Cảnh Báo: Sự Thật Thường Đau

canh-bao-su-that-thuong-dau

Nhiều năm trước, có không ít bạn đọc gửi thư cho tôi, than phiền vì tôi không gắn cảnh báo nội dung (trigger warning) trong các bài viết của mình.

Nhiều năm trước, có không ít bạn đọc gửi thư cho tôi, than phiền vì tôi không gắn cảnh báo nội dung (trigger warning) trong các bài viết của mình. Lúc đó khoảng năm 2014–2015 gì đó. Phong trào gắn “cảnh báo tổn thương tinh thần” đang lan rộng trong các trường đại học và trên những trang tin nghiêng về cánh tả. Mà phần đông độc giả của tôi thời đó lại là sinh viên trẻ, nên họ bắt đầu kỳ vọng tôi cũng phải theo xu hướng này.

Nhưng tôi từ chối. Và đến giờ vẫn thế. Hồi đó, quyết định này khiến tôi không ít lần nhức đầu nhức óc, cảm giác như mỗi lần mở hộp thư đến là đang chơi nhảy lò cò giữa bãi mìn vậy. “Sao anh lại không làm thế được nhỉ?” – người ta viết, giọng đầy bực bội. “Tôi tưởng anh quan tâm đến sức khỏe tâm lý chứ!” Ừ thì, tôi có quan tâm chứ... mà chính vì quan tâm, nên tôi mới không làm thế.

Tôi nhớ hồi mình còn túng thiếu, lận đận ở độ tuổi hai mấy, một người bạn của gia đình đã mua hẳn nhà cho con gái ông ấy – cô này chỉ nhỏ hơn tôi vài tuổi thôi. Một hôm, tôi đùa với ba mình: “Ba biết không, nếu ba thật sự thương con, ba cũng phải mua cho con cái nhà chứ!” Ba tôi liền đáp tỉnh bơ: “Không Mark à, chính vì ba thương con, nên ba không bao giờ mua nhà cho con.”

Tôi cảm giác mấy bạn đọc đang đến với tôi và bảo: “Nếu anh thương tụi tôi, anh phải che chắn để tụi tôi không phải đọc mấy thứ khiến mình buồn hay khó chịu chứ.” Và tôi đáp lại: “Không đâu, chính vì tôi thương tụi bây, nên tôi sẽ không bao giờ che chắn tụi bây khỏi những điều có thể khiến bực bội hay khó chịu cả.”

Mà lẽ ra cũng chẳng ai nên bất ngờ, vì từ xưa đến giờ, toàn bộ thông điệp của tôi trong chuyện phát triển bản thân và cải thiện cuộc sống là: Đau đớn là một phần lành mạnh của quá trình trưởng thành. Cái cảm giác khó chịu, những ý tưởng làm ta xáo trộn – chính chúng mới giúp ta lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Đối mặt với những gì làm ta tổn thương – đó mới là cách để vượt qua, và chiến thắng chính mình.

Hơn nữa, thú thật nhé, tôi cũng chẳng tin mấy cái cảnh báo này có tác dụng gì. Ai từng học tâm lý hay quảng cáo chỉ một chút thôi là hiểu: người ta bị hút vào những thứ làm họ bất an, chứ không phải tránh xa đâu.

Hồi đó tôi cũng bị chửi dữ lắm vì quan điểm này. Có cả mấy nhà báo lèm bèm bóng gió tôi là đạo đức giả vì không chịu dán cảnh báo. Nhưng kệ thôi, tôi còn việc khác phải làm. Có thể bạn sẽ nói (và đúng rồi đấy): tôi đếch quan tâm.

PHÁN QUYẾT ĐÃ RÕ RÀNG

Đây chính là đoạn tôi được phép ngẩng mặt lên và nói: “Thấy chưa, tôi đã nói mà!”

Trong suốt bảy năm qua, các nhà nghiên cứu đã miệt mài tìm hiểu xem mấy cái “cảnh báo tổn thương” kia (trigger warnings) thực chất có tác dụng gì không. Và mới đây vài tuần, người ta vừa công bố một bài phân tích tổng hợp đầu tiên về đề tài này. Mà bạn biết đấy, phân tích tổng hợp (meta-analysis) là chuyện không đùa đâu. Nó giống như kiểu gom hết tất cả các nghiên cứu lớn nhỏ trước giờ về một chủ đề, rồi trộn lại, nấu thành một món thật kỹ lưỡng để rút ra một kết luận đáng tin cậy nhất.

Và về phần trigger warning thì sao? Kết quả rất rõ ràng: Chúng chả giúp được gì cả. Không hề. Mà thậm chí, trong một vài trường hợp, nó còn khiến mọi thứ tệ hơn.

Giờ ta cùng phân tích xem vì sao lại như vậy.

Các nghiên cứu nhất quán chỉ ra rằng: cảnh báo trước không làm người ta bớt sợ, bớt đau, hay bớt lo âu khi đối diện với nội dung nhạy cảm. Thực tế, trong một số trường hợp hiếm, chúng còn tăng cảm giác tồi tệ lên nữa.

Thử tưởng tượng bạn vừa mất việc. Ừ thì, chuyện đó nghe thôi đã thấy buồn thật sự rồi.

Giờ tưởng tượng thêm là, bạn đang đi làm như mọi ngày, làm việc ngon lành, thì có đồng nghiệp ghé ngang bảo: “Ê này, chỉ báo trước một chút thôi nha: ngày mai mày sẽ bị đuổi việc đấy, chắc đừng đến công ty làm gì nữa.”

Thế thì có khiến bạn đỡ buồn hơn không? Có giúp bạn cảm thấy ổn hơn tí nào không? Có ai mà phản ứng kiểu: “À tuyệt vời, thế thì mai khỏi đi làm!” không?

Không. Tuyệt nhiên là không. Bạn vẫn đau, vẫn sốc, vẫn tức tối vì bị mất việc. Mà giờ lại còn có nguyên một ngày trời để ngồi tưởng tượng, trăn trở, vật vã với câu hỏi: “Quái quỷ gì đang xảy ra thế này?” Đó, cái “cảnh báo trước” tưởng là giúp, nhưng thật ra lại khiến người ta căng thẳng sớm hơn, lo lắng nhiều hơn, dù chuyện chưa xảy ra.

Có người phản bác rằng: “So sánh kiểu đó không đúng đâu, vì trigger warning giúp người ta chủ động chọn đọc hay không đọc nội dung nào đó.” Nghe có vẻ hợp lý. Nhưng... dữ liệu không đứng về phía họ. Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác đều cho thấy: cảnh báo không ảnh hưởng gì đến việc người ta có đọc hay không. Mà trớ trêu hơn, một vài nghiên cứu còn phát hiện ra: những người có triệu chứng PTSD lại còn dễ tìm đến những nội dung có gắn cảnh báo hơn.

Mà thật ra, cũng chẳng bất ngờ gì cho cam. Như tôi nói từ đầu, con người không né tránh thứ khiến họ khó chịu – mà ngược lại, bị hút vào như thiêu thân. Bạn từng nghe câu: “Nếu nó đổ máu, thì nó lên trang nhất” chưa? Ừ đấy, không phải tự nhiên mà giới truyền thông có câu đó đâu: vì người ta không thể rời mắt khỏi những gì khiến họ đau lòng.

LÀN SÓNG “AN TOÀN TOÀN TẬP” ĐANG CHẾT DẦN

Trong cuốn sách The Coddling of the American Mind xuất bản năm 2018, hai tác giả Jonathan Haidt và Greg Lukianoff đã miêu tả một hiện tượng văn hóa mà họ gọi là “chủ nghĩa an toàn” (safety-ism) – một trào lưu nổi lên từ đầu những năm 2010. Họ đặt cái tên đó bởi vì đây là một tập hợp các giá trị và quan điểm sống mà mục tiêu tối thượng là: làm mọi cách để giới trẻ cảm thấy an toàn và dễ chịu.

Nghe thì có vẻ tốt lành. Nhưng chính vì thế, cha mẹ không còn cho con chơi một mình ngoài sân. Truyền hình, internet và báo chí bắt đầu dọn dẹp sạch sẽ những nội dung gây tranh cãi hay khiến người ta buồn lòng. Và dĩ nhiên, không thể thiếu: cảnh báo nội dung (trigger warnings).

Ý định ban đầu của “chủ nghĩa an toàn” không xấu. Họ nhìn thấy giới trẻ đang lo âu, stress và trầm cảm nhiều hơn thế hệ trước, nên họ nghĩ: “Thôi thì bọc lót, bảo vệ, che chắn tụi nhỏ khỏi mọi thứ tiêu cực cho rồi.”

Nhưng… đời không vận hành kiểu đó.

Tâm trí con người không phải món đồ sứ mỏng manh – không cần phải được bọc vải nhung hay để trên kệ kính chống sốc. Tâm trí con người, ngược lại, là chống chịu ngược (antifragile) – nghĩa là nó mạnh lên nhờ những va chạm, thách thức và bất an.
Muốn đầu óc vững vàng, tinh thần điềm tĩnh, thì ta phải thường xuyên đụng độ với khó khăn, những điều gây bối rối, khó chịu, thậm chí là đau đớn.
Đó mới là cách con người lớn lên.

Khác với nhiều người, tôi lại lạc quan rằng thời hoàng kim của “an toàn toàn tập” chắc cũng đã qua rồi. Đã từ lâu rồi tôi không còn nhận được email nào phàn nàn về việc thiếu trigger warning trong bài viết. Những email trách móc tôi đăng nội dung gây khó chịu, hay tố tôi kỳ thị, phát xít này nọ... cũng thưa dần.

Có thể là tôi đã thành công đuổi hết những độc giả đó khỏi blog mình. Hoặc... có thể họ cũng bắt đầu tỉnh ra và chấp nhận một sự thật đơn giản: cái thế giới “thức tỉnh cấp tiến” kiểu đó chỉ có trong tưởng tượng, và không thể sống được.

Dù thế nào đi nữa, các khảo sát cũng cho thấy: kiểu tư duy đó không hề phổ biến. Phần đông mọi người không tinvào tác dụng của trigger warning. Chỉ có một nhóm nhỏ, ồn ào, khoảng 17% dân số – theo một khảo sát – là vẫn còn tin tưởng vào nó.

Nhưng hãy nhìn theo góc độ kinh doanh: Giả sử bạn đang điều hành một tờ báo trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, lợi nhuận sát nút, và bạn biết rằng chỉ cần dán thêm cái trigger warning là có thể khiến 17% người đọc hài lòng hơn với tờ báo của bạn. Vậy thì... sao lại không làm? Tốn có tí tẹo công sức. Mà 83% còn lại – những người không tin vào nó – thì nhiều khả năng cũng chẳng để ý hay quan tâm gì cả.

Rồi bạn làm. Xong đối thủ của bạn cũng làm theo, vì họ cũng muốn ve vãn 17% kia. Thế là, chẳng mấy chốc, ở đâu cũng thấy cảnh báo nội dung. Rồi tự nhiên ai cũng nghĩ: “Chà, chắc ai cũng tin vào mấy cái này nên mới thấy nó phổ biến thế.”

Nhưng... sự thật là không. Phần lớn mọi người không tin vào nó.

Như bao thứ khác trên mạng, đây chỉ là ảo ảnh. Một màn nhào nặn méo mó do hiệu ứng gương lồi gương lõm của Internet: tiếng nói của số ít ồn ào bị phóng đại, còn quan điểm của số đông im lặng thì bị đè bẹp.

Đừng để mất phương hướng. Hãy giữ vững tâm trí trong thực tại – cái thực tại khắc nghiệt, không mấy dễ chịu, và luôn chứa đầy bất ngờ đó. Không phải cái thực tại mơ mộng được chế tác trên Twitter. Và cũng đừng bao giờ gửi email cho tôi về mấy chuyện nhảm này nữa. Cảm ơn.

Nguồn: Trigger Warning: Reality Hurts | Mark Manson

menu
menu