Chỉ có người Thông thái mới có thể yêu thương: Chủ nghĩa Khắc kỷ giúp chúng ta yêu thương sâu sắc hơn như thế nào
Người thông thái không trở thành nạn nhân của những cảm xúc tiêu cực vì cô ấy đã phát triển được sự đánh giá tốt về những điều quan trọng trong đời.
Tôi thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ càng lâu thì tôi càng nhận ra nó mang tính nhân văn sâu sắc như thế nào với tư cách một triết lý sống. Các nhà phê bình có thể đọc lướt qua các tài liệu của phái Khắc kỷ và đi đến kết luận rằng nó hoàn toàn chối bỏ cảm xúc để ủng hộ cho lý trí lạnh lùng và hà khắc. Bức tranh châm biếm này không đúng chút nào. Khi bạn thực sự cố gắng áp dụng những nguyên tắc Khắc kỷ vào cuộc sống, bạn sẽ thấy chân trời mới của sự thấu hiểu cảm xúc đang mở ra trước mắt bạn. Nếu trong quá khứ bạn có thể từng là người hay tức giận, sợ hãi hay thiếu kiên nhẫn, thì nay bạn trở nên bình thản hơn, thư thái hơn và vui vẻ hơn. Nhưng với tôi thì có lẽ lợi ích lớn nhất của việc thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ là khả năng yêu thương người khác sâu sắc hơn. Bất cứ ai muốn yêu thương—dù đó là tình yêu lãng mạn, tình cảm gia đình hay thậm chí là tình yêu nhân đạo—có thể yêu thương sâu sắc hơn nhờ thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ.
Nếu bạn nghĩ rằng tuyên bố này thật đáng ngạc nhiên thì hãy xem xét Epictetus còn đi xa hơn như thế nào trong tác phẩm Discourses (Những cuộc đàm luận) 2.22, ông nói với một trong các học trò của mình rằng, “Sức mạnh của tình yêu thương chỉ thuộc về những con người thông thái.” Bạn gần như có thể nghe được sự bất bình trong giọng nói của học trò của Epictetus khi cậu ta phản bác lại, “Sao lại thế? Tôi không phải là người thông thái, nhưng tôi yêu đứa con của mình.” Hầu hết mọi người ngày nay đều sẽ có phản ứng tương tự. Tình yêu là lẽ tự nhiên. Chúng ta chẳng cần đến bất cứ khả năng đặc biệt nào để yêu thương hay được yêu thương. Tất cả mọi người đều yêu thương. Làm sao mà Epictetus lại dám nói với tôi rằng tôi không thể yêu thương cơ chứ, hay tình yêu của tôi không thật?
Tôi nghĩ rằng Epictetus đang cố tình khiêu khích ở đây, nhưng ông ấy tiếp tục đưa ra một trường hợp rất hay để bảo vệ cho lời khẳng định của mình. “Chẳng có thứ gì mà một sinh vật sống gắn bó mạnh mẽ hơn là lợi ích của riêng nó,” ông nói. Bất cứ ai tin rằng họ đang hưởng lợi từ những thứ bên ngoài (cho dù đó là sự giàu sang, danh tiếng, thiết bị công nghệ, hay bánh socola) đều sẽ biến chúng thành những ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống. Nếu các mối quan hệ của họ trở nên xung đột với những mục tiêu này thì họ sẽ hy sinh mối quan hệ của họ để đạt được thứ quan trọng nhất đối với họ. Chính vì thế mới có chuyện huynh đệ tương tàn, Epictetus nhắc chúng ta, hay cha mẹ chối bỏ con cái. Họ đồng nhất điều tốt đẹp của họ với quyền lực, tiền bạc hay một số thứ trung dung khác, hơn là phẩm hạnh. (ND: Các nhà Khắc kỷ xem tiền tài, danh vọng, sức khỏe là những thứ trung dung, tức là không tốt cũng chẳng xấu)
Epictetus đưa thêm nhiều ví dụ đau lòng trong cuộc đàm luận của ông, nhưng tiếc là chúng ta không cần phải nhìn lại thời cổ xưa để thấy nguyên tắc này đang hoạt động. Chúng ta đều biết đến những câu chuyện hằng ngày về những người nói rằng họ yêu ai đấy nhưng lại làm những việc khủng khiếp với người đó, từ sát hại đến lừa dối đến bỏ mặc và bạo hành về tâm lý và thể xác. Chúng ta cảm thấy nhức nhối vì những lời xúc phạm từ những người nói rằng họ yêu ta—thành viên trong gia đình, bạn bè, người bạn đời—và chúng ta thậm chí có thể mắc tội không tử tế đối với những người mình yêu thương. Khi bạn bắt đầu nhìn kỹ vào thực tiễn hằng ngày của “tình yêu”, cảm giác ấm áp mờ nhạt lắng xuống và thách thức to lớn của sự thân mật về lâu dài dâng lên. Trong nhiều mối quan hệ của chúng ta, tình yêu là một cam kết mà chúng ta thực hiện ngày qua ngày, trong một số trường hợp thì kéo dài suốt cả cuộc đời. Tình yêu không phải là một cảm xúc phân mảnh. Tình yêu bao hàm toàn bộ quan điểm của chúng ta về cuộc sống, toàn bộ cách nhìn nhận của chúng ta về thế giới và liên quan đến người khác.
Nếu chúng ta xem xét những cách mà ta thể hiện tình yêu hằng ngày—chúng ta phản ứng như thế nào khi người ta yêu làm điều gì đó mà ta không thích? Chúng ta hỗ trợ anh/cô ấy ra sao trong những lúc khó khăn?—chỉ rõ triết lý sống của chúng ta tác động như thế nào đến khả năng yêu thương người khác của chúng ta. Nếu chúng ta có thể điều chỉnh cảm xúc của mình để ứng phó với những thăng trầm của cuộc đời, chúng ta sẽ trở thành sự hiện diện đầy yêu thương và biết cảm thông cho người mà ta yêu. Trái lại, nếu chúng ta dễ dàng nổi nóng hoặc khó chịu, hoặc chúng ta có xu hướng hay ghen tuông, thất vọng, hoặc oán giận, thì những cảm xúc tiêu cực ấy sẽ tràn vào các tương tác của chúng ta với người mà ta yêu. Thật quá dễ dàng để trút những nỗi thất vọng của chúng ta lên người mà ta gần gũi nhất, hoặc nổi giận khi họ làm những việc mà chúng ta không thích. Cũng giống như việc tình yêu đến với tất cả mọi người một cách tự nhiên, sự tức giận, thất vọng, ghen tuông, tội lỗi và một loạt cảm xúc tiêu cực cũng y như thế.
Triết lý Khắc kỷ gia tăng khả năng yêu thương của chúng ta bằng cách dạy cho ta nhìn nhận mọi sự qua một góc nhìn khác. Người thông thái không trở thành nạn nhân của những cảm xúc tiêu cực vì cô ấy đã phát triển được sự đánh giá tốt về những điều quan trọng trong đời. Đây chính là bí mật của tình yêu đích thực, Epictetus khuyên chúng ta: có những phán đoán chính xác về mọi sự .
“Bất cứ ai trong số các anh chân thành muốn làm bạn với người khác, hoặc có được tình bạn của người khác thì nên xóa sạch những đánh giá [sai lầm], và hãy coi khinh chúng và tống cổ chúng ra khỏi tâm trí anh. Và khi anh ta làm được như vậy thì anh ta, trước nhất sẽ thoát khỏi sự ân hận tự trách mình và xung đột nội tâm, cùng sự bất ổn của tâm trí, và tự dằn vặt; và hơn nữa, trong quan hệ của anh ta với người khác, anh ta sẽ luôn thẳng thắn và cởi mở với những người giống bản thân anh ta, và sẽ khoan dung, hòa nhã, nhẫn nại và tử tế đối với những người không giống mình...
Nhưng nếu anh không sống được như thế này, các anh có thể hành xử với nhau giống như bạn bè trên mọi phương diện, uống rượu cùng nhau, sống cùng nhau dưới một mái nhà, và cùng nhau chèo thuyền trong những chuyến đi, và thậm chí có thể cùng chung cha mẹ, phải, và mấy con rắn cũng có chung bố mẹ, nhưng chúng không bao giờ có thể là bạn bè, và các anh cũng thế, chừng nào mà anh còn giữ những phán xét ngu xuẩn và đáng ghê tởm.” (2.22, 34-37)
Ông ấy đang muốn nói đến những loại phán đoán ngu xuẩn và đáng ghê tởm nào nào? Là những đánh giá rằng những thứ bên ngoài thì tốt đẹp hơn phẩm hạnh. Ví dụ, nếu bạn nổi giận khi nửa kia hay con bạn không đáp ứng được những kỳ vọng của bạn—bất kể chúng là gì–thì bạn đang thể hiện rằng những thứ bên ngoài—bất kể nó là gì—thì quan trọng hơn phẩm hạnh. Bất kể người khác có làm gì, bạn lúc nào cũng nên hành xử theo cách có thể khiến bạn lấy làm tự hào. Chúng ta không thể đổ lỗi cho người khác vì hành vi xấu của ta. Và cho đến khi nào chúng ta đạt đến mức mà chúng ta kiên định, trước sau như một luôn đưa ra những đánh giá đúng về mọi sự, chúng ta sẽ không đạt được khả năng yêu thương người khác trọn vẹn.
Cá nhân tôi nhận thấy mình có thể tận hưởng được niềm vui lớn lao hơn trong các mối quan hệ hiện tại của tôi so với trước đây. Tôi còn lâu mới trở thành một nhà hiền triết, nhưng ngay cả sự tiến bộ nho nhỏ mà tôi mới đạt được đã cho phép tôi hiện diện và cam kết nhiều hơn với những người thân yêu. Tôi tốn ít năng lượng hơn để quản lý những cảm xúc tiêu cực, điều đó cho phép tôi được thoải mái hơn và thực sự vui hưởng bên gia đình và bạn bè tôi. Và ngay cả khi những người tôi yêu đôi lúc làm những chuyện gây thất vọng thì tôi gần như không còn cảm thấy buồn, hụt hẫng, bực dọc và tội lỗi như xưa. Tôi biết thứ duy nhất mà tôi có thể kiểm soát là những ý kiến và hành động của tôi.
Duy trì những mối quan hệ lâu dài là một trong những điều khó khăn nhất mà chúng ta sẽ làm, ngay cả khi chúng ta vô cùng thương yêu những người mà ta đang có mối quan hệ với họ. “Trăm năm hạnh phúc” thật sự rất khó! Đó là lý do tại sao tôi cho rằng triết học thực hành là đối tác tự nhiên của một mối quan hệ yêu thương. Bằng việc trở thành một người tốt hơn và thông thái hơn, chúng ta cũng trở thành người yêu, người bạn đời, người cha người mẹ, người con, người anh, người chị và người bạn thông thái hơn. Khi chúng ta gạt qua một bên mối bận tâm của mình với những thứ trung dung thì ta có thể yêu thương người khác không phải bởi những gì họ có thể cho ta, mà hoàn toàn vì chính bản thân họ.
Tìm hiểu thêm về triết lý Khắc kỷ qua các cuốn sách này
Nguồn: Apparent stoic