3 yếu tố cốt lõi mà cha mẹ không thể thiếu trên hành trình nuôi dạy con
Helicoptering, gentle parenting, curling dads, French parenting... là một số trong vô vàn những phong cách mới lạ mà được tuyên bố là “…nếu cha mẹ ứng dụng thì sẽ giúp nuôi dạy nên một đứa trẻ hạnh phúc và hành xử chuẩn mực hơn…
Helicoptering, gentle parenting, curling dads, French parenting... là một số trong vô vàn những phong cách mới lạ mà được tuyên bố là “…nếu cha mẹ ứng dụng thì sẽ giúp nuôi dạy nên một đứa trẻ hạnh phúc và hành xử chuẩn mực hơn…”Thế nhưng tại sao vẫn có nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bối rối, lo lắng và gặp khó khăn trong việc lựa chọn ra phương pháp phù hợp cho gia đình mình?
May mắn thay là cha mẹ hoàn toàn có thể tìm ra lời giải. Và chủ đề này cũng đã được các nhà tâm lý học nghiên cứu trong cả thế kỷ qua. Dẫu biết làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách, nhưng cốt lõi của nó lại rất đơn giản. Bài viết dưới đây sẽ phân tích về 3 yếu tố chính trong việc nuôi dạy con và chia sẻ 1 “bí quyết” mà cha mẹ thường hay quên nhắc tới.
NHỮNG YẾU TỐ CỐT LÕI CỦA PHONG CÁCH NUÔI DẠY CON
Phong cách nuôi dạy con là cách mà các nhà tâm lý học mô tả bầu không khí chung trong gia đình.
Ví dụ, cùng ở trong một quán kem, có cha mẹ sẽ cho con thoải mái tận hưởng món kem mà con thích. Nhưng có cha mẹ lại quyết định làm chủ việc gọi món cho con. Và cũng có gia đình cho đưa ra cho con sự lựa chọn để con chọn một trong số những phương án đó. Mỗi gia đình có cách ứng xử khác nhau, phong cách nuôi dạy khác nhau, và dĩ nhiên là kết quả cũng sẽ khác nhau.
Thế nhưng, có 3 yếu tố chính định hình nên phong cách nuôi dạy con mà cha mẹ cần lưu ý là: Quy tắc, Tự chủ và Tình yêu thương vô điều kiện.
QUY TẮC
Về bản chất, quy tắc, tiêu chuẩn và kỳ vọng trong gia đình giúp trẻ có những chỉ dẫn rõ ràng, và đoán trước được những gì sẽ xảy ra. Trẻ em đang quá trình tìm hiểu về thế giới không ngừng thay đổi, ẩn chứa sự phức tạp, hay thậm chí là nguy hiểm. Lúc này đây, những quy tắc như kim chỉ nam, giúp trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm hơn.
Quy tắc có thể được quy định rõ ràng như: “Không được chạm vào bếp nóng!” hoặc ngầm hiểu như: “Gia đình mình luôn tôn trọng lẫn nhau”. Khi cha mẹ đưa ra những tiêu chuẩn hợp lý, trẻ sẽ dựa vào đó để tự điều chỉnh hành vi và suy nghĩ về hậu quả của những việc mà trẻ làm.
Mặc dù các quy tắc sẽ thay đổi theo từng độ tuổi, nhưng điều này cũng đúng với thanh thiếu niên. Ở giai đoạn này, các em cần khám phá bản thân và tìm kiếm vị trí của mình trong thế giới. Những hướng dẫn rõ ràng sẽ thúc đẩy sự tự chủ, giúp trẻ khám phá và trưởng thành trong một khuôn khổ an toàn.
TỰ CHỦ
Cha mẹ cần dạy con cách cư xử đúng đắn và đặt ra kỳ vọng về hành vi của trẻ. Tuy nhiên, kiểm soát hành vi không có nghĩa là kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của con.
Là cha mẹ, chúng ta mong muốn các con biết tôn trọng lẫn nhau, không được gọi nhau bằng những từ ngữ “bậy bạ”, không đánh nhau và không phá hoại đồ đạc,… Nhưng chúng ta không thể cấm trẻ tức giận hay buồn bã, và càng không thể phủ nhận cảm xúc của chúng.
Sự khác biệt nằm ở việc: chúng ta đưa ra các quy tắc để giúp trẻ điều chỉnh hành vi chứ không phán xét con người hay cản ngăn những cảm xúc của trẻ.
Nhiều nghiên cứu cũng đã phân biệt giữa Kiểm soát hành vi và Kiểm soát tâm lý (xâm phạm quyền tự chủ và bản sắc cá nhân). Kiểm soát hành vi đúng cách sẽ mang lại các kết quả tích cực cho sự phát triển của trẻ. Trong khi đó, kiểm soát tâm lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ.
Trẻ cần được cảm nhận và bày tỏ cảm xúc của mình một cách tự nhiên, và điều đó là hoàn toàn bình thường.
TÌNH YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN
Nhà tâm lý học phát triển vĩ đại Urie Bronfenbrenner đã từng nói rằng điều duy nhất mà mỗi đứa trẻ cần để phát triển mạnh mẽ là có ít nhất một người thật sự yêu thương trẻ vô điều kiện - dù con có như thế nào thì tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con là không thể lay chuyển.
Trong các tài liệu tâm lý, điều này được gọi là "sự ấm áp," "sự hỗ trợ," và "sự chấp nhận tích cực vô điều kiện". Sự gắn bó an toàn cũng chứa đựng yếu tố của tình yêu vô điều kiện. Nhưng tựu chung lại, yếu tố cốt lõi là mối liên kết giữa cha mẹ và con cái sẽ không thể phá vỡ. Dù con có làm gì, có cư xử ra sao, cha mẹ vẫn luôn ở bên cạnh những lúc con cần.
Càng nghiên cứu về việc nuôi dạy con, tôi càng tin rằng tình yêu vô điều kiện chính là chìa khóa để trẻ trưởng thành một cách tự tin, biết yêu thương bản thân và quan tâm đến người khác.
VÀ MỘT “BÍ QUYẾT” DỄ BỊ BỎ QUÊN…
Một lý do khiến các nguyên tắc chung về việc nuôi dạy con khó áp dụng vào thực tế là bởi vì mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Có trẻ rất hòa đồng và luôn muốn làm hài lòng người khác. Có trẻ lại nhút nhát và dè dặt. Có những trẻ thích thử thách giới hạn, muốn biết mình có thể làm gì để khiến cha mẹ khó chịu và khi nào thì bị phạt.
Trẻ nhỏ cần được dạy dỗ khác với học sinh tiểu học: nói ít và hướng dẫn bằng hành động nhiều hơn. Học sinh tiểu học cần ít sự lựa chọn nhưng nhiều sự cấu trúc hơn so với thanh thiếu niên. Trẻ 13 và 18 tuổi cũng cần những quy tắc khác biệt.
"Bí quyết" thực sự chính là hiểu con mình cần gì, tập trung vào con, biết lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của con. Đồng thời tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ và những sự thay đổi của chúng theo thời gian. Trẻ em luôn thay đổi mỗi ngày. Hôm trước trẻ vui vẻ, hoạt bát nhưng hôm nay trẻ có thể mệt mỏi, căng thẳng, hoặc buồn phiền vì điều gì đó. Và điều cha mẹ cần làm là linh hoạt hết mức có thể để ứng phó với nhu cầu của con trẻ một cách thích hợp theo từng tình huống và thời điểm.
Giống như việc lướt sóng, cha mẹ cần có những kỹ năng cơ bản, nhưng phải điều chỉnh kỹ thuật phù hợp với từng con sóng thì mới có thể lướt qua dễ dàng.
Tham khảo:
What Is Gentle Parenting? Cleveland Clinic. August 5, 2022.
Pandemic parenting slang: are you a curling dad or a crunchy mom? The Economist. June 7, 2021.
Megan McArdle. The Truth About French Parenting (and I Would Know). The Atlantic. March 14, 2012.
Nguồn bài viết: Psychology Today
Lược dịch: Family & Child Psychology with Nguyen Minh Thanh