5 cấp độ thay đổi cuộc đời của việc “đếch quan tâm”

Mỗi ngày trôi qua, có hàng trăm triệu con người đang khổ sở vì… quan tâm quá nhiều.
Mỗi ngày trôi qua, có hàng trăm triệu con người đang khổ sở vì… quan tâm quá nhiều. Họ sống trong một nhà tù vô hình, nơi lo lắng vớ vẩn và bận tâm linh tinh trở thành xiềng xích. Nhưng đời không nhất thiết phải như vậy.
Trong bài viết này, tôi sẽ dắt bạn đi dạo qua 5 cấp độ “không thèm quan tâm” – mỗi cấp là một bước tiến gần hơn đến cảnh giới an yên, vô ưu, mặc kệ đời. Từng bước một, bạn sẽ học cách đối mặt với nỗi sợ, ngừng bận tâm người ta nghĩ gì, và chạm tay vào cuộc sống nhẹ tênh không chút phiền lòng.
Cài dây an toàn vào. Đã đến lúc ngừng lo bò trắng răng và bắt đầu sống cho ra sống.
CẤP ĐỘ 1: NGƯỢNG NGÙNG
Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là Hiệu ứng Đèn Sân Khấu – Spotlight Effect. Hiểu nôm na, đó là cảm giác ai trong chúng ta cũng từng trải: ta cứ tưởng cả thế giới đang soi mói mình, trong khi thực tế thì… chẳng ai rảnh đến vậy đâu.
Nghĩ lại lần gần nhất bạn cắt quả đầu tệ chưa từng thấy. Cả ngày hôm đó bạn cứ tưởng thiên hạ nhìn chằm chằm vào “tác phẩm bi kịch” đang nằm trên đầu mình. Nhưng sự thật là phần lớn chẳng ai để ý. Mà có để ý, cũng chẳng ai buồn quan tâm.
Tôi rất thích một câu nói của nhà văn David Foster Wallace. Ông bảo:
“Bạn sẽ ngừng lo người khác nghĩ gì về mình… khi bạn nhận ra là họ hiếm khi nghĩ đến bạn.”
Với một người từng lớn lên trong sự sợ hãi xã hội như tôi, câu nói này như mở ra cả chân trời mới. Nhưng chỉ nghe thôi thì chưa đủ. Phải ra ngoài, va chạm, và cảm nhận. Phải tự tay tháo cái đèn sân khấu khỏi đầu mình.
Không có nghĩa là bạn phải mặc bộ đồ gà và đi dạo quanh trung tâm thương mại (dù nếu bạn làm vậy, tôi cũng không ngăn cản đâu). Nhưng bạn phải làm một điều gì đó.
Phải thử thách chính mình. Phải dấn thân vào những tình huống khiến bạn khó chịu, xấu hổ trước người khác – để rồi nhận ra một cách rõ ràng rằng: chả ai để ý, và càng không ai quan tâm.
Chịu đựng sự ngượng ngùng chính là nền móng của nghệ thuật “đếch quan tâm”. Khoảnh khắc bạn nhận ra là chẳng ai buồn để mắt đến bạn – đó chính là lúc bạn vượt qua Cấp Độ Một.
Tiếp tục tiến lên nào.
CẤP ĐỘ 2: BỊ TỪ CHỐI
Nếu bước đầu tiên để không “bận tâm” là dám chấp nhận mình trông ngớ ngẩn trước người khác, thì bước tiếp theo chính là dũng cảm đối diện với… sự từ chối.
Không quan tâm người lạ nghĩ gì đã là một chuyện, nhưng còn những người bạn thật sự quan tâm thì sao? Bạn có sẵn sàng nói ra những điều mà bạn bè hay người thân có thể không đồng tình? Bạn có đủ thoải mái để trò chuyện về những điều khó nói? Hay bạn vẫn sợ mình sẽ làm lố trong một buổi hẹn hò?
Những người sống theo kiểu “quan tâm quá nhiều” thường rất khó khăn với việc bị từ chối. Lòng tự trọng của họ bám víu quá chặt vào việc được người khác công nhận, đến mức họ gần như không thể chịu đựng nổi nếu bị ai đó quay lưng. Thế nên họ làm mọi cách để tránh điều đó, bằng cách... diễn. Họ nhìn mọi tình huống xã hội qua lăng kính: "Mình phải nói gì, làm gì để người ta thích mình?" Và rồi họ cứ thế mà nói và làm như thế.
Sống kiểu đó mệt lắm, không chỉ vì nó giống như đang thi tốt nghiệp mỗi khi mở miệng—nói sai là coi như “rớt”—mà còn vì nó khiến bạn chẳng bao giờ có nổi một mối quan hệ lành mạnh thực sự. Dù có thành công trong việc khiến người khác quý mến, bạn vẫn sẽ canh cánh một nỗi lo: “Họ có thích mình thật không, hay chỉ là thích cái vai diễn mình đang mang?”
Khoảnh khắc “mở khóa tâm hồn” thường đến khi người ta thôi diễn, và bắt đầu sống thật trong các mối quan hệ. Khi họ nhận ra rằng: dù mình có diễn giỏi đến mấy, kiểu gì rồi cũng có người không ưa mình, vậy thì chi bằng bị từ chối vì chính con người thật của mình còn hơn.
Khi bạn bắt đầu bước vào các mối quan hệ bằng sự chân thành, không ngại ngùng về bản thân và sẵn sàng đón nhận mọi kết quả, bạn chợt hiểu ra: Mình đâu cần ngồi đó chờ người khác chọn mình, mình cũng có quyền chọn họ mà.
Và điều đó... thay đổi tất cả.
CẤP ĐỘ 3: CHỈ TRÍCH
Sự thật là: bạn không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, mọi lúc.
Dù bạn có làm gì đi nữa, vẫn sẽ có người phê phán, chê bai, nói ra nói vào. Và bạn phải học cách sống chung với điều đó — phải hiểu rằng lời chỉ trích là một phần không thể thiếu trong “bản mô tả công việc” của thành công. Sự tôn trọng, sự ngưỡng mộ mà bạn mong mỏi sẽ luôn đi kèm với một đội ngũ những “nhà phê bình chuyên nghiệp” sẵn sàng vùi dập bạn bất cứ lúc nào.
Lần tới nếu ai đó chỉ trích bạn, hãy làm như sau:
Nếu bạn tôn trọng người đó — hãy lắng nghe. Biết đâu học được gì hay ho, sửa mình rồi tiến bộ.
Còn nếu bạn không tôn trọng người đó — kệ họ. Mặc kệ. Quan tâm làm gì cho mệt?
Chỉ trích, suy cho cùng, cũng chỉ là thông tin. Nếu đó là thông tin hữu ích về bạn, thì tuyệt rồi. Còn nếu không, thì ít nhất nó cũng cho bạn biết thêm về người đang nói. Dù theo cách nào, nó cũng có ích cả thôi.
Vậy thì… sao phải trốn tránh?
CẤP ĐỘ 4: THẤT BẠI
Có một điều kỳ diệu xảy ra khi bạn không còn bận tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình — và đó chính là tinh thần xuyên suốt ba cấp độ trước — nó mở ra cho bạn một thứ tự do hiếm có: tự do được thất bại.
Tất cả những điều bạn từng tò mò, những cuộc phiêu lưu bạn mơ mộng nhưng chưa bao giờ dám thử vì sợ mang tiếng "làm không nên hồn" — giờ đây bỗng nhiên trở nên gần gũi, dễ chạm tới. Vì bạn không còn quan tâm người ta sẽ nói gì nếu bạn... lỡ làm hỏng.
Bạn không còn lo gia đình nghĩ sao nếu bạn bỏ cái công việc chán ngắt mà không kiếm nổi việc mới, thế là bạn bỏ luôn. Bạn không ngại đăng ký lớp nhảy breakdance, dù nhảy dở tới mức trở thành chủ đề bàn tán buổi trưa của cả lớp — và rồi bạn cứ đăng ký thôi, có sao đâu!
Vì thế này: thất bại hay không, không quan trọng bằng việc bạn đã làm gì. Cuộc sống không nằm ở kết quả, nó nằm ở hành trình bạn trải qua.
Chúng ta lớn lên trong một môi trường quá chú trọng vào kết quả, ít để tâm đến quá trình. Từ bé đã quen với việc làm bài được điểm A thì mới được khen, đi thi giành giải mới được công nhận. Mọi thứ đều xoay quanh câu hỏi: “Bạn có đạt được cái này không? Nếu có, chúng tôi mới thưởng.”
Nhưng thực tế thì đời không vận hành như vậy. Trái lại, cuộc sống thường thưởng cho những ai dám thất bại, dám xấu hổ một chút, dám liều lĩnh một chút, dám dở tệ ở điều gì đó — miễn là họ sẵn sàng kiên trì đến khi mình làm tốt.
Nên để tôi hỏi bạn: Bạn đang dở tệ một cách hồn nhiên ở điều gì? Điều gì bạn làm dở ẹc nhưng vẫn thấy vui, vẫn thấy đáng để tiếp tục?
Hãy tìm lấy điều đó. Và làm nó đi. Dù bạn có thất bại ngoạn mục, ít nhất bạn cũng đã sống trọn vẹn — và biết đâu, sau này còn có chuyện hay để kể cho cháu mình nghe.
CẤP ĐỘ 5: ĐẾCH QUAN TÂM TUYỆT ĐỐI
Chúc mừng bạn. Chúng ta đã đến nơi rồi, các bạn của tôi ơi — đỉnh cao chói lọi nhất của hành trình này. Không còn nao núng vì xấu hổ, từ chối, dè bỉu hay thất bại, chúng ta đã chạm tới trạng thái tự do tuyệt đối: sống một cuộc đời đếch-quan-tâm.
Một cuộc sống đếch quan tâm là một cuộc sống không áp lực, không nuối tiếc. Đó là cuộc sống của sự tự do — muốn làm gì thì làm, muốn là ai thì là.
Nghe này: bạn, và tất cả những người bạn biết, sớm muộn gì rồi cũng sẽ rời khỏi thế gian này. Vậy thì… bạn còn chờ đợi điều quái gì nữa? Cái mục tiêu bạn ấp ủ, giấc mơ bạn giấu kỹ, người mà bạn muốn gặp — điều gì đang ngăn bạn lại? Tự hỏi làm gì nữa — cứ làm đi.
Vì thật lòng mà nói… ai quan tâm chứ?
Nguồn: 5 Life-Changing Levels of Not Giving a Fuck | Mark Manson