Kết thúc Tuần trăng mật: Tình yêu và việc đánh mất những trải nghiệm tích cực

ket-thuc-tuan-trang-mat-tinh-yeu-va-viec-danh-mat-nhung-trai-nghiem-tich-cuc

Một nghiên cứu mới cho thấy việc đánh mất trải nghiệm tích cực ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ.

Những điểm chính trong bài:

- Nhiều cặp đôi ngày càng có ít trải nghiệm tích cực hơn theo thời gian.

- Lý do của việc có ít trải nghiệm tích cực hơn bao gồm áp lực trách nhiệm, cơm áo gạo tiền ngày càng tăng và những hoạt động thú vị trước kia trở nên tẻ nhạt.  

- Trị liệu tâm lý dành cho cặp đôi không nên chỉ tập trung vào việc giảm bớt các cuộc xung đột thù địch mà còn cần gia tăng những trải nghiệm tích cực.

Yêu thì dễ, nhưng duy trì tình yêu trong một mối quan hệ lâu dài ràng buộc đôi lúc lại cực kỳ khó khăn và vất vả. Lúc mới quen nhau, các cặp đôi thường có rất nhiều trải nghiệm tích cực chẳng hạn như hẹn hò và các hoạt động vui vẻ khác cùng nhau. Mọi người thường dành nhiều thời gian và công sức để có những trải nghiệm tích cực như vậy trong giai đoạn đầu của mối quan hệ. Tuy nhiên, những trải nghiệm tích cực của cặp đôi thường giảm đi theo thời gian, vì những đòi hỏi từ bên ngoài chẳng hạn như công việc có thể chiếm nhiều thì giờ hoặc sự quan tâm mà cặp đôi dành cho nhau thường thay đổi.

Ngoài những trải nghiệm tích cực, cặp đôi nào cũng có trải nghiệm tiêu cực, như gây gổ vì chuyện tiền nong, nên dành thời gian cho các hoạt động hay người nào. Điều quan trọng là, trải nghiệm tích cực và tiêu cực phần lớn độc lập với nhau. Trong khi một số cặp có rất nhiều trải nghiệm tích cực và ít trải nghiệm tiêu cực, thì lại có những cặp ít trải nghiệm tích cực và rất nhiều trải nghiệm tiêu cực. Bên cạnh đó, cũng có những cặp có nhiều trải nghiệm tích cực cũng như tiêu cực, và những cặp hầu như chẳng có trải nghiệm tích cực và tiêu cực nào và mối quan hệ của họ chủ yếu là trung tính hoặc không có nhiều trải nghiệm cùng với nhau. Khi số lượng trải nghiệm tích cực và tiêu cực thay đổi theo thời gian thì một số đôi quyết định ở bên nhau, trong khi những đôi khác thì đường ai nấy đi.   

Mất đi trải nghiệm tích cực ở các cặp đôi có sự cam kết 

Một bài báo nghiên cứu mới của hai nhà nghiên cứu Danielle M. Weber và Donald H. Baucom đến từ Đại học North Carolina tại Chapel Hill mang đến một cuộc thảo luận toàn diện về nghiên cứu tâm lý đối với sự đánh mất trải nghiệm tích cực ở các cặp đôi có sự cam kết và nó ảnh hưởng như thế nào đến các mối quan hệ (Weber & Baumcom, 2021).

Trong bài báo, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một điểm rất quan trọng: Theo truyền thống, liệu pháp tâm lý dành cho cặp đôi chủ yếu tập trung vào việc giảm thiểu những trải nghiệm tiêu cực, thí dụ như những xung đột thù địch giữa hai người. Tuy nhiên, Weber và Baumcom (2021) cho rằng việc đánh mất những điều tích cực, tốt đẹp cũng cần được tính đến và được xem như một yếu tố quan trọng đối với chất lượng của mối quan hệ.

Đâu là những nguyên do chính cho sự đánh mất trải nghiệm tích cực ở các cặp đôi có sự cam kết?

Weber và Baumcom (2021) đã xác định được một số lý do giải thích tại sao các cặp đôi có sự cam kết thường mất đi trải nghiệm tích cực theo thời gian.

  1. Mất mát do sự thích nghi: Giai đoạn trăng mật lúc bắt đầu của nhiều mối quan hệ có thể khá mãnh liệt và các cặp đôi dành nhiều thời gian cho nhau, điều này có thể cản trở chuyện công việc hoặc dành thì giờ cho gia đình hoặc bạn bè. Hy sinh chút thời gian ở bên nhau để đảm đương các trách nhiệm xã hội hoặc công việc có thể là một hành vi thích nghi.
  2. Mất mát do những yêu cầu đòi hỏi bên ngoài: Các cặp đôi có thể phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng tăng từ bên ngoài, chẳng hạn như chăm sóc con cái hoặc bắt đầu sự nghiệp. Những điều này cũng có thể làm giảm thời gian họ dành cho nhau, dẫn đến có ít cơ hội cho những trải nghiệm lãng mạn tích cực.  
  3. Mất mát do căng thẳng: Những cặp đôi gặp nhiều căng thẳng, ví dụ, do vấn đề tài chính, thì có ít trải nghiệm tích cực hơn trong mối quan hệ.
  4. Mất mát do nhàm chán: Những trải nghiệm tích cực và bổ ích lúc mới quen nhau có thể khiến bạn cảm thấy nhàm chán sau một thời gian nếu như mọi thứ trở nên quá dễ đoán và chẳng còn thú vị.

Làm thế nào các cặp đôi có thể tránh mất đi những trải nghiệm tích cực?

Dựa trên những phát hiện này, Weber và Baumcom (2021) cho rằng liệu pháp tâm lý dành cho các cặp đôi không nên chỉ nhắm vào việc giảm bớt những trải nghiệm tiêu cực đối địch, mà còn cần tập trung vào việc chống lại sự đánh mất những trải nghiệm tích cực theo thời gian. Họ gợi ý rằng điều quan trọng là cần thay đổi hành vi ngay từ đầu. Do đó nếu một cặp đôi không còn trải nghiệm nhiều điều tích cực cùng nhau nữa thì trị liệu tâm lý nên tập trung vào việc tạo ra nhiều cơ hội để họ lại cùng nhau trải nghiệm những điều tốt đẹp. Thế nên những đôi ‘cơm không lành, canh không ngọt’ nên được khuyến khích dành thời gian cho những hoạt động thú vị cùng nhau, hơn là cố gắng thay đổi cảm xúc của họ. Ngoài ra, các nhà khoa học đề xuất rằng điều quan trọng là xác định được nguyên nhân khiến cho những trải nghiệm tích cực bị đánh mất trong mối quan hệ.

Họ đã xác định được 2 mẫu hình chính dẫn đến việc đánh mất trải nghiệm tích cực ở các cặp đôi:

  1. Quá nhiều đòi hỏi bên ngoài làm hạn chế cơ hội có được những trải nghiệm tích cực cùng với nhau.
  2. Quá nhiều lề thói khuôn sáo hằng ngày khiến cho những trải nghiệm tích cực trước kia trở nên “cũ rích, nhạt nhẽo”

Trong khi các cặp thuộc kiểu đầu tiên được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tạo thêm nhiều cơ hội để có được trải nghiệm tích cực trở lại (chẳng hạn như thuê người trông trẻ cho một vài đêm), thì những đôi thuộc kiểu thứ hai được hưởng lợi nhiều nhất từ việc cùng nhau tạo ra những trải nghiệm mới lạ (chẳng hạn như cùng theo đuổi một sở thích mới mẻ).

Kết luận: Chiến lược tốt nhất để duy trì một mối quan hệ lâu dài là gì?

Nghiên cứu này cho thấy rằng nếu bạn muốn cứu vãn một mối quan hệ lâu dài đang rạn nứt thì bạn đừng chỉ tập trung vào việc giải quyết những xung đột thù địch mà còn phải nỗ lực hết sức để cùng nhau làm điều gì đó tốt đẹp. Suy cho cùng, có những trải nghiệm tích cực cùng với nhau là một trong những lý do chính lý giải tại sao chúng ta lại bắt đầu một mối quan hệ ngay từ đầu. Chỉ biết tránh những trải nghiệm tiêu cực chẳng hạn như gây gổ, lục đục sẽ không đưa đến hạnh phúc dài lâu bên nhau.

Tham khảo

Danielle M. Weber and Donald H. Baucom (2021). When the Loss of Positives feels Negative: Exploring the Loss of Positive Experiences in Committed Couples. Current Opinion in Psychology. Epub ahead of print.

 

Dịch bởi Chó béo cute

Nguồn

https://www.psychologytoday.com/intl/blog/the-asymmetric-brain/202108/end-the-honeymoon-love-and-loss-positive-experiences

menu
menu