5 dấu hiệu nhận biết kẻ rải rắc tình yêu (Breadcrumbing)
3. Bạn có cảm giác mình cứ phải chờ đợi suốt.
Những điểm chính
- ‘Rải rắc tình yêu’ có thể xảy ra trong chuyện yêu đương, trong công việc, gia đình và đời sống xã hội.
- Kẻ rải rắc tình yêu có thể tỏ ra quan tâm khi họ muốn thứ gì đó, để rồi quay lại hành vi ích kỷ và lạnh nhạt khi đạt được mục tiêu.
- Nhiều nạn nhân của sự ‘rải rắc tình yêu’ phần nào ý thức được rằng họ đang bị dẫn dụ và giật dây.
- Một câu hỏi quan trọng cần đặt ra là: “Tôi có xứng đáng nhận được sự đối xử tốt hơn so với những gì tôi đang bị đối xử trong mối quan hệ này hay không?”
‘Rải rắc tình yêu’ được định nghĩa là hành động “dẫn dụ ai đó” và “khiến họ tiếp tục nuôi hy vọng” bằng những hành động quan tâm, dụ dỗ và tán tỉnh nhỏ nhặt và hời hợt, nhưng cuối cùng lại gây thất vọng cho người đó bằng những kỳ vọng giả dối, những lời hứa suông và bỏ rơi (nếu không phải mặt thể lý thì là cảm xúc).[1][2]
‘Rải rắc tình yêu’ có thể xuất hiện trong các bối cảnh hẹn hò và yêu đương (nghĩa là, lừa ai đó mà không cam kết), các mối quan hệ trong gia đình (tức là, tình yêu có điều kiện và thất thường), tình bạn và mạng xã hội (tức là, kết nối rồi sau đó ‘bơ toàn tập’), và trong công việc (tức là, nhử bằng những cơ hội hão huyền).
Ở dạng nhẹ, hành vi ‘rải rắc tình yêu’ thiếu sự nhất quán và chính trực. Tệ hại nhất là, hành vi ‘rải rắc tình yêu’ kéo dài thường xuyên chứa đựng yếu tố của tính ái kỷ–narcissism (tự thỏa mãn của kẻ rải rắc tình yêu), thao túng (lợi dụng người khác), và bạo hành (phản bội/bỏ mặc cảm xúc).
Một mối quan hệ rải rắc tình yêu có thể bao gồm một hoặc nhiều đặc điểm sau:
- Cảm xúc lên xuống đột ngột và Không chắc chắn. Ai dính phải bả ‘tình yêu rải rắc’ thường trải nghiệm cảm xúc lên xuống đột ngột (phần lớn thời gian là cảm giác thất vọng hụt hẫng, thi thoảng xen kẽ hy vọng hão huyền), cùng với nỗi hoang mang và nghi ngờ bản thân. Nạn nhân của ‘rải rắc tình yêu’ có thể bắt đầu hoài nghi và thậm chí đổ lỗi cho bản thân vì sự bỏ mặc mối quan hệ của kẻ ‘gieo rắc tình yêu’ (ví dụ, “có phải là lỗi tại tôi không?”; “tôi đã làm gì sai chăng?”)
- Sự phụ thuộc vào Mối quan hệ. Trong nhiều trường hợp, hành vi ‘rải rắc tình yêu’ có thể ảnh hưởng đến sự phụ thuộc vào mối quan hệ, ở đó nạn nhân tiếp tục ngóng trông những tia hy vọng hão huyền tiếp theo của kẻ ‘rải rắc tình yêu’ để duy trì ảo tưởng về mối quan hệ tích cực. Một số nạn nhân của hành vi ‘rải rắc tình yêu’ có thể cố gắng hơn để làm vừa lòng và chứng minh giá trị của họ (đây có thể chính xác là điều mà kẻ ‘rải rắc tình yêu’ mong muốn), mà không nhận được sự ghi nhận và đền đáp lại.
Quan trọng là, kẻ rải rắc tình yêu có thể tỏ ra quan tâm và chú ý khi họ muốn thứ gì đó ở nạn nhân, để rồi quay lại với lối hành xử hờ hững và ích kỷ sau khi lấy được thứ họ muốn.
- Chờ đợi và Từ bỏ. Liên quan đến sự phụ thuộc vào mối quan hệ, nạn nhân của hành vi ‘rải rắc tình yêu’ dường như lúc nào cũng đợi chờ—đợi tin nhắn hay cuộc gọi của kẻ rải rác tình yêu, thực hiện một lời hứa từ lâu, hay cuối cùng cho thấy sự cam kết trong một mối quan hệ.
Trong trò chơi đợi chờ này, một động năng kém lành mạnh và không công bằng được tạo ra. Kẻ rải rắc tình yêu nắm giữ quyền lực chú ý, chấp nhận và chấp thuận, còn nạn nhân thì từ bỏ sự độc lập và tự tôn của mình.
- Cảm thấy bị lợi dụng và Thao túng/Từ chối. Trong thâm tâm, nhiều nạn nhân của hành vi ‘rải rác tình yêu’ “thừa hiểu”, họ ý thức được rằng mình đang bị dẫn dụ và giật dây. Tuy nhiên, một số người vẫn tiếp tục ở lại mối quan hệ này để tránh đối mặt với sự thật đau đớn rằng kẻ rải rắc tình yêu thực lòng không quan tâm đến họ. Một câu hỏi quan trọng cần đặt ra là: “Tôi có xứng đáng nhận được sự đối xử tốt hơn so với những gì tôi đang bị đối xử trong mối quan hệ này hay không?”
- Cô đơn và Trống rỗng. Kết quả của tất cả những tình trạng trên đó là nạn nhân của hành vi ‘rải rắc tình yêu’ kéo dài thường cảm thấy cô đơn, chán nản, trầm uất và có lẽ trên hết là, trống rỗng. Sự trống rỗng do thiếu vắng bản chất đích thực trong mối quan hệ.
Cách đối phó với kẻ rải rắc tình yêu: xem tài liệu bên dưới.
Tài liệu tham khảo
Ni, Preston. How to Communicate Effectively and Handle Difficult People — 2nd Edition. PNCC. (2006).
Ni, Preston. How to Successfully Handle Narcissists. PNCC. (2014).
Ni, Preston. Are You Too Nice? How to Gain Appreciation and Respect . PNCC. (2015).
[1]Navarro, R. et al. Psychological Correlates of Ghosting and Breadcrumbing Experiences: A Preliminary Study among Adults. Int. J. Environ. Res. Public Health. (2020)
[2]Rodríguez-García, C. et al. Development and Validation of Breadcrumbing in Affective-Sexual Relationships (BREAD-ASR) Questionnaire: Introducing a New Online Dating Perpetration. Int. J. Environ. Res. Public Health. (2020)
Nguồn: Psychology Today