Câu hỏi duy nhất để hiểu chính mình là ai

cau-hoi-duy-nhat-de-hieu-chinh-minh-la-ai

Có một câu hỏi, có lẽ hơn tất cả mọi câu khác, có thể chạm đến gốc rễ con người và động lực sống của ta:

Có một câu hỏi, có lẽ hơn tất cả mọi câu khác, có thể chạm đến gốc rễ con người và động lực sống của ta:

"Hồi nhỏ, mình đã phải làm gì để giành được sự ủng hộ và công nhận từ bố mẹ?"

Để hiểu sâu hơn, ta có thể cần tự vấn thêm đôi điều:

  • Để bố hài lòng, mình cần phải…
  • Để mẹ vui lòng, mình cần phải…
  • Để mẹ không buồn, mình cần tránh…
  • Để bố không thất vọng, mình cần tránh…

Dù ai nói gì, không một gia đình nào dành cho con cái tình yêu vô điều kiện tuyệt đối; luôn có những điều mà ta phải làm, những điều mà ta cần trở thành – và cả những điều mà ta phải tránh né bằng mọi giá.

Photo by jaikishan patel on Unsplash

 Khi nhìn lại, những "mệnh lệnh" đó có thể hiện lên rất rõ ràng: ta phải học thật giỏi, hoặc phải chơi nhạc xuất sắc, hay không bao giờ được lấn át bố hoặc em gái. Nhưng cũng có khi những mệnh lệnh ấy ẩn giấu hơn; ta hấp thu một cảm giác chung – không biết từ đâu – rằng kiếm được thật nhiều tiền là điều tối quan trọng, rằng tình dục là điều ghê tởm, hoặc rằng giá trị của ta gần như hoàn toàn phụ thuộc vào vẻ ngoài hay khả năng thể thao. Đôi khi, những mệnh lệnh đó lại đầy mâu thuẫn, đến mức ta vẫn còn đang cố gắng gỡ rối: "Con phải là người chiến thắng, nhưng nếu thành công, chúng ta sẽ thấy bị đe dọa." Hoặc: "Đừng bao giờ trưởng thành, vì những người lớn làm mẹ/bố sợ hãi." Hoặc: "Hãy yêu thương mẹ/bố thật nhiều, để rồi mẹ/bố có thể làm tan vỡ trái tim con."

Dù cho tư duy và lối sống của ta bị ảnh hưởng bao nhiêu từ đất nước ta sinh ra – như người Campuchia, Pháp hay Ghana – thì ta vẫn luôn, trước tiên và trên hết, là công dân của những “tiểu cộng hòa” mang tên gia đình. Là một thành viên nhà Seang, Béranger hay Boakye, ta lớn lên trong một "lãnh thổ" với bộ luật, kỳ vọng, lòng tự hào và cả những áp lực riêng biệt. Đất nước có thể cho ta giọng điệu và luật lệ, còn gia đình sinh ra ta lại dạy ta thế nào là “đàn ông” hay “đàn bà” đích thực, dạy ta biết tự tôn bản thân đến đâu, cần làm gì để được ngưỡng mộ, và ta xứng đáng được bình yên hay hạnh phúc đến mức nào.

Nếu việc xem xét lại những điều kiện để được chấp nhận là quan trọng, thì đó là vì – nhiều hơn ta tưởng – những điều kiện ấy vẫn đang ngầm chi phối cuộc sống của ta mà chẳng còn chút ý nghĩa nào. Hàng chục năm sau khi đã rời khỏi “nước cộng hòa” của gia đình Niang, Smith, Kekoa hay Banerji, ta có thể vẫn tự dặn mình đừng thành công quá – để khỏi khiến một người mẹ từng thất vọng thêm buồn lòng. Hoặc ta vẫn mãi chiều lòng những người đàn ông có quyền, chỉ để tránh họ nổi cơn thịnh nộ như cha mình từng làm bốn mươi năm trước. Hay ta vẫn luôn sẵn sàng phòng thủ trước một cuộc tấn công, vì đã từng trải qua những năm đầu đời với một người chăm sóc đầy tổn thương.

Nếu ta vẫn còn chút hứng thú để tự vấn, có lẽ nên đặt ra hai câu hỏi:

  1. Hiện tại mình còn làm bao nhiêu điều trong số những điều mình đã từng phải làm?
  2. Và mình có thực sự thích – hay ghét – những luật lệ của ngày xưa ấy?

Có thể – và điều này sẽ khiến ta băn khoăn – rằng ta vẫn đang áp dụng một loạt nguyên tắc mà từ lâu chẳng còn phù hợp với những khát vọng chân thành của bản thân. Ta vẫn tiếp tục diễn trò để làm vui lòng người khác, đóng vai cô gái nhỏ nhút nhát, nạn nhân luôn sợ hãi hay “cục cưng của bố”, dù rằng “nước cộng hòa gia đình” đã tan rã từ lâu, giới thượng lưu của nó đã từ chức và biên giới đã bị xóa nhòa. Có lẽ đã đến lúc ta cần kiểm kê lại “tiểu quốc” đặc biệt mà ta đã bước ra – và trong một số trường hợp, trước khi lãng phí thêm thời gian quý báu, đã đến lúc rời bỏ nó để sống cuộc đời của riêng mình.

Nguồn: THE ONE QUESTION YOU NEED TO UNDERSTAND WHO YOU ARE

menu
menu