Cách vận dụng trí tuệ Phật pháp vào đời sống công sở
Với hầu hết mọi người, làm việc là sự kết hợp giữa sứ mệnh và mưu sinh, và thay đổi theo từng thời điểm của cuộc đời. Đức Phật đồng tình rằng việc đạt đến sự giác ngộ trong thế giới của công việc khó khăn hơn. Công việc mang lại sự tù túng, cảm giác đè né
Dan Zigmond trả lời hơn một câu hỏi lớn của mình và hiểu được một phần của “Chánh nghiệp”.
Điều khá thích ở quyển sách là bác Đan viết hẳn ngay dưới tên chương là một đoạn tóm tắt khá thú vị, đủ để khiến bạn đọc mua ngay full giá bìa mang về nhà có thời gian trầm ngâm suy nghĩ.
1. Tỉnh giác trong công việc
Đa số chúng ta dành phần lớn cuộc sống trưởng thành của mình cho công việc. Bằng cách nào đó, Đức Phật hiểu được công việc rất quan trọng, và làm việc sao cho đúng hết sức cần thiết, đúng ở đây là đúng cho bạn, cho sức khỏe của bạn, cho tinh thần của bạn và cho cả thế giới. Nội dung sách xoay quanh việc: làm thế nào để công việc không chỉ còn là một mối bận tâm khác, mà trở thành một phần không thể tách rời của sự thức tỉnh thật sự.
Đức Phật dạy rằng đời là bể khổ, điều mà bất cứ ai trong thế giới của công việc đều không khó để tin theo. Nhưng Ngài cũng dạy rằng không nhất thiết phải chịu khổ, rằng khổ đau cũng có căn nguyên và cách diệt.
Bạn không cần bỏ việc để đi tìm sự giác ngộ. Bạn cũng không cần trở thành một Phật tử. Ngài cũng không tin vào riêng “Sự giác ngộ”, mà Ngài tin vào chú tâm, quán sát bản thân và tỉnh thức. Đó là điều mà bất cứ ai, dù mang bất kỳ đức tin nào cũng đều có thể làm.
2. Tại sao chúng ta làm việc?
Thật ra Đức Phật muốn đặt câu hỏi ngược lại nhiều hơn: “Tại sao lại ngưng làm việc?”. Với hầu hết mọi người, làm việc là sự kết hợp giữa sứ mệnh và mưu sinh, và thay đổi theo từng thời điểm của cuộc đời. Đức Phật đồng tình rằng việc đạt đến sự giác ngộ trong thế giới của công việc khó khăn hơn. Công việc mang lại sự tù túng, cảm giác đè nén nhưng không đối lập với cuộc sống an nhàn. Mặt khác, Đức Phật cho rằng sự bỏ việc để đi theo thú vui của bản thân là một ý nghĩ tồi tệ vì việc theo đuổi “lạc thú” khiến ta sung sướng ban đầu nhưng về lâu dài khiến cuộc đời ta trầm luân hơn, giống như nước tràn vào một con thuyền bị vỡ. Vấn đề với cuộc sống an nhàn đó là con người trở nên biếng nhác và là trở ngại để tìm thấy sự viên mãn thật sự. Làm việc quá ít chẳng hề tốt hơn làm việc quá nhiều.
Nhưng cuộc sống không thể chỉ có công việc, Ngài còn coi học hành, có nghề, được thân cận người hiền, yêu thương gia đình cũng là phước đức lớn nhất của đời người. Và cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tốt nhất khi có sự cân bằng. Đó mới là thông điệp thật sự trong trung đạo của Đức Phật.
Có rất nhiều lý do để làm việc nhưng bất kể lý do là gì, ta chỉ cần giữ cho công việc ở đúng vị trí của nó.
3. Nói sự thật
Chúng ta thường hay đưa ra câu trả lời mơ hồ hay phản ứng vô vị thay vì nói lên thành tâm của chính mình để tránh xung đột hoặc nỗi xấu hổ. Thực tế, kết quả của sự thành thật thường tích cực hơn, ngay cả khi chúng ta phải đưa ra một thông điệp khó nghe. Nhưng, trong nói thật có sự tế nhị. Chúng ta hãy nói về sự hữu ích trước, vấn đề không chỉ là những lời nói ấy có đúng hay không mà còn liệu người ta có nhu cầu nghe hay không. Bạn cần hỏi bản thân xem việc nghe những lời như thế có ích cho họ hay không.
Hầu hết khả năng tiếp thu lời phê bình của chúng ta cực kỳ hạn chế. Vậy nếu một người nhờ bạn góp ý, tốt hơn bạn hãy làm rõ trước chính xác họ đang trông chờ gì từ bạn. Việc nói lời đúng nhưng sai thời điểm thường tệ hơn nhiều so với việc không nói gì — nhất là khi ta biết sự thật mình sắp nói rất khó nghe, và đừng bao giờ nói lời tiêu cực với bất cứ ai bằng email.
4. Những vị Phật thích tranh cãi
Một trong những trọng tội trong tăng quy của Đức Phật là “gây ly gián” trong Tăng đoàn-mà về cơ bản là để cho những tranh cãi trong nội bộ vượt ngoài tầm kiểm soát. Lời khuyên của Đức Phật là “hãy chơi đẹp”, khi có ai chất vấn bạn điều gì, phản ứng đúng không bao giờ là “hãy vùi dập hắn, chọc quê hắn, tận dụng sai lầm nhỏ nhặt của hắn”, Ngài gọi đó là kẻ bắt nạt hay những kẻ không có khả năng để thảo luận.
Điều cần thiết ở đây là tập trung vào ý kiến chứ không phải con người. Đức Phật rất đề cao sự thật, cái quan trọng không phải ai đúng — mà là cái gì đúng. Mục tiêu của mọi cuộc bàn bạc hay tranh luận ở nơi làm việc không bao giờ để giành phần thắng, mà là để khám phá sự thật. Ví dụ khi hai người trong nhóm đang bất đồng, bác Đan sẽ bắt họ tóm tắt quan điểm của người kia. Việc họp hành cũng hạn chế tranh cãi bằng cách phân biệt 2 loại: cuộc họp nhỏ để đưa ra quyết định và cuộc họp lớn để truyền đạt quyết định đó; và bạn chỉ nên tham gia vào những cuộc họp thật sự cần thiết. Nên có 3 nguyên tắc khi họp, (1) không bao giờ ngắt lời bất kỳ ai, (2) đảm bảo mọi người đều được nói và không ai được độc chiếm cuộc thảo luận, và (3) mục tiêu họp là để đưa ra quyết định đúng chứ không thỏa mãn cái tôi của bất cứ ai.
5. Hãy nhớ hít thở
Luôn có những ngày bạn cảm thấy tồi tệ, thường xảy ra dưới dạng một sự hiểu lầm nào đó, Đức Phật gọi là ảo giác. Trong công việc, bạn nên cố gắng phân biệt giữa hai loại vấn đề: vấn đề thật và vấn đề giả. Vấn đề thật là vấn đề nếu không được giải quyết sẽ gây ra chuyện xấu nào đó, vấn đề giả là vấn đề bạn có thể phớt lờ mà không dẫn đến hệ quả tiêu cực nào.
Ví dụ điển hình của vấn đề giả là (1) bạn linh cảm có một đồng nghiệp nào đó hay cấp trên không thích mình, (2) công ty có hai người có chức danh giống nhau hay 2 nhóm có sứ mệnh giống nhau, (3) có 2 cách khác nhau để thực hiện một nhiệm vụ, hay (4) sự bất đồng về hình thức đúng của 1 cuộc họp hay 1 báo cáo nào đấy. Nếu một tình trạng nào đó đã tồn tại suốt nhiều tháng hay nhiều năm mà không gây ra hệ quả tiêu cực gì thì có thể nó không phải là vấn đề thật sự.
Triết lý này đi ngược lại với danh ngôn “Việc hôm nay chớ để ngày mai”, nhưng gần hơn với câu nói của Mark Twain “Việc ngày kia làm cũng được thì chớ để ngày mai”. Ý tưởng này không cổ súy cho việc lười biếng mà là vì có quá nhiều người dành cả ngày làm việc của mình để đối mặt với số vấn đề nhiều hơn khả năng giải quyết của mình. Đây chính là ảo giác sức mạnh và nguồn cơn phổ biến gây ra những ngày tồi tệ. Trong những tình huống như vậy, sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta tập trung vào những vấn đề quan trọng.
Khi bạn cảm thấy mọi thứ đang đổ dồn lên vai mình thì hãy tự hỏi liệu mình có yêu cầu như thế không. Có 3 cách để vượt qua tình trạng này là, (1) hãy tin tưởng đồng nghiệp, (2) đừng tranh giành vì công việc và (3) hãy thừa nhận giới hạn của bản thân. Và bất cứ thời gian nào trong ngày, bạn có cũng có thể dùng hơi thở để vượt qua sự căng thẳng và nỗi thất vọng.
7. Bạn không phải là công việc của bạn
Bởi vì không thể dùng một thứ thay đổi thường xuyên để định nghĩa bản chất của một con người. Khi chúng ta định nghĩa bản thân bằng công việc, chúng ta đang thu hút sự đau khổ dưới mọi hình thức. Đức Phật cho rằng căn nguyên của mọi đau khổ ngoài lòng tham và sự thù ghét còn là sự ảo tưởng, và ảo tưởng chúng ta là những gì chúng ta làm là một ảo tưởng nguy hiểm. Vậy nên, bản thân bạn không phải là công việc của bạn và đồng nghiệp của bạn cũng không phải là công việc của họ; chúng ta không thể để cho những tranh luận trong công việc trở thành vấn đề cá nhân. Dù điều gì xảy ra, bạn có thể biết chắc là có nhiều hơn những gì bạn thấy.
8. Vượt qua tán loạn
Đức Phật rất đề cao sự tập trung, trong đó, trạng thái hoàn toàn đắm chìm gọi là “dòng chảy” (flow) có thể được hiểu là “trạng thái chủ động mà bản thân hoàn toàn chìm đắm vào một hoạt động đến mức quên đi thời gian, sự mệt mỏi và tất cả mọi thứ khác trừ chính hoạt động đó”. Sự phân tâm chính là kẻ thù của sự tập trung. Thiền định, chú tâm vào hơi thở và loại bỏ những thứ gây phân tâm như điện thoại và tạo ra một không gian làm việc riêng.
9. Phụng sự
Căn nguyên của bể khổ sâu xa hơn vật chất, nên hạnh nguyện Bồ tát rộng hơn nhiều việc cung cấp tiện nghi và sự hỗ trợ về mặt vật chất. Mặc dù việc tình nguyện giúp đỡ tại nhà ăn thiện nguyện hay quyên góp quỹ từ thiện là một trong những cách để giảm khổ; tuy nhiên, bạn có thể giúp đỡ người khác xung quanh bạn bớt khổ bằng cách thực hành từ tâm với bất cứ ai bạn gặp; hoặc trao cho những người đang gặp khó khăn một nụ cười hoặc cái ôm; hoặc nói sự thật với người cần nghe; hoặc làm một tấm gương bình tĩnh khi đối mặt với sự hỗn loạn.
Đức Phật ban đầu không muốn trở thành một người thầy. hành trình của Ngài là để tìm câu trả lời cho riêng bản thân mình trước những câu hỏi lớn của cuộc đời. Khi đã tìm ra câu trả lời đó, Ngài hài lòng với việc tự mình thăng nhập Niết bàn. Điều khiến Ngài bắt đầu thuyết pháp và giữ Ngài tiếp tục gắn bó với thế gian chính là lòng từ bi.
Bằng cách chú tâm vào cách bạn ảnh hưởng đến những người xung quanh mình ra sao, bạn sẽ không chỉ giúp đỡ họ, mà còn giúp chính bản thân mình tỉnh thức.
10. Phật tử
Đạo Phật không yêu cầu bạn phải tin bất cứ điều gì mà nói nhiều hơn về việc hành động, thực hành, tự trải nghiệm rồi sau đó chú tâm tới những trải nghiệm và kết quả.
-/-
Sách còn nhiều đoạn hay lắm nhưng xin phép để lại cho bản thân. Bạn có thể tìm mua cuốn sách LÀM VIỆC NHƯ ĐỨC PHẬT tại đây nha: https://goecom.asia/EjNnS6kh
Bài review của bạn jackie - spiderum