Cha mẹ không phải lúc nào cũng có lỗi
Số liệu cho thấy cách thức nuôi dạy của cha mẹ không có ảnh hưởng gì rõ rệt đến những đặc điểm tính cách lâu dài của chúng ta.
Sigmund Freud là một trong những cha đẻ của tâm lý học hiện đại và là người phát minh ra liệu pháp ngồi-xuống-đây-và-kể-tôi-nghe-cảm-giác-của-bạn. Ông cũng dành ra một khoảng thời gian đáng kể để suy nghĩ về dương vật.
Freud đúng rất nhiều. Nhưng Freud sai cũng rất nhiều. Cả hai nhận định này đều không thể chối cãi.
Một trong những phát kiến lớn của Freud là cha mẹ đóng vai trò chủ chốt trong việc hình thành tính cách và sức khỏe cảm xúc của con trẻ. Quan niệm ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Trước thời đại của Freud, mọi người đều hiểu rằng cha mẹ dạy con cái những hành vi nhất định - nói “làm ơn” và “cám ơn”, dọn giường vào buổi sáng, đừng ăn bùn nó không tốt đâu - nhưng Freud đưa ra ý kiến cho rằng cha mẹ, thông qua việc ảnh hưởng đến vô thức của trẻ, có thể định hình cách trẻ nhìn nhận bản thân và nhìn nhận thế giới. Bằng những hành động của mình, cha mẹ có thể định hình và uốn nắn tính cách dài lâu của trẻ, theo hướng tốt hơn hoặc xấu hơn.
Ý kiến này nghe có vẻ hợp lý. Dù lý giải của Freud có hơi kỳ quặc. Các bé trai muốn giết cha và quan hệ tình dục với mẹ. Còn các bé gái cả cuộc đời luôn thầm ước mình có dương vật.
Lý giải này bị chỉ trích thẳng thừng và bị xem là khùng điên ba trợn. Nhưng vấn đề cha mẹ thì vẫn còn đó. Và trong suốt thế kỷ qua, quan niệm này dần trở thành một phần được chấp nhận trong văn hóa ngày nay.
Nhận định này cũng bắt nguồn từ một vài phong trào tự lực. Trong những thập niên 70 và 80, những hội thảo tự lực lần đầu tiên được thiết kế để giúp người ta thể hiện những cảm xúc “bị kìm nén”, và trong cơn phẫn nộ, rất nhiều người đã phát hiện ra những hồi ức “kìm nén” về bi kịch thời thơ ấu kinh khủng đã xảy ra hoặc thực chất không hề xảy ra trong quá khứ.
Bước sang thế kỷ 21, dùng những thiếu sót của cha mẹ để lý giải cho thiếu sót của bản thân là một điều rất bình thường và hợp lý. Điều đó trở thành một chủ đề phổ cập tại các tổ chức trợ cấp, hội thảo, hay buổi trị liệu. Các diễn dàn tự phát triển bản thân (bao gồm diễn đàn của tôi) đầy những câu “chuyện đời tôi” về việc cha mẹ rất ít khi biểu hiện cảm xúc hay không bao giờ thừa nhận đầy đủ hoặc không trực tiếp chịu trách nhiệm với khủng hoảng hiện tại của người đó.
Ngay cả bố của tôi, khi tôi đối chất với ông về một vấn đề trong mối quan hệ giữa chúng tôi, ông ngay lập tức đưa ra lời giải thích rằng bố của ông đã gây ra vấn đề tương tự với ông khi chính ông còn ở thời niên thiếu - như thể đây là một cái cớ hợp lý cho tình cảnh của chúng tôi.
Ngày nay, quan niệm trách nhiệm cha mẹ quá thường gặp và quá phổ biến đến nỗi đã trở thành một khuôn mẫu, thành trò cười của chính nó. “Ồ, mẹ không thường ôm bạn à? Thế thì đi uống Smirnoff và đua BMW thôi, nổi loạn nào.”
Tôi có bài viết nói rằng ranh giới giữa tự cải thiện và tự nuông chiều là rất mong manh, và tôi tin rằng đây là một trường hợp rất nhiều người lấn sang tự nuông chiều.
Cha mẹ thực chất có ảnh hưởng đến mức nào?
Hãy tưởng tượng một cặp sinh đôi - hình hài như nhau, trí tuệ như nhau, di truyền như nhau - và bạn tách họ ra ngay từ khi mới sinh. Một người sống với một gia đình tại nơi nào đó ở Idaho. Người còn lại sống với một gia đình ngay trung tâm Los Angeles.
Giờ thì tưởng tượng bạn có thể tìm ra cặp sinh đôi này và làm kiểm tra, trắc nghiệm tính cách, và nghiên cứu hành vi và sự lựa chọn của họ trong cuộc sống.
Cặp sinh đôi sẽ giống hay khác nhau đến mức nào? Cùng gen di truyền. Nhưng môi trường khác nhau, gia đình khác nhau, trải nghiệm cuộc sống khác nhau.
Có thể bạn chưa biết, các nhà nghiên cứu đã làm điều này với hàng trăm cặp sinh đôi bị chia cắt từ khi ra đời và có khoảng 45% tính cách và khuôn mẫu hành vi là dựa trên gen di truyền, 55% còn lại dựa trên môi trường, hoàn cảnh, và lịch sử cuộc sống.
Nghe rất thú vị. Gần như đó là câu trả lời đanh thép cho chủ đề bàn luận “tự nhiên và nuôi dưỡng”.
Nhưng có điều: Các cặp sinh đôi lớn lên trong cùng một nhà với cùng cha mẹ cũng có 45% giống và 55% khác.
Điều này có ý nghĩa gì? Nhiều đấy chứ. Điều đó có nghĩa bạn trở nên như thế nào không có can hệ gì đến người nuôi nấng bạn. Nghe nó sai sai nhỉ?
Dữ liệu cho thấy cách thức nuôi dạy của cha mẹ không có ảnh hưởng gì rõ rệt đến những đặc điểm tính cách lâu dài của chúng ta.
Ù ôi.
Nói cách khác, cha mẹ xác định những thứ bề mặt - ta thích đội thể thao nào, gu ăn mặc ra sao, đi chơi ở đâu - và không xác định những điều quan trọng - lòng tự trọng, xu hướng tình dục, hướng nội/hướng ngoại, thần kinh, quan điểm chính trị và tương tự. Hoặc ít nhất họ không xác định những điều đó thông qua hành vi. Không, bạn không nhút nhát vì bố không bao giờ nói chuyện với bạn. Hay thực chất, đúng vậy, bạn nhút nhát vì bố không bao giờ nói chuyện với bạn, không phải lý do bạn đang nghĩ đâu.
“Nhưng tôi rất giống bố. Tại sao?”
Tất nhiên là giống rồi, bạn có chung 50% gen với ông ấy. Tính nhút nhát mà bạn nghĩ là do bố mẹ không quan tâm đến bạn suốt thời thơ ấu? Thật ra bố mẹ không quan tâm bạn vì họ nhút nhát và cũng không biết thể hiện tình cảm. Và điều khiến bạn hay lo lắng cũng chính là điều khiến họ hay lo lắng.
Trong quá trình nghiên cứu, những tương đồng về tính cách giữa bố mẹ và con cái có thể được giải thích bằng di truyền, không phải bằng điều kiện hay cách thức nuôi dạy.
- Bố là người hướng nội và không thể hiện tình cảm và bạn trách cứ ông ấy hướng nội và không thể hiện tình cảm. Dù sao thì bạn lớn lên trong một mái nhà nơi điều như thế là bình thường. Nhưng kết quả là, cả bạn và bố đều có khuynh hướng hướng nội và ít thể hiện cảm xúc vì có gen di truyền giống nhau. Đó không phải là sự lựa chọn có ý thức của cả hai người.
- Mẹ thích toán và thích giúp bạn làm bài tập toán, và bạn cho rằng bạn học cách thích môn toán từ mẹ. Nhưng thật ra, cả hai đều hưởng gen di truyền năng khiếu với toán học, niềm vui khi giải các vấn đề, và cả hai đều thích thú khi làm toán cùng nhau.
- Bố hay tức giận. Bạn cho là mình trong vô thức nhìn nhận rằng tức giận là một cách có thể chấp nhận để giải quyết mâu thuẫn và bây giờ bạn cũng thường xuyên tức giận. Nhưng một lần nữa, bố có dạy bạn tức giận không? Hay cả hai đều thừa hưởng khuynh hướng “nóng máu”?
Nhưng mà khoan, vậy điều này có nghĩa cha mẹ không có chút ảnh hưởng nào đến chúng ta?
Không. Tầm ảnh hưởng ấy rất nhỏ, nhỏ hơn Freud nghĩ rất nhiều. Và còn nhỏ hơn những gì chúng ta thường nghĩ cũng rất nhiều.
Khoảng 45% tính cách của chúng ta được xác định bởi di truyền, Khoảng 55% được xác định bởi môi trường và lịch sử cuộc sống. Mối quan hệ với bố mẹ nằm ở đâu đó trong khoảng 55% môi trường và lịch sử cuộc sống ấy.
Đúng vậy, cha mẹ chỉ là một phần của “môi trường” và không hề đặc biệt theo cách nào cả.
“Vậy còn những cha mẹ bạo hành thì sao?”
Chỉ có những cha mẹ bạo hành mới khiến cuộc sống con cái khổ sở. Nhưng điều đó thường là do họ mang đến những trải nghiệm bất hạnh cho đứa trẻ, chứ không phải họ đặc biệt vì họ là cha mẹ.
Bất hạnh tuổi thơ là bất hạnh tuổi thơ, dù cho chúng được gây ra bởi cha mẹ, thầy cô, bắt nạt trong tường, hay là một con khủng long velociraptor đang nổi điên.
Trước đây người ta có suy nghĩ khả năng hình thành mối quan hệ thân mật của một đứa trẻ được xác định bởi mối quan hệ với cha mẹ khi còn sơ sinh. Nhưng người ta đã chứng minh được khả năng ấy có thể được xác định bởi mối quan hệ với bất kỳ người nuôi dưỡng nào trong giai đoạn sơ sinh của trẻ, dù người nuôi dưỡng ấy có là bố mẹ, cô dì, một người bạn của gia đình, người giao sữa, hay là Charlie Sheen.
Trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu cho thấy ngoài những bất hạnh nặng nề, bạn bè và cuộc sống xã hội khi còn nhỏ có ảnh hưởng đến khả năng tự nhận thức, tự trọng, và bản thân trong tương lai lớn hơn nhiều so với những gì cha mẹ làm được.
Ý tôi là, số liệu trung bình cho thấy: bố mẹ chẳng ra gì trong môi trường tốt vẫn hơn là bố mẹ tốt trong môi trường chẳng ra gì. Môi trường quan trọng hơn nhiều.
Những điều này khó để nuốt trôi. Nếu bạn có bố mẹ chẳng ra gì và bạn bám víu lấy niềm tin rằng những vấn đề trong cuộc sống của bạn đều do bố mẹ đối xử không tốt với mình, thì bạn chắc đang nhột lắm. Hoặc có thể bạn đang viết một email chửi bới rằng tôi nói sai bét (chú ý mấy ghi chú ở phía dưới, chúng ở đó là có lý do đấy). Và bạn có khi còn tức điên hơn nữa nếu như bạn là một người cha người mẹ và đã dành bao nhiêu năm lên kế hoạch đứa con nhỏ bé của mình sẽ có được MỌI THỨ NÓ CẦN DÙ BẰNG BẤT CỨ GIÁ NÀO KỂ CẢ KHI TÔI PHẢI XÍCH NÓ LẠI VÀ QUAY PHIM GIÁM SÁT NÓ 24 TIẾNG MỘT NGÀY.
Nói huỵch toẹt ra: bảo vệ con quá mức cũng có thể làm bại hoại con cái không khác gì khi bạn bỏ mặc chúng.
Vì chung quy lại là: vấn đề không phải nằm ở bố và mẹ. Bố và mẹ thực chất chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong một phương trình lớn hơn. Điều này vừa đáng sợ vừa khiến bạn nghĩ thoáng hơn. Ta không thể hoàn toàn hủy hoại một đứa trẻ. Nhưng ta cũng không thể nào khiến chúng hoàn hảo.
Cứ để con trẻ trở thành con người thật của chúng.
“Thế thì lỗi là ở ai?”
Với trẻ em, mọi thứ đều khó khăn. Trẻ em luôn cần sự hỗ trợ, bảo trợ và định hướng. Và trong đa số trường hợp, cha mẹ cung cấp phần lớn những điều này.
Vì thế, khi còn là trẻ nhỏ, ta mặc nhiên cho rằng bố mẹ luôn đúng. Và có một cảm giác an toàn tận sâu trong tâm trí khi biết rằng bố mẹ luôn có câu trả lời, luôn biết điều gì là đúng, và luôn biết phải làm gì tiếp theo.
Nhưng đến một lúc nào đó, khi ta lớn lên, một chuyện kinh hoàng xảy ra. Ta nhận ra bố mẹ có những thiếu sót. Và ta nhận ra họ có những vấn đề. Đôi lúc còn là những vấn đề rất nghiêm trọng.
Và tệ hơn, khi bước sang tuổi hai mươi ba mươi, ta bắt đầu nhận ra chính bản thân mình cũng có vấn đề, nhiều vấn đề còn tương tự với những gì bố và mẹ đang gặp phải!
Chính vì thế, gần như không thể nào chỉ ra mối tương quan giữa hành vi của bố và mẹ khi bạn lớn lên và hành vi của chính bạn khi trưởng thành. Chúng quá giống nhau để có thể bị bỏ lơ
Mỗi một người cha người mẹ đều dạy hư con của mình một điều gì đó. Một số người còn hủy hoại người con. Họ đều làm vậy. Và chúng ta cũng đều làm vậy. Một phần là vì rất nhiều vấn đề có nguồn gốc từ di truyền. Nhưng cũng vì đơn giản là không thể mãi mãi điều khiển môi trường sinh sống của con.
Cứ tiếp tục đổ lỗi cho bố mẹ vì những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn tức là bạn đang quay trở lại lối tư duy của một đứa trẻ - bạn cảm thấy mình được phép có mọi thứ bày biện sẵn và bản thân bạn không chịu trách nhiệm cho chính cuộc sống của mình.
Vị trí này có thể hiểu được, nhưng đó là một thứ cần từ bỏ.
Tôi tin rằng bạn có thể cắt nghĩa trưởng thành thực sự là từ bỏ những kỳ vọng ái kỷ và trẻ con đối với những gì bố mẹ nên cung cấp cho chúng ta, và những gì họ nên thực hiện khi nuôi nấng chúng ta.
Trưởng thành thực sự là từ bỏ suy nghĩ bố và mẹ tạo nên mọi vấn đề của chúng ta và thừa nhận rằng, không cần biết chúng xuất phát từ đâu, những vấn đề của chúng ta là của bản thân chúng ta, rằng phải có trách nhiệm với bản thân mình, và dù cho ta không thể điều khiển gen di truyền hay lịch sử cuộc sống, ta luôn có thể điều khiển việc mình làm dựa trên những điều ấy.
Trưởng thành thực sự xảy ra khi ta nhận ra bố mẹ không hề đào cái hố mà ta đang mắc kẹt, mà họ vẫn luốn cố gắng trèo ra khỏi cái hố đó suốt cuộc đời mình. Người bạo hành đã từng bị bạo hành. Người bỏ mặc đã từng bị bỏ mặc.
Lỗi không hoàn toàn ở họ. Nói thật lòng, đến một mức độ nào đó, lỗi của ai không còn quan trọng nữa. Vì trách nhiệm là của bạn. Vậy nên nếu cái hố nó to quá, thì hãy bắt đầu trèo lên đi.
Ghi chú:
1. See: Oedipus Complex↵
2. See: Penis Envy↵
3. There are numerous reports of people coming out of these personal development movements around this time with false memories of childhood abuse. For examples and discussion, see: Maran, M. (2010). My Lie: A True Story of False Memory. Jossey-Bass.↵
4. Bouchard, T. J., Lykken, D. T., McGue, M., Segal, N. L., & Tellegen, A. (1990). Sources of human psychological differences: The Minnesota study of twins reared apart. Science, 250(4978), 223–228.↵
5. Tellegen, A., Lykken, D. T., Bouchard, T. J., Wilcox, K. J., Segal, N. L., & Rich, S. (1988). Personality similarity in twins reared apart and together. Journal of Personality and Social Psychology, 54(6), 1031–1039.↵
6. The nature vs nurture debate has been going on in philosophy and science for centuries now. The big question is, are we destined to become who we are by biology? Or are we molded completely from our environment and the people around us? The answer, of course, is both. And these twins studies seem to be the best data we have on exactly how much our environment affects us and how much our genetics determine our destiny. For more on the history of the debate, go here.↵
7. Harris, J. R. (1995). Where is the child’s environment? A group socialization theory of development. Psychological Review, 102(3), 458.↵
8. Note that an absent parent can permanently affect a child’s development. Children from single parent homes or divorced parents are more likely to have all sorts of negative traits later in life. But this is due not to a parenting style or parenting actions, but simply from there not being enough emotional support present.↵
9. Harris, J. R. (2010). No Two Alike: Human Nature and Human Individuality (p. 195-200). W. W. Norton & Company.↵
10. See: the concept of “helicopter parents.” Ironically, one of the ways that research is showing that parents can screw their kids up is by not giving them enough opportunities to fail and hurt themselves. This is how children learn, and if parents are protecting them constantly, then the child doesn’t learn from his environment, and is stunted as a result. Also see: Segrin, C., Woszidlo, A., Givertz, M., & Montgomery, N. (2013). Parent and Child Traits Associated with Overparenting. Journal of Social and Clinical Psychology, 32(6), 569–595.↵
11. Nor would you want to, as research suggests that a certain degree of conflict and struggle are good for psychological development. See: Kegan, R. (1983). The Evolving Self: Problem and Process in Human Development. Cambridge, Mass.: Harvard University Press.↵
Người dịch: Thợ Săn Tiền Thưởng
Nguồn: https://markmanson.net/parents