnh trầm cảm có thể làm mối quan hệ trở nên tồi tệ thì cũng có thể tận dụng mối quan hệ như một công cụ giúp những bệnh nhân trầm cảm hiểu về bản thân và học cách điều hòa việc tương tác lẫn nhau.

Một trong những cách tốt nhất để thay đổi cuộc sống của họ là cho họ biết bạn sẽ luôn bên họ. Đó là điều không phải đơn giản là để họ tự hiểu. Đó là điều cần được nói trực tiếp, mặt đối mặt. Đó là cách bạn thể hiện sự hỗ trợ, động viên đối với họ.  Sau đây là một vài gợi ý:

– Khen chân thành từ những việc nhỏ.
– Chú ý thế mạnh và những mặt tích cực của họ.
– Hãy rủ họ tham gia các sự kiện hoặc các dự án.
– Xoá bỏ những yếu tố “nên hay không nên” gây ức chế cho họ trong lời nói của bạn.
– Tôn trọng cảm xúc, suy nghĩ của họ, và hãy sử dụng nhiều câu hỏi mở nhất có thể.

20. Họ cần sự khuyến khích nhiều hơn là chỉ trích hay răn đe

Ở công viên giải trí Thế giới Đại dương (Sea World), người ta huấn luyện cá heo lưng đen thông qua biện pháp khuyến khích. Trong việc nuôi dạy con cái, các biện pháp khuyến khích cho thấy có nhiều hiệu quả hơn so với các biện pháp răn đe. Và trong hầu hết mọi mối quan hệ, chú trọng và đề cao mặt tích cực là biện pháp tốt và hiệu quả để nâng cao ứng xử như ý muốn. Mặt khác, được khuyến khích là một cảm giác tuyệt vời. Tất cả mỗi chúng ta đều đã từng làm công ít nhất một lần trong đời. Ở nơi làm việc, nếu chúng ta nhận được những lời khen trong công việc, được coi trọng những nỗ lực của mình thì chắc hẳn cả hiệu suất cũng như cống hiến cho công việc đều sẽ tăng lên.

Lòng tự trọng của người bị trầm cảm sẽ được nâng cao mỗi khi được khuyến khích, ủng hộ. Bạn hãy thử mà xem.

 

Mỹ Hạnh dịch- Bookaholic

Nguồn: http://www.lifehack.org/articles/communication/20-things-remember-your-loved-ones-suffer-from-depression.html

menu
menu