Bước đột phá thay đổi cuộc đời bạn đã đang xảy ra

buoc-dot-pha-thay-doi-cuoc-doi-ban-da-dang-xay-ra

Sự thay đổi là dần dần. Đột phá là dần dần, được tính bằng nhiều thập kỷ chứ không phải khoảnh khắc.

Trước khi Gandhi trở thành anh hùng Gandhi, ông chỉ là một luật sư. Hiển nhiên ông không phải là một luật sư quá xuất sắc. Vào năm 1893, trên một chuyến tàu ở Nam Phi, ông đã bị yêu cầu ra khỏi cabin hạng nhất vì lý do phân biệt chủng tộc. Ông đã vô cùng tức giận và từ chối rời đi. Những người da trắng đã ném ông xuống tàu và ông ngồi đó một mình trong màn đêm lạnh va ẩm ướt. Sau sự việc này Gandhi tuyên bố sẽ đấu tranh cho quyền bình đẳng. Sau khi sử dụng triết lý về biểu tình bất bạo động để giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh cho các quyền dân sự ở Nam Phi, ông trở về Ấn Độ, nơi ông đã dẫn dắt thành công các phong trào giành độc lập của Ấn Độ. Và câu chuyện về một người hùng tiếp diễn …

Trước khi Einstein trở thành nhà khoa học Einstein, ông là một nhân viên bình thường tại một văn phòng cấp bằng sáng chế. Ông cũng không hẳn là một nhân viên xuất sắc. Ông là một sinh viên nghèo, gặp khó khăn về ngôn ngữ và có tiếng là hơi lười biếng và vô tổ chức. Năm 1905 Einstein đột nhiên thể hiện tài năng của mình, trong bối cảnh xuất hiện một loạt các nghiên cứu khoa học. Ở tuổi 26, ông đã xuất bản bốn bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học lớn. Những nghiên cứu này bao gồm ý tưởng của ông về lý thuyết tương đối đặc biệt và phương trình nổi tiếng của ông E = mc2. Ông đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới, một biểu tượng thiên tài của nền văn hóa phương Tây.

Điểm qua bất kỳ người nổi tiếng hay có ảnh hưởng nào và bạn sẽ thấy sự giống nhau trong câu chuyện mang tính đột phá dẫn đến thành công của họ. Việc Michael Jordan bị đuổi khỏi đội bóng của trường trung học thúc đẩy ông làm việc chăm chỉ và không bao giờ thất bại một lần nữa. Việc Steve Jobs bị sa thải khỏi công ty riêng của ông buộc ông phải đánh giá lại cách ông đã làm việc với những người khác. Barack Obama đưa ra bài phát biểu tại Hội nghị của Đảng Dân chủ năm 2004 kích động nền tảng mới của các cử tri tự do. Harrison Ford được thuê bởi George Lucas để xây ngôi nhà mới, sau đó họ trở thành bạn bè và nhờ vậy Harrison Ford trở nên nổi tiếng.

Danh sách còn rất dài. Mọi người dường như đều có bước đột phá riêng, giải thích cho sự thành công của họ.

Chúng ta cũng thường kể về cuộc sống của mình với những câu chuyện mang tính đột phá. Khi tôi nói về sự lựa chọn bỏ công việc ổn định, nó cũng như trải nghiệm đi làm ngày đầu tiên. Khi mọi người hỏi tôi đã gặp bạn gái như thế nào, cả hai chúng tôi đều kể về cuộc trò chuyện đã khiến chúng tôi ngay lập tức thấy thích nhau. Khi tôi lý giải quyết định bỏ trường nhạc, nó luôn luôn đi kèm với một giai thoại nhỏ mà giáo viên guitar đã nói với tôi trong một bài học. Bằng cách nào đó, trong tâm trí của tôi, sự trao đổi một chiều với giáo viên của tôi đã hủy hoại tất cả mọi thứ.

Tôi đoán là bạn có thể kể ra các bước ngoặt lớn trong cuộc đời của bạn theo một cách tương tự như vậy. Mọi quyết định lớn trong cuộc sống đã ảnh hưởng rất nhiều đến bạn ngày hôm nay, bạn có thể chỉ ra một khoảnh khắc nhất định mà bạn cảm thấy như thể đó là tác nhân chính truyền cảm hứng hoặc thúc đẩy sự thay đổi trong bạn.

Tương tự như vậy, chúng ta cũng áp dụng logic này cho tương lai của mình. Trong sự nghiệp, chúng ta chờ đợi một "bước đột phá lớn". Khi làm quen một ai đó, chúng ta hy vọng rằng mỗi người mới là "một sự đặc biệt". Khi chúng ta cố gắng học một kỹ năng mới hay cải thiện bản thân theo một cách nào đó, chúng ta hy vọng sẽ có bước đột phá hoặc bắt gặp phép màu sẽ giúp thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và người khác.

Chúng ta luôn chờ đợi bước đột phá tiếp theo trong cuộc sống và không bao giờ biết được khi nào điều đó sẽ xuất hiện.

Một số người sẽ thất vọng vì họ thấy mình cứ làm việc mãi, làm việc mãi mà không có một bước đột phá nào. Họ muốn có một điều kỳ diệu, muốn một ông bụt xuất hiện và phù phép ra một sự kiện làm thay đổi cuộc sống, và họ sẽ loại bỏ được mọi điều đau khổ. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực, tất cả những gì họ nhận được là một sự thật phũ phàng rằng mọi sự thay đổi đều nhỏ bé không đáng kể và xảy ra dần dần.

Cũng có những người khác, những người cảm thấy như thể họ liên tục có những bước đột phá. Bất cứ lúc nào họ buồn bã hay thất vọng, bất cứ điều gì làm cho họ cảm thấy tốt hơn đều được cho là những sự kiện mang tính đột phá sẽ làm cuộc sống của họ thay đổi mãi mãi - một cuộc trò chuyện mới với một người bạn hay người trong gia đình, một buổi khám với bác sĩ trị liệu, giải được một câu đố mới trên BuzzFeed - "Oh, hóa ra tôi cầm tinh con chồn đất, bảo sao!"

Tuy nhiên, cho dù nhận thức, cách nghĩ cũng như cảm xúc của họ liên tục thay đổi thì cuộc sống của họ vẫn tiếp tục và thay đổi chậm như sên. Phần lớn các hành vi của họ vẫn không thay đổi. Phần lớn các suy nghĩ của họ sẽ quay trở về lối mòn cũ.

Tôi tin vào điều này bởi vì các câu chuyện về "bước đột phá" trong sự phát triển cá nhân hầu như là một ảo tưởng. Ý nghĩ rằng một vài sự kiện đơn lẻ có tác động không cân xứng đến bản sắc và cách chúng ta trưởng thành là kết quả của sai lầm về nhận thức. Đó là một “mánh khóe” mà tâm trí sử dụng để làm cho trải nghiệm của chúng ta dễ hiểu hơn và sự tiến bộ của chúng rõ nét hơn.

“MÁNH KHÓE” CỦA TÂM TRÍ

Bộ nhớ là một thứ buồn cười. Nếu tôi hỏi bạn tên đường phố mà người bạn tốt nhất thời thơ ấu sống, bạn có thể ngay lập tức trả lời tôi. Nhưng nếu tôi hỏi bạn đã mặc gì ba ngày trước, có thể bạn chả nhớ gì.

Đó là bởi vì bộ nhớ dựa nhiều vào tầm quan trọng và ý nghĩa hơn là vào thời gian, chi tiết hay thậm chí sự kiện.

Theo ngôn ngữ sinh học, bộ nhớ rất “đắt đỏ”. Nó đòi hỏi rất nhiều năng lượng để kết nối tế bào thần kinh và khớp thần kinh của chúng ta. Thế giới chúng ta quá đa dạng và phức tạp, chúng ta không thể nhớ hoàn toàn mọi chi tiết về tất cả các sự kiện, vì vậy não của chúng ta quyết định thứ tự khi hình thành hệ thống thông tin. Bộ não ưu tiên ý nghĩa, sau đó mới đến sự kiện và chi tiết.

Vì vậy, khi bạn có những trải nghiệm nhỏ, tinh tế, phức tạp trong một khoảng thời gian rất lâu, thay vì phân tích và cân nhắc mọi yếu tố cá nhân, bộ não chỉ đơn giản là đưa ra một ý nghĩa tổng thể và sau đó sẽ xây dựng "các sự kiện" thành một câu chuyện để phù hợp với ý nghĩa đó.

Đây là lý do tại sao lời khai của nhân chứng trong các vụ án nổi tiếng không đáng tin cậy. Họ đã quyết định rằng sự kiện nào có ý nghĩa với họ, và bộ nhớ của họ đã làm thay đổi sự kiện đó một cách vô thức để phù hợp với ý nghĩa đã đặt ra.

Đó là lý do tại sao nghi phạm không có luật sư bào chữa rất dễ thừa nhận những điều mà họ đã không làm - đầu tiên cảnh sát thuyết phục họ về ý nghĩa "bạn là một kẻ thất bại, bạn ngu ngốc đến mức không nhận ra bạn đã làm đã sai những gì" và sau đó người bị tình nghi bất ngờ nhớ ra là mình phạm tội.

Đó là lý do tại sao khi chúng ta giận ai đó chúng ta có thể thề rằng đã nghe thấy họ nói những điều mà họ thực sự chưa bao giờ nói. Đó là lý do tại sao khi chúng ta đang buồn, chúng ta cảm thấy như tất cả mọi thứ trong cuộc sống đều bế tắc, mặc dù chỉ có một vài điều không may nhỏ xảy ra. Đó là lý do tại sao khi chúng ta xấu hổ, chúng ta tin rằng có nhiều người chú ý đến mình.

Các sự kiện được ráp lại với nhau để phù hợp với ý nghĩa mà chúng ta gán cho nó.

Bộ nhớ của chúng ta được hình thành dựa trên những câu chuyện nhân/quả chúng ta thu lượm được từ một tình huống. Chúng giúp ta ghi nhớ những điều quan trọng. Chúng giúp chúng ta dự đoán những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai. Và kết quả là, chúng khiến ta coi các bước đột phá quan trọng trong cuộc sống (của bản thân và những người khác) là nguyên nhân duy nhất khiến ta thay đổi.

Nhưng không may, điều này không hề đúng.

Hãy xem xét trường hợp của Gandhi: Gandhi được sinh ra trong một gia đình toàn các chính trị gia thành công. Mẹ ông là một người Hindu rất sùng đạo và thường xuyên ăn chay.

Gandhi lớn lên trong hoàn cảnh Anh chiếm đóng Ấn Độ, ban đầu ông đã làm việc ở Nam Phi để tránh những ảnh hưởng ngột ngạt của chủ nghĩa thực dân. Nhưng khi ông ở đó và phải đối mặt với hoàn cảnh thậm chí còn tồi tệ hơn chủ nghĩa thực dân, ông đã từ chức để phản đối. Sau tất cả, ông dường như không có lựa chọn khác.

Ban đầu, cuộc đấu tranh của ông hoàn toàn hợp pháp. Ông là một luật sư và ông đại diện cho những người Ấn Độ đã bị phân biệt đối xử trong kinh doanh và trong pháp luật. Phải mất hơn một thập kỷ ông mới hình thành được phong trào biểu tình bất bạo động và điều đó chỉ xảy ra sau khi ông tiếp xúc với những ý tưởng về bất tuân dân sự và bất bạo động cực đoan được viết bởi Thoreau, Tolstoy và những người khác. Gandhi mất hơn 20 năm để đạt được một chiến thắng nhỏ trong việc tranh đấu vì quyền tự do dân sự cho người Ấn Độ ở Nam Phi, và hơn 30 năm để dẫn dắt Ấn Độ độc lập khỏi sự đô hộ của đế quốc Anh hoang tàn sau thế chiến thứ II.

Thật dễ dàng khi nhìn vào cuộc đời của Gandhi và coi sự biến chuyển của một tâm hồn vĩ đại đến từ một đêm định mệnh trên một chuyến tàu. Biệt danh "Mahatma" tự nó có nghĩa là "tâm hồn vĩ đại". Nhưng sự thật là Gandhi đã được sinh ra và lớn lên với rất nhiều biến cố nhạy cảm của thế giới thuộc địa, sự trưởng thành từ tốn nhưng vững chắc đưa ông đến với cuộc cách mạng kỳ lạ và triệt để mà lịch sử biết đến ngày hôm nay. Trên thực tế, Gandhi không phải là một vị thánh. Ông tham gia nhiều cuộc chiến tranh, đã từng bị lên án là đánh và bỏ rơi vợ, và ông cũng có một loạt các khuynh hướng, thói quen lập dị.

Lịch sử rất phức tạp và hỗn độn. Chúng ta thường dựng nên các câu chuyện với mô típ "một người đàn ông bình thường, sự viêc X xảy ra, người đàn ông trở nên phi thường". Nhưng thực sự đó không phải là cách mà thế giới vận hành.

Câu chuyện của Einstein thường được kể lại một cách tương tự. Ông là một học sinh kém, có một trở ngại về ngôn ngữ, ông vô tổ chức và lười biếng. Ông thậm chí còn không được nhận vào một trường đại học tốt. Nhưng ông đã quá xuất sắc và đã làm một cuộc cách mạng đối với nền khoa học hiện đại gần như trong một cơn say.

Điều này càng không đúng.

Einstein là thiên tài. Nhưng những khám phá của ông không phải đột nhiên mà xuất hiện. Những khám phá của Einstein không phải là một phút xuất thần của thiên tài. Lần đầu tiên ông có ý tưởng về lý thuyết tương đối là khi đọc cuốn sách khoa học dành cho trẻ em năm 10 tuổi. Cuốn sách nói về tốc độ dịch chuyển của điện nhanh như thế nào. Cậu bé Einstein bắt đầu tự hỏi rằng nếu bạn có thể di chuyển nhanh như ánh sáng thì chuyện gì sẽ xảy ra, có lẽ mọi vật dường như đứng yên.

Ở tuổi 13, ông đã đọc cuốn sách của Immanuel Kant về phê bình lý tính thuần túy - một cuốn sách triết lý dày về những hạn chế của các quan sát thực nghiệm. Nếu điều đó không gây ấn tượng với bạn, tôi khuyên bạn nên cầm quyển sách lên và xem mình có đọc được đến trang thứ ba không. Khả năng lớn là bạn không thể.

Ở tuổi 15, ông đã thành thạo các phương trình vi phân và ở tuổi 16, ông đã có bài được xuất bản trên tạp chí khoa học về quan sát tốc độ ánh sáng.

Đặt trong bối cảnh cuộc đời Einstein, thì thuyết tương đối đặc biệt ra đời vào năm 1905 không có gì đáng ngạc nhiên. Ông lao động vất vả trong hơn một thập kỷ để đạt được kỳ công đó. Và mất gần 20 năm để lý thuyết của ông được công nhận trong cộng đồng khoa học. Ông bắt đầu khi 10 tuổi và chỉ thực sự thành công ở tuổi 40. Đó là một công việc cả đời.

Nhưng thậm chí sau đó, ông cũng không được công nhận. Mãi cho đến sau Thế chiến thứ hai, ông mới được xem như là một người anh hùng và là một thiên tài. Ông là một người Đức gốc Do Thái, người đã đưa ra những lý thuyết là cơ sở tạo ra những quả bom nguyên tử giúp Mỹ giành chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ II. Điều gì là không để tôn vinh ông?

SỰ HIỂU SAI VỀ ‘BƯỚC ĐỘT PHÁ’ – THE BREAKTHROUGH FALLACY

Trong cuốn sách The Black Swan, tác giả Nassim Taleb gọi xu hướng muốn nhớ tất cả mọi thứ theo cách đơn giản nguyên nhân/kết quả của sự kiện là “the narrative fallacy” (là sự giới hạn khả năng của chúng ta khi nhìn vào chuỗi các sự kiện mà không kết nối một lời giải thích đi kèm, hay tạo ra các mối quan hệ logic giữa những sự kiện). Do thói quen của bộ não con người thường nén các kinh nghiệm lại thành một câu chuyện ngắn gọn súc tích. Sự lập đi lập lại không chỉ làm cho chúng ta ghi nhớ tốt hơn mà còn làm chúng ta giao tiếp với người khác tốt hơn.

Taleb nói sự nguy hiểm của “the narrative fallacy” là nó làm cho chúng ta đánh giá thấp những tác động của những sự kiện ngẫu nhiên và nhỏ bé hơn lên các sự kiện lớn trong cuộc đời - một thực tế rằng tài năng “chiến đấu” của Michael Jordan là một phần ăn sâu trong nhân cách của anh và anh không sử dụng được nó ở đội bóng trong trường trung học; thực tế là thành công trong sự nghiệp sau này của Steve Jobs đến từ những thay đổi đã xảy ra trên thị trường điện tử tiêu dùng trong những năm 90 chứ không phải từ việc ông bị sa thải khỏi công ty cũ; thực tế là Harrison Ford đã có cơ hội để xây nhà cho George Lucas và trở thành Han Solo bởi vì ông đã thử nhiều vai diễn nhỏ và kết bạn khắp Hollywood trong tám năm.

Nếu “the narrative fallacy” nói rằng chúng ta đánh giá thấp ảnh hưởng của các sự kiện mờ nhạt và không đáng nhớ, lý luận trái ngược với “the narrative fallacy” là chúng ta đánh giá quá cao tầm quan trọng của những trải nghiệm lớn trong cuộc đời - gọi là "the breakthrough fallacy".

“The breakthrough fallacy” cho rằng chúng ta đánh giá quá cao các khía cạnh đáng nhớ nhất trong quá trình phát triển của người khác - Gandhi bị ném ra khỏi xe lửa ở Nam Phi; Einstein một thư ký của văn phòng cấp bằng sáng chế đã xuất bản một lý thuyết làm thay đổi thế giới - cũng như các khía cạnh đáng nhớ nhất trong sự phát triển của chính chúng ta - giáo viên guitar của tôi nói với tôi rằng thực hành sáu giờ một ngày là không đủ.

Nhưng quan trọng nhất là Breakthrough Fallacy cũng cho rằng những thay đổi lớn nhất và quan trọng nhất xảy ra trong tương lai của chúng ta không nhất thiết là những sự kiện đáng nhớ nhất hay kịch tính nhất. Ngược lại, chúng dường như phụ thuộc vào ngữ cảnh, tùy tình huống hay chúng xảy ra rất chậm chạp và từ từ, trong một số trường hợp, thậm chí ta không nhận ra sự tồn tại của những thay đổi này.

Tôi nhận được rất nhiều email của bạn đọc hỏi những câu như: họ có thể làm gì để quên người yêu cũ, họ có thể làm gì để có dũng khí từ bỏ công việc nhàm chán hiện tại, họ có thể làm gì để trở thành một blogger/nhà văn nổi tiếng, làm gì để hàn gắn mối quan hệ với người bạn đời, hay để vượt qua những lo lắng xã hội .v.v.

Và tôi không trả lời được vì lý do đơn giản rằng đây là những câu hỏi sai.

Một phần của “The Breakthrough Fallacy” là bản chất bên trong con người chúng ta. Những thành kiến ​​tâm lý của chúng ta chống lại chính chúng ta. Nhưng một phần “The Breakthrough Fallacy” là văn hóa – ai cũng mong muốn được chữa lành nhanh chóng, những viên thuốc tiên, các giải pháp dễ dàng chỉ trong một thời gian ngắn. Chúng ta luôn mong chờ một bước đột phá mà sẽ không bao giờ đến.

Khi chúng ta quên được người yêu cũ, chúng ta nghĩ rằng mình sẽ quẩy tưng bừng để đánh dấu mốc quan trọng với pháo hoa và sâm banh. Nhưng thường thì việc này là một khoảnh khắc yên tĩnh và không được chú ý đến, có thể chỉ là lúc bạn ngồi trên xe buýt hoặc tàu hỏa, âm thầm ngắm trăng, một mình và cảm thấy hoàn toàn oki.

Khi chúng ta vượt qua được cảm giác bất an, chúng ta nghĩ mình sẽ bùng nổ khả năng phi thường, lâng lâng với sự tự do hoàn hảo và sự tự tin bản năng. Nhưng trên thực tế, nỗi lo lắng của chúng ta cũng giống như một lâu đài cát mà sẽ bị nước biển làm xói mòn và cuốn đi một cách lặng lẽ, cho đến khi bạn không thể nhớ rằng đã từng có một thứ gì như vậy tồn tại.

Khi chúng ta liên tục tìm kiếm phép màu hoặc bước đột phá tiếp theo để "sửa chữa" chính mình, thực sự tất cả những điều chúng ta đang làm là tái khẳng định niềm tin rằng chúng ta đã “hỏng”. Mong muốn có sự đột phá để thay đổi bản sắc và toàn bộ cuộc sống của mình là một cuộc tấn công nhẹ nhàng nhưng dai dẳng vào giá trị của chính chúng ta: một mong muốn dường như cao cao cả, nhưng ý nghĩa bên trong là: "Tôi không đủ tốt, tôi không tốt đủ”.

Bởi vì không ai có thể thay đổi hoàn toàn. Và không ai có thể thay đổi tất cả cùng một lúc. Sự thay đổi là dần dần. Đột phá là dần dần, được tính bằng nhiều thập kỷ chứ không phải khoảnh khắc.

Không có bước đột phá lớn. Bước đột phá của chúng ta là bây giờ. Ngay lúc này. Và tiếp tục. Tiếp tục mãi. Cuộc sống của chúng ta là một loạt những bước đột phá nhỏ không bao giờ kết thúc, một trong số chúng rõ ràng và ảnh hưởng của chúng có thể nhận ra được, một số khác thì nhẹ nhàng và không được chú ý đến.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục bị ám ảnh bởi một khoảnh khắc lớn thay đổi cuộc đời, chúng ta có khả năng bỏ lỡ tất cả những sự việc xảy ra ngay bây giờ, ngay trước mắt chúng ta.

 

[Photo creditRL Johnson and colinlogan]

Ghi chú:

  1. Dukas, R. (1999).Costs of memory: ideas and predictions. Journal of Theoretical Biology, 197(1), 41–50.
  2. Klein, K., & Boals, A. (2010).Coherence and Narrative Structure in Personal Accounts of Stressful Experiences . Journal of Social and Clinical Psychology, 29(3), 256–280.
  3. Schacter, D. L., Addis, D. R., & Buckner, R. L. (2007).Remembering the past to imagine the future: the prospective brain. Nature Reviews Neuroscience, 8(9), 657–661.
  4. White, H. (2005).Introduction: Historical fiction, fictional history, and historical reality. Rethinking History, 9(2-3), 147–157.
  5. Taleb, N. N. (2010).The Black Swan: The Impact of the Highly Improbable (2 ed.). New York: Random House Trade Paperbacks.

 

Dịch: Cao Hằng

Tác Giả: Mark Manson

menu
menu