Cách mà lối sống "vừa đủ tốt" đã mang lại cho tôi một cuộc sống trong mơ

cach-ma-loi-song-vua-du-tot-da-mang-lai-cho-toi-mot-cuoc-song-trong-mo

“Biết ơn những điều tốt đẹp mà ta có trong cuộc sống chính là nền tảng của sự giàu có.”  ~ Eckart Tolle

Mọi thứ thật hoàn hảo. Chà, gần như là vậy.

Tôi đang được làm công việc mà mình yêu thích, với người tôi yêu, hai cậu con trai của tôi đã trưởng thành, và cuối cùng chúng tôi có lẽ sắp nghỉ hưu. Điều gì có thể xảy ra với bức tranh này?

Rõ ràng là rất nhiều.

Tôi thức dậy lo lắng và không hài lòng. Luôn cảm thấy cuộc sống đang thiếu một thứ gì đó, như thể mình đang bỏ lỡ một thứ gì đó, mình làm chưa đủ, luôn tự hỏi: Làm thế nào để công việc kinh doanh của tôi được tốt hơn? Con tôi sẽ làm gì vào năm tới? Người bạn đời của tôi có tăng cân không? Hôm qua tôi đã chạy chưa?

Sự lo lắng len lỏi trong tâm trí và và làm co rút cơ thể tôi trước khi tôi có cơ hội vượt qua nó. Thật khó chịu khi có điều gì đó không thực sự ổn. Và nếu đúng như vậy thì nó cũng không kéo dài đâu.

Tôi đã biết đủ về khoa học thần kinh và lo lắng để biết được chuyện gì đang xảy ra.

Những suy nghĩ tiêu cực là một phương thức bảo vệ xuất phát từ việc tìm kiếm những mối đe dọa tiềm tàng trong môi trường sống của chúng ta.

May mắn thay, tổ tiên của chúng ta đã dùng cách này để tồn tại, và chúng ta rất có thể là thế hệ đầu tiên có thể được biết đến từ “giàu có”, ít nhất là một phần của thế giới. Những tổn thương di truyền qua các thế hệ của cảm giác không an toàn đã xuất hiện trong quá khứ và ăn sâu vào DNA của chúng ta, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Nhưng ngay cả khi được trang bị tất cả kiến ​​thức về chấn thương và tất cả các phương pháp thở, thiền và yoga tốt nhất, thì vẫn còn một mối liên hệ bị thiếu sót.

Những lo lắng của tôi dường như khá tầm thường khi mà chiến tranh đang hoành hành trên thế giới. Dường như là quá buông thả khi cứ muốn nhiều hơn, hoặc thậm chí cho rằng như vậy là chưa đủ. Ngay cả khi tôi cảm thấy đã đủ đầy, bởi vì tôi đã có mọi thứ vào lúc đó, nhưng đó là một cảm giác rất bấp bênh, giống như một ngôi nhà làm từ những quân bài — mặc dù tôi biết là không phải như vậy.

Tất cả các cuốn sách tự lực (self-help) đều hứa hẹn rằng tôi có thể “chạm tới những ước mơ” và “có cuộc sống tốt đẹp nhất từ ​​trước đến nay” chỉ cần tôi thay đổi những thói quen và suy nghĩ của mình và sống cách mà tất cả những người xung quanh tôi đã sống.

Trên thực tế, tôi quá bận rộn với cuộc sống của mình đến mức tôi cảm thấy kiệt sức mà vẫn cảm thấy mình làm chưa đủ hoặc chưa cống hiến đủ. Ngay cả khi quyết định quyên góp cho tổ chức từ thiện nào, để giúp đỡ những người gặp khó khăn, tôi cũng luôn cảm thấy mình phải chọn sao cho “đúng”!

Chính nhờ công việc của tôi với những người bị đau mãn tính mà vào một ngày nọ, có điều gì đó đã thay đổi. Tôi đang dạy về sự khác biệt giữa việc chấp nhận và từ bỏ trong việc tìm kiếm phương pháp chữa trị, và tôi đã nói những điều như "Điều quan trọng không phải là bạn làm được nhiều thế nào mà quan trọng là cách bạn làm mọi việc."

Làm một việc gì đó ở một vị trí có áp lực và cường độ cao, với nỗi lo lắng về việc mắc sai lầm hoặc làm không đúng, sẽ tạo ra sự sợ hãi. Cuối cùng, nỗi sợ hãi này sẽ tạo ra thêm các nỗi sợ hãi khác, và nó gây ra nỗi đau.

Con người cầu toàn trong tôi sẽ thở hổn hển và lùi lại một bước. Cô ấy đã bị loại.

Tôi không những đã thấy Con người cầu toàn trong mình đã điều khiển mọi việc như thế nào, tôi còn biết rằng nếu tôi muốn thương lượng với cô ấy, tôi sẽ phải có những năng lực khác ngoài việc “làm đúng mọi thứ”.

Cô ấy đã giúp tôi; cô ấy đã làm việc rất chăm chỉ để luôn dẫn đầu trong mọi việc và giúp tôi vượt qua một số thời điểm khó khăn.

Cô ấy đã đổ lỗi cho tôi khi tôi cảm thấy mình là một người mẹ tồi, một người bạn tồi, một nhà trị liệu kém cỏi, hay một người bạn đời tầm thường và đưa ra mọi cách để có thể giúp tôi trở nên tốt hơn. Cô ấy thậm chí còn dùng những kiến ​​thức chuyên môn của mình đối với gia đình, luôn bảo họ nên cư xử như thế nào, họ nên ăn gì và không nên ăn gì và họ nên ứng xử ra sao.

Việc này đôi khi được thực hiện một cách trực tiếp, nhưng cô ấy đôi khi cũng buộc phải làm mọi việc một cách bí mật như là việc làm hài lòng mọi người, thao túng hành vi và các thói quen thụ động khác.

Cô ấy coi nỗi sợ hãi và xấu hổ như một phản ứng hậu chấn thương, tôi đã học được từ rất sớm trong những tháng năm thơ ấu của tôi, rằng bản thân tôi rõ ràng là không đủ tốt. Vì vậy, tôi đã dùng các dịch vụ của cô ấy để giữ an toàn cho bản thân, giúp tôi thích nghi ở trường, đạt điểm cao và trở thành một “cô gái ngoan” ở bên ngoài. Nhưng áp lực từ bên trong của một người theo chủ nghĩa hoàn hảo khiến tôi không thể chịu đựng được và nhanh chóng chuyển thành chứng rối loạn ăn uống khi cảm thấy cuộc sống bị mất kiểm soát.

Nhiều người trong chúng ta đang sống trong một tam giác khó chịu có thể khó nhận thấy và thậm chí còn khó hơn nếu muốn phá vỡ nó. Đó là: Sự xấu hổ - Những lời chỉ trích từ bên trong - sự hoàn hảo, và nó tự cân bằng một cách bấp bênh bên trong tâm trí và cơ thể của chúng ta, để lại dấu ấn “không đủ tốt” trong khi định hướng cuộc sống của chúng ta.

Điều này càng trở nên trầm trọng hơn bởi một nền văn hóa hoàn hảo khiến chúng ta luôn cảm thấy mình không ổn và luôn có thứ gì đó cần mua, thay đổi hoặc sửa chữa, bởi vì nểu mọi thứ chỉ ổn thôi thì không đủ.

Cho dù chấn thương của tôi đã xảy ra cách đây hàng chục năm, nhưng các dấu vết của nó vẫn còn tồn tại. Tôi không thể hoàn toàn thoải mái trong cuộc sống của mình mà không có thứ gì đó hoặc ai đó, chủ yếu là bản thân tôi, cảm thấy “không đủ tốt”. Tôi cũng nhận thấy niềm tin cốt lõi tương tự này là gốc rễ của nhiều người, nếu không muốn nói là tất cả các khách hàng của tôi, những người đang phải đấu tranh với sự lo lắng, trầm cảm và chứng đau mãn tính.

Đó là cảm giác thường trực của việc tôi đang ở đây nhưng lại muốn mình ở… một nơi nào đó hoặc với một ai đó khác. Một phản ứng tự phát với cuộc sống hoặc không có khả năng thực sự hòa mình vào cuộc sống mà không tìm thấy lỗi hoặc một sự trục trặc ở đâu đó. Hoặc tệ hơn, luôn nghĩ rằng tôi phải có được giá trị của chính mình bằng cách làm nhiều hơn và nhiều hơn nữa, và mọi việc đều chưa đủ nỗ lực!

Không. Đủ. Tốt.

Không đủ tốt để làm gì? Cho ai? Đây là một câu hỏi không thể trả lời được bởi vì nó là một lời nói dối. Nhưng biết được điều đó là một chuyện và để cho con người cầu toàn bên trong tôi biết rằng tôi lúc này đã hoàn toàn ổn và cô ấy có thể rút lui bởi vì tôi đã đủ tốt rồi, đó lại là chuyện khác.

Tôi nghĩ về những khoảng thời gian tôi cảm thấy tự do và bình yên.

Tôi nghĩ về những người tôi biết, những người mà cuộc sống của họ có ảnh hưởng lớn nhất đến bản thân tôi.

Tôi đã có một cuộc trò chuyện với tương lai của mình trong hai mươi năm sau về những phẩm chất mà cô ấy có, cách cô ấy vận động và những gì cô ấy đánh giá cao.

Và tôi rút ra một từ: sự đơn giản.

Đây là lúc mà tôi đã phải bước đi một cách cẩn thận. Con người cầu toàn trong tôi sẽ khiến việc tìm kiếm sự đơn giản trở nên vô cùng phức tạp và tiếp cận nó với thái độ toàn tâm toàn ý, như cô ấy đã làm mọi việc khác: sống trong một ngôi nhà nhỏ, hai chiếc ghế, hai bộ dao kéo và một chiếc giường.

Không, phải có một cách khác, một cách đơn giản hơn.

Hóa ra, đó là cách dễ dàng nhất có thể: Hãy nắm lấy những gì bạn có ngay lúc này.

Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi thứ đều tốt, như nó vốn có, ngay tại lúc này? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi đủ tốt, chỉ cần là chính tôi, ngay thời điểm này? Điều gì sẽ xảy ra nếu cơ thể tôi, sức khỏe của tôi, các mối quan hệ của tôi, tất cả những cách tôi đã cố gắng, chỉ là đã đủ tốt?

Đó là một cảm giác mang tính lý trí,cách mạng . Cảm giác như tôi đã phá vỡ tất cả kế hoạch của mình về ý nghĩa của một cuộc sống tốt. Không cần nhiều năng lượng để dành cho việc từ bỏ hay những lý lẽ rằng tôi không xứng đáng nhận được nhiều hơn và tôi nên chấp nhận việc nhận được ít hơn. Cũng không cần phải có nhiều năng lượng để có lòng biết ơn hay trân trọng những gì tôi có và tôi đã nhận được đặc quyền như thế nào.

Ngược lại là khác.

Việc chấp nhận cuộc sống của mình đủ tốt đã phá bỏ những lý lẽ cũ về sự thấp kém và vượt trội cho mà chúng ta dùng để phân biệt những người ít nhiều xứng đáng hơn những người khác. Nó cho phép tôi bớt căng thẳng hơn với thực tế rằng tất cả chúng ta đang làm những gì tốt nhất có thể với những gì chúng ta biết tại thời điểm đó. Nếu tôi đủ tốt, thì những người khác cũng vậy.

Nó phá vỡ quan niệm về việc cần nhiều hơn và cố gắng hơn, bởi vì tôi không cần chứng minh điều gì với bất kỳ ai. Nó cũng phá tan những lầm tưởng rằng nếu tôi thực sự chấp nhận cuộc sống của mình như nó vốn có, tôi sẽ chỉ nằm dài trên ghế và không bao giờ đứng dậy được. Một lần nữa, những gì xảy ra hoàn toàn ngược lại.

Năng lượng được giải phóng để dành nhiều hơn cho những gì tôi yêu thích, không phải những gì tôi nên làm. Nỗi lo lắng và sự gắng sức đã được thay thế bằng sự tự tha thứ.

Việc chấp nhận cuộc sống của mình đủ tốt đã cho tôi cánh cửa cần thiết để có một cuộc sống chất lượng mà tôi không thể tưởng tượng được.

Tôi nhận ra mình đã đủ tốt để thể hiện chính bản thân mình.

Tôi nhận ra mình đủ giỏi để thiết lập ranh giới xung quanh xem những gì và những ai phù hợp với tôi.

Tôi nhận ra mình có thể viết, nói và sáng tạo theo một cách lộn xộn, vui nhộn và đủ tốt.

Tôi nhận ra rằng tôi đã đủ tốt để được nghỉ ngơi.

Tôi nhận ra mình đủ tốt để nắm bắt những mong muốn, nhu cầu và khao khát của riêng mình.

Tôi nhận ra rằng tôi đã đủ tốt để tận hưởng niềm vui ngay tại đây và ngay lúc này theo một triệu cách mà tôi không hề biết trước đây.

Tôi nhận ra không phải là cuộc sống của mình phải tốt hơn, cải thiện hơn, ổn định hơn… mà là việc được là chính mình, và như vậy là đủ.

Tôi nhận ra mình có thể làm việc ít hơn và kiếm được nhiều tiền hơn.

Tôi nhận ra cơ thể của mình là một thứ đáng chú ý cần được yêu thương và nắm giữ, không phải để thao túng.

Tôi nhận ra rằng mọi quyết định tôi đưa ra đều phù hợp với tôi vì nó đủ tốt.

Tôi nhận ra rằng tranh đấu không bao giờ là lẽ sống của tôi, mà đó là sự cho đi, yêu thương và đóng góp.

Tôi nhận ra mình đã đủ tốt để sống một cuộc sống vui vẻ, thoải mái và dễ chịu.

Một trong những phần tốt đẹp nhất của điều này là việc nhìn vào đôi mắt của các con tôi và biết rằng chúng cũng hoàn toàn tốt như chúng vốn có. Chúng không cần phải chứng minh giá trị của mình với bất kỳ ai.

Việc chấp nhận một cuộc sống đủ tốt đã cho phép tôi bước vào cuộc đời của chính mình, như tôi vốn có, và đã biến những điều “đủ tốt” thành “tốt đến mức nào?” Nó đem lại cho tôi sự an toàn mà tôi cần để “làm những gì tôi có thể, với những gì tôi có, ở nơi tôi đang đứng” (Theodore Roosevelt).

Bạn có thể tưởng tượng ra một thế giới mà mọi người đều biết họ vừa đủ tốt không? Nơi đâu mà tất cả chúng ta sống một cuộc đời với sự tha thứ, những đặc ân và lòng trắc ẩn cho chính mình?

Bạn đã đủ tốt để có được những gì mà cuộc sống sẵn sàng trao cho bạn chưa?

----------

Tìm đọc cuốn sách TÔI ỔN BẠN ỔN - I'M OK YOU'RE OK. Cuốn sách tâm lý học kinh điển giúp tự chữa lành, sử dụng các nguyên tắc của phân tích tương giao - một học thuyết và phương pháp trị liệu tâm lý được phát triển bởi Tiến sĩ Eric Berne.

https://shorten.asia/1bD12YNr

—-------------------

Tác giả: Madeleine Eames

bài gốc: How Embracing a Good Enough Life Gave Me the Life of My Dreams

Dịch giả: ChamNguyen - ToMo - Learn Something New 

 

menu
menu