5 cách giúp bạn tránh bị người khác thao túng

5 bước để giành lại quyền kiểm soát khi người khác đang cố kiểm soát bạn
Dù muốn hay không, những người có xu hướng thao túng tồn tại ở khắp nơi. Thao túng là hành vi cố gắng tác động đến suy nghĩ hoặc hành vi của bạn thông qua những cách tiếp cận gián tiếp, đôi khi đầy mưu mẹo hoặc lừa dối, nhằm phục vụ lợi ích của người thao túng.
Nghe có vẻ tiêu cực, nhưng đây là một chiến thuật rất phổ biến của con người. Không chỉ có chính trị gia hay các tập đoàn lớn mới tìm cách thao túng bạn; rất có thể là sếp bạn, người yêu bạn, những đứa con ngoan ngoãn, thậm chí là người mẹ hiền từ của bạn nữa.
Sự thật là, ai cũng có lý do để mong bạn hành xử theo cách họ mong muốn. Dù tất cả chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân của thao túng, nhưng nếu bạn là người thiếu tự tin, quá tử tế, hoặc thường xuyên lo lắng về cái nhìn của người khác, bạn có thể dễ dàng trở thành mục tiêu.
Cảm giác bị thao túng gây khó chịu chính là vì bạn thấy mình đang bị thúc ép hoặc bị lừa vào điều gì đó mà bản thân không thật sự chọn lựa hay mong muốn. Cảm giác được lựa chọn có thể thay đổi hoàn toàn cảm nhận của bạn về một hành động. Cùng một việc, nhưng cảm xúc sẽ rất khác nếu bạn chủ động thực hiện, so với khi bạn bị ép buộc hay dụ dỗ để làm nó.
Ví dụ, bạn chọn mua cho con một chiếc quần jeans trị giá 200 đô la bởi vì suốt sáu tháng qua, con học hành chăm chỉ, làm đầy đủ việc nhà, và bạn muốn thưởng cho con một món quà thật đặc biệt — cảm giác khi đó sẽ hoàn toàn khác so với việc bạn miễn cưỡng móc hầu bao mua món đồ vượt ngân sách chỉ vì cảm thấy tội lỗi, vì bị con khiến bạn tin rằng nếu không mua, bạn là phụ huynh "cổ hủ" đang phá hỏng cuộc sống xã hội của con.
Hình thức thao túng phổ biến nhất chính là nỗ lực thay đổi hoặc áp đặt lại “khung nhận thức” của bạn. Khung nhận thức là hệ thống niềm tin hay góc nhìn mà bạn dùng để đánh giá một tình huống. Mọi phán xét đều xuất phát từ khung này.
Ví dụ, nếu bạn tin rằng: “Tôi là người chăm chỉ, làm việc tốt, và tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ trong giờ hành chính mà vẫn giữ được cân bằng cuộc sống” — đó là khung của bạn. Nếu sếp muốn bạn làm thêm giờ, họ có thể nói rằng: “Những nhân viên được đánh giá cao và thường được thăng chức là người luôn tận tâm với sứ mệnh của công ty và sẵn sàng làm việc cuối tuần khi cần.” Lúc này, họ đang cố tác động và thay đổi khung của bạn. Liệu bạn còn là một nhân viên tốt nếu cách làm việc của bạn không được công ty trân trọng?
Dù ví dụ trên khá rõ ràng, nhưng thực tế, việc thao túng khung nhận thức thường tinh vi hơn, thông qua cách thông tin được trình bày. Bạn sẽ thích mua một loại bao cao su ghi là “hiệu quả 95%” hay một loại ghi là “có 5% khả năng thất bại”? Bạn sẽ chọn mua thịt bò xay được ghi là “80% nạc” hay “20% mỡ”?
Nghiên cứu của Amos Tversky và Daniel Kahneman cho thấy đa số mọi người chọn phương án đầu tiên trong cả hai tình huống. Cách diễn đạt, hoàn cảnh và từ ngữ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cảm nhận và quyết định của người tiếp nhận — điều mà giới quảng cáo, tiếp thị nắm rất rõ, nhưng người bình thường cũng vận dụng không ít.
Khi con bạn dọn phòng sạch sẽ trước khi xin phép đi dự một bữa tiệc không có người lớn giám sát, hoặc bạn đời đưa bạn đi ăn tối thật lãng mạn trước khi báo rằng họ phải công tác xa đúng vào tuần lễ sinh nhật lần thứ 60 của mẹ bạn — đó là những cách họ chuẩn bị tâm lý, tạo “khung cảm xúc” tích cực để khiến bạn tiếp nhận tin xấu dễ hơn. Họ đang truyền tải thông điệp: “Con là đứa trẻ có trách nhiệm”; “Anh/em là người bạn đời yêu thương” — và muốn bạn tiếp nhận tin tức dưới góc nhìn ấy.
Source: Bigstock, used with permission
Vậy, khi thao túng là một chiến lược quá phổ biến, làm sao bạn có thể đối diện mà không cảm thấy mình bị lợi dụng hay lừa dối? Dưới đây là 5 bước giúp bạn “chiến thắng” những người có xu hướng thao túng:
1. Nhận diện và lắng nghe cảm xúc của bản thân
Trừ khi hoàn toàn diễn ra trong vô thức, thì thao túng trong các mối quan hệ thường khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Như thể có ai đang “bẻ tay” bạn — nhưng ở đây là quan điểm của bạn bị bẻ cong. Bạn cảm thấy phòng thủ, tức giận, tội lỗi, xấu hổ? Bạn có cảm giác mình đang làm điều gì đó sai trái?
Chính cảm giác khó chịu đó là hồi chuông cảnh báo: “Tôi đang bị thao túng.” Khi bạn nhận ra điều này, bạn có thể chuẩn bị phản ứng một cách chủ động thay vì rơi vào cái bẫy đã được giăng sẵn.
2. Lắng nghe
Trong đa số trường hợp, người kia chỉ đang cố gắng khiến bạn nhìn thấy góc nhìn của họ. Hãy thử đặt mình vào vị trí của họ để hiểu. Việc lắng nghe không đòi hỏi bạn phải thay đổi quan điểm, nhưng lại giúp bạn giữ được sự bình tĩnh, đồng thời tạo nên niềm tin và sự gắn kết.
Khi bạn lắng nghe mà không vội phản biện, bạn đang trao cho họ điều mà họ mong muốn nhất — cảm giác được thấu hiểu. Việc hiểu rõ động cơ và quan điểm của đối phương trước khi đưa ra lập trường của mình là bước cần thiết để giải quyết tình huống một cách hiệu quả.
3. Giữ vững khung nhận thức của bạn
Khung nhận thức của bạn là kết quả của những trải nghiệm và giá trị sống riêng biệt. Quan điểm của bạn cũng có giá trị như bất kỳ ai.
Giữ vững khung nhận thức là giữ vững lập trường ngay cả khi đối phương có một cách nhìn khác. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải chiều theo họ để làm vừa lòng, mà là trung thành với điều bạn tin là đúng. Nếu bạn cảm thấy bối rối hoặc chưa rõ quan điểm của mình, hãy cho mình thời gian để suy nghĩ — điều đó hoàn toàn chính đáng.
4. Phản hồi và công nhận
Hãy cho người kia biết rằng bạn hiểu họ, bằng cách diễn giải lại những gì họ vừa nói, đồng thời bày tỏ rằng bạn tin tưởng vào thiện chí của họ.
Hầu hết các hành vi thao túng không xuất phát từ ác ý, mà chỉ là nỗ lực nhằm tác động đến quan điểm của bạn. Đôi khi, họ thậm chí không nhận ra rằng hành vi của mình mang tính thao túng. Con người có xu hướng hợp lý hóa hành động của bản thân. Nếu họ nghĩ rằng bạn hiểu lầm họ hoặc xem họ là người xấu, họ có thể trở nên phòng thủ và càng cố ép bạn chấp nhận quan điểm của họ.
5. Trình bày rõ lập trường của bạn
Rất có thể người kia chưa thực sự biết bạn nghĩ gì. Tránh phê phán hay đổ lỗi. Nếu họ không thể chấp nhận quan điểm của bạn, hãy thử đặt vấn đề theo hướng “đồng thuận trong bất đồng”.
Điều quan trọng là bạn đang đối thoại cởi mở với họ về sự khác biệt trong quan điểm — đây là cuộc trò chuyện, không phải sự thao túng. Bạn có thể lựa chọn đồng ý với họ, hoặc, nếu hậu quả là đáng kể, bạn có thể quyết định rời khỏi tình huống ấy.
Dù quyết định thế nào, bạn vẫn là người nắm quyền chọn lựa. Điều thú vị là, khi người khác nhận ra rằng bạn không dễ bị thao túng, họ sẽ tôn trọng bạn hơn — và trên hết, chính bạn cũng sẽ thêm phần trân quý bản thân mình.
Nguồn: 5 Ways to Keep Yourself from Being Manipulated | Psychology Today