Cha mẹ đã tạo ra những đứa trẻ nói dối thế nào
Với nhiều trẻ, nói dối đã trở thành một thói quen khi giao tiếp với cha mẹ.
Gần đây, chủ đề "Bố mẹ dạy tôi cách nói dối như thế nào?" gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Một người đặt câu hỏi "Nếu bài thi của bạn được 5 điểm. Một là nói cho bố mẹ sự thật và ăn đòn, hai là nói dối nhưng sau này bị phát hiện rồi cũng bị đánh, bạn chọn phương án nào?". Rất nhiều người trả lời "Dù thế nào cũng sẽ bị đánh, việc chọn phương án thứ hai sẽ khiến nỗi đau đến muộn hơn một chút".
Câu trả lời này cho thấy một thực tế khi cái giá của việc nói thật nặng nề hơn nói dối thì sự trung thực trở nên ít giá trị hơn.
Các nhà nghiên cứu tâm lý của Đại học Toronto, Canada cho rằng, lý do chính khiến trẻ nói dối là bảo vệ bản thân tránh khỏi sự trừng phạt. Nếu cha mẹ nghiêm khắc quá mức, rất có thể nói dối sẽ trở thành thói quen của trẻ. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường càng khắt khe, càng nhiều khả năng nói dối.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Tuổi vị thành niên của Đại học công giáo Chile cũng cho thấy, trẻ sống trong môi trường có tinh thần giám sát cao, nhiều khả năng chúng chọn cách trốn tránh hoặc nói dối cha mẹ.
Các nhà nghiên cứu đã tuyển 1.700 em 11-19 tuổi để tìm hiểu cách hòa hợp với cha mẹ. Trẻ được hỏi những vấn đề liên quan đến kết bạn, thời gian về nhà buổi tối, hút thuốc và uống rượu. Câu hỏi tiếp theo là nếu gặp khúc mắc ở các vấn đề này, trẻ sẽ kể hết với bố mẹ hay lẩn tránh hoặc tìm cách nói dối.
Kết quả là những đứa trẻ sẵn sàng tâm sự hết với cha mẹ có mối quan hệ tích cực nhất với người sinh ra mình. Ngược lại, những trẻ nói dối lại có mối quan hệ không tốt với cha mẹ, khó được người lớn ủng hộ và luôn nghĩ rằng họ đang theo dõi mình.
Theo các nhà nghiên cứu, trẻ chọn cách né tránh hoặc nói dối nhằm che giấu con người thật hoặc nhằm duy trì quyền tự chủ của bản thân. "Giống như một cái cây sắp khô héo, đang cố gắng giành lấy chút bóng râm trong một môi trường toàn ánh sáng mặt trời", một phần nghiên cứu ghi.
Ảnh minh họa: zhihu
Trong cuộc sống, cha mẹ thường yêu cầu con cái không được nói dối, nhưng chính họ lại rất hay nói dối. Ví dụ, có những người rất sợ bóng tối, thậm chí phải bật đèn mới ngủ yên có thể hồi nhỏ họ thường bị cha mẹ hù dọa con bằng những quái vật bóng tối, rằng nếu không nghe lời sẽ bị đẩy vào địa ngục. Khi trẻ trưởng thành và nhận ra đó chỉ là lời nói dối thì nỗi sợ bóng tối đã ăn sâu vào trong tâm trí. Trong tâm lý học, đây được gọi là "Nuôi dạy con bằng cách nói dối", một nghiên cứu của nhà tâm lý người Mỹ Heyman GD.
Theo Heyman GD, những đứa trẻ lớn lên trong "nền giáo dục nói dối" khi trưởng thành sẽ thường nói dối cha mẹ.
Trong nghiên cứu của mình, nhà tâm lý đã yêu cầu 50 người nhớ lại những lời nói dối mà cha mẹ thường nói khi còn bé với bốn lựa chọn. Lời nói dối liên quan đến ăn uống: "Con phải ăn hết bữa, nếu không sẽ...."; "Nếu giờ con không đi cùng bố mẹ, con sẽ ở lại đây một mình"; "Nếu không nghe lời, mẹ sẽ báo công an bắt con"; "Bố mẹ không đủ tiền để mua món đồ chơi đó".
Kết quả cho thấy trẻ thường xuyên phải nghe lời nói dối trên từ cha mẹ sẽ nói dối nhiều hơn khi trưởng thành. Thậm chí, trẻ sẽ có xu hướng thù địch và lừa dối người khác để bảo vệ lợi ích của mình.
Nhiều cha mẹ đã quen với việc nói dối, thậm chí không còn cảm nhận đó có phải là lời nói dối hay không. Ví dụ nói dối về chiều cao của con để nhận giảm giá vào các khu vui chơi; hạ thấp bản thân để thể hiện sự khiêm tốn hay che giấu tình cảm thực sự của hai vợ chồng. Trong mắt trẻ, đây có thể được coi là những lời dối trá vì chúng không phù hợp với thế giới thực mà trẻ nhìn và cảm nhận được.
"Điều tốt nhất cha mẹ nên làm là giải thích với con thế nào là nói dối. Đặc biệt không chỉ nhấn mạnh vào sự trừng phạt khi dối trá mà phải khuyến khích trẻ thấy được lợi ích của sự trung thực", Heyman GD nói.
Trang Vy (Theo sohu)