Ai cũng cần một Bắc cực của riêng mình

ai-cung-can-mot-bac-cuc-cua-rieng-minh

Bắc Cực, với ông, không chỉ là một địa danh. Đó là biểu tượng cho một mục tiêu, một khát vọng gần như nằm ngoài tầm với nhưng không phải bất khả, một điều khiến ta phải không ngừng phấn đấu

Ngày xưa có một nhà thám hiểm dành nhiều năm theo đuổi giấc mơ đặt chân tới Bắc Cực. Cuối cùng, sau bao gian nan, ông cũng thành công, suýt nữa thì bỏ mạng vì một con gấu trắng và một tảng băng nứt. Trở về, ông được ca ngợi như một người hùng, nhận huy chương từ chính phủ và được dân làng kính nể. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, ông rơi vào tâm trạng chán chường, lặng lẽ. Khi được hỏi điều gì khiến ông buồn bã như vậy, ông đáp:

“Bởi vì ai cũng cần một Bắc Cực – và thật không may, tôi đã chạm tới được Bắc Cực của mình.”

Bắc Cực, với ông, không chỉ là một địa danh. Đó là biểu tượng cho một mục tiêu, một khát vọng gần như nằm ngoài tầm với nhưng không phải bất khả, một điều khiến ta phải không ngừng phấn đấu, trưởng thành và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Đó là nguồn cảm hứng âm thầm nhưng mãnh liệt trong những ngày tháng bộn bề, giúp ta trả lời một cách cao quý hơn câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại có mặt trên đời này?” – thay vì chỉ đơn giản để tồn tại.

The North Pole Keep, Photo by Christopher Michel, Wikimedia Commons

Vấn đề là, làm thế nào để biết Bắc Cực của ta là gì? Ta thực sự muốn điều gì? Đôi khi, những năm tháng sống trong sự cam chịu đã làm cho trí tưởng tượng của ta héo úa, khiến ta chẳng dám mơ mộng nữa.

Nhưng ngay cả khi ta có mơ, những giấc mơ ấy thường bị bóp nghẹt bởi những tiếng nói hoài nghi vang lên từ chính bên trong mình:

  • Mày muốn học lại để làm kiến trúc sư á? Hồi đi học vẽ còn không nổi mà!
  • Muốn tìm một mối quan hệ tốt hơn ư? Ai bảo tình yêu là để hạnh phúc?
  • Mở tiệm bánh nhỏ ư? Đừng làm tao cười chứ!

Kẻ thù lớn nhất không phải ở đâu xa mà chính là trong đầu óc ta.

Đó là lý do ta cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Ta cần mơ ước, cần dám tuyên bố Bắc Cực của mình trước một nhóm người đồng cảm, tử tế, có trí tưởng tượng, biết lắng nghe và thực sự mong điều tốt lành cho ta. Có thể gọi đó là một “Lễ công nhận Bắc Cực” – nơi tất cả cùng chia sẻ những khát vọng của riêng mình. Nếu không có một dịp như vậy, ta sẽ dễ dàng chùn bước, hoài nghi chính bản thân, giống như các cặp đôi cần buổi lễ cưới với sự chứng kiến của bạn bè và gia đình để củng cố lời thề nguyện của họ.

Phản ứng của người khác có thể khiến kế hoạch của ta bỗng trở nên thực tế hơn. Ai đó có thể nói:

  • “Sao lại không nhỉ? Tôi có người bạn mở tiệm bánh và rất hạnh phúc. Quá trình học cũng không lâu đâu, để tôi gửi bạn vài thông tin nhé.”
  • “Hãy thử nói chuyện với luật sư đi, chỉ là buổi tư vấn ban đầu thôi mà.”
  • “Ai quan tâm người khác nghĩ bạn đã quá tuổi làm cha/mẹ chứ…”

Và rồi, điều tưởng chừng phi lý bỗng hiện ra một cách sống động. Niềm tin của người khác trở thành nguồn sức mạnh cho chính ta. Ta đã tuyên bố mục tiêu của mình – và họ không cười nhạo. Họ còn hứa sẽ theo dõi tiến trình của ta vài tháng tới. Giờ thì ta không thể làm họ thất vọng. Ta – may mắn thay – cuối cùng đã trở nên có trách nhiệm với giấc mơ của chính mình.

Cuộc đời thật tẻ nhạt nếu ta chỉ đặt ra những mục tiêu mà mình chắc chắn đạt được. Nhưng cũng thật buồn nếu ta chỉ khao khát những điều mà bản thân biết rõ là mãi mãi không thể với tới. Cái ta cần là một Bắc Cực – một điểm đến xa xôi, vượt lên trên nơi ta đang đứng, chìm trong màn sương bí ẩn, chỉ có thể đạt được qua gian nan và nỗ lực. Bắc Cực ấy, vừa mờ ảo vừa rực rỡ, đợi chờ lòng can đảm của ta bắt kịp những khát vọng.

Hãy để mỗi chúng ta tìm ra và bước đi trên hành trình riêng, tiến về “Bắc Cực” của chính mình – dù khó khăn, nhưng đầy ý nghĩa.

Nguồn: WE ALL NEED OUR NORTH POLE

menu
menu