3 dấu hiệu của người có EQ thấp
Những người EQ (chỉ số đo lường trí tuệ về cảm xúc) thấp có khả năng gặp phải thất bại trong cả cuộc sống lẫn sự nghiệp.
Bài viết của nhà kinh tế Tống Vân (Trung Quốc).
Vài ngày trước, tôi thấy một chủ đề trên Internet: "Bạn đã thấy những người ít cảm xúc nhất ở mức độ nào?". Nhiều người đã tham gia vào cuộc thảo luận, một số phàn nàn về trải nghiệm của chính họ, trong khi những người khác lại đưa ra đề xuất. Có thể thấy, "trí tuệ cảm xúc thấp" vẫn đang là điểm nhức nhối và là bài học cuộc sống dành cho nhiều người.
Ở đây, tôi tóm tắt 3 dấu hiệu của người có EQ thấp khi tổng hợp ý kiến của nhiều người:
Luôn muốn đánh bại người khác bằng lời nói
Trong cuộc sống hàng ngày, không khó để nhận ra những người luôn đấu tranh đúng sai trong mọi việc, phản bác tất cả những gì người khác nói và không bao giờ nhượng bộ ai. Một người như vậy được đánh giá là có chỉ số EQ thấp.
Tôi nhớ đã nghe một câu chuyện nghề nghiệp như thế này.
Có một sinh viên tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng với thành tích học tập vượt trội. Mỗi lần phát biểu trên lớp, anh luôn có ý kiến riêng và được thầy cô giáo đánh giá cao. Khi đi làm, quản lý cũng luôn dành lời khen ngợi cho thanh niên này.
Tuy nhiên đồng nghiệp lại không thích anh ta, nhất là khi mọi việc cần phối hợp. Không chỉ những người cùng bộ phận mà ở phòng ban khác cũng không sẵn sàng làm việc với thanh niên này. Lý do là anh luôn muốn "trên cơ", thích đè bẹp người khác bởi khả năng hùng biện và chỉ số thông minh của mình. Bất cứ khi nào không đồng ý với người khác, anh ta chỉ biết độc thoại trong khi đối tác chỉ luôn im lặng.
Khi một người luôn muốn đánh bại người khác bằng lời nói thì mục đích không chỉ là giao tiếp mà thể hiện bản thân và hạ gục đối phương. Đại đa số những người có thói quen xấu này đều không nhận ra tác hại của nó. Họ cho rằng bản thân "nhanh mồm nhanh miệng" hoặc lanh lợi thông minh khi giành được sự chú ý của người khác. Nhưng trên thực tế, đây là hành vi của người bất lịch sự, không biết lắng nghe và tôn trọng người đối diện.
Không bao giờ nhượng bộ trong lời nói thực ra là một hành vi rất nguy hiểm. Bề ngoài có vẻ là người chiến thắng nhưng thực chất lại thua trong tâm hồn, bị mọi người lánh xa. Những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ không dễ để khuất phục người khác nhưng biết thừa nhận thất bại đúng lúc.
Thích "chọc ngoáy" vào nỗi đau của người khác
Có một loại người như vậy, việc thích nhất của họ là động đến nỗi đau của người khác để châm biếm, đả kích và tự hưởng thụ "thành quả".
Tôi đã từng trải nghiệm qua sự việc của một người bạn.
Mỗi khi Tết đến, mẹ của người bạn tôi lại đưa con về quê thăm ông bà ngoại và gặp gỡ bạn bè. Có một người dì khi nhìn thấy bà mẹ lại cất tiếng "Thật đáng tiếc, nếu đứa trẻ đó còn sống thì cháu đã có hai đứa con để đưa đi chơi không". Mẹ cô vốn dĩ đang mỉm cười, ánh mắt mờ đi khi nghe thấy câu nói này. Nhưng người dì vẫn chưa bỏ cuộc: "Hồi đó mà để ý hơn có lẽ đứa trẻ không phải ra đi sớm như vậy". Lúc này mẹ bạn tôi không còn tâm trạng để hỏi thăm sức khỏe mọi người nữa, vội kéo con ra khỏi nhà, nước mắt chảy dài. Sau đó bạn tôi biết rằng mình có một người chị song sinh nhưng không may qua đời khi được vài ngày tuổi. Người mẹ luôn giấu kín sự việc này vì không muốn khơi thêm nỗi đau đã được ngủ yên.
Mỗi người đều có những bí mật riêng tư và nỗi đau của mình, trong số đó có những thứ quá nặng nề để tiết lộ cho người khác biết. Và những người dù biết vết sẹo của người khác nhưng vẫn cố chọc ngoáy không chỉ thể hiện EQ thấp mà còn chứng minh bản thân có sự tu dưỡng kém. Người có EQ cao sẽ không "xát muối vào vết thương" của người khác mà quan tâm đến cảm xúc hiện tại của họ.
Không hiểu ý người khác
Người ta thường nói phải đặt mình vào địa vị của người khác để hiểu được cách suy nghĩ của họ. Tuy nhiên với những người EQ thực sự cao, họ có khả năng hiểu được những gì trong lời nói của đối phương và phán đoán chính xác tâm lý của người đang tiếp xúc với mình.
Ngược lại, những người có chỉ số EQ thấp thường không hiểu được cảm nhận của người khác. Họ không cảm nhận được chồng/vợ đang giận dữ hoặc khi đồng nghiệp của bạn đang phát cáu. Không những vậy, họ có thể khó chịu khi người khác muốn bạn hiểu về cảm nhận của họ. Nhìn chung, cảm xúc có xu hướng trở nên trầm trọng hơn với những người có EQ thấp.
EQ không phải luôn dễ dàng thay đổi trong một ngày một bữa, nhưng với một chút nỗ lực, hầu như ai cũng có thể cải thiện chỉ số cảm xúc bằng việc huấn luyện, tự xem xét nội tâm và tiếp thu ý kiến của người khác. Một tin tốt nữa là EQ sẽ tăng tự nhiên theo tuổi tác, dù bạn không muốn cố ý tăng nó đi nữa.
Vy Trang (Theo aboluowang)
Nguồn: https://vnexpress.net/3-dau-hieu-cua-nguoi-co-eq-thap-4205307.html?fbclid=IwAR2dUhzu9t1PNtZVu4STqsW7ntEHUUslLOK6V2ctrzLU9ZY1jI4CcryDEQA