Cách đối phó với giận dữ, lo âu và cô đơn theo phái Khắc kỷ
Triết học Hy Lạp đều có xu hướng nhấn mạnh vào chủ nghĩa thực dụng – và không đâu khác chính là chủ nghĩa Khắc kỷ. Chẳng có gì thực dụng hơn việc học cách kiểm soát cơn giận, nỗi lo âu và sự cô đơn, ba căn bệnh chính c
Cách đối phó với giận dữ, lo âu và cô đơn
Bất cứ nơi đâu tôi tới, đều có mặt trời, mặt trăng và các vì sao, có những mơ mộng, linh cảm, và những cuộc trò chuyện với các vị thần.
-- Epictetus, The Discourses (Những cuộc đàm luận), III.22
Triết gia thường được mô tả theo lối biếm họa là những người xa rời thế tục, vĩnh viễn trung thành với sự bàng quan trước phần còn lại của nhân loại. Hay tệ hơn: có thể họ đơn giản chỉ là những kẻ lừa đảo thông minh, giả vờ suy nghĩ sâu sắc trong khi thực tế lại đang rao giảng những điều vô nghĩa hay những thứ tầm thường được ngụy trang bằng thứ ngôn ngữ rối rắm. Ngay từ năm 423 TCN, nhà viết kịch vĩ đại người Hy Lạp đã mỉa mai Socrates trong vở The Clouds, mô tả ông là một giáo viên triết học (không phải một lời khen, dù là ngày đó hay bây giờ), mặc dù sau đó nhà hiền triết bốn mươi lăm tuổi này đã đối diện một cách bình thản: người ta kể lại rằng khi một số người nước ngoài tham dự vào vở kịch hỏi, “Ông Socrates này là ai vậy?”, thì ông đã vui vẻ đứng lên để đám đông nhận ra trong rạp hát.
Dù phản ứng vượt lên lý trí này là thật hay được cho là như vậy, thì triết học Hy Lạp (ngay từ thời kỳ hậu Socrates) đều có xu hướng nhấn mạnh vào chủ nghĩa thực dụng – và không đâu khác chính là chủ nghĩa Khắc kỷ. Chẳng có gì thực dụng hơn việc học cách kiểm soát cơn giận, nỗi lo âu và sự cô đơn, ba căn bệnh chính của thời hiện đại. Dĩ nhiên, một lần nữa, đây không phải cuốn sách self-help tiêu chuẩn hứa hẹn cho bạn những phương pháp thần kỳ: chúng ta sẽ đương đầu với các vấn đề này một cách bình tĩnh, hợp lý cùng những kỳ vọng thực tế, giống như một triết gia Khắc kỷ đúng mực sẽ làm.
Đây là một thái độ mà dĩ nhiên, tôi học được từ Epictetus, người bạn của chúng ta trong một cuộc trò chuyện, khi ông nói:
Ngày hôm qua tôi vẫn còn một chiếc đèn sắt bên cạnh các vị thần thổ địa, và khi nghe thấy một tiếng động tôi bèn chạy thật nhanh ra cửa sổ. Tôi phát hiện ra cái đèn đã không còn ở đó nữa. Tôi tự suy xét rằng kẻ lấy cắp nó đã buông thả mình theo một thứ cảm giác mà anh ta cho là chính đáng. Tôi đã kết luận ra sao? Ngày mai tôi sẽ tìm mua một cái đèn bằng đất nung. Tôi mất đèn là do trong việc cảnh giác kẻ trộm mạnh hơn tôi. Nhưng anh ta đã mua chiếc đèn với cái giá này: vì một cái đèn mà anh ta trở thành kẻ cắp, vì một cái đèn mà anh ta phá bỏ đức tin của mình, vì một cái đèn mà anh ta trở thành kẻ hung bạo.
Như thường lệ, trong lời nói của Epictetus ẩn chứa nhiều điều sâu xa, và phải ngẫm nghĩ thật kỹ trước khi biết trân trọng hoàn toàn. Trước tiên, hãy chú ý đến việc ông không hề quẫn trí hay tức giận, mà chỉ kể lại đúng sự việc; ngoài ra, ngay lập tức ông đưa ra một số kết luận lý tính: rằng thứ mà ông mất có thể dễ dàng thay thế (ngày mai, tôi sẽ đi tìm một cái đèn khác), và như mong muốn tránh một tên trộm khác, có lẽ ông nên chọn một cái đèn rẻ tiền hơn những đem lại hiệu quả tương tự (một cái đèn bằng đất nung thay vì bằng sắt), vì không đáng để đấu lại một tên trộm trong trò chơi cảnh giác. Và tiếp đến là phân tích vào ý nghĩa sâu hơn của tai nạn này: Epictetus hiểu rằng tên trộm đã đầu hàng trước những cảm giác có vẻ đúng đắn–anh ta hẳn đã nghĩ rằng những gì mình đang làm là xứng đáng. Song nhà hiền triết của chúng ta không đồng tình với quan điểm của tên trộm, kẻ đã đưa ra kết luận mà theo ông là vô cùng đáng nghi vấn: có được chiếc đèn sắt, nhưng đổi lại tên trộm đã mất đi một thứ còn đáng giá hơn nhiều–đó là tính chính trực của mình.
Tôi đã trải qua một sự việc không may để thử nghiệm lời dạy của Epictetus khi đang viết cuốn sách này. Tôi vừa đi tới ga tàu điện ngầm ở Rome với bạn mình, chúng tôi đang trên đường đến nhà vợ chồng anh trai tôi trong một buổi tối thảnh thơi. Khi bước vào khoang tàu, tôi cảm thấy một sức ép mạnh bất thường từ một người đàn ông gần đó, anh ta đã ép sát vào tôi mặc dù trong khoang còn nhiều chỗ trống, tuy tàu khá đông những cũng không đến nỗi nào. Vài giây sau khi tôi chợt nhận ra tất cả thì đã quá muộn: trong lúc tôi bị phân tâm vì người đàn ông chèn ép vô cớ kia, thì bạn của anh ta đã nẫng mất chiếc ví tôi để trong túi quần trước bên trái và nhanh chóng thoát ra khỏi khoang trước khi cửa đóng lại. Tên trộm kia đã hoàn toàn đánh bại tôi trong trò chơi cảnh giác, và vinh quang dành cho anh ta vì sự khéo léo của mình. Cảm nhận đầu tiên của tôi, như các triết gia Khắc kỷ sẽ nói, là bất ngờ và thất vọng vì bị lừa. Song tâm trí tôi lại nhanh chóng quay về với Epictetus, và tôi kiên quyết từ chối nuôi dưỡng thêm cảm nhận đó. Được rồi, cứ cho là tôi đã mất ví, một ít tiền mặt và vài chiếc thẻ tín dụng cần được khóa lại. Ồ, còn cả bằng lái xe cũng phải làm mới. Với công nghệ điện tử hiện đại ngày nay thì tất cả những thứ này chỉ tốn vài tổ hợp phím trên điện thoại thông minh (may là nó vẫn còn nằm trong túi khác của tôi) và vài ngày chờ đợi mà thôi. Nhưng tên trộm thì đã mất đi lòng chính trực trong cuộc trao đổi này. Trước khi thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, một trải nghiệm như vậy có thể khiến tôi giận dữ và bực tức suốt buổi tối, vốn chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho tất cả chúng tôi (hay ảnh hưởng gì đó đến tên trộm hoặc mang chiếc ví quay về). Thay vào đó, chỉ cần vài phút điều chỉnh tinh thần về những gì đã diễn ra, thì tới lúc gặp vợ chồng anh trai tâm trí tôi đã hoàn toàn trở lại bình thường, thậm chí còn quay về một trạng thái bình yên hơn, và chúng tôi có thể tận hưởng một buổi tối vui vẻ cùng những bộ phim.
Câu chuyện của Epictetus về chiếc đèn hay tai nạn tàu điện ngầm của tôi đều không nên được diễn dịch theo lối cổ vũ cho thái độ mọi sự đã an bài hay thất bại chủ nghĩa. Thay vào đó, cả hai câu chuyện đều gợi ý rằng chúng ta nên lùi lại và phân tích một tình huống hợp lý hơn, luôn giữ trong đầu về phân đôi kiểm soát giữa những gì nằm trong và không nằm trong khả năng của mình. Chúng ta không có sức mạnh khiến cho mọi tên trộm trên thế giới này biến mất, song ta có thể dấn thân vào trận chiến tập trung vào những tên trộm, nếu ta nghĩ rằng việc đó xứng đáng với thời gian và công sức của mình. Chúng ta không có khả năng thay đổi nhận thức của kẻ trộm rằng bỏ quên sự chính trực của mình để đổi lấy cây đèn hay ví tiền là một món hời, song việc đưa ra phán đoán ngược lại với bản thân là điều nằm trong tầm tay của chúng ta.
Bạn có thể để ý thấy việc thuật lại rất quan trọng trong chủ nghĩa Khắc kỷ. Ở đây có những điểm tương đồng trong Ki tô giáo (hãy căm thù tội lỗi chứ không phải kẻ mang tội), và theo nghiên cứu tâm lý học hiện đại, việc diễn đạt lại một tình huống theo góc nhìn mới là một thành phần quan trọng trong việc quản lý cảm xúc và cơn giận. Tuy vậy, tôi vẫn băn khoăn cho rằng chẳng phải Epictetus đã tỏ ra quá bình thản trước việc trộm cắp và phạm tội hay sao, vì vậy tôi đã chỉ ra điều đó cho ông. Lẽ ra tôi nên biết câu trả lời là gì: “Anh nói sao? “Chẳng phải tội trộm cắp và ngoại tình sẽ bị tử hình hay sao?” Không, đừng nói vậy, mà là, “Liệu tôi có nên hủy hoại người này, vì một lỗi lầm và ảo tưởng vật chất to lớn, cùng sự mù lòa không chỉ trong viêc phân biệt giữa trắng và đen, mà còn trong phán đoán đâu là điều thiện, đâu là điều ác?” Nếu nói theo cách này, bạn sẽ nhận ra sự vô nhân tính trong lời nói của mình; như thể đang hỏi, “liệu tôi có nên giết một người mù hay một người điếc không?” Thực tình tôi không đề xuất bất cứ hình thức trừng phạt bằng cái chết nào, song quan điểm này hoàn toàn hợp lý: nếu hiểu được khái niệm amathia[1] (Amathia trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “ngu dốt”) của người Hy Lạp cổ đại, thì ta biết rằng sẽ có ích khi coi những người làm việc xấu là mắc sai lầm, từ đó đồng cảm và giúp đỡ nếu có thể, chứ không kết án họ là kẻ xấu. Mặc dù chưa được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là ở Mỹ, song ý tưởng tương tự là động lực đằng sau những cách tiếp cận tiên tiến và hiệu quả nhất trong việc cải tạo tội phạm đã được thực hiện, chẳng hạn như ở một số quốc gia châu Âu.
Thật hữu ích khi nhìn vào lời khuyên của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ dành cho những người đang đương đầu với giận dữ và bực bội, vì nó rất giống với trực giác ban đầu của các triết gia Khắc kỷ–dĩ nhiên được củng cố bằng một lượng đáng kể những phát hiện thực nghiệm có hệ thống. Bắt đầu bằng việc APA khuyến cáo thực hiện một chuỗi các kỹ thuật thư giãn. Chúng bao gồm việc thở sâu (hơi thoát ra từ cơ hoành chứ không phải từ ngực), kết hợp với một vài câu thần chú đơn giản và có ý nghĩa. Bạn cũng có thể sử dụng trí tưởng tượng – chẳng hạn hình dung ra một trạng thái yên bình hay thỏa mãn – và thực hiện một số bài tập không tốn nhiều sức lực, như các bài tập yoga. Mặc dù các triết gia Khắc kỷ không triển khai khái niệm thần chú, song họ liên tục khuyên các học trò của mình ghi nhớ các cụm từ đơn giản, súc tích trong đầu và lôi nó ra ngay khi gặp rắc rối. Thật vậy, cuốn Enchiridion (Đã được dịch ra tiếng Việt với tựa Nghệ thuật sống – nhà sách Khai Tâm), bản tóm tắt của Arrian về các bài diễn thuyết của Epictetus, có thể được coi là một bộ công cụ nhắc nhở tiện lợi về những luận điểm quan trọng được dùng vào những thời khắc bất ngờ. Và Seneca cũng khuyên nhủ thực lòng rằng hãy hít một hơi thật sâu và đi dạo xung quanh khi cảm giác giận dữ mất kiểm soát lần đầu trỗi dậy, mà theo ông đây là một kiểu điên loạn tạm thời. Ông cũng nói trong lá thư gửi cho bạn mình là Lucilius, rằng việc luyện tập thể chất thường xuyên rất có ích, ngay cả khi tuổi đã cao, vì nó không chỉ giữ cho vóc dáng thon thả, mà còn giúp xoa dịu tâm trí. Tôi phát hiện ra những lời khuyên này vô cùng hiệu quả: phản ứng ưa thích của tôi, bất cứ khi nào cảm nhận mình bắt đầu mất kiểm soát, là xin phép rút lui tới một nơi yên tĩnh để có thể hít thở sâu (thậm chí là trong phòng tắm), và lên tục nhắc lại câu thần chú ưa thích trong đầu: chịu đựng hay không chịu đựng, vốn là một câu quen thuộc của các học trò của Epictetus.
Theo APA, lời khuyên này, một kiểu công cụ sơ cứu tâm lý và tinh thần, rất hữu dụng trong trường hợp khủng hoảng tức thì, song một số các chiến lược dài hạn cũng phải được triển khai khi cơn giận được khống chế hiệu quả. Một bộ chiến lược liên quan đến việc tái cấu trúc nhận thức, ở đó ta thấy được nhiều ví dụ của chủ nghĩa Khắc kỷ, cả những ví dụ chúng ta đã thảo luận ở trên. APA khuyên chúng ta thay đổi cụm từ thường dùng như “chuyện này thật kinh khủng!” sang một câu khác như “mình không muốn phải chịu đựng chuyện này, nhưng mình có thể xử lý được, và việc tức giận không giúp ích được gì cả.” Thêm nữa, lời đề nghị này nhằm biến nhu cầu thành khao khát, công nhận một điều rằng thế giới này không tuân theo mọi ước muốn của ta. Điều này rất giống với ý tưởng Khắc kỷ hiện đại, do Bill Irvine đề xuất, về việc học cách nội tâm hóa mục tiêu: Tôi khao khát (không phải muốn hay cần) được thăng chức, vì vậy tôi sẽ làm hết sức mình để xứng đáng với nó. Tuy nhiên việc có thực sự đạt được hay không không nằm trong tầm kiểm soát của tôi, vì nó phục thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài ý chí của tôi. Như bài viết của APA về kiểm soát cơn giận – vốn có thể được Epictetus dễ dàng viết ra – nhắc nhở chúng ta: Lý trí đánh bại giận dữ, vì giận dữ, ngay cả khi được công nhận là hợp lẽ, cũng sẽ sớm trở nên vô lý. Vì vậy hãy giữ cho mình cái đầu lạnh.”
Tiếp theo, APA khuyên chúng ta thực hành giải quyết vấn đề (thay vì phàn nàn), nhưng cảnh báo cho ta một lỗi ngụy biện phổ biến: chúng ta cần nhận ra – niềm tin đi ngược lại văn hóa chung – rằng không phải vấn đề nào cũng có giải pháp. Do đó ta không nên quá khắt khe với bản thân vì không giải quyết được mọi thứ, vì ta đã làm tất cả những gì hợp lý nhất có thể trong tình huống đó. APA khuyến cáo, đừng tập trung vào việc tìm giải pháp, mà hãy tập trung vào việc xử lý toàn bộ tình huống, bao gồm khả năng đã cố hết sức nhưng không thành công. Một lần nữa, tiếng vọng của trí tuệ cổ xưa đang dội lại nơi đây.
Một cách thức cực kỳ quan trọng khác trong việc kiểm soát cơn giận được APA phân loại là “giao tiếp hiệu quả hơn”, đặc biệt là giao tiếp với người khiến bạn tức giận. Điều thú vị nằm ở chỗ, phần lớn nội dung trong lời khuyên này một lần nữa nằm trong những lời dạy của các triết gia Khắc kỷ: chúng ta nên cố gắng mô tả tình huống khiến mình giận dữ một cách khách quan và chính xác nhất có thể, đó là những gì Epictetus gọi là tán thành (hoặc đồng thuận) với cảm nhận của chúng ta, như những gì tôi đã làm khi bị mất ví. Thay vì phản ứng ngay lập tức với những gì người khác đang nói – vốn chưa bao giờ là một ý hay, và còn đổ thêm dầu vào lửa – chúng ta có thể từ từ, diễn đạt lại những gì người kia đang nói, dùng thời gian để phân tích những lý do tiềm ẩn có thể có, sau đó mới phản hồi. Chẳng hạn, bạn có thể hiểu một yêu cầu từ người yêu của mình là một hành động quá đáng và khó chịu, xâm phạm vào không gian riêng tư của bạn. Song liệu có phải yêu cầu này xuất phát từ nhu cầu cần thêm sự chú ý và quan tâm của người kia, một nhu cầu có thể đáp ứng bằng những cách khác mà không khiến bạn cảm thấy mình đang bị cầm tù hay không?
APA cũng khuyên rằng sự hài hước là liều thuốc giải cho cơn giận, và chúng ta đã chứng kiến điều này được triển khai bởi cả những triết gia Khắc kỷ cổ đại như Epictetus (Nếu phải chết ngay lập tức, thì ta đã sẵn sàng; nếu chưa thì giờ ta sẽ đi ăn tối, bởi vì đã đến giờ ăn tối rồi) lẫn các nhà tâm lý học hiện đại như Irvine (Ồ, anh nghĩ bài luận do tôi viết đã lạc đề một cách căn bản ư? Đấy là do anh chưa đọc bài do mẹ tôi viết thôi!) Tuy nhiên, APA cũng khuyên bạn nên sử dụng sự hài hước một cách sáng suốt: chúng ta không nên đơn thuần cười cợt trước vấn đề của bản thân (hay tệ hơn là của người khác) hoặc bước qua ranh giới mong manh giữa hài hước và mỉa mai. Kiểu phản ứng ngạo mạn và coi thường như mỉa mai hiếm khi có hiệu quả, và chắc chắn không giúp ích trong những tình huống liên quan đến mâu thuẫn và giận dữ. Nhưng bằng cách nào chúng ta biết được đâu là sự khác biệt giữa hài hước và mỉa mai? Việc này cũng cần rèn luyện không khác gì rèn luyện đức tính chủ đạo của thông thái, chính xác là về việc học cách làm thế nào để điều hướng các tình huống phức tạp không có ranh giới rõ ràng giữa trắng và đen – mà như bạn biết đấy, gần như toàn bộ cuộc sống thực của chúng ta là như vậy.
Những gợi ý bổ sung từ các nhà tâm lý học chuyên nghiệp bao gồm thay đổi môi trường, chẳng hạn như để cho cơ thể được nghỉ ngơi, tách ra khỏi tình huống rắc rối; thay đổi thời gian tương tác với người kia nếu hiện tại không phải là thời điểm tốt nhất để giải quyết vấn đề, nhưng phải đảm bảo có một thời điểm khác thay thế để quay trở lại nhằm gửi đi thông điệp rằng bạn không né tránh, thực hành việc hạn chế bộc lộ bản thân với nguồn cơn gây ra sự bực bội cho bạn nếu có thể; và tìm kiếm những phương thức thay thế để làm điều bạn cần làm nhằm giảm thiểu khả năng mâu thuẫn trong khi vẫn cho phép bạn đạt được mục tiêu của mình. Chúng ta không tìm thấy mọi lời đề xuất này trong các văn bản của những nhà Khắc kỷ cổ đại, song chúng đều đồng nhất với ý tưởng nền tảng của chủ nghĩa Khắc kỷ rằng để sống một cuộc đời tốt đẹp, ta phải hiểu được các thế giới này thực sự vận hành (chứ không phải theo cách mà ta mong muốn), và đồng thời ta cũng phải học cách suy luận lý trí một cách chính xác nhằm đương đầu với bản chất của thế giới sao cho tốt nhất. Trân trọng và sử dụng những phát hiện phù hợp của tâm lý học hiện đại nhằm làm phong phú thêm cuộc sống là một việc “khắc kỷ” nhất mà chúng ta có thể làm.
Epictetus cũng nói với tôi vài điều thú vị về lo âu. Tôi đã từng ở trong trạng thái bồn chồn hơn bây giờ, một sự thay đổi mà tôi gán phần lớn cho kinh nghiệm (hóa ra có rất nhiều thứ không hề tệ như người ta tưởng tượng trước khi xảy ra) và một chút trưởng thành về mặt cảm xúc gần như không thể tránh khỏi qua năm tháng cùng sự thay đổi hoocmon trong cơ thể. Song Epictetus đã giúp tôi có một bước nhảy vọt. Chẳng hạn như, ông chỉ ra rằng cũng như cơn giận thường không phải lúc nào cũng hợp lẽ, thì lo âu cũng vậy, và thực tế cả hai cảm xúc này có thể gây cản trở một cách nghiêm trọng đến những dự án và chất lượng cuộc sống của chúng ta.
Vì sao chúng ta lại quá lo lắng đến tất cả những điều này? “Khi nhìn thấy một người trong trạng thái lo âu, tôi nói, “Người này có thể cần thứ gì? Nếu anh ta không muốn một thứ không nằm trong khả năng kiểm soát của mình, thì vì sao anh ta vẫn lo âu đến vậy? Đây là lý do một người hát và chơi đàn lia không hề lo lắng khi tập luyện, nhưng lại lo âu khi bước vào rạp hát, dù anh ta có một giọng hát trời phú và chơi đàn giỏi: bởi vì anh ta không chỉ muốn biểu diễn xuất sắc, mà còn muốn nổi tiếng, và điều này vượt quá tầm kiểm soát của anh ta.” Đây cũng là một phiên bản khác của ý tưởng cốt lõi của Epictetus về lưỡng phân kiểm soát, song cái cách ông sử dụng trong đoạn trên khiến tôi bừng tỉnh, và áp dụng cho vô số trải nghiệm cá nhân của mình, tôi phải thốt lên “Chết tiệt thật! Sao mình không nhận ra cơ chứ?”
Khi bước vào một lớp học chật kín sinh viên, tôi chẳng có lý do gì để lo lắng, vì tôi đã chuẩn bị để giải thích những kiến thức một cách thấu đáo. Tôi là một người chuyên nghiệp, tôi biết mình đang làm gì, và tôi có nhiều kinh nghiệm trong chủ đề này – chắc chắn là nhiều hơn sinh viên của mình. Vậy thì nguyên nhân gây ra cảm giác lo âu là do nỗi sợ tiềm ẩn về khả năng bằng cách nào đó tôi sẽ khiến cho các sinh viên thất vọng, vì không đủ rõ ràng, đủ hấp dẫn hay hữu ích, vân vân. Song cách duy nhất để tránh những thất bại như vậy là làm những gì tôi đã làm: chuẩn bị tốt nhất trong khả năng của mình. Mọi việc đã xong, vì thế không còn gì phải bận tâm, và chắc chắn không còn lo âu về kết quả. Một lần nữa, việc này không khuyến khích sự thờ ơ hay coi thường trách nhiệm của tôi với các sinh viên. Đây đơn giản là một đánh giá hợp lý về tình huống mà tôi đang gặp phải, nhằm đi đến một sự phân biệt hữu ích giữa cái mà tôi nên và không nên lo lắng. Hơn thế nữa, nếu tôi thực sự “tự làm bẽ mặt” trước cả lớp, thì chính xác điều tệ hại nhất có thể xảy ra là gì? Là vài người trẻ sẽ cười chê sai sót của tôi, dù nó là gì ư? Những điều điều tệ hại hơn xảy ra ngoài biển cơ, bạn biết đấy, bài hát của Monty Python đã nói như vậy.
Tôi phải nói rõ là tôi hoàn toàn nhận thức được những rối loạn trong tâm trí có thể gây ra một kiểu lo âu mà APA gọi là “lý trí quá mức”, mà chúng ta sẽ không thể tự mình vượt qua được. Song những rối loạn ấy, vốn là các tình trạng bệnh lý mà tâm lý và tâm thần học hiện đại đang bắt đầu nghiên cứu–dù còn nhiều sai sót–đã cung cấp những phương thức điều trị, dưới cả hình thức trò chuyện lẫn can thiệp bằng thuốc. Như đồng nghiệp của tôi, Lou Marinoff đã nêu trong lời tựa cuốn sách nổi tiếng của anh Plato, not Prozac! (Tạm dịch: Plato, chứ không phải Prozac!), những liệu pháp này sẽ hoàn thành nhiệm vụ quan trọng tuy chưa đầy đủ, là làm dịu đi tâm trí của bạn đến một mức độ bạn có thể hoạt động trở lại bình thường. Bản thân những liệu pháp này không suy nghĩ thay cho bạn, và nó là một quá trình nghiền ngẫm toàn bộ những sự kiện đã xảy ra trong đời vốn hứa hẹn mang đến một con đường dẫn tới hỷ lạc.
Đây là lý do vì sao thật kỳ lạ khi người ta chú ý và lo lắng vì những thứ sai lầm như vậy. Epictetus giải thích với tôi bằng cách này: “Chúng ta lo lắng từng thứ nhỏ nhặt trên cơ thể mình, về chút tài sản mọn, về những gì Caesar nghĩ, nhưng lại không mấy bận tâm đến những gì xảy ra bên trong mình. Tôi có lo lắng về việc không nhen nhóm một suy nghĩ sai lầm không? Không hề, vì nó tùy thuộc vào tôi. Hay tôi có lo âu về chuyện tận hưởng một xúc cảm thôi thúc trái với tự nhiên không? Cũng không nốt.” Vấn đề ở đây mang tính triết học nhiều hơn tâm lý học, đương nhiên là vậy; Epictetus đang trình bày một quá trình lâu dài của cuộc sống thay vì những vấn đề bất chợt mà ta phải đối mặt. Tuy nhiên quan điểm của ông vô cùng quan trọng. Một người theo đạo, nói theo cách hơi khác một chút, sẽ bảo chúng ta nên chăm sóc tâm hồn của mình thay vì cơ thể và tài sản, song về ý tưởng thì tương đối giống nhau: Chúng ta có xu hướng ưu tiên ngược, lo lắng về những điều ít quan trọng nhất và hoàn toàn không nằm trong tầm kiểm soát của mình nhiều hơn những gì ta thực sự nên bận tâm và tập trung năng lượng vào. Hãy cứ để Caesar (hoặc sếp của bạn) nghĩ gì thì nghĩ – bản thân bạn phải tham gia vào nhiệm vụ trọng yếu là cải thiện chính mình và duy trì tính chính trực. Nếu là một người khôn ngoan, Caesar (hoặc sếp của bạn) sẽ trân trọng điều đó. Nếu không, thì sự mất mát cuối cùng cũng chẳng khác việc Epictetus mất chiếc đèn, hay tôi bị mất trộm ví là bao.
Tôi sống trong một thành phố lớn, song tôi lại dành phần lớn thời gian ở một mình, đọc sách và viết lách, ở nhà hoặc ở một trong hai văn phòng của tôi, cả hai nơi đều thường xuyên vắng mặt các đồng nghiệp hay sinh viên. Tự tôi lựa chọn cách sống như vậy, và nó cực kỳ phù hợp với tính cách của tôi. Nhưng tôi không thể ngăn mình đặt ra vấn đề về sự cô đơn với Epictetus, vì dường như nó đang trở thành chủ đề chính ảnh hưởng đến xã hội hiện đại – không chỉ trong sự đa dạng phương Tây, và cũng không chỉ ở các thành phố lớn. Ngày nay chẳng khó để tìm thấy những tiêu đề bài viết kiểu như: “Bệnh dịch cô đơn: Chúng ta được kết nối hơn bao giờ hết – nhưng có phải lại cảm thấy cô đơn nhiều hơn?”, “Có phải cuộc sống hiện đại khiến ta cô đơn?,” “Sự cô đơn của người Mỹ,” v.v.
Một bài viết của Colin Killeen được xuất bản trên tờ Journal of Advanced Nursing đưa ra một thảo luận thú vị về nỗi cô đơn từ góc nhìn khoa học, hiện đại. Để bắt đầu, Killeen phân biệt cô đơn từ các khái niệm liên quan có vẻ tương tự nhưng khác biệt, chẳng hạn như xa lánh (vốn có thể là kết quả, hoặc trong vài trường hợp là nguyên nhân của trầm cảm) và một mình (thường mang ý nghĩa tích cực, tương tự với hành vi của tôi). Thú vị thay, bài viết trình bày một xếp hạng mà Killeen gọi là “miền xa lánh – kết nối” từ tiêu cực đến tích cực: xa lánh <> cô đơn <> tách biệt xã hội <> cô độc <> một mình <> kết nối – theo góc độ xã hội sắp xếp từ tiêu cực là xa lánh cực đoan đến tích cực là được kết nối. Tác giả thêm vào chuỗi này thứ mà ông gọi là “miền lựa chọn” – từ không có sự lựa chọn (xa lánh, cô đơn) ở đầu này đến hoàn toàn có quyền lựa chọn (một mình, kết nối) ở đầu kia. Dĩ nhiên, miền lựa chọn này đi đôi với những nguyên nhân bên ngoài của sự cô đơn, chứ không phải thái độ bên trong, vốn cũng thiên về phạm vi thích hợp của tư tưởng Khắc kỷ.
Vậy thì nguyên nhân của nỗi cô đơn là gì? Bài viết của Killeen cung cấp một bản tóm tắt phác họa xác định một chuỗi những nguyên nhân liên quan đến tình trạng và tính cách của chúng ta dẫn đến cảm giác cô đơn, bao gồm việc mất người thân, tâm lý dễ tổn thương, giảm tương tác xã hội, trầm cảm và những thay đổi căn bản trong cuộc sống. Chúng đi kèm với một số yếu tố có liên quan như tuổi tác, giới tính và sức khỏe. Kết luận dưới quan điểm của Killeen, là không có “giải pháp” nào cho vấn nạn cô đơn, vì nó có nhiều yếu tố tác động và phụ thuộc cả vào yếu tố cá nhân (liên quan đến tâm lý, hoàn cảnh) và cấu trúc xã hội. Vậy thì làm thế nào đây? Dưới đây là một bình luận vô cùng tỉnh táo mà chân thực của tác giả: “Cô đơn là một phần bẩm sinh trong tâm lý con người, không thể giải nó như một câu đố được; ta chỉ có thể giảm thiểu và làm dịu đi nỗi đau của chúng. Việc ấy có thể đạt được bằng cách tăng cường nhận thức của nhân loại về trạng thái đau khổ này, trạng thái mà bất cứ ai một lúc nào đó trong đời cũng phải chịu đựng, và không có gì đáng phải xấu hổ cả.”
Những lời này cộng hưởng trong tôi một phần vì chúng nhắc nhở tôi một cách mạnh mẽ về lời khuyên của Epictetus trong cùng chủ đề: “Trạng thái cô độc là tình trạng của một người không có sự giúp đỡ. Một người không cô độc chỉ vì anh ta ở một mình, cũng như không phải ai ở trong đám đông cũng đều cảm thấy được kết nối. Vì theo khái niệm của thuật ngữ “cô độc”, có nghĩa là một người không có sự giúp đỡ, không tiếp xúc với những người muốn làm hại anh ta. Tuy nhiên một người đồng thời phải tự chuẩn bị để cô độc – anh ta phải có khả năng chịu đựng và giao tiếp với chính mình.” Như Killeen cho biết: không có lý do gì để phải xấu hổ vì cô đơn (ở mức độ nào đó) là bản chất tự nhiên của con người, và những nhà Khắc kỷ bác bỏ hoàn toàn lối suy nghĩ ngượng ngùng này, đặc biệt với lòng tôn trọng dành cho những kỳ vọng xã hội, vì chúng ta không thể ảnh hưởng đến những phán xét của người khác, mà chỉ tác động được hành vi của chính mình mà thôi. Cũng để ý rằng Killeen đã dùng chữ “chịu đựng”, vốn rất gần với những gì Epictetus đang bàn luận.
Một sự phân biệt nữa giữa cô đơn và một mình sẽ vô cùng rõ ràng với các nhà Khắc kỷ: vế sau mô tả một thực tế, trong khi vế trước là một phán xét mà chúng ta áp dụng cho mô tả đó, và chính lời phán xét này chứ không phải thực tế kia, khiến chúng ta cảm thấy bị hắt hủi và bất lực. Tuy nhiên, điều quan trọng là có một thông điệp tích cực ẩn trong lời dạy của Epictetus, thoạt nhìn dường như khá nghiêm khắc: phía bên kia của chịu đựng là hồi phục, và sự phục hồi đem lại quyền năng. Chúng ta có thể có rất ít hay không có quyền kiểm soát hoàn cảnh bên ngoài buộc ta phải ở một mình trong vài giai đoạn cuộc đời. Song (ngoài trừ tình trạng bệnh lý, những bệnh nhân cần dùng thuốc), chính lựa chọn và thái độ của chúng ta sẽ chuyển trạng thái một mình đó thành cô đơn. Ta có thể một mình, nhưng không nhất thiết phải cảm thấy bất lực.