Cái giá của những lời nói dối tưởng như vô hại 

cai-gia-cua-nhung-loi-noi-doi-tuong-nhu-vo-hai 

Dối trá bao gồm việc nói những câu mơ hồ và không rõ ràng, nói một nửa sự thật, thao túng thông tin qua việc nhấn mạnh, cường điệu hoặc giảm thiểu, che giấu thông tin hoặc cảm xúc quan trọng với người có “quyền được biết” vì nó ảnh hưởng đến mối quan hệ.

Hầu hết chúng ta đều nói những lời nói dối vô hại. Nói “Tôi ổn” khi ta không hề ổn, khen ngợi những món quà ta không mong muốn, hay thậm chí là nói câu nói kinh điển “Tôi làm rồi” trong khi ta chưa làm. Nhưng một mối quan hệ thân mật, chân thành về cảm xúc đòi hỏi ta phải cho đối phương biết ta là ai. Nói thật dễ hơn nói dối rất nhiều. Dối trá bao gồm việc nói những câu mơ hồ và không rõ ràng, nói một nửa sự thật, thao túng thông tin qua việc nhấn mạnh, cường điệu hoặc giảm thiểu, che giấu thông tin hoặc cảm xúc quan trọng với người có “quyền được biết” vì nó ảnh hưởng đến mối quan hệ. Dù ta có thể coi mình là người trung thực, nhưng hầu như không có ai tiết lộ tất cả những suy nghĩ. 

7 tác hại của bí mật và những lời nói dối 

Hầu hết những người nói dối lo lắng về những rủi ro khi phải nói thật, nhưng hãy nghĩ một chút đến rủi ro bạn phải đối mặt khi không thành thật. Lời nói dối và những bí mật có thể gây hại đến mối quan hệ theo những cách sau: 

  1. Nó chặn đứng sự gần gũi thật sự với đối phương. Sự gần gũi dựa trên lòng tin và sự tin cậy - khả năng thể hiện điểm yếu của mình không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần. 
  2. Nó khiến ta nói dối và che đậy nhiều hơn. Những thứ này ngày càng chất chồng và nếu sự thật lộ ra thì nó thậm chí còn gây tổn thương hơn chính sự thật đó. Che giấu càng lâu thì sẽ càng khó nói ra sự thật, vì đối phương sẽ hoài nghi đâu là thật đâu là giả trong tất cả những lần mình ngây thơ tin tưởng kẻ phản bội. 
  3. Vì 2 tác hại trên, bí mật thường khiến kẻ nói dối có cảm giác tội lỗi, hay ít nhất là không thoải mái khi họ gần gũi với đối phương. Sự gần gũi và các chủ đề nhất định có xu hướng bị né tránh. Sự né tránh này thậm chí xảy ra trong vô thức, bao gồm bận rộn làm việc, tập trung vào bạn bè, sở thích hay các hành vi nghiện ngập, và vì thế mà cơ hội để hai bên nói chuyện riêng ít đi. Họ thậm chí còn chủ động tranh cãi để tạo khoảng cách với đối phương. 
  4. Khi ta xâm phạm các chuẩn mực tôn giáo hay đạo đức bằng việc che giấu sự thật, ta sẽ cảm thấy lo sợ vì cảm giác tội lỗi. (Nhìn chung, sự trung thực được đánh giá như một phẩm chất đạo đức, mặc dù bối cảnh và các chi tiết của nó có thể khác nhau giữa các nền văn hóa.) Mặc cho có cố giấu giếm đến cỡ nào thì phản ứng vật lý của ta cũng sẽ thể hiện qua kết quả của máy phát hiện nói dối. 
  5. Việc xâm phạm các giá trị sẽ gây ra không chỉ cảm giác tội lỗi về hành động của mình mà còn ảnh hưởng đến quan niệm của ta về bản thân. Qua một thời gian dài, sự dối trá có thể ăn mòn lòng tự trọng. Tội lỗi ban đầu vốn có thể được tha thứ bằng sự trung thực nay lại trở thành nỗi hổ thẹn và làm suy yếu ý thức nền tảng của ta về phẩm giá và giá trị của một con người. Khoảng cách giữa những gì ta thể hiện cho người khác thấy và những gì ta cảm nhận bên trong mình ngày càng lớn. 
  6. Càng cố kiểm soát cảm giác tội lỗi và hổ thẹn thì ta sẽ càng gây ra nhiều vấn đề. Ta không chỉ che giấu bí mật đó mà còn cả chính bản thân mình. Ta có thể dựng lên những oán giận để biện minh cho hành động của mình, rút lui, hoặc trở nên phán xét, dễ cáu kỉnh và hung hăng. Ta hợp lý hóa lời nói dối hoặc bí mật để né tránh mâu thuẫn nội tâm và mối nguy hiểm sẽ xảy ra nếu ta bị phát hiện. Một số người bị ám ảnh với lời nói dối của họ đến mức họ cảm thấy khó tập trung vào những thứ khác. Những người còn lại có thể đặt cảm xúc sang một bên hay hợp lý hóa hành động của mình để che giấu sự thiếu trung thực tốt hơn. Các hành vi này (“Họ biết càng ít thì sẽ càng đỡ bị tổn thương”, “Tôi mới chỉ làm có một lần”) là cơ chế phòng vệ tâm lý giúp ta đối phó với mâu thuẫn nội tâm và với thực tế mà ta không mong muốn. Cơ chế này có thể rất hiệu quả khi kẻ nói dối tin rằng những lời nói dối ấy giúp mối quan hệ tốt đẹp hơn. Họ không muốn đối mặt với sự tổn thương hay những lựa chọn mà sự thật có thể mang lại. 
  7. Nạn nhân của sự lừa dối có thể bắt đầu phản ứng với những hành động lẩn tránh bằng việc cảm thấy bối rối, lo lắng, giận dữ, nghi ngờ, bị bỏ rơi hoặc cần được yêu thương. Họ bắt đầu nghi ngờ chính mình, và lòng tự trọng của họ có thể bị ảnh hưởng. 

Góc nhìn khác về nói dối trong một số trường hợp

Có nhiều ý kiến trái chiều về việc người khác cần biết bao nhiêu phần “sự thật”. 

- Vấn đề nhận con nuôi và thông tin của bố mẹ ruột từng được giữ bí mật hoặc chỉ tiết lộ khi đứa trẻ đã lớn - điều vốn khiến trẻ đau buồn và gây ra những sự bất thường trong tâm trí trẻ - ngày nay được khuyến khích nói ra khi trẻ bắt đầu chập chững biết đi. Một số gia đình lựa chọn việc nhận con nuôi công khai, nghĩa là người mẹ ruột vẫn liên quan ít nhiều đến cuộc đời của đứa trẻ. 

- Ta có quyền được biết thông tin về những gì mình được kế thừa trong gia đình. Việc cha mẹ giữ bí mật về những chuyện như nghiện ngập, phạm tội và bệnh tâm thần sẽ dẫn đến cảm giác hổ thẹn kéo dài dai dẳng và sự rối loạn cấu trúc gia đình. Trẻ “biết” có gì đó không ổn, nhưng sự phủ nhận làm suy yếu lòng tin của trẻ vào bản thân và việc kiểm tra lại thực tế. 

- Trong mối quan hệ yêu đương, ta có quyền biết ý định gắn bó và sự chung thủy về cảm xúc cũng như các vấn đề sức khỏe của đối phương. Thường thì những người chung thủy sẽ hợp lý hóa hoặc phủ nhận nhu cầu này lẫn khả năng dễ bị tổn thương về cảm xúc của họ. Vì không đặt câu hỏi hay bày tỏ nhu cầu, họ cho phép và góp phần gây ra sự lừa dối hoặc che giấu bí mật vì cùng một lý do mà kẻ phản bội đưa ra - để không gây xáo trộn và nguy hại đến mối quan hệ. Khi đã xảy ra hành động phản bội, thì dù vẫn chung sống với nhau, nhưng giữa hai người vẫn sẽ luôn le lói ngọn lửa hoài nghi và đôi khi có thể thiêu rụi mối quan hệ. 

- Mặt khác, ta cũng có quyền riêng tư. Theo tiết lộ từ các cuộc trò chuyện với chuyên gia trị liệu của chúng tôi, kể cả trong mối quan hệ thân thiết nhất như bạn thân và họ hàng, thì tôi cho rằng ta cũng nên cân nhắc xem sự thật nào cần được nói ra. 

Đối với nạn nhân của sự phản bội 

Sự thật được phơi bày thường làm sáng tỏ mọi chuyện. Nó có thể giúp người khác hiểu được những hành vi mập mờ và không giải thích được trước đây. Đồng thời, việc phát hiện ra người mà ta yêu quý phản bội ta hẳn sẽ rất đau đớn và tổn thương. Nó có thể phá vỡ hình ảnh của đối phương trong ta lẫn lòng tin của ta về chính bản thân mình, thậm chí phá vỡ lòng tin của ta vào thực tại. Không may là các nạn nhân lại thường tự trách mình. Dù việc xem xét lại hành vi của bản thân để học hỏi từ đó cũng có ích, nhưng ta không bao giờ phải chịu trách nhiệm cho hành động hay thiếu sót của người khác. Nếu một mối quan hệ đang có vấn đề thì cả hai bên đều có trách nhiệm nói ra và xử lý vấn đề đó. 

Việc tìm kiếm lời giải thích và muốn biết thêm thông tin là một khao khát bản năng. Người bị lừa dối sẽ bắt đầu đánh giá lại chi tiết các sự kiện và những cuộc trò chuyện trước đây, tìm kiếm các manh mối bị bỏ qua và bằng chứng cho sự dối trá. Họ có thể phải đau đớn kết luận rằng họ và đối phương đang sống trong hai thực tại vô cùng khác nhau, chứ không phải một như họ từng nghĩ. Dù có giữ được mối quan hệ thì vết thương khi lòng tin bị đổ vỡ vẫn sẽ còn. Bởi vì tất cả mất mát này, phản ứng đầu tiên của ta là thường phủ nhận, nếu không phải là sự thật thì cũng là mức độ của tác động. Ta cần thời gian để chấp nhận sự thật. Mỗi chúng ta sẽ gán một ý nghĩa khác nhau cho sự thật để xoa dịu bản thân, xoa dịu đối phương, và để sắp xếp lại một thực tế lộn xộn mà ta từng nghĩ là an toàn. 

Thời điểm và cách tiết lộ sự thật 

Tiết lộ điều gì, khi nào, tại sao và như thế nào là tất cả những gì ta cần biết. Thời điểm, tác động và động cơ của ta nên được xem xét một cách cẩn trọng. Nghiên cứu cho thấy những sự thật nửa vời có thể khiến bạn cảm thấy tệ hại hơn. (trích trong bài viết “Total Regret,” của Kelly Dickerson trên Psychology Today, 06/05/2014) Tiết lộ đầy đủ thông tin là điều cần thiết để xây dựng lại một mối quan hệ bị đổ vỡ. Tuy vậy, những lý do thuyết phục để tiết lộ sự phản bội đã kéo dài quá lâu hay vẫn đang tiếp diễn là gì? Trong trường hợp thứ nhất, sự tiết lộ này có giúp tăng sự gần gũi giữa hai người không, hay trong trường hợp thứ hai, liệu nó có giúp tránh khỏi hay khiến mối quan hệ chấm dứt mà ta sợ phải làm người khơi mào không? Việc thể hiện những gì ta không hài lòng trong mối quan hệ là cuộc trao đổi cần thiết mà nếu làm sớm hơn sẽ giúp ngăn chặn sự phản bội. 

Càng tiếp tục kéo dài sự lừa dối, lòng tự trọng của các bên càng bị tổn hại. Trước khi tiết lộ sự thật cho người mà ta đã lừa dối, tốt hơn là hãy thừa nhận lỗi lầm của mình; mặt khác, nỗi xấu hổ và mặc cảm tội lỗi của ta có thể cản trở ta thật sự đồng cảm với người mà ta làm tổn thương. Đầu tiên hãy trao đổi với người mà bạn tin tưởng và không phán xét bạn, hoặc tìm một nhà tư vấn. Nếu ta tha thứ cho bản thân, ta sẽ có thể dễ trả lời những câu hỏi và đối mặt với sự giận dữ cùng cảm giác tổn thương mà ta đã gây ra hơn. 

Mỗi trường hợp phản bội đều khác nhau. Các tổn hại tiềm tàng và rắc rối xung quanh việc lừa dối cũng như việc tiết lộ sự thật là những điều mà ta phải cân nhắc khi nói dối và che giấu các bí mật. Để dự đoán được những hậu quả do hành động của mình gây ra với bản thân, những người thân yêu và với mối quan hệ thì ta cần có biết tự nhận thức ở mức độ nhất định, nhưng nếu làm được thì ta có thể ngăn chặn những khổ đau không cần thiết. 

Tác giả: Darlene Lancer

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/toxic-relationships/201801/how-secrets-and-lies-destroy-relationships

Nội dung được biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa. 

menu
menu