Bệnh tâm lý và Sự chấp nhận - The School Of Life

benh-tam-ly-va-su-chap-nhan-the-school-of-life

Một trong những yếu tố góp phần quan trọng nhất gây ra bệnh tâm lý đó là suy nghĩ tất cả chúng ta, bằng mọi giá và ở mọi thời điểm, đều phải khỏe mạnh.

Một trong những yếu tố góp phần quan trọng nhất gây ra bệnh tâm lý đó là suy nghĩ tất cả chúng ta, bằng mọi giá và ở mọi thời điểm, đều phải khỏe mạnh. Chúng ta khổ sở hơn mức đáng ra phải chịu cho đến khi ta cho phép bản thân mình đau ốm một cách hợp lý và có ích.

Trong nhiều năm, chúng ta có thể khéo léo né tránh các triệu chứng của bệnh, tạo ra một ấn tượng hoàn hảo về những điều được coi trọng - trong các xã hội thiếu sự quan sát - như một con người khỏe mạnh. Chúng ta có thể đạt được những điều được coi là thành công - tình yêu, sự nghiệp, gia đình, uy tín - mà không ai thèm để ý đến căn bệnh đằng sau chính đôi mắt của mình. Chúng ta có thể bận rộn lấp đầy những tháng ngày bằng các hoạt động để đảm bảo mình không còn thời gian để xử lý bất kỳ vết lở loét nào đang phồng rộp bên trong. Chúng ta có thể dựa vào uy tín phi thường của việc bận rộn để né tránh sự khó khăn đích thực của việc không làm gì cả - ngoài việc ngồi với tâm trí và những buồn bã rối ren của mình. Khi áp lực tăng lên, chúng ta có thể phát triển một loạt các bệnh lý không rõ ràng khiến ngành y tế bối rối hoặc phấn khích, hoặc ta có thể thu được một thế giới quan hoang tưởng xác định mọi kẻ thù của chúng ta cùng các lý tưởng về chính trị và kinh tế - thay vì bất cứ điều gì liên quan đến tâm lý.

Chúng ta có thể bước vào tuổi trung niên trước khi các vấn đề xuất hiện một cách rõ ràng. Tới lúc ấy, sẽ vô cùng bất tiện cho những người xung quanh chúng ta. Ta có thể không buồn ra khỏi giường; có thể nói đi nói lại những câu vô nghĩa. Chúng ta có thể vẫn mặc đồ ngủ vào giữa trưa và mở to mắt vào lúc hai giờ sáng. Ta có thể bắt đầu khóc vào những thời điểm không thích hợp và hét lên giận dữ với những người luôn tin rằng ta ngoan hiền và dễ bảo.

Những người quan sát tốt bụng sẽ nói là chúng ta đang gặp một ngã rẽ, một giai đoạn của cuộc đời hay một sự suy sụp. Những người thiếu kiên nhẫn hơn thì nhận xét là chúng ta đã hóa điên. Sự thật là chúng ta có thể đang tiến gần đến sự tỉnh táo hơn bao giờ hết, chỉ là việc tự nhận thức đúng đắn về bản thân thường buộc chúng ta bước qua cánh cửa dường như mất trí. Nếu được xử lý tốt, một cú suy sụp có thể là khúc dạo đầu cho một sự đột phá. Để xây dựng lại cuộc sống của mình trên những nền tảng vững chắc hơn, chúng ta có thể phải tính đến nhiều điều chưa được giải quyết thỏa đáng ngay từ khi bắt đầu: như cảm giác không xứng đáng còn vướng mắc, cơn giận dữ với người đã chăm sóc mình, một nỗi kinh hoàng liên quan đến vấn đề tình dục…

Trong cơn khủng hoảng, cơ hội khỏi bệnh của chúng ta phụ thuộc phần lớn vào việc có một mối quan hệ đúng đắn với căn bệnh; một thái độ tương đối bình thản trước nỗi đau khổ của bản thân, đó là không mê mẩn cái ý tưởng lúc nào cũng phải “bình thường”, nhờ đó cho phép chúng ta được loạn trí trong một chốc để ngày nào đó chạm tới một sự tỉnh thức đích thực.

Sẽ vô cùng hữu ích cho việc chữa bệnh nếu những hình ảnh mà chúng ta có về bệnh tâm lý tại thời điểm ấy không bị bao hàm một cách hạn hẹp rằng sự phiền não của chúng ta chỉ đơn thuần là một tình trạng kỳ quái và đáng thương, nếu ta có thể thu hút những hình ảnh khơi gợi những chủ đề mang tính phổ quát và trang nghiêm về tình trạng của mình, để trên hết là ta sẽ không còn sợ hãi và ghét bỏ bản thân vì cảm thấy không khỏe. Chúng ta có thể chữa lành vết thương nhanh hơn rất nhiều nếu bớt đi những liên tưởng giống như Goya đã tạo ra (về sự điên rồ trong vòng tròn địa ngục thứ bảy) và ngày càng nhiều những người đàn ông và phụ nữ giống như bạn và tôi, ngồi trên ghế sofa, có thể kết nối những khổ đau bên trong mỗi người lại với nhau, một cách ôn hòa và hấp dẫn hơn - để duy trì từng chút nhân tính, bất chấp những cơn co giật kinh hoàng, sự vô tri, những điềm báo thảm khốc và cảm giác tuyệt vọng.

Francisco Goya, Yard With Lunatics, 1794; Sylvia Plath, at home, 1962

Cũng sẽ có ích nếu như nơi mà chúng ta được khuyến khích tới mỗi khi bị bệnh (chẳng hạn như bệnh viện tâm thần - ND) có thể mang giá trị kiến trúc giúp tạo thêm ấn tượng rằng bệnh tật cũng tương thích với ân sủng, và bằng cách giải quyết các vấn đề tinh thần của mình, không có nghĩa là chúng ta tách mình ra khỏi nhân loại mà chỉ đơn giản là gia nhập vào một nhân loại cao hơn và phong phú hơn.

Nền tảng triết học tốt nhất để vật lộn với tình trạng suy nhược tinh thần là nhìn nhận con người một cách thực chất chứ không phải là một sai lầm vô tình, một triết lý kiên quyết bác bỏ quan điểm cho rằng chúng ta có thể hoàn hảo mà thay vào đó là hoan nghênh những niềm đau và lỗi lầm, những vấp ngã và sự điên rồ của chúng ta không kém gì những chiến thắng và trí tuệ. Thiền Tông Nhật Bản về mặt lịch sử có lẽ là tông phái truyền đạt tốt nhất những quan niệm tương tự, với tuyên bố táo bạo rằng đời là bể khổ, và sự tôn kính của nó trong nghệ thuật thị giác - đồng thời mở rộng trong tâm lý học - về những điều không hoàn hảo và bóng bẩy: mưa của những tối mùa thu, nỗi buồn, những mái nhà rêu phong, những tấm gỗ ố màu, những giọt nước mắt, và nổi tiếng nhất là những mảnh gốm méo mó và không đều.

Tách trà, thế kỷ 17, trong bộ sưu tập của Rijksmuseum, Amsterdam.

Đời sống về cơ bản là méo mó và không hoàn hảo, song vẫn trang nghiêm và duyên dáng. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận tình trạng ốm yếu của bản thân. Chúng ta cảm thấy bớt tội lỗi hơn khi không làm việc và thực hiện đúng vai trò mà những người có trách nhiệm khác yêu cầu. Chúng ta có thể bớt phòng thủ và sợ hãi, hướng đến việc tìm kiếm sự chăm sóc thích hợp hơn - và do đó cũng có nhiều khả năng hồi phục kịp thời hơn.

Với triết lý về sự chấp nhận, chúng ta có thể nhận ra rằng bất cứ đặc điểm cụ thể nào của cơn khủng hoảng trong ta (thứ sẽ được điều tra đúng lúc), nỗi đau của ta luôn khớp với một bức tranh lớn về thân phận nhỏ bé của con người. Không ai thoát khỏi. Không đời sống nào tránh được những rắc rối lớn lao. Mọi thứ đều không hoàn hảo. Chúng ta không cần phải biết chi tiết về cuộc đời của ai đó thì mới có thể đoán được mức độ khó khăn mà họ sẽ phải đương đầu. Chúng ta đều được sinh ra từ các bậc cha mẹ không cân xứng, những ham muốn của chúng ta luôn vượt xa thực tế, tất cả chúng ta đều sẽ mắc một vài lỗi lầm khủng khiếp, chúng ta làm tổn thương những người mình yêu thương và chọc giận những người có quyền lực với mình, chúng ta sẽ lo lắng và bối rối, đau khổ và lạc lối. Chúng ta nên chấp nhận cả việc mình không thực sự khỏe mạnh - và bệnh tật là hoàn toàn bình thường.

Triết học Nhật Bản có một bài học khác cho chúng ta ở điểm này: có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ được cố định lại song những vết thương giống như những dấu vết đáng ghi nhớ và không thể xóa nhòa. Chưa hết, những dấu hiệu này có thể được thể hiện với niềm tự hào và trân trọng. Theo truyền thống kintsugi của Thiền Tông, một chiếc bát vô tình bị vỡ không bị ném đi trong sự xấu hổ, mà các mảnh của nó có thể được thu thập một cách cẩn thận và gắn lại bằng keo pha vàng. Những dấu vết của sự sửa chữa được thể hiện rõ ràng, được tôn vinh và trân trọng, như muốn gợi ý cho chúng ta - mỗi khi nâng chiếc bát lên môi - rằng ta không cần phải từ bỏ bản thân vì nỗi xấu hổ hay tan vỡ của chính mình.

Stoneware with clear, crackled glaze, gold lacquer repair; 17th century, Smithsonian Institution.

Chúng ta có thể đối mặt với bệnh tật không hoảng loạn hay sợ hãi, mà bằng một nỗi buồn trí tuệ thầm lặng mà có lẽ được thể hiện rõ nhất qua từ “u sầu”. Nếu đang tìm kiếm một vị thánh bảo trợ cho mối quan hệ u sầu giữa ta với những trở ngại tâm lý, ta có thể ngắm tranh của họa sĩ xứ Welsh, Gwen John, người kết hợp sự nghiệp họa sĩ xuất sắc với những khoảnh khắc suy sụp tinh thần - song về cơ bản vẫn duy trì được bên lề cuộc đời. Từ bức chân dung tự họa của mình, John ngụ ý rằng bà hiểu tất cả những gì chúng ta đang trải qua, đôi mắt của bà gợi ý rằng bà cũng đã từng cảm thấy điều tương tự, rằng bà có thể chỉ dẫn cho ta đến thế giới ngầm của tâm trí - mặc cho ta có chán ghét bản thân mình đến mức nào, chúng ta xứng đáng với sự dịu dàng, kiên nhẫn và tôn trọng khi tìm kiếm con đường chữa lành cho chính mình.

Gwen John, Self Portrait, 1902

Tìm đọc cuốn sách về liệu pháp Cam kết và Chấp nhận ACT: THOÁT KHỎI TÂM TRÍ VÀ BƯỚC VÀO CUỘC SỐNG

https://shope.ee/601kloVN9n

 

Con người luôn đau khổ. Đó là bản chất, là lẽ thường của sự tồn tại. Và con người không chỉ đau khổ về mặt thể chất, chúng ta còn phải vật lộn với những đau đớn về mặt tâm lí - những tình cảm và suy nghĩ cố chấp, những kí ức khó chịu, những thôi thúc và cảm xúc không mong muốn. Chúng ta có xu hướng trung thành với tâm trí, với những suy nghĩ của mình, để nó điều khiển việc ta nghĩ mình là ai. Đôi khi, ta mắc mắc kẹt trong những suy nghĩ ấy, tới mức ta tin vào mọi thứ mà suy nghĩ ấy, tới mức ta tin vào mọi thứ mà suy nghĩ của chính mình nói về bản thân. Và đó chính là cốt lõi của hầu hết những đau khổ về mặt tâm lí.

Hoàng Dung dịch

Nguồn: https://www.theschooloflife.com/article/mental-illness-and-acceptance/?/

menu
menu