Bản đồ não của bệnh trầm cảm

ban-do-nao-cua-benh-tram-cam

Phần lớn những người trầm cảm bị suy sụp và rơi vào chốn tối tăm hơn nhiều, nhưng về cơ bản thì không có gì khác giữa não của một người trầm cảm và của một người bình thường. Trên thực tế, chẳng có máy quét não nào có thể phát hiện ra trầm cảm.

Trích từ cuốn sách VÒNG XOÁY ĐI LÊN – ĐẢO CHIỀU TRẦM CẢM TỪ NHỮNG THAY ĐỔI NHỎ

Khoảng giữa những năm cuối đại học, tôi bắt đầu cảm thấy bị choáng ngợp, mọi thứ với tôi trở nên quá tải. Ban đầu là những lo lắng về tương lai. Tôi không giải thích được vì sao, nhưng với tôi lúc đó, tương lai ngày càng mờ mịt. Tôi còn nhớ cảm giác cơ thể mình lúc nào cũng nặng nề, chậm chạp. Bản thân thì không muốn nói chuyện với ai. Việc chọn lớp học trở nên khó khăn. Ăn gì cũng chẳng thấy ngon miệng. Và rồi bạn gái rời bỏ tôi, có lẽ bởi tôi đã trở thành một gã ù lì thảm hại trong vài tháng trở lại đây.

Sau đó, tôi ngày càng cảm thấy đau nhức khắp người và khó ngủ hơn. Mùa đông thì u ám và dài đằng đẵng. Lúc đó, tôi không nhận ra rằng bản thân đang suy sụp đến thế nào và cũng chẳng hề nhận ra tất cả những cách tôi đã vô tình làm để não mình không chìm sâu hơn nữa. Tôi đã chơi thể thao rất nhiều, điều đó thực sự làm tăng lượng dopamine trong não, khiến cuộc sống trở nên dễ chịu hơn. Việc tới các lớp học không chỉ tác động đến mạch thói quen trong não bộ, mà còn giúp tôi hấp thụ ánh sáng mặt trời nhiều hơn trên đường đến trường, gia tăng lượng serotonin và điều tiết hoạt động điện não trong lúc ngủ. Tôi sống cùng ba người bạn thân. Việc trò chuyện với họ hằng ngày giúp tăng liên kết giữa vùng não chịu trách nhiệm cảm xúc và vùng não lên kế hoạch. Lúc đó, tôi hoàn toàn chưa biết đến những thay đổi này trong não bộ, thế nhưng chúng vẫn giúp tôi khỏi bị u uất và suy sụp

Tôi hiểu rằng phần lớn những người trầm cảm bị suy sụp và rơi vào chốn tối tăm hơn nhiều, nhưng về cơ bản thì không có gì khác giữa não của một người trầm cảm và của một người bình thường. Trên thực tế, chẳng có máy quét não nào có thể phát hiện ra trầm cảm. Nó chỉ là sản phẩm phụ của các mạch thần kinh mà tất cả chúng ta đều có.

Trên cương vị một nhà thần kinh học chuyên về các rối loạn của tâm trạng, tôi đã nhận ra rằng ai cũng có ít nhiều xu hướng trầm cảm trong mình. Đó đơn giản là cách não bộ hoạt động. May mắn là phần lớn mọi người đều có những thói quen hoạt động tích cực kéo họ ra khỏi vòng xoáy tiêu cực của trầm cảm. Với những người chưa có thói quen đó thì vẫn có hy vọng: thập kỷ qua chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong hiểu biết của con người về tác động của các mạch thần kinh tới trầm cảm và, quan trọng hơn, cách thay đổi chúng. Chương này trình bày tổng quát về các mạch đó. Sẽ có rất nhiều thông tin, nhưng vì những mạch này sẽ được nhắc lại xuyên suốt cuốn sách, cho nên tìm hiểu một chút thì thuận tiện hơn. Đừng quá sa đà vào tiểu tiết; quan trọng là có được cái nhìn tổng quan.

BỆNH TRẦM CẢM LÀ GÌ?

Có cả tin vui và tin buồn. Tin buồn là chúng ta không biết chính xác bệnh trầm cảm là gì. Đúng là chúng ta biết các triệu chứng và những vùng não cũng như hóa chất thần kinh nào có liên quan, và chúng ta biết rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Nhưng chúng ta không hiểu rõ về trầm cảm như hiểu các rối loạn não bộ khác, như Parkinson hoặc Alzheimer. Ví dụ, đối với bệnh Parkinson, chúng ta có thể chỉ ra chính xác nguyên nhân là do mất một lượng nơ-ron dopamine nhất định. Đối với bệnh Alzheimer, chúng ta có thể chỉ ra nguyên nhân là do một số protein cụ thể. Nhưng những nguyên nhân về thần kinh của bệnh trầm cảm thì phức tạp hơn nhiều.

Trong khi hầu hết các bệnh khác được định nghĩa theo nguyên nhân gây bệnh (như ung thư, xơ gan), rối loạn trầm cảm đang được định nghĩa theo một loạt các triệu chứng.

Hầu hết thời gian, bạn cảm thấy tồi tệ. Chẳng có gì thú vị và mọi thứ đều có vẻ khiến bạn quá tải. Bạn gặp vấn đề về giấc ngủ. Bạn thấy tội lỗi, lo lắng, thậm chí thấy cuộc đời này chẳng đáng sống. Đây là những dấu hiệu cho thấy não bạn đang mắc kẹt trong vòng xoáy tiêu cực của trầm cảm. Và nếu có đủ triệu chứng thì bạn được chẩn đoán trầm cảm. Không có xét nghiệm hay quét não bộ nào hết; chỉ dựa vào các triệu chứng, vậy thôi.

Tin vui là chúng ta có đủ kiến thức về bệnh trầm cảm để giúp bạn hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra trong não bộ cũng như cách cải thiện. Ở các phần sau, bạn sẽ thấy việc tập thể dục, ngủ điều độ, vận động cơ hay kể cả là tỏ thái độ biết ơn cũng đều tác động đến hoạt động thần kinh, nhờ đó đảo ngược quá trình trầm cảm. Thực tế là bạn có được chẩn đoán trầm cảm hay không không quan trọng. Dù bạn chỉ đang lo lắng một chút hay hoàn toàn bấn loạn, những nguyên lý khoa học thần kinh này đều giúp ích cho bạn

TRẦM CẢM GIỐNG NHƯ TẮC ĐƯỜNG

Trong thành phố lớn, giao thông luôn phức tạp, biến đổi – có lúc tắc nghẽn khó hiểu, lúc khác lại thông thoáng ngay cả trong giờ cao điểm. Về cơ bản, thị trường chứng khoán và kinh tế vĩ mô cũng tuân theo mô-típ tương tự, thời tiết hay thậm chí văn hóa đại chúng cũng vậy. Lý thuyết mà nói, những hệ thống phức tạp và năng động này có nhiều điểm tương đồng với nhau, trong đó có cả xu hướng bị cuốn vào một vòng xoáy đi lên (tích cực) hoặc đi xuống (tiêu cực) – dù đó là tình trạng tắc đường, cơn cuồng phong, cuộc suy thoái hay phục hồi kinh tế, một tin tức được chia sẻ rầm rộ hay trào lưu kế tiếp. Vậy tại sao lốc xoáy lại xảy ra ở Oklahoma chứ không phải ở New York? Bởi vì các điều kiện vừa đúng thích hợp: độ phẳng của mặt đất, sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, vận tốc và hướng gió. Còn Oklahoma chẳng có vấn đề gì cả.

Não bạn cũng vậy. Về cơ bản, não của người trầm cảm không có vấn đề gì cả. Chẳng qua là sự điều chỉnh nhất định ở các mạch thần kinh tạo ra khuynh hướng đi theo một khuôn mẫu trầm cảm. Vấn đề nằm ở cách não bộ đối phó với căng thẳng, với việc lên kế hoạch, với các thói quen, với việc ra quyết định và cả tá những thứ khác – tức là sự tương tác của mọi mạch thần kinh này với nhau. Và một khi khuôn mẫu bắt đầu được hình thành, nó sẽ gây ra hàng tá thay đổi nhỏ trong khắp não bộ, chính điều này tạo thành vòng xoáy tiêu cực.

Tin mừng là ở những hệ thống phức tạp như não bộ, đôi khi chỉ cần một thay đổi nhỏ là có thể tạo ra những hiệu ứng rất lớn. Đôi khi thay đổi thời gian hiển thị của một cột đèn giao thông thôi cũng đủ để gây ra, hoặc ngăn chặn, một vụ tắc đường. Một video trên Youtube có thể trở thành trào lưu chỉ nhờ một lượt chia sẻ ban đầu. Và tương tự, đôi khi chỉ cần thay đổi nhỏ trong sự điều chỉnh ở một mạch thần kinh là đủ để đảo chiều vòng xoáy trầm cảm. May mắn thay, vài thập kỷ nghiên cứu khoa học đã cho chúng ta thấy cách điều chỉnh những mạch thần kinh khác nhau, cách thay đổi mức độ của nhiều hóa chất trong não bộ hoặc thậm chí cách tạo ra các tế bào não mới.

KHOA HỌC THẦN KINH CƠ BẢN

Trước khi đi vào chi tiết về trầm cảm dưới góc độ thần kinh học, hãy tìm hiểu vài thứ cơ bản về não bộ. Não bạn được cấu thành từ vài tỷ tế bào thần kinh rất nhỏ được gọi là nơ-ron. Nhờ có các nơ-ron giống như hàng tỷ con chíp máy tính siêu nhỏ này mà não có thể xử lý thông tin. Các nơ-ron liên tục trao đổi thông tin với nhau bằng cách truyền xung điện qua các nhánh rất dài của chúng, những nhánh này có chức năng như dây điện vậy. Khi xung điện được truyền tới ngọn nhánh, nơ-ron phóng ra một tín hiệu hóa học, đây chính là chất dẫn truyền thần kinh. Các chất dẫn truyền thần kinh truyền thông tin bằng cách trôi vào khoảng trống giữa các nơ-ron – khớp thần kinh (synapse) – và gắn chặt vào nơ-ron kế tiếp. Vì thế, não bộ thực chất là hàng tỷ nơ-ron đang gửi đi các tín hiệu điện, các tín hiệu này chuyển thành tín hiệu hóa học để truyền thông tin.

Mỗi một xung điện – theo đó là một lần phóng ra chất dẫn truyền thần kinh – không phải là một mệnh lệnh hành động cho nơ-ron kế tiếp; mà đúng hơn là một lá phiếu biểu quyết những gì nơ-ron kế tiếp nên làm. Toàn bộ quy trình hoạt động này giống như bầu cử tổng thống vậy. Mọi người bầu cho ứng viên thích hợp, và dựa vào số phiếu bầu, cả quốc gia sẽ xoay chuyển theo hướng này hoặc hướng khác. Chỉ cần thay đổi số phiếu ở mức vài phần trăm tại một số bang chiến trường quan trọng, bạn có thể thay đổi đáng kể đường lối của cả quốc gia. Não bộ cũng tương tự. Chỉ cần thay đổi tần số của một vài nơ- ron ở những vùng não quan trọng, bạn có thể tác động tới quy trình hoạt động của toàn não bộ.

Việc có tới vài tỷ nơ-ron kết nối với nhau nghe có vẻ rất hỗn loạn, nhưng chúng được sắp xếp cố định, co cụm thành một vài vùng nhỏ khắp não bộ. Một vài vùng nằm trên bề mặt não, vùng vỏ não. Nói “nằm trên bề mặt” có thể gây hiểu nhầm, vì não nhăn tới mức mà vùng vỏ não thực ra nằm khá sâu ở bên trong. Nhưng ngược lại, vẫn còn những vùng nằm sâu hơn nữa, vùng dưới vỏ não, chịu trách nhiệm về những hoạt động mang tính nguyên thủy và bản năng hơn nhiều.

Nơ-ron trong mỗi vùng sẽ kết nối với nhau, cũng như với các vùng khác trong khắp não bộ. Các mạng lưới này được gọi là các mạch thần kinh. Não bộ hoạt động như một mạng lưới các máy tính nhỏ được kết nối toàn bộ với nhau.

Như đã nói ở phần giới thiệu, bạn có tới hàng chục mạch thần kinh quản lý và chịu trách nhiệm mọi mảng khác nhau trong đời sống của bạn. Nhiều mạch phụ thuộc vào cùng những vùng não giống nhau, và tất cả các mạch này đều ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Bạn đang cảm thấy trầm cảm hay hạnh phúc, đói hay ham muốn tình dục, tất cả đều tùy thuộc vào việc toàn bộ đám mạch này đang tác động qua lại lẫn nhau như thế nào.

CÁC HÓA CHẤT CỦA BỆNH TRẦM CẢM

Hãy tưởng tượng bìa sau của một tạp chí miễn phí trên máy bay in bản đồ mọi điểm đến và đi của một hãng hàng không. Kết nối tất cả các điểm bay với nhau, bạn sẽ có một hình dung khá chính xác về tổ chức hoạt động của một hệ thống chất dẫn truyền thần kinh. Nhìn vào đó, bạn sẽ thấy mọi nơ-ron giải phóng hay phản ứng với một chất dẫn truyền thần kinh nhất định. Ví dụ, hệ thống serotonin là mọi nơ-ron giải phóng hay phản ứng với serotonin (giống như “hệ thống” Delta sẽ là mọi thành phố mà máy bay hãng hàng không Delta đến và đi). Não bộ dựa vào nhiều hệ thống chất dẫn truyền thần kinh để xử lý các quy trình khác nhau. Do đó, những chất dẫn truyền này cũng góp phần tạo nên trầm cảm theo những cách khác nhau.

Vào những năm 1960, người ta cho rằng trầm cảm là do não thiếu chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine. Sau đó một vài năm, sự chú ý được chuyển sang serotonin. Giờ đây, chúng ta đã biết sự thật còn phức tạp hơn nhiều. Tất nhiên hai chất nói trên có liên quan, nhưng dopamine và rất nhiều hóa chất thần kinh khác cũng góp phần.

Có cả đống hệ thống chất dẫn truyền thần kinh gây tác động tới bệnh trầm cảm cũng như bị bệnh trầm cảm gây tác động ngược lại. Danh sách rất dài, nhưng phần lớn chúng sẽ được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt cuốn sách này. Hiện tại, bạn không cần nhớ hết làm gì, chỉ cần biết rằng mỗi hệ thống chất dẫn truyền thần kinh này sẽ có một vài tác động chính:


* Serotonin – củng cố ý chí, động lực, cảm xúc

* Norepinephrine – tăng cường tư duy, sức tập trung và khả năng xử lý căng thẳng

* Dopamine – gia tăng hứng thú và rất cần thiết choviệc thay đổi các thói quen xấu
* Oxytocin – đẩy mạnh cảm giác tin tưởng, yêu thương, kết nối, giảm thiểu lo âu
* GABA (axit gamma-aminobutyric) – gia tăng cảm giác thư giãn, giảm thiểu lo âu.
* Melatonin – nâng cao chất lượng giấc ngủ.

* Endorphins – giảm đau và đem lại hứng khởi.

* Endocannabinoids – gia tăng cảm giác ngon miệngvà cảm giác yên bình, an lạc.

Trên đây là kiến thức hết sức sơ lược, nhưng nói chung,mỗi chất dẫn truyền thần kinh lại góp phần gây ra mộttriệu chứng trầm cảm khác nhau. Một hệ thống serotonin hoạt động không hiệu quả sẽ khiến bạn cảm thấy nhụt chí  và thiếu động lực. Hoặc nếu bạn cảm thấy khó tập trung suy nghĩ, nhiều khả năng là do hệ thống norepinephrine có vấn đề. Hệ thống dopamine trì trệ sẽ dẫn đến những thói quen xấu và cảm giác chán chường. Tất cả những chất dẫn truyền thần kinh này đều cần thiết cho hoạt động hiệu quả của hàng tá mạch thần kinh trong khắp não bộ. Đã thế, chúng lại còn tương tác với nhau. Thật không may, trầm cảm không chỉ là vấn đề thiếu norepinephrine, serotonin và dopamine và vì thế, không phải cứ tăng cường những chất đó là xong. Nhưng đó là một phần của giải pháp. Tăng lượng serotonin sẽ dẫn tới tâm trạng tốt hơn, nhờ đó tăng khả năng đặt ra mục tiêu và tránh những thói quen xấu. Tăng lượng norepinephrine giúp củng cố sức tập trung và giảm thiểu căng thẳng. Và thường thì nhiều dopamine đồng nghĩa với nhiều niềm vui thích hơn.

Cuốn sách này mô tả tác động của những thay đổi nhỏ trong cuộc sống tới các hệ thống chất dẫn truyền thần kinh. Cơ chế này khá phức tạp, nhưng tôi sẽ tóm tắt những ý chính cho bạn. Về bản chất, cụm từ “tăng cường hoạt động serotonin” mang nhiều ý nghĩa. Có thể hiểu là não bộ tạo ra thêm nhiều serotonin hoặc tăng các thụ thể đối với serotonin, hoặc các thụ thể này nhạy hơn với serotonin. Hoặc lượng serotonin được tạo ra không bị tiêu biến nhanh chóng hoặc lượng serotonin được phóng vào các khớp thần kinh tồn tại ở đó lâu hơn – nhờ đó tăng khả năng kết nối tới các nơ-ron khác – thay vì mau chóng bị hút lại về nơ-ron cũ. Thay đổi bất kỳ yếu tố nào kể trên đều có thể tăng cường hoạt động serotonin. Ví dụ, phần lớn các loại thuốc chống trầm cảm hoạt động theo cơ chế ngăn chặn các protein hấp thụ serotonin (còn được gọi là chất vận chuyển serotonin), qua đó tăng lượng serotonin có khả năng tương tác với các thụ thể.

Ngoài các chất dẫn truyền thần kinh còn có các hóa chất thần kinh khác cũng gây ra những tác động rõ rệt. Ví dụ, chất dinh dưỡng thần kinh từ não (BDNF – brainderived neurotrophic factor) cũng hỗ trợ gia tăng nơ-ron mới và củng cố sức khỏe não bộ nói chung. Thậm chí một vài hóa chất từ hệ miễn dịch cũng có thể thay đổi việc phát tín hiệu thần kinh và tác động đến các hoạt động ở bệnh trầm cảm.2 Nhưng nói về các hóa chất như thế là đủ rồi; giờ chúng ta sẽ chuyển sang các mạch thần kinh.

CÁC MẠCH CƠ BẢN CỦA BỆNH TRẦM CẢM

Như tôi đã nói trong phần giới thiệu, trầm cảm chủ yếu bắt nguồn từ tình trạng liên kết kém giữa phần vỏ não trước trán, chịu trách nhiệm về suy nghĩ, và phần hệ viền chịu trách nhiệm về cảm xúc. Hai phần này thường được ghép vào nhau gọi là hệ não trán-viền, vì chúng tạo thành một vùng liên kết chặt chẽ với nhau, giống như châu Âu là tập hợp các nước liên kết chặt chẽ với nhau vậy. Hệ não trán-viền điều phối trạng thái cảm xúc, và khi hoạt động bất thường, nó sẽ đẩy bạn vào trầm cảm.

Dưới đây, chúng ta sẽ xem xét mọi thành tố chủ chốt trong hệ não trán-viền và những vùng liên kết chặt chẽ với chúng. Tôi sẽ đưa ra cả một danh sách, nhưng đừng bận tâm đến chuyện ghi nhớ tất cả ngay bây giờ; chúng ta sẽ còn gặp lại chúng nhiều lần trong suốt cuốn sách này.

PHẦN NÃO “SUY NGHĨ”

Về cơ bản, vỏ não trước trán là toàn bộ mặt trước của một phần ba não, nằm ngay ở trán. Nó là CEO của não bộ – trung tâm lên kế hoạch và ra quyết định. Nó cũng chịu trách nhiệm về kiểm soát xung năng và động lực.

Vỏ não trước trán là phần tiến hóa gần đây nhất của vỏ não, và ở con người, phần này chiếm tỷ lệ não nhiều hơn ở các loài động vật khác. Vỏ não trước trán lớn đem lại cho chúng ta một bước tiến hóa vượt bậc, nhưng cũng gây ra lắm vấn đề. Khi bạn bị trầm cảm, chính vùng này chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ lo lắng, tội lỗi, xấu hổ, mơ hồ và thiếu quyết đoán. Thay đổi hoạt động ở vùng vỏ não trước trán sẽ giúp giải quyết những vấn đề kể trên, đồng thời giúp chúng ta thay đổi những thói quen xấu cũng như tăng cường ý chí. Vùng vỏ não trước trán có thể được đặt theo hai trục, ngang và dọc, do đó về cơ bản, chúng ta có thể chia vùng này thành bốn phần.

Bốn phần này là phần trên-giữa, trên-cạnh, dưới-giữa và dưới-cạnh. Tất nhiên, giới khoa học thích dùng những từ ngữ màu mè hơn, nên những phần phía trên được gọi là dorsal (theo gốc từ La-tinh, nghĩa là lưng), những phần phía dưới được gọi là ventral (theo gốc từ La-tinh, nghĩa là bụng), những phần gần giữa được gọi là medial (giữa), và những phần ở bên cạnh được gọi là lateral (bên). Lấy ví dụ thì cái mũi của bạn được xem là “giữa” hơn so với mắt.

Mỗi phần tư vỏ não trước trán này lại chịu trách nhiệm chính cho một nhóm những chức năng khác nhau. Những phần ở giữa tập trung hơn vào bản thân, còn những phần bên cạnh tập trung hơn đến thế giới bên ngoài. Dọc theo chiều thẳng đứng của não, những phần phía dưới thiên về cảm xúc, còn những phần phía trên tập trung hơn vào suy nghĩ. Thế nên phân biệt rõ nhất trong vùng vỏ não trước trán sẽ là hai phần lưng-bên và bụng-giữa. Phần bụng-giữa là phần tập trung vào bản thân, phần cảm xúc của vỏ não trước trán, đồng thời là yếu tố quan trọng trong việc tạo động lực và kiểm soát các xung năng. Bạn có thể cảm thấy hơi rối vì tôi đã nói rằng hệ viền (chứ không phải vỏ não trước trán) mới là vùng não kiểm soát cảm xúc. Nhưng để giải thích cụ thể thì thế này: phần bụng-giữa vỏ não trước trán suy nghĩ về các cảm xúc, còn hệ viền thì cảm nhận các cảm xúc. Mặt khác, phần lưng-bên vỏ não trước trán lại tập trung suy nghĩ về thế giới bên ngoài, vì thế thiên về lên kế hoạch và giải quyết vấn đề.

Gần như toàn bộ vùng vỏ não trước trán chịu tác động của bệnh trầm cảm.3 Bạn cảm thấy mất động lực? Có vẻ như là do lượng serotonin đã bị giảm ở phần bụng-giữa vỏ não trước trán. Bạn cảm thấy khó lên kế hoạch hoặc suy nghĩ thông suốt? Rất có thể là do hoạt động ở phần lưngbên vỏ não trước trán đã bị rối loạn. Tuy nhiên, với phần lớn các vấn đề, chẳng hạn như khó tuân thủ kế hoạch, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể chỉ ra chính xác nguyên nhân nằm ở một vùng não hay hệ thống chất dẫn truyền thần kinh, mà thường chúng liên quan tới sự kết nối của nhiều vùng não khác nhau.

PHẦN NÃO “CẢM NHẬN”

Không giống như vùng vỏ não trước trán đã được tiến hóa ở mức độ cao, hệ viền là vùng não có từ những ngày đầu của quá trình tiến hóa, bao gồm những cấu trúc đặt sâu trong não bộ (ngay cả những loài động vật có vú cách đây hàng trăm triệu năm cũng có hệ viền này). Hệ viền là phần cảm xúc của não bộ và chịu trách nhiệm cho những thứ như sự hứng khởi, sợ hãi, lo lắng, ký ức và ham muốn. Nó cơ bản bao gồm bốn phần: vùng dưới đồi (hypothalamus), hạch hạnh nhân (amygdala), hồi hải mã (hippocampus) và vỏ não đai (cingulate cortex). Vùng dưới đồi kiểm soát căng thẳng. Hạch hạnh nhân là yếu tố chủ chốt giúp giảm thiểu lo lắng, sợ hãi và các cảm xúc tiêu cực khác. Hồi hải mã chịu trách nhiệm tạo ra trí nhớ dài hạn. Các nơ-ron của vùng này rất nhạy cảm với căng thẳng, vì thế hồi hải mã thường đóng vai trò như dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh trầm cảm. Cuối cùng, vùng vỏ não đai kiểm soát sự tập trung và chú ý, đóng vai trò quan trọng trong bệnh trầm cảm, vì những gì bạn tập trung vào, dù chủ tâm hay theo thói quen vô thức, cũng đều ảnh hưởng lớn đến tâm trạng của bạn.

Căng thẳng và vùng dưới đồi

Cảm thấy lo âu, bồn chồn? Bực dọc trong người? Gia tăng căng thẳng vừa là triệu chứng vừa là nguyên nhân của trầm cảm, và thường do vùng dưới đồi chịu trách nhiệm. Vùng dưới đồi điều tiết nhiều hormone và kiểm soát phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng. Nó có thể đưa cơ thể vào chế độ “chiến hoặc chạy”, tăng những hormone liên quan đến căng thẳng như cortisol hoặc adrenaline. Vùng não này giống như một căn cứ quân đội chờ lệnh triển khai quân để đối phó với các nguy cơ. Khi bạn bị trầm cảm, căn cứ quân đội này được đặt trong tình trạng báo động cao – chỉ cần một xao động nhỏ cũng khiến nó phản ứng tức thì, thành ra bạn khó có thể thư giãn và vui vẻ. Vì thế tìm cách thư giãn và xoa dịu vùng dưới đồi là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu căng thẳng

Lo lắng và hạch hạnh nhân

Hồi nhỏ, chẳng bao giờ tôi nói rằng mình đang lo lắng; tôi chỉ hay bị đau bụng mỗi khi làm bài kiểm tra hoặc đứng xếp hàng chờ tới lượt đi tàu lượn siêu tốc. Nhưng rồi, khi tôi trưởng thành và trở nên điềm đạm hơn, những cơn đau bụng dần biến mất. Lo lắng không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng khi lo lắng tăng lên, theo cách này hay cách khác, đó cũng là triệu chứng của bệnh trầm cảm. Lo lắng chủ yếu xuất phát từ hạch hạnh nhân, một cấu trúc nguyên thủy nằm sâu trong não. Cấu trúc này kết nối chặt chẽ với vùng dưới đồi và là phần trung tâm của hệ viền. Những người bị trầm cảm, thường có hạch hạnh nhân phản ứng mạnh hơn, vì thế hạn chế hoạt động ở vùng này có thể giúp giảm bớt lo lắng và cải thiện tình trạng trầm cảm.

Trí nhớ và hồi hải mã

Lần gần nhất bạn cảm thấy thực sự hạnh phúc là khi nào? Những người bị trầm cảm thường quên những ký ức vui, nhưng lại hay nhớ những sự kiện buồn. Tình trạng thiên lệch trí nhớ này chính là do hồi hải mã, vùng nằm sâu trong não, ngay cạnh hạch hạnh nhân. Vùng này cũng có kết nối mạnh mẽ tới vùng dưới đồi. Chức năng chính của hồi hải mã là biến những ký ức ngắn hạn trở thành ký ức dài hạn, giống như chức năng “Lưu lại” trên máy tính vậy. Hồi hải mã chính là nút “Lưu lại”, nếu không có nó, bạn sẽ không hình thành được những ký ức mới. Nó có thiên hướng lưu lại những ký ức nhiều cảm xúc (như lần đầu tiên đắp người tuyết hoặc chuyến du lịch vui vẻ vào năm ngoái). Việc này trở nên ít nhiều khó khăn khi bạn bị trầm cảm, vì những ký ức mới mà hồi hải mã tạo ra sẽ nghiêng về hướng tiêu cực nhiều hơn.

Tuy nhiên, hồi hải mã còn làm nhiều hơn thế. Đây cũng là trung tâm của ký ức phụ thuộc bối cảnh. Ký ức phụ thuộc bối cảnh là ký ức bạn nhớ lại dễ dàng hơn khi gặp một sự việc, hành động hoặc điều gì đó ở hiện tại khơi gợi.5 Ví dụ, khi về thăm trường cũ, bạn nhớ lại những tháng ngày học sinh dễ dàng hơn vì bối cảnh là giống nhau. Không may là trong trầm cảm, ký ức phụ thuộc bối cảnh có một hạn chế lớn. Vì “bối cảnh” hiện tại là trầm cảm, nên những ký ức vui vẻ vốn dễ nhớ khi bạn có tâm trạng tốt đột nhiên lặn mất như thể chúng đã bị bốc hơi vậy. Trong khi đó, những bi kịch trong cuộc đời bạn lại trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Trong trầm cảm, hồi hải mã không chỉ cho thấy hoạt động bất thường mà còn có khuynh hướng bị teo nhỏ lại.6 Hồi hải mã nhỏ có vẻ là kết quả của chứng căng thẳng mạn tính, có thể gây tổn hại và làm chết các nơ-ron. Trầm cảm thường đi kèm với căng thẳng và vì thế cản trở hoạt động bình thường của hồi hải mã. May mắn là có thể sản sinh nơ-ron mới ở vùng này và chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở phần sau cuốn sách.

Sự tập trung chú ý và vỏ não đai

Năm cuối đại học, tôi rơi vào tình trạng quá tải. Trong lớp học, đầu óc tôi rất khó tập trung. Tôi không thể rũ bỏ được cảm giác mình đang làm hỏng hết mọi thứ. Khó tập trung là một triệu chứng nữa của bệnh trầm cảm, tương tự là chuyện hay chú ý đến những điều tiêu cực. Cả hai tình trạng này đều được vỏ não đai kiểm soát. Cụ thể, nửa phần trước của vỏ não đai, hồi đai trước (anterior cingulate), có tác động mạnh nhất đến trầm cảm. Hồi đai trước được vùng vỏ não trước trán bao phủ. Hai bộ phận này kết nối chặt chẽ với nhau. Hồi đai trước thường hoạt động với chức năng là nơi kết nối giữa hệ viền và vỏ não trước trán. Nó để ý tới tất cả những sai lầm của bạn, đóng vai trò trung tâm trong mạch chịu trách nhiệm về đau đớn, và góp phần tạo ra khuynh hướng tập trung vào tất cả những gì không ổn đang diễn ra.

Hồi đai trước giống như màn hình máy tính vậy. Trong ổ cứng máy tính lưu rất nhiều dữ liệu, nhưng màn hình chỉ hiện ra những gì bạn đang tập trung vào, và điều đó tác động rất lớn tới việc bạn sắp sửa làm gì. Trong trầm cảm, hoạt động ở hồi đai trước giải thích vì sao bạn thường tập trung vào những điều tiêu cực.

Điểm thú vị là chất dẫn truyền thần kinh serotonin tập trung rất nhiều ở hồi đai trước. Điều này rất quan trọng đối với bệnh trầm cảm, vì tăng serotonin là mục tiêu của hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm. Trên thực tế, hoạt động ở hồi đai trước có thể giúp tiên lượng xem người nào sẽ cải thiện được nhờ thuốc chống trầm cảm và người nào không (cảm ơn luận án của tôi).8 Hơn nữa, việc kích thích trực tiếp lên hồi đai trước bằng các điện cực sẽ cải thiện đáng kể các triệu chứng trầm cảm.9 May mắn là có nhiều cách tác động lên hồi đai trước mà không cần dùng đến thuốc hoặc điện cực, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn ở phần sau cuốn sách.

CÁC VÙNG NÃO LIÊN QUAN

Ngoài vỏ não trước trán và hệ viền, có hai vùng nữa cũng đóng vai trò quan trọng trong bệnh trầm cảm: thể vân thùy đảo. Cả hai vùng này đều liên kết chặt chẽ với hệ não trán-viền, và trên thực tế, các nhà khoa học đôi khi còn gộp chung hai vùng này vào hệ viền.

Sở thích, niềm vui, cơn nghiện và thể vân

Trầm cảm thường đi kèm với những thói quen xấu như bốc đồng, thiếu kiểm soát, kỹ năng xử lý kém, nghiện ngập và trì trệ. Nó cũng có thể đi kèm với cảm giác kiệt quệ và chán nản. Những thói quen xấu này chủ yếu là do hoạt động của thể vân bị gián đoạn. Thể vân là một vùng nằm sâu dưới vỏ não mà chúng ta kế thừa từ loài khủng long. Thể vân được chia thành hai phần: nửa trên, hay còn gọi là lưng thể vân (dorsal striatum), và nửa dưới, gọi là nhân cận vách (nucleus accumbens). Cả hai phần đều chủ yếu dựa vào chất dẫn truyền thần kinh dopamine để hoạt động đúng chức năng

Lưng thể vân là phần não phụ trách về thói quen, kiểm soát phần lớn những thói quen tốt và xấu của bạn. Bởi thói quen là những hành vi mà bạn làm gần như tự động, không suy nghĩ, nên một khi bạn đã tạo được thói quen tốt, điều này có sức mạnh thay đổi cuộc sống của bạn mà không cần đến suy nghĩ có ý thức. Trong trầm cảm, suy giảm hoạt động dopamine ở lưng thể vân là nguyên do chính khiến bạn cảm thấy kiệt quệ.

Ngược lại, nhân cận vách là phần “ăn chơi bù khú hơn” của não bộ. Nó liên kết chặt chẽ với hệ viền và thường được coi là một phần của hệ này. Nhân cận vách chịu trách nhiệm chính cho những hành vi bốc đồng như ăn quá nhiều kẹo hoặc thậm chí những hành vi nghiện ngập. Dopamine được tiết ra ở nhân cận vách mỗi khi bạn làm điều gì đó vui vẻ, thú vị hoặc ít nhất thì được cho là vui vẻ, thú vị. Trầm cảm làm suy giảm hoạt động dopamine ở vùng não này, điều này lý giải tại sao mọi thứ dường như chẳng còn gì thú vị

Đau đớn và thùy đảo

Một người phụ nữ bị tai nạn ô tô và chấn thương vùng cổ. Lúc đầu, cơn đau cổ không quá tệ, bác sĩ bảo cô sẽ đỡ sau vài tuần. Nhưng rồi mọi chuyện ngày càng tệ hơn. Cô bắt đầu đau tới mức không dám quay đầu. Bác sĩ rất ngạc nhiên vì máy quét cho thấy mọi thứ đều bình thường. Nhưng rồi cơn đau ngày càng nặng khiến cô không thể ái xe, đi làm hoặc thậm chí ra khỏi nhà. Cô dần trở nên đơn độc và suy sụp.


Không phải ai bị tai nạn cũng có những cơn đau mạn tính, nhưng xui xẻo thay, vài người có não bộ nhạy cảm hơn với những cơn đau, thành ra họ dễ bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực. Những người bị trầm cảm thường dễ bị đau mạn tính và hay lo nghĩ đến chuyện mắc bệnh. Những triệu chứng này xuất phát từ ý thức ngày càng tăng về cảm giác cơ thể, vốn được thùy đảo kiểm soát.

Thùy đảo là một phần vỏ não cuộn vào trong, cách tai chưa tới chục xăng-ti-mét, nằm khá gần hạch hạnh nhân và hồi hải mã. Đây là một trong những vùng chính của mạch chịu trách nhiệm về đau đớn và phần nào kiểm soát cảm giác cơ thể nói chung. Ở người bị trầm cảm, thùy đảo hoạt động mạnh,10 bởi nó được điều chỉnh để nhạy cảm hơn nhiều với những đau đớn, với nhịp tim tăng, hơi thở rối loạn và các vấn đề cơ thể khác. Thùy đảo hoạt động mạnh hơn khiến bạn trở nên rất nhạy cảm với các vấn đề trong cơ thể, ngay cả khi chúng rất vụn vặt, giống như thấy đồi mà tưởng là núi cao. Vì thế, xoa dịu hoạt động thùy đảo sẽ giúp giảm thiểu cả đau đớn lẫn lo lắng về bệnh tật

 

VÀ TẤT CẢ KẾT NỐI VỚI NHAU

Mỗi một vùng kể trên đều có những kết nối cụ thể tới các vùng khác. Không may là có quá nhiều kết nối để có thể nắm bắt hết được, vì thế tôi sẽ chủ yếu tập trung vào bản thân các vùng đó là chính. Nhưng có thể kể ra đây ví dụ là hồi đai trước sẽ kết nối với phần bụng-giữa và phần lưngbên vỏ não trước trán, thùy đảo và hạch hạnh nhân. Phần lưng-bên vỏ não trước trán kết nối với phần bụng-giữa vỏ não trước trán, lưng thể vân và hồi hải mã. Nhiều phần của nvùng bụng-giữa vỏ não trước trán lại kết nối với hạch hạnh nhân và nhân cận vách. Giống như xương đùi được kết nối với xương chậu vậy.

Một vùng não có thể là một phần của vài mạch thần kinh khác nhau. Tưởng tượng mỗi vùng não giống như một sân bay, và mỗi mạch thần kinh là một hãng hàng không bay tới những miền khác nhau của đất nước. Giống như các hãng hàng không tuy hoạt động độc lập nhưng lại nằm trên cùng một sân bay, các mạch thần kinh cũng nằm trên cùng những vùng não nhất định. Và vì các mạch thần kinh nằm trên cùng một số vùng não nên chúng tương tác với nhau rất năng động. Với các chuyến bay, chậm trễ tại Chicago có thể dẫn tới trì hoãn chuyến bay ở Denver hoặc hủy chuyến bay tại Kansas; tương tự như vậy, trong não bộ chúng ta, việc tăng cường hoạt động của hạch hạnh nhân chịu trách nhiệm về cảm xúc có thể thay đổi mục tiêu tập trung của hồi đai trước, cũng như các thói quen mà lưng thể vân kiểm soát. Và khoa học thần kinh thì còn phức tạp và tinh tế hơn vậy nhiều.

Thường các vùng não khác nhau hoạt động nhờ những chất dẫn truyền thần kinh khác nhau. Ví dụ, vỏ não trước trán phụ thuộc rất nhiều vào serotonin và norepinephrine để hoạt động, trong khi thể vân lại chủ yếu sử dụng dopamine. Có nghĩa là những thay đổi ở các chất dẫn truyền thần kinh này có thể gây ảnh hưởng lớn tới các vùng não kể trên.

NÃO BẠN BỊ LÀM SAO NHỈ?

Đây là một câu hỏi mẹo. Não bạn chẳng bị làm sao cả,cũng giống khí quyển ở Oklahoma chẳng có vấn đề gì, mặc dù đang có một cơn lốc xoáy ở đó. Tương tự, một sự điều chỉnh cụ thể ở mạch thần kinh ra quyết định – hoặc mạch thần kinh chịu trách nhiệm cho thói quen, căng thẳng, tương tác xã hội, trí nhớ, v.v. – có lẽ đã phần nào khiến não bạn mắc kẹt trong trầm cảm. Mọi sự điều chỉnh ở các mạch này đều có tiềm năng góp phần tạo nên vòng xoáy trầm cảm, khi hội đủ và đúng điều kiện.

Bạn cần hiểu một điều quan trọng là trầm cảm không có nghĩa là não bạn đã bị tổn thương vĩnh viễn. Mọi người đều có những mạch thần kinh giống nhau, cấu trúc não bộ cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, những liên kết cụ thể giữa các nơ-ron ở mỗi người mỗi khác, thế nên hoạt động và tương tác diễn ra khắp các mạch thần kinh của bạn cũng độc đáo như chính con người bạn vậy. Sự điều chỉnh cụ thể ở mỗi mạch thần kinh sẽ tạo ra một khuynh hướng cộng hưởng theo một kiểu nhất định nào đó. Cả hệ thống lại cộng hưởng với những suy nghĩ, tương tác của bạn, những sự kiện xảy ra quanh bạn, và thật không may, mỗi xáo trộn đều có tiềm năng tạo ra một quỹ đạo trầm cảm trong não bạn.

Mỗi mạch thần kinh đều có một khuôn mẫu hoạt động và phản ứng tiêu chuẩn, thay đổi tùy theo mỗi người. Nếu một mạch được kích hoạt dễ dàng, chúng ta nói rằng mạch đó nhạy hơn hoặc dễ bị kích thích hơn. Ví dụ, tùy vào độ nhạy của mạch lo lắng, có người lo lắng nhiều có người lo lắng ít. Và tùy vào những kết nối thần kinh của mạch ra quyết định mà có người rất quyết đoán, có người lại không.

Lấy cá nhân tôi làm ví dụ, tôi hay cảm thấy cô đơn, nhất là sau cả một ngày viết lách. Tôi không biết tại sao, nhưng đó đơn thuần là khuynh hướng hoạt động trong mạch chịu trách nhiệm tương tác xã hội của tôi mà thôi. Những người viết lách khác có thể lại không cảm thấy như vậy, nhưng với tôi chuyện đó chẳng có lợi gì. Thế nên, khi đã biết rõ như vậy, trước một ngày viết lách, tôi thường hẹn gặp bạn bè sau đó. Nhưng rồi lại có vấn đề khác: việc lên kế hoạch thường khiến tôi căng thẳng. Tôi cũng chẳng biết tại sao, đó chẳng qua là mạch thần kinh lên kế hoạch của tôi có khuynh hướng như vậy. Nhiều người rất thích lên kế hoạch, nhưng tôi thì không. Đối với tôi, khuynh hướng hoạt động của hai mạch này thường khiến tôi mắc kẹt vào vòng xoáy tiêu cực. Sự cô đơn khiến tôi cảm thấy tệ và có thể được giải quyết bằng cách lên kế hoạch gặp gỡ bạn bè, nhưng việc lên kế hoạch lại làm tôi căng thẳng và cũng khiến tôi cảm thấy tệ luôn. Và càng thấy tệ, tôi càng khó lên kế hoạch. Cho nên hai mạch thần kinh này luẩn quẩn với nhau và ngày càng mất kiểm soát, giống như tương tác giữa mic và loa không trơn tru nên mới sinh ra những âm thanh chói gắt.

Khi đã biết vấn đề của mình, tôi chọn ngồi viết ở quán cà phê thay vì ngồi một mình ở nhà, tôi hẹn bạn đi ăn trưa, tập chạy một chút, hoặc thực hiện một trong số khoảng chục thay đổi nho nhỏ có thể giúp tôi cải thiện tình hình. Thực tế là kể từ khi khám phá ra điều này, tôi thấy sức khỏe tinh thần được cải thiện đáng kể.

Bạn tôi Janice thì lại không có vấn đề gì với sự cô đơn hay việc ra quyết định. Cô có những vấn đề khác. Cô cần tập thể dục hằng ngày, nếu không tâm trạng sẽ tuột dốc. Đó đơn giản là cách não cô hoạt động. Vấn đề ở chỗ khi cảm thấy chán nản, cô lại không muốn tập tành. Thế là cô không tập và rồi càng cảm thấy tồi tệ hơn. Não cô đẩy cô vào một vòng xoáy tiêu cực

Đôi khi, giải pháp tốt nhất lại không phải là giải pháp tác động trực tiếp nhất. Thật ra, chính những hoạt động khác – ví dụ như đi chơi với bạn bè, ngủ ngon giấc, hoặc chỉ đơn giản là nói cảm ơn nhiều hơn – đều có thể giúp não của Janice thoát khỏi đống lầy. Bởi mọi mạch thần kinh đều tương tác để giữ chúng ta trong tình trạng bế tắc. Chỉ cần thay đổi hoạt động của một mạch nào đó là có thể tạo hiệu ứng lan truyền và thay đổi cả hệ thống

Mỗi người đều có những lo lắng khác nhau. Mỗi người đều căng thẳng vì những điều khác nhau. Với một số người, lên kế hoạch là một việc mệt mỏi, nhưng với một số khác, việc đó lại khiến họ cảm thấy thoải mái. Có những người sợ phải ở một mình, có những người lại cần nhiều thời gian ở một mình hơn. Những khuynh hướng khác nhau trong rất nhiều mạch đồng nghĩa với việc mỗi người bị mắc kẹt vào những vòng xoáy tiêu cực riêng. Do đó, muốn tốt lên thì cũng cần có những vòng xoáy tích cực phù hợp với riêng mỗi người. Cái khó là tìm ra điều gì phù hợp với bạn, và hy vọng là cuốn sách này sẽ giúp bạn trong việc đó

NÃO BẠN SAO LẠI HOẠT ĐỘNG NHƯ VẬY?

Bà tôi từng bị trầm cảm nặng đến mức phải nhập viện. Não tôi cũng thừa hưởng vài khuynh hướng tương tự. Ngoài gen di truyền, còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới cách não bạn hoạt động. Tuổi thơ, những căng thẳng trong cuộc sống hiện tại, mức độ hỗ trợ xã hội đều sẽ phần nào đẩy bạn hoặc kéo bạn ra khỏi trầm cảm.

Mặc dù gen di truyền không phải yếu tố quyết định chắc chắn, nó vẫn ít nhiều điều hướng sự phát triển của các mạch thần kinh. Ví dụ, một gen cụ thể trong hệ thống serotonin ảnh hưởng đến sự phát triển của hồi đai trước và tương tác của nó với hạch hạnh nhân, theo đó tăng nguy cơ mắc trầm cảm.11 Bởi vậy, gen cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng bị trầm cảm.

Những trải nghiệm thời thơ ấu cũng có thể ảnh hưởng tới sự điều chỉnh ở các mạch thần kinh, gồm cả những căng thẳng mẹ bạn trải qua khi mang bầu,12 và não bạn vẫn liên tục phát triển cho tới khoảng 20 tuổi. Và do phần vỏ não trước trán mất nhiều thời gian nhất để hoàn thiện nên nó cũng bị căng thẳng tác động lâu nhất. Những sự kiện căng thẳng trong suốt thời thơ ấu và tuổi niên thiếu đều ảnh hưởng tới sự phát triển của các mạch và thay đổi mức độ của nhiều chất dẫn truyền thần kinh.

Yếu tố thứ ba ảnh hưởng tới sự điều chỉnh ở các mạch thần kinh chính là mức độ căng thẳng hiện tại trong cuộc sống. Bạn có ghét công việc mình đang làm không? Hay bạn đang thất nghiệp? Bạn có khoản nợ nào trước mắt không? Bạn có vấn đề về sức khỏe không? Người yêu có vừa lừa dối bạn không? Tất cả những yếu tố trên đều tác động đến mạch thần kinh phụ trách sự căng thẳng, và mạch này có thể kéo các mạch khác vào một vòng xoáy tiêu cực.

Yếu tố thứ tư là những mức độ hỗ trợ xã hội trong cuộc sống của bạn. Loài người là sinh vật có tính xã hội. Chúng ta cần lẫn nhau, chúng ta sinh ra là để ở bên những người khác. Hết lần này đến lần khác, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những mối quan hệ thân thiết giúp bảo vệ bạn khỏi trầm cảm. Nhưng cần lưu ý rằng số lượng không quan trọng, quan trọng là ở chất lượng các mối quan hệ. Nếu chẳng có ai để chuyện trò hoặc chia sẻ các hoạt động, hoặc nếu cảm thấy lạc lõng giữa những người xung quanh, bạn sẽ dễ bị kéo xuống vòng xoáy tiêu cực hơn.

Cuối cùng, may mắn cũng là một yếu tố. Nghe có vẻ khó tin, nhưng đó là sự thật. Chỉ cần một thay đổi nhỏ là những hệ thống phức tạp như não bộ cũng bị ảnh hưởng. Điều này giải thích vì sao có những ngày tắc đường, có những ngày không. Vì sao có những đoạn phim trên YouTube được lan truyền chóng mặt, còn những đoạn phim khác lại chìm nghỉm không ai biết đến. Vì sao có những ngày bạn cảm thấy thật tuyệt vời, còn những ngày khác thì thấy thật tồi tệ. Không phải lúc nào cũng có một lời giải thích cụ thể cho những thay đổi nho nhỏ trong tâm trạng của bạn, thế nên đừng nhọc công tìm kiếm làm gì.

Lý do chung cho cách hoạt động như thế của não bộ là sự tiến hóa. Não người đã và đang tiến hóa suốt hàng triệu năm qua, và chính sự khác biệt giữa người này với người khác là nguyên liệu thô cho sự tiến hóa. Có thể bạn không thích điểm này điểm kia trong hoạt động của não mình, nhưng đó chỉ đơn giản là kết quả của sự tiến hóa – và thường nó tiến hóa như vậy là có lý do xác đáng. Ví dụ như thỉnh thoảng lo lắng một chút cũng tốt; vì nhờ đó mà bạn bớt làm mấy chuyện dại dột. Hoặc đôi khi cảm thấy tội lỗi cũng không sao, có vậy bạn mới tránh làm tổn thương người khác trong tương lai.

SỬ DỤNG VÒNG XOÁY TÍCH CỰC

Giờ bạn đã biết là trầm cảm bắt nguồn từ những vấn đề về kết nối giữa vỏ não trước trán và hệ viền, và những vấn đề  đó xuất hiện là do sự điều chỉnh ở các mạch thần kinh. Sẽ thế nào nếu bạn có thể thay đổi sự điều chỉnh ở mạch nào đó một chút xíu thôi?

Hóa ra là chỉ một thay đổi nhỏ thôi cũng đủ đẩy bạn ra khỏi vòng xoáy trầm cảm và ngoi dần lên trạng thái vui vẻ hơn. Đó là vì trong một hệ thống phức tạp như não bộ, kể cả một chênh lệch nhỏ cũng có thể làm thay đổi sự cộng hưởng của toàn bộ hệ thống. Dự báo thời tiết báo sẽ mưa, nhưng rồi gió chuyển hướng, độ ẩm giảm xuống một phần  trăm thôi, và thế là trời nắng.Vì vậy, tuy có thể không hiểu rõ hoàn toàn về trầm cảm, nhưng chúng ta biết những mạch thần kinh nào góp phần gây nên trầm cảm. Ở chương tiếp theo, chúng ta sẽ đào sâu hơn vào cơ chế hoạt động của những mạch này và hiểu rõ hơn quá trình não bộ rơi vào vòng xoáy tiêu cực. Sau đó, ở nửa sau của cuốn sách, chúng ta sẽ khám phá cách đảo ngược vòng xoáy này để có thể tự thoát ra và vực dậy.

 

https://shop.thaihabooks.com/vong-xoay-di-len-tlhtp?fbclid=IwAR0cIE6UfBajOjsoybTqX_3UaQNf17-DIbd8qiU5zL3KHVgdsi5yS9BU74E

menu
menu