Bạn có cô đơn trong chính mối quan hệ hay cuộc hôn nhân của mình không?

Phần lớn những mối quan hệ mà nỗi cô đơn đã âm thầm ghé đến vẫn có thể được chuyển mình sang một thực tại tốt đẹp hơn, nhà nghiên cứu hôn nhân Carol Bruess khẳng định như vậy
Phần lớn những mối quan hệ mà nỗi cô đơn đã âm thầm ghé đến vẫn có thể được chuyển mình sang một thực tại tốt đẹp hơn, nhà nghiên cứu hôn nhân Carol Bruess khẳng định như vậy. Tất cả những gì cần là một chút kiên nhẫn và nỗ lực từ cả hai phía.
Khi nói đến cuộc hôn nhân đầy yêu thương và thăng hoa suốt 28 năm qua của tôi, người ta thường thốt lên: “Chị may mắn quá!”.
Nhưng như tôi đã từng chia sẻ, tôi không tin rằng sự may mắn là yếu tố làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc, đó là kết quả của sự lao động không ngừng nghỉ. Và may mắn thay, đó là một dạng lao động đáng giá nhất mà chúng ta từng trải qua: cùng nhau tạo dựng một mối quan hệ được xây bằng tình bạn, sự ngưỡng mộ lẫn nhau, và một sự tôn trọng sâu sắc dành cho những tài năng cũng như những điểm “lập dị” rất riêng của người bạn đời.
Trong hành trình vun đắp ấy, tôi có một chút lợi thế. Là một nhà khoa học xã hội, tôi dành cả ngày để quan sát và suy ngẫm về cách mà những lựa chọn nhỏ bé hàng ngày có thể dẫn đến những kết quả lớn lao trong một mối quan hệ bền vững và rực rỡ.
Photo: Eugenia Mello
Nhưng bạn không cần phải là chuyên gia trong lĩnh vực tình cảm để nhận ra rằng có điều gì đó không ổn trong chính cuộc hôn nhân hay mối quan hệ của mình. Nếu hai người không còn dễ dàng bật cười bên nhau; nếu những nét kỳ khôi của người bạn đời không còn khiến bạn thấy dễ thương (dù chỉ một chút); hoặc nếu những nhu cầu cảm xúc của bạn không được lắng nghe và thấu hiểu, có lẽ bạn đang sống trong một cuộc hôn nhân cô đơn.
Nghe có vẻ mâu thuẫn, đúng không? “Hôn nhân cô đơn”?
Nhưng đó là một thực tế và đáng buồn thay, lại vô cùng phổ biến. Hãy thử hỏi một ai đó từng trải qua, họ sẽ nói rằng cảm giác cô đơn trong hôn nhân còn đau đớn hơn cả sự cô đơn khi ở một mình. Theo các cuộc khảo sát, khoảng 40% người từng nếm trải nỗi buồn này, vì họ đã ở trong đó vào một thời điểm nào đó trong đời.
Dù chẳng có cuộc hôn nhân hạnh phúc nào giống nhau, nhưng hôn nhân cô đơn thì lại có chung một đặc điểm: ít nhất một người trong đó cảm thấy bị bỏ rơi về mặt cảm xúc.
Cái gọi là “bị bỏ rơi về mặt cảm xúc” thường khó nắm bắt, mơ hồ, bởi người kia vẫn nằm bên bạn mỗi đêm, vẫn cùng bạn chăm sóc con cái, thậm chí có thể vẫn quan hệ với bạn. Nhưng nếu bạn thật lòng nhìn lại, bạn sẽ nhận ra: có gì đó không ổn, có điều gì đó đang thiếu vắng.
Một cuộc hôn nhân cô đơn không có nghĩa là bạn loại bỏ người ấy khỏi cuộc sống hằng ngày của mình, mà là bạn đã vô tình gạt họ ra khỏi những suy nghĩ và cảm xúc sâu kín nhất. Hai người vẫn nói chuyện, nhưng không còn chia sẻ về những ước mơ, nỗi sợ, hay khao khát. Có thể giữa hai bạn không còn cãi vã, không hằn học, nhưng cũng không còn tranh luận, vì đơn giản là… không còn gì để tranh luận. Mọi chuyện dễ dàng hơn khi im lặng.
Hôn nhân cô đơn cũng không đồng nghĩa với việc bạn là người cha, người mẹ tệ. Trên thực tế, nhiều cặp đôi khi thấy mình xa cách lại có xu hướng dồn hết tình yêu và năng lượng vào con cái như một cách để khỏa lấp khoảng trống giữa hai người.
Tôi muốn nói rõ: sống trong một cuộc hôn nhân cô đơn không có nghĩa là bạn không còn yêu người ấy. Nhưng khoảng cách giữa hai tâm hồn đã trở nên quá lớn, đến nỗi tình yêu đó giờ thiếu vắng một phần thiết yếu, sự thân mật. Thiếu đi sự dịu dàng trong lời nói, hành động, và cả suy nghĩ. Một sự nhẹ nhàng từng khiến bạn rung động, từng đưa hai người đến gần nhau (bạn còn nhớ không?).
Và đây là tin tốt lành: chính ký ức về những ngày dịu dàng ấy là lý do để bạn giữ lại hy vọng, ngay cả khi bạn đang đọc những dòng này với một cảm giác chua chát rằng cuộc hôn nhân lạnh nhạt ấy chính là mối quan hệ hiện tại của bạn.
Vì sao nên hy vọng? Bởi hầu hết những cuộc hôn nhân nơi nỗi cô đơn đang trú ngụ đều có thể được chuyển mình. Chúng có thể quay về với sự “chúng ta”, một trạng thái gắn kết đầy yêu thương, chan chứa năng lượng tích cực và thân mật được hồi sinh.
Chỉ với một chút nỗ lực và vài thay đổi nhỏ trong cách cư xử, bạn hoàn toàn có thể đưa cuộc sống mỗi ngày trở lại một thực tại tốt đẹp hơn, nơi bạn hiểu rõ người ấy đang lo lắng điều gì, nơi cả hai cùng bật cười trước những điều ngớ ngẩn và phi lý của cuộc sống, nơi hai người háo hức chờ đợi một buổi tối vắng tiếng trẻ thơ để được là “chỉ có hai ta” làm bất cứ điều gì khiến cả hai cảm thấy vui và kết nối trở lại.
Vâng, bạn hoàn toàn có thể quay trở lại với điều ấy.
Khi bạn quyết định nối lại sợi dây gắn kết với người bạn đời, điều đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần chuẩn bị, đó là sự kiên nhẫn. Giống như việc bạn cần thời gian để lấy lại thể lực sau chấn thương hay bạo bệnh, bạn đâu thể bất chợt chạy luôn một chặng 10 cây số sau ba năm bỏ bê tập luyện, thì việc khôi phục lại “cơ bắp tình cảm” sau một thời gian dài bỏ quên cũng cần thời gian và tất nhiên, một chút công sức. Nhưng hãy nhớ, “một chút” là từ khóa. Bởi trí nhớ cơ thể rất kỳ diệu, và trí nhớ cảm xúc cũng vậy.
Dưới đây là ba gợi ý để bạn bắt đầu “tập lại” những cơ bắp kết nối ấy:
Hỏi han nhau
Nếu bạn cảm thấy cô đơn, rất có thể người kia cũng đang cảm thấy như vậy, vừa cô đơn, vừa bối rối, vừa bất lực, không biết bắt đầu từ đâu. Vậy hãy để bạn là người khởi đầu. Mỗi ngày, hãy chủ động hỏi người ấy ít nhất một câu không liên quan đến việc quản lý cuộc sống. Những câu như “Anh đã đóng tiền điện chưa?” hay “Mai em đón tụi nhỏ được không?” thì không tính nhé.
Hãy hỏi xem người ấy đang lo lắng điều gì, mong chờ điều gì, đang háo hức với điều gì, hoặc đang chịu áp lực ở đâu. Rồi lắng nghe thật sự, bằng cả trái tim.
Hãy bắt đầu thật nhỏ. Và cũng đừng bất ngờ nếu người ấy tỏ ra nghi ngờ lúc đầu. Việc kết nối lại về mặt cảm xúc là một sự thay đổi về năng lượng, là mong muốn được biết người kia đang nghĩ gì, cảm gì, và cũng sẵn sàng chia sẻ những điều tương tự từ chính mình. Hãy đặt mục tiêu mỗi ngày có thêm nhiều cuộc trò chuyện kiểu ấy. Dần dần, người ấy sẽ đáp lại. Có thể không ngay lập tức, nhưng hãy tin là điều đó sẽ đến. Con người vốn rất dễ đoán, chúng ta thường cho đi những gì mình nhận được.
Bước vào thế giới nội tâm của nhau
Cụ thể hơn, là bước vào thế giới suy nghĩ của người ấy. Điều này sẽ đến một phần qua những câu hỏi. Nhưng quan trọng không kém, là nỗ lực thầm lặng bên trong, cố gắng nhìn sự việc từ góc nhìn của người kia. Đây là một bài tập bạn không nên bỏ qua nếu muốn xây lại sợi dây cảm xúc giữa hai người.
Việc này khá đơn giản: mỗi ngày, hãy dành ra đúng 60 giây. Nhắm mắt lại, và thử tưởng tượng xem người ấy đang sống trong một thế giới thế nào. Họ đang cảm thấy gì, trải qua điều gì, cần điều gì? Hiện thực của họ ra sao? Họ đang gặp khó khăn gì? Họ tìm thấy niềm vui ở đâu? Họ đang lo lắng, khát khao, hay mang nặng điều gì trong lòng?
Hãy đến với giây phút tưởng tượng này bằng một tấm lòng rộng mở, đầy yêu thương.
Bạn không cần phải kể ngay cho người ấy biết bạn đã nhìn thấy gì trong tâm trí. Có khi, bạn chẳng bao giờ cần phải nói. Bởi chỉ cần làm điều này, bạn đã có thêm sự thấu cảm, thêm kiên nhẫn, để đồng hành cùng nhau trong cuộc sống thường nhật. Và sự thấu cảm ấy, chính là nền tảng cho sự kết nối cảm xúc được hồi sinh.
Tạo nên những nghi thức kết nối
Hãy bắt đầu bằng những điều rất nhỏ. Tạo ra những khoảnh khắc cùng nhau có chủ đích, dù ngắn ngủi. Nếu người ấy là người thường nấu bữa tối, hôm nay bạn hãy vào bếp cùng họ và hỏi: “Tối nay anh/em cần giúp gì không?”. Hoặc bạn có thể mở danh sách nhạc yêu thích của người ấy trên Spotify để cùng nhau thả mình vào không khí nhẹ nhàng, vui tươi. Những hành động nhỏ xíu như vậy lại chính là chất liệu kỳ diệu tạo nên một cuộc hôn nhân thăng hoa, mỗi khoảnh khắc nhỏ sẽ góp phần làm nên cảm giác “chúng ta” một lần nữa.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng trước những bước trên, hoặc nếu cuộc hôn nhân của bạn đã bước qua một thời gian dài cô quạnh, thì có lẽ bạn cần và xứng đáng được hỗ trợ. Ở hầu hết các địa phương đều có những chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình được cấp phép. Hãy hỏi bạn bè, đồng nghiệp, hoặc đơn giản là tìm kiếm trên mạng.
Nếu bạn sống ở Mỹ, bạn còn có thể tra cứu theo mã vùng để tìm một chuyên gia gần nơi ở. Nhiều gói bảo hiểm y tế hiện nay cũng đã hỗ trợ chi phí cho việc trị liệu.
Nếu người bạn đời ngần ngại, bạn hãy nhẹ nhàng giúp họ hiểu rằng trị liệu không phải là để “sửa chữa” con người hay phán xét cách chúng ta giao tiếp. Ngược lại, một buổi trị liệu tốt sẽ là không gian an toàn, ấm áp, nơi cả hai được học cách sống cùng nhau một cách tích cực hơn, từ những gì đã từng có.
Nếu hai bạn có con, hãy đánh thức trong họ mong muốn nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc, khỏe mạnh. Và hãy nhắc rằng điều quan trọng nhất bạn có thể làm cho con, là có một mối quan hệ lành mạnh với chính bạn đời của mình. Bởi lũ trẻ luôn nhìn vào cha mẹ để học cách yêu và sống.
Và vâng, bạn hoàn toàn có thể khôi phục lại sự thân mật ấy. Nhưng điều đó sẽ cần một chút nỗ lực. Hãy cứ nhắc mình rằng: đó là dạng nỗ lực quý giá nhất mà bạn từng làm.
Nguồn: Are you lonely in your partnership or marriage?