Chìm vào bóng tối - Chúng ta có thể thoát khỏi tình trạng quá tải thông tin được không?

chim-vao-bong-toi-chung-ta-co-the-thoat-khoi-tinh-trang-qua-tai-thong-tin-duoc-khong

Chúng ta đang sống trong một thời đại con lăn chuột xoay bất tận và vô vàn thứ gây gián đoạn. Vậy chuyện gì xảy ra khi bạn ngắt cuộc sống khỏi những kết nối? Tom Lamont đã gặp một người đàn ông làm việc hoàn toàn trong bóng tối

Vào một ngày tháng 12 năm 2016, một nghệ sĩ 37 tuổi người Anh tên là Sam Winston đã tự trang bị cho mình một chiếc thang, một chiếc kéo, vài cuộn vải đen và một đống cuộn băng keo lớn, và bắt đầu một dự án mà anh ấy đã cân nhắc từ lâu. Mảnh khảnh và để râu, với đôi mắt to màu xanh xám, Winston chuyển đến London từ Devon vào cuối những năm 1990. Anh tự nuôi thân suốt độ tuổi 20 và 30 bằng nghề dạy học, vẽ minh họa cho các tạp chí và bán các tác phẩm nghệ thuật lớn hơn, dạng tự do hơn, nhiều tác phẩm trong số chúng được vẽ bằng bút chì, cho các nhà sưu tập và bảo tàng. Anh ấy vừa hợp tác trong một cuốn sách dành cho trẻ em với tác giả Oliver Jeffers và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình để đưa “Child of Books” lên danh sách những cuốn sách bán chạy nhất. Biết ơn về thành công trong thương mại, nhưng Winston thấy mình ghét việc hợp tác xuất bản. Cả đống email! Anh ấy tự coi mình là một người theo chủ nghĩa lý tưởng bị vấy bẩn bởi vết bút chì, một ẩn sĩ tận đáy lòng. Anh từng gặp rắc rối bởi stress và quá căng thẳng khi còn trẻ, là một người bị mất ngủ gián đoạn, gặp khó khăn trong việc lọc tiếng ồn và những sao nhãng nơi công cộng, và là một người–giống như rất nhiều người trong chúng ta–ngày càng lệ thuộc vào điện thoại và máy tính của mình. Vì vậy Winston quyết định ẩn náu trong vài ngày. Không màn hình. Không ánh sáng mặt trời. Không có bất kỳ dạng kích thích thị giác nào. Anh sẽ dành thời gian ở một mình trong bóng tối.

Anh ấy đã mất hàng giờ leo lên và leo xuống cái thang trong studio của mình, để bịt hết mọi lỗ hổng và không để lọt vào một chấm ánh sáng. Studio, nằm trong một nhà máy được chuyển đổi ở phía đông London, có những cửa sổ lớn và một mái dốc được lắp với giếng trời rất khó để bịt kín. Theo tính toán thận trọng của Winston, anh đã dùng 200m băng keo trước khi hoàn toàn hài lòng rằng cuối cùng thì nơi này cũng hoàn toàn chìm trong bóng tối. Anh sẽ ngồi trong đó, vẽ bằng giấy và bút chì, tập yoga, ăn nhẹ tí chút, và đợi xem liệu bóng tối có bất kỳ tác dụng xoa dịu nào không.

Thế giới ở thế kỷ 21 không còn nhiều kết cấu phong phú hay những điều mới lạ để chạm vào như trước đây. Mùi cũng giống nhau và không có những hương vị mới. Kể từ khi xuất hiện các nhà máy, máy bay, thiết bị gia dụng và đường cao tốc, mức độ ô nhiễm tiếng ồn gia tăng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự tràn lan thông tin và sự xao nhãng đến với chúng ta ngày càng phát triển không ngừng trong suốt hai thập kỷ, mà không có bất kỳ dấu hiệu ngừng hoặc chững lại nào. DM! Tin mới nhất! Hòm thư (1)! Đây là một thời đại của cuộn chuột, hình ảnh vô tận, khi các trạm dừng xe buýt và những bức tường cong của nền tảng Tube phát video quảng cáo và khuôn mặt của bà nội bơi vào điện thoại thông minh để nói xin chào. Mọi người xem các bộ phim được đề cử Oscar trong lúc đang xếp hàng, thiết bị của họ được cầm ở ngang hông. Một vị giám đốc điều hành của Netflix có thể nửa đùa nửa thật rằng anh ta thèm muốn số giờ dành cho giấc ngủ của chúng ta (số giờ mà hiện tại chúng ta không xem các chương trình Netflix). Apple đã đặt thêm một màn hình trên cổ tay của chúng ta, còn Google thì nuôi hy vọng thầm kín rằng rốt cuộc chúng ta sẽ đeo một màn hình bên trong mắt kính của chúng ta. Những tin tức quan trọng có độ dài 140 ký tự trở xuống, lý tưởng nhất là với một hình ảnh hay đoạn video gây sửng sốt, bằng không thì nó sẽ không được xem là tin quan trọng.

Bộ não của chúng ta có xu hướng dựa vào thị giác, ưu tiên thị giác nhiều hơn bốn giác quan còn lại. Kể từ khi chúng ta được tiến hóa để hai chân như một giống loài, đưa mũi của chúng ta tiến xa khỏi tầng thảo nguyên nhiều-mùi thơm, chúng ta được tạo tác để trở thành những sinh vật thích nhìn và dù gì đi chăng nữa chúng ta thường trải nghiệm trò gì-tiếp theo của thế giới này thông qua đôi mắt của chúng ta. Là một nghệ sĩ, Sam Winston thường tìm kiếm những dự án điên đảo–những cách quái đản để nhổ neo những thói quen quen thuộc hoặc thúc đẩy công việc của anh đi theo những hướng mới. Anh muốn biết điều gì sẽ xảy ra, với anh ấy và công việc của anh, nếu anh trốn khỏi những cuộc oanh tạc thị giác trong một thời gian.

Bây giờ, làm việc và ngủ trong studio tối đen của mình, anh bắt đầu nhận ra những điều mới mẻ. Không có ánh sáng mặt trời đóng vai trò hướng dẫn, nhịp điệu trong ngày đến qua những manh mối âm thanh mà anh chỉ mới lờ mờ nhận ra trước đây: sự ngừng giao thông hàng không qua đêm của London, hay âm thanh của những phương tiện giao thông ở chế độ chạy chậm khi chúng mất nhiều thời gian hơn để qua được các cột đèn giao thông trong giờ cao điểm. Khi anh pha những cốc trà rooibos trong một chuỗi hành động được ghi nhớ máy móc tại nơi pha trà anh nhận thấy mình có thể nghe được sự khác biệt giữa chất lỏng nóng và lạnh khi anh rót nước. Anh bắt đầu ngộ ra, về sau anh có nói với tôi, “các giác quan của chúng ta thông minh biết bao. Và chúng ta đang dìm chết chúng trong sóng thần (thông tin) như thế nào.”

Winston phát hiện thấy anh cũng làm việc hiệu quả trong bóng tối, vẽ vẽ cho đến khi những cây bút chì của anh mục nát và tạo ra một loạt bản phác họa lớn– những nét đậm ở vài chỗ hoặc lấp đầy khoảng trống với những câu cú chồng chất lên nhau bằng nét chữ nguệch ngoạc của mình –mà sau này sẽ trở thành một phần của cuộc triển lãm tại Trung tâm Southbank ở  London. Giữa những cơn say hội họa anh ấy có những giấc mơ sống động, thậm chí những ảo giác, “cứ như thể bộ não của tôi là một vô tuyến kỹ thuật số ở chế độ tìm kiếm, liên tục tìm kiếm một kênh có sẵn”.

Anh trai của Winston đã đột ngột qua đời vào năm trước, và nỗi đau mất mát là một động lực khác để anh ấy ẩn náu trong bóng tối. Anh kỳ vọng sử dụng thời gian ở ẩn để chiêm nghiệm về tình yêu và sự mất mát, để cảm thấy biết ơn đối với bạn gái của anh, một nghệ sĩ đồng nghiệp, và cha mẹ của anh ở Devon. Thay vào đó, có một nhân vật khác rình rập khung cảnh tâm trí tối tăm của Winston–một người mặc vét, mập mạp và hiện diện khắp nơi trên tin tức báo đài sau cuộc bầu cử gần đây của ông ta với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ. Winston coi mình chỉ là một kẻ nghiện tin tức vừa phải chứ không phải là một người nghiện. Nhưng ở đây là Donald Trump, đang nhảy múa quanh căn hộ studio của anh ấy. Winston cảm thấy có vẻ như tin tức là một thứ mà anh đã quá say mê, thậm chí là tiêu thụ thái quá một chất gây hại mà chỉ đến bây giờ trong điều kiện cai nghiện, mới có thể cuồn cuộn thoát ra khỏi anh và được di tản.

Winston ra khỏi phòng studio tối đen trước khi lượng thực phẩm dự trữ của anh hết sạch, vào khoảng giờ ăn trưa ngày thứ bảy. Anh đã ở đó 6 hay 7 ngày. Ánh sáng Mặt trời làm đau mắt anh. Trong một thời gian dài Winston quan sát hết chuyến tàu này đến chuyến tàu khác chạy trên đường ray bên ngoài studio của anh, thưởng thức những phong cảnh hằng ngày mà anh ấy từng bị bỏ đói, và đồng thời cố gắng sắp xếp lại nội tâm của mình. Anh đoán rằng có thể là do sự xả thải đột ngột những hocmon do ánh sáng mặt trời gây ra nên mới khiến anh cảm thấy mệt mỏi. Lần tới khi anh rút lui vào trong bóng tối, Winston quyết định, anh sẽ cố gắng ra ngoài sau lúc hoàng hôn để sự chuyển đổi nhẹ nhàng hơn. Bị kích thích bởi cuộc thử nghiệm, và nghi ngờ rằng còn có những độ sâu lớn hơn mà anh có thể khám phá, anh đã quyết định sẽ có lần tiếp theo.

Trong năm 2017 và 2018 anh ấy đã lên kế hoạch. Anh ấy đã tìm kiếm các mẩu nghiên cứu trên Google. Một thí nghiệm tiên phong về sự mất cảm giác đã được thực hiện tại Đại học Manitoba ở  Canada vào những năm 1950, trong đó hàng trăm người được yêu cầu ở một mình trong một căn phòng tối kín mít trong khoảng thời gian lâu nhất mà họ có thể chịu đựng được. Khoảng một phần ba đối tượng tham gia thí nghiệm đã bỏ cuộc trong vài ngày. Những người có thể sống trong căn phòng đó nhiều nhất là hai tuần. Nếu anh lại đi vào trong bóng tối, Winston tự hỏi, thì liệu anh có thể sống được trong đó 1 tháng hay không? Anh ấy đã tìm kiếm thêm một số thứ trên Google, và mua hàng trực tuyến, đặt mua thêm nhiều vải đen và băng keo.  

Quá tải thông tin là một thuật ngữ được đặt ra bởi Bertram Gross, nhà khoa học xã hội người Mỹ vào giữa những năm 1960. Năm 1970 nhà văn Alvin Toffler, người được biết đến vào thời điểm đó như một người theo thuyết vị lai đáng tin cậy–một người dự báo tương lai để kiếm sống –đã phổ biến ý tưởng về tình trạng quá tải thông tin như một phần của một loạt dự báo ảm đạm về sự phụ thuộc của con người vào công nghệ. (Làm tốt lắm, Alvin.) Quá tải thông tin có thể xảy ra ở con người hoặc máy móc, một nhóm học giả khác đã viết trong một nghiên cứu vào năm 1977, “khi lượng thông tin đầu vào của một hệ thống vượt quá khả năng xử lý của nó”. Rồi đến vhs, máy tính gia đình, mạng internet, điện thoại di động, điện thoại di động có kết nối internet–và những làn sóng lo lắng rằng chúng ta có thể đang đạt đến những giới hạn trong khả năng của mình.

Một nghiên cứu năm 2011 phát hiện thấy vào một ngày bình thường, người Mỹ thu nhận lượng thông tin nhiều gấp 5 lần so với 25 năm trước–và đây là thời điểm mà trước khi hầu hết mọi người mua điện thoại thông minh. Năm 2019 một nghiên cứu của các học giả ở Đức, Ireland và Đan Mạch đã xác định rằng khoảng chú ý của con người đang co hẹp lại, có thể là do sự xâm nhập của kỹ thuật số, nhưng lại biểu hiện ở cả “trực tuyến và ngoại tuyến”.  

Vào thời điểm đó, Jonathan Spira, người đứng đầu công ty nghiên cứu Basex, đã thực hiện một nghiên cứu ước tính rằng hàng trăm tỷ đô la đang bị rút khỏi nền kinh tế Mỹ mỗi năm, do chi phí sản xuất linh tinh, do quá tải dữ liệu. Một tổ chức khác được gọi là Nhóm Nghiên cứu về tình trạng Quá tải Thông tin được đồng sáng lập vào năm 2007 bởi Spira và Nathan Zeldes, một kỹ sư máy tính-chuyển sang-làm nhà tư vấn, từng được Intel, nhà sản xuất chip máy tính, yêu cầu giúp làm giảm bớt gánh nặng của email lên người lao động. Đến cuối năm 2019 Zeldes đã sẵn sàng đánh tiếng về sự thất bại. “Tôi muốn tặng bạn một liều thuốc ma thuật sẽ giúp khôi phục khoảng chú ý của bạn trở lại giống như của ông bà bạn,” anh viết trong một blog, “Nhưng tôi không thể làm được. Sau hơn một thập kỷ dùng điện thoại thông minh và mạng xã hội, có lẽ không thể thay đổi được tác hại.” Anh ấy khuyên mọi người nên có một sở thích.

Trong một thời đại của sự quá tải, người ta có thể cảm thấy như thể công nghệ đã thử vận may của chính nó. Thúc đẩy quá nhiều, quá xa, sâu tận trong xương tủy. Ngay cả trước khi virut corona lây lan khắp thế giới, các phần của nền văn hóa đã bắt đầu hướng tới sự cô lập và thiếu thốn như những dấu hiệu của lối sống đáng khao khát, nóng bỏng-của-năm nay, như thể khoảng thời gian ở một mình và không có một thiết bị là trang phục của mùa giải mới, Cronut tiếp theo, cú lắc mông khác.

Trước khi đại dịch hạn chế sức hấp dẫn của việc ngâm mình trong nước ấm của ai đó, các trung tâm flotation-tank (bể cô lập giác quan)* đã được mở khắp London. Ở Cộng hòa Séc có những spa bán cho khách hàng một tuần sống trong bóng tối trong các căn phòng dịch vụ, đóng cửa kín mít. “Giãn cách xã hội bị đánh giá thấp,” Edward Snowden đã tweet, tỏ vẻ nghiêm nghị khi đùa cợt, vào tháng ba năm 2020: một câu đùa sặc mùi corona, nhưng là câu đùa sẽ được kể cho những anh em dân công nghệ ở Thung lũng Silicon, những con người mà với đối họ các ngày nghỉ là do họ tự thân định đoạt.

Gần đây, tôi thấy có một người tên là Celine ở San Francisco đã tweet với 2,500 người theo dõi lập dị của cô về khó khăn của việc “cố gắng hẹn hò với các chàng trai giữa các khóa tu thiền kéo dài cả tuần lễ của họ, các ngày cuối tuần ở Tahoe, các buổi làm việc từ xa kéo dài cả tháng...” Khoảng 4,000 người đã like để thể hiện sự tán thành, đưa Celine lên màn hình của những người lạ, bao gồm cả màn hình của tôi theo cấp số nhân. Âm thanh mặc định cho bất kỳ dòng tweet mới nào là một tiếng hót, âm vực nằm đâu đó ở giữa một tiếng “yoo-hoo” đầy thân thiện và giọng ra lệnh của những người dắt chó đi dạo .

Hilda Burke, một nhà trị liệu tâm lý người Anh đã viết về chứng nghiện điện thoại thông minh, nói với tôi rằng một phần của vấn đề trong thời đại quá tải ngày nay đó là âm thanh yoo-hoo luôn vang vọng, đi kèm với nó là mỗi gói bưu kiện thông tin mới luôn đòi hỏi sự chú ý của chúng ta. Tiếng loa kêu vang. Những cột pixel nhấp nhô vô định hoặc các biểu tượng bật nảy lên, như thể báo hiệu rằng ở đây có đám cháy. Phản ứng co giật của chúng ta trước tình huống khẩn cấp bị kích hoạt, theo cách đầy xảo trá.

Khi dòng tweet của Celine vang lên trên điện thoại của tôi vào một ngày thứ Sáu nhàn rỗi nọ, tôi không hiểu tại sao mình lại thấy hơi căng thẳng khi đọc nó. Nó có làm tôi cảm thấy mình lạc hậu không? Rằng tôi đã có quá đủ chuyện để suy nghĩ? Cuối cùng thì tôi đã nhận ra, đối với tôi, mỗi tweet đều khiến tôi cảm thấy hơi căng thẳng. Mỗi cập nhật vặt vãnh đến với chúng ta, Burke nói, “đều giống như một con cừu đội lốt sói. Cơ thể tức tốc dồn hết mọi sự tập trung, sẵn sàng bỏ chạy hoặc chiến đấu, và chẳng vì điều gì xứng đáng cả. Điều này thật khó hiểu.”

Trong trường hợp của Sam Winston khoảnh khắc giác ngộ xảy đến khi anh nhận ra anh thích thú những cơn say mèm của mình nhiều biết bao sau một đêm tiệc tùng. Anh nằm dài trên ghế sofa. Anh không cảm thấy “mình là mục tiêu của Twitter, Instagram, Facebook, tất cả những dịch vụ đó cùng với thuật toán cố tình được thiết kế để trông thật hấp dẫn, ngọt ngào và gây mất tập trung nhất có thể, để kích hoạt các xi-nap (khớp thần kinh) của tôi thường xuyên nhất có thể. Chân lý hiển nhiên đó là gì? ‘Bảo vệ tôi khỏi những thứ mà tôi muốn.’” Anh nhận ra anh có một thôi thúc kỳ lạ là được sống trên một thứ gì đó tựa như một du thuyền trong vòng một tháng: “Để trải nghiệm được sự dứt hẳn đối với nó.”

Trong suốt mùa hè năm 2018 Winston đã nỗ lực để tìm được một nơi an toàn cho một tháng lên kế hoạch sống trong bóng tối của anh ấy. Một người quen đồng ý cho anh mượn một nhà khách một phòng ở Lake District, chỉ dặn rằng, sau khi tài sản được bọc cẩn thận bằng vải và băng dính, Winston ký một bản miễn trừ trách nhiệm cho bất kỳ thảm họa nào. Anh đã mua tủ chén bát, bánh đông lạnh, nước đóng chai. Anh ấy đã sắp xếp để một nhóm người được tin tưởng gọi điện thoại cho anh và thỉnh thoảng ghé thăm để kiểm tra xem, theo lời một người bạn, “anh ấy sẽ không biến thành kẻ tâm thần Norman Bates ở trong đó”.

Winston quyết định thêm một số nguyên tắc cơ bản. Anh ấy sẽ thực hiện trong 4 tuần, bắt đầu vào ngày thứ Hai đầu tháng mười và ra khỏi đó vào ngày Chủ nhật cuối tháng. Quá trình ở ẩn này kéo dài khoảng 672 giờ. Anh ấy sẽ ghi âm những lưu ý của mình trên ứng dụng Dictaphone và ghi lại những ấn tượng ít thật/phàm tục trong một loạt các bức vẽ bằng bút chì.

Để giữ được tinh thần cởi mở trong nỗ lực này anh ấy đã không nhìn sâu vào những rủi ro về sức khỏe. Anh ấy đọc qua một chút về melatonin và serotonin, các hoc-mon được sản xuất trong não bộ bởi tuyến tùng có kích thước bằng hạt đậu và giúp cơ thể điều chỉnh chu kỳ ngủ-thức. Winston nhận ra anh ấy sẽ bị thiếu serotonin, thường được tiết ra vào ban ngày và giúp chúng ta cảm thấy tỉnh táo, nhưng anh ấy sẽ nhận được rất nhiều melatonin, một chất gây buồn ngủ. Anh không hỏi ý kiến bác sĩ, dù anh đã làm bài kiểm tra (mắt) với một nhân viên của (công ty kính mắt) Specsavers trong một cuộc hẹn theo định kỳ. Cô ấy bảo là cô không biết phải khuyên anh thế nào.

Winston không thể cưỡng lại việc viết một dòng tweet cuối cùng trước khi anh tự nhốt mình lại: “Không sóng điện thoại. Không ngồi trước màn hình. Vẽ trong bóng tối. Hẹn gặp các bạn vào tháng Mười một.” Vào ngày cuối cùng của tháng Chín, anh ấy đi dạo trên cánh đồng bao quanh ngôi nhà dưới hoàng hôn, nhìn chằm chằm vào những ngọn đồi, đàn bò và nói chung là cố gắng tận hưởng lần sử dụng nhãn cầu thông thường cuối cùng này của mình. Sau đó anh vào nhà và lên giường đi ngủ, tắt hết ánh sáng trong 28 ngày tiếp theo.

Anh ấy có thể xoay sở với những buổi sáng tối đen như mực, vì trước đây đã thử một phiên bản ngắn hơn của cuộc thí nghiệm này. Vì vậy khi Winston thức dậy và vượt qua cơn hoảng loạn nhất thời–rằng, không, anh ấy không mất thị lực của mình chỉ sau một đêm–thật dễ dàng và dễ chịu khi khi chìm vào giấc ngủ thứ hai trong bóng tối. Khi anh ấy ra khỏi giường, cảm nhận đường đến căn bếp nhỏ và tủ lạnh, anh ấy mất nhiều thời gian hơn thường lệ để chuẩn bị bữa sáng và ăn sáng. Tất cả điều này đã góp phần vào sự co giãn thời gian nhất định. Ngay cả trong vài ngày đầu tiên, anh anh tưởng tượng mình đã thức giấc và đang thực hiện một số hoạt động buổi sáng, vẽ tại bàn làm việc, hoặc tập mấy động tác yoga giãn người trên thảm, cho đến khi nhận được một cuộc gọi kiểm tra từ bạn gái anh, người báo cho anh ấy biết anh đã chậm một vài giờ. Không có cảm giác chính xác về thời gian, anh lại đầu hàng trước những nhịp điệu mơ hồ, ru ngủ của một cái gì đó-giống như-buổi sáng, một cái gì đó-giống như-buổi chiều, một cái gì đó-giống như-buổi tối, một cái gì đó-giống như-ban đêm.

Nhà trọ ở miền quê thì yên tĩnh hơn căn hộ studio ở thành phố. Đôi tai của Winston phải nghe ngóng được những manh mối âm thanh ở xa hơn. Chẳng bao lâu sau, anh nhận ra mình có thể phân biệt được giữa ngày và đêm dựa vào mật độ tiếng ồn giao thông trên một con đường chữ A cách đó nửa dặm. Anh ấy đã trải qua những giai đoạn chuyển tiếp khác mà anh ấy từng kinh qua trước đây, chẳng hạn như sự nổi bật khó hiểu của tin tức và sự kiện hiện tại khi trí óc anh đã dọn dẹp những mẩu bánh bích quy ngon nghẻ, “danh sách những bài hát , vòng xoáy những suy nghĩ vẩn vơ, một lăng kính vạn hoa của nhiều sự việc”, như Winston nhận xét trong một lưu ý trên Dictaphone vào ngày thứ năm. Một ngày sau, anh ấy thu âm một lưu ý khác: “Tôi khám phá ra rằng việc bạn đi bộ theo hướng nào trong bóng tối đều không quan trọng, tiến hay lùi, đều chẳng có gì khác biệt. Dù theo hướng nào thì bạn cũng không nhìn thấy gì hết. Đi giật lùi, khá thú vị.”

Khi thị giác của anh ấy bị ức chế, bốn giác quan khác của anh có cơ hội để bước lên và thể hiện khả năng của chúng. Từ lâu người ta đã thừa nhận rằng những người mù có thể trải nghiệm được sự tăng cường của giác quan khác. Với những tiến bộ trong công nghệ quét não vào những năm 1990 và 2000, các nhà khoa học bắt đầu kiểm tra những hiểu biết giai thoại của chúng ta bằng nghiên cứu thực nghiệm. Các phát hiện của họ cho thấy sự đột phá của giác quan phi-thị giác diễn ra một cách nhanh chóng trong bóng tối. Ngay cả 30 hay 45 phút sau khi tắt đèn, các đầu ngón tay của chúng ta run lên với khả năng đáp ứng tốt hơn và chúng ta dường như trở nên giỏi hơn rõ rệt trong việc xác định hướng truyền của âm thanh. Nghiên cứu trong lĩnh vực này còn đang được tiến hành, và nó gợi hứng thú cho các nhà khoa học chuyên về các giác quan vì nó cho thấy bộ não dễ thích nghi hơn–theo thuật ngữ của họ là có “tính dẻo”–hơn những gì ta tưởng trước đây.

Charles Spence thuộc khoa tâm lý học thực nghiệm của đại học Oxford nói về tính dẻo của não bộ cứ như thể ông ấy là một ông trùm bất động sản. “Khi cơ thể chìm trong bóng tối”, ông ấy nói với tôi, “phần thị giác to lớn này của bộ não không còn hoạt động như bình thường được nữa. Đó quả là rất nhiều bất động sản dư thừa và thứ mà anh thấy đó là, nhanh một cách bất ngờ, bất động sản được bố trí lại hoặc cải tạo.” Các giác quan khác chỉ đơn giản là tiếp quản bất động sản đó. Rằng những giác quan phi-thị giác sẽ nhanh chóng kiểm soát không gian não bộ–trong vòng một giờ, theo một số nghiên cứu–đã gây hứng thú cho các chuyên gia như Spence vì nó cho rằng chúng ta đang sử dụng những kết nối tiềm ẩn thay vì phát triển những kết nối mới, mà sẽ mất nhiều thời gian hơn để hình thành. Nói cách khác, bằng việc tắt đèn, chúng ta không hẳn là làm tăng cường những giác quan khác, chúng ta có xu hướng chú ý nhiều hơn đến những điều mà các giác quan khác đang nói.

Khi bước sang tuần thứ hai sống trong bóng tối, Winston dành nhiều thời gian để lướt các ngón tay của anh qua những đồ vật bình thường, các góc cạnh của đồ vật, bề mặt, được tiêu khiển và bị phân tâm bởi những chi tiết kết cấu nhỏ mà anh có thể nhận biết. Anh ấy đã vẽ trong bóng tối. Bây giờ, bất cứ khi nào anh ấy cầm một cây bút chì lên, anh chắc chắn rằng mình có thể biết được mật độ chì của một cây bút chì nhờ trực giác từ những rung động của nó trên giấy cũng như “những âm thanh của nó, năng lượng của nó trên trang giấy”. Một số trải nghiệm xúc giác đi cùng với những ấn tượng thị giác thú vị. Chuyện tắm rửa mới đặc biệt phấn khích–“phòng tắm là Công viên giải trí Alton”–từng giọt nước dường như gợi ra một giọt màu sắc tương ứng trong tâm trí Winston. Khi bạn gái gọi cho anh từ một chiếc xe buýt ở London, anh thấy mình thích thú với những tiếng ồn nhàm chán ở hậu cảnh, âm thanh của những người đi lại, những tiếng bíp. “Nó tựa như việc có cả một bộ phim truyền hình mini để suy nghĩ sau đấy vậy.”

Việc tinh chỉnh những giác quan khác của anh ấy cũng kéo theo những thỏa hiệp và sự thất vọng. Winston không thể nào ngủ được trên những tấm ga trải giường từng được giặt bằng nước giặt tẩy của siêu thị vì anh thấy mùi thơm quá nồng khiến anh nôn nao. Những thức ăn mà anh luôn yêu thích thì giờ trở nên đáng ghét, đặc biệt là những thực phẩm đã qua chế biến. Có một buổi chiều khó quên với một McCoy. Winston tin chắc rằng giờ đây anh ấy có thể theo dõi quá trình chuyển hóa chất béo bão hòa của khoai tây chiên xuống thực quản của mình. Một ngày nọ, gặp rắc rối với chứng khó tiêu, bộ não của anh gợi lên một hình ảnh đáng sợ về bản thân anh với một cái bụng phình lên và đầy hơi. Anh bắt đầu ăn ít lại sau đó. Tập tành, khóc lóc, thủ dâm ít lại. Khi Winston cảm thấy hứng thú với một loại nhận thức giác quan phong phú hơn, thì những hoạt động thể chất cơ bản này sẽ giảm xuống vì anh thấy chúng quá sâu sắc, quá kỳ quái, quá nhiều. Anh đã đi vào bóng tối để chạy trốn, nhưng lần này không giống như vậy.

Vào đầu tuần thứ ba, thấm đẫm melatonin, Winston ngày càng dành nhiều thời gian nằm trên sofa. Anh chìm sâu vào các ký ức. Mơ tưởng. Ảo giác. Anh thấy những phong cảnh trôi qua, hầu hết là bờ biển, những bãi biển lung linh. Ảo giác của anh ấy có thể tầm thường và anh thấy tâm trí mình nóng lòng muốn vẽ lại nhà khách xung quanh anh, sơn màu be những bức tường ở chỗ đó, lát gạch căn bếp nhỏ ở đằng kia…Rồi, sau một thứ buồn tẻ như thế, anh sẽ nhìn thấy một bầu trời đầy mây. Một vùng tinh tú.

Nếu những hiệu ứng lên cơ thể của việc nhập thất thật kỳ lạ (những lần tắm rửa ảo giác, tiêu hóa một miếng khoai tây chiên giống như con rắn), nhưng chúng chỉ mới là những trải nghiệm thuộc tầng thấp so với những hiệu ứng tinh thần. Hậu quả của việc Winston gặp khó khăn trong việc diễn tả những trải nghiệm thành lời và chúng tôi sẽ có những cuộc trò chuyện rất lâu để cố gắng định vị chính xác nơi anh ấy đã đi trong đầu, cố gắng phân biệt giữa những ảo giác vào ban ngày và những giấc mơ vào ban đêm, đôi lúc rơi trở lại trong những ghi chú Dictaphone mà Winston đã thu âm trong bóng tối.

Anh ngạc nhiên trước sự mờ mịt và tầm ảnh hưởng của những ký ức đã nổi lên rõ rệt, “những bọt khí nhỏ kỳ lạ trong quá khứ đó đã ‘bật’ lên.” Giống như với Trump, những người hiện lên đi theo anh ta–đôi lúc là bởi ảo giác, đôi lúc có cảm giác như chúng chỉ là hiện tượng quang phổ–hiếm khi là những người mà anh mong đợi. Khi anh 17 tuổi, Winston đối xử hơi tệ với cô bạn gái đầu tiên của mình. Anh ấy đã không còn nghĩ về cô ấy trong nhiều thập kỷ và bây giờ cô ấy lại quay trở lại (hiya!) để đi theo anh trong bóng tối. Winston đã mất bốn hoặc năm ngày vặn vẹo đôi bàn tay mình, đào bới qua những mảnh ký ức từ xa xưa của cảm giác lạc lõng, biếng lười, và sự vô tâm thời tuổi teen để nhớ lại được một ký ức hữu ích: cô ấy từng viết cho anh một lá thư mà anh chưa trả lời. “Cô ấy là người đầu tiên viết cho anh một lá thư và nói, ‘Em yêu anh.’ Và tôi đã quay lại và nói rằng, ‘Thế à, tôi chán phải yêu đương người khác rồi.’ Tôi đã bỏ lỡ một thứ lúc đó, sự dịu dàng và âu yếm trong khoảnh khắc. Và tôi ở đây, 20 năm sau, trong bóng tối–nhận ra mình từng sống ích kỷ biết nhường nào.”

Người bạn gái bóng ma phát ra ánh sáng lập lòe. Sau đó, Winston thấy mình xem xét lại và nhớ lại đủ loại tranh cãi và hiểu lầm đã qua. Cả những khoảnh khắc thú vị nữa. Anh ấy nghĩ rất nhiều về bạn gái của mình. Anh tự hỏi tại sao anh chưa bao giờ hỏi cưới cô. Anh thấy mình có thể đắm mình, với một chút tò mò, một chút cảm thông, trong những trải nghiệm cảm xúc ngập tràn đến dồn dập vào lúc đó.

Đây không phải lúc nào cũng là một điều tốt. Winston đã nghĩ rất nhiều về anh trai của mình, Ben, người đã qua đời. “Chỉ do bị ngã. Anh ấy mới 40. Anh có vợ và một cô con gái nhỏ. Anh mới sống được nửa cuộc đời. Đời đếch công bằng gì cả.” Khi ai đó chết trước mặt bạn như vậy, Winston nói, “có một chút lý trí trong bạn biết rằng họ đã chết. Và có một chút phi lý trí mà bạn cảm thấy hơi giống một con chó săn. Bạn đang đánh hơi xung quanh ‘Xin lỗi, người chết đã đi đâu rồi?’” Trong bóng tối, không có buổi sáng hay buổi chiều, cái thực và cái tưởng tượng có rìa cạnh mờ nhạt dần và Winston bắt đầu đánh hơi xung quanh một cách thận trọng hơn. “Tôi có một số trải nghiệm ở tận xa ngoài khơi. Một phần trong tôi đã nghĩ rằng, bạn biết đấy, ‘Tôi sẽ đi tìm và tìm được Ben.’” Điều này đã không xảy ra. Không có cuộc gặp gỡ tâm linh nào, không có cuộc hội ngộ hạnh phúc nào dành cho Winston. Thay vào đó, trong những cơn ảo mộng đáng sợ trên chiếc ghế sofa ở nhà trọ, anh bắt đầu hoài nghi về cái mà anh gọi là “nhị nguyên ở đây và không có-ở đây của cái chết”. Winston thậm chí từng có một hay hai lần tự hỏi liệu liệu anh có sắp tự sát hay không. Anh lo sợ mình có thể sẽ phát điên.

“Khi bạn tắt đi nhận thức bằng cách đi vào bóng tối,” Charles Spence nói với tôi, “hình ảnh tinh thần chẳng còn đối thủ cạnh tranh. Nó trở thành thứ mãnh liệt nhất có mặt ở đó. Do đó bạn bắt đầu nhìn thấy ảo giác, mọi người nhầm lẫn thực tế với hình ảnh tinh thần của họ, và nhầm lẫn hình ảnh tinh thần với thực tại.” Một người bạn của Winston, Martin Aylward, người đã thử một đợt ẩn dật trong bóng tối kéo dài 1 tuần, cảnh báo rằng trải nghiệm này có thể ồn ào như thế nào. “Ngay cả khi bạn dành một chút thời gian ở với chính mình,” Aylward nói, “bạn sẽ nhận thấy một giọng nói cứ huyên thuyên trong đầu bạn–blah-blah-blah của cuộc độc thoại nội tâm. Trong bóng tối, giọng nói đó có thể trở nên vô cùng ồn ào, cực kỳ mệt mỏi. Và liên tục không dứt.”

Có những lúc, nghe được những câu chuyện của Winston từ trong bóng tối, tôi tự hỏi liệu chúng ta đều có thể làm theo anh ấy và dành một tháng trời của mình sống trong căn phòng kín mít hay không. Trong một thế giới của những bóng đèn huỳnh quang, đặc biệt là trong những thời điểm căng thẳng, bị phong tỏa này (vì dịch bệnh), liệu bóng tối có phải là một liều thuốc bách bệnh sẵn có? Một loại thuốc ngủ liều cao và không bao giờ hết tác dụng?

Winston đã đi vào bóng tối trong một tháng với nỗ lực thoát khỏi những tiếng chuông kỹ thuật số, những biểu tượng bật nhảy, bản tin và bùng nổ thông tin – con lăn chuột xoay hằng ngày đến kiệt sức của chúng ta. “Nhưng khi bạn chìm vào bóng tối trong một khoảng thời gian dài,” Winston gần đây đã thú nhận với tôi “bạn sẽ không đi vào một khoảng trống. Mà bạn sẽ đi vào chính bản thân bạn. Và chúc bạn may mắn tìm được sự yên tĩnh trống rỗng mà hạnh phúc ở đó.” Không gì có thể cạnh tranh được với những lời độc thoại nội tâm ồn ào, liên tục không ngừng nghỉ hoặc át được nó. Khi ấy, tôi tự hỏi, liệu chúng ta đã tạo ra và tinh chỉnh tất cả những sự sao nhãng thông tin đang nhấp nháy kia  bởi vì ở mức độ nào đó, chúng ta hiểu rằng sự triền miên không ngừng nghỉ của tiềm thức thực sự có năng lực làm cho ta quá tải.

Đến đầu tuần thứ tư, Winston bắt đầu không còn theo dõi được thời gian ngủ của mình. Anh đã có những giấc mơ 3d mãnh liệt, gây sửng sốt đến mức thậm chí nhiều tháng sau đó anh ấy cũng khó có thể gọi chúng là giấc mơ. Một buổi sáng sắp kết thúc đợt ẩn dật, Winston thức dậy và thu âm một lưu ý Dictaphone đầy hoảng sợ, với giọng khàn khàn: “Ngày thứ 19... Có một biến cố nhỏ khá kỳ lạ. Nữ hoàng đến thăm, còn tôi thì đang khỏa thân, và cô ấy đã đến đây rồi.” Vào khoảng thời gian này, một người bạn lái xe đến nhà khách để xem xét tình hình của Winston. Anh trả lời qua cánh cửa trong tình trạng vẫn bịt khăn che mắt, trông anh nhợt nhạt và gầy gò. Nói chầm chậm, có lẽ tốc độ nói chỉ bằng ⅔ bình thường, anh nói rằng anh không muốn gặp ai đến cho đến buổi chiều. “Nhưng giờ đã 5 giờ chiều rồi,” người bạn nói.

Thế giới thực, một thế giới với những buổi sáng và buổi chiều được mô tả một cách sắc sỡ, đang dần dần trở lại để chiếm lấy anh. Bạn gái anh dự định đến nhà khách một vài ngày trước khi đợt ẩn dật kết thúc để giúp Winston thích nghi trở lại với sự hiện diện của con người và dễ dàng chuyển đổi với cuộc sống bên ngoài. Anh đã ghi âm một ghi chú: “Vậy đây là ngày, tôi nghĩ là ngày thứ 26? 27? Cô ấy sẽ đến sau vài giờ nữa. Mọi thứ đang tăng tốc. Mọi thứ đang trở nên khá hối hả. Giống như, tôi cần lau sạch các bề mặt hay dọn dẹp giường ngủ. Chẳng có gì to tát. Nhưng [vẫn có cảm giác như thể] thoát ra khỏi siêu không gian.”

Vào ngày 28, trước khi trời tối, bạn gái anh đã giúp anh ra khỏi nhà khách, dẫn anh đi vào khu vườn trong một tấm vải bịt mắt. Winston đã tỏ ra khoái trá một cách nhẹ nhàng, cười khúc khích và vỗ tay, quỳ xuống để chạm vào mặt đất dưới chân anh, vuốt vẻ vỏ một cái cây và thầm thì, “Ai đã tạo ra cái này?” Khi anh rón rén tháo khăn bịt mắt ra và lần đầu tiên sử dụng thị giác của mình sau 672 giờ anh đã phải cúi đầu xuống trước ánh sáng tối thiểu. Anh ấy nhìn chằm chằm vào đường chân trời một hồi lâu, và sau đó giải thích chuyện gì đang diễn ra trong đầu anh: “toàn bộ hệ thống đang khởi động lại...Giống như bạn đang được sinh ra, nhưng lần này là với một cái đầu của người trưởng thành…Tôi nhớ là mình cảm thấy thật sự hồn nhiên. Giống như những phi hành gia nhìn lại Trái đất và tự hỏi làm sao mà một cuộc chiến tranh lại có thể xảy ra cơ chứ, làm sao chúng ta lại có thể điên rồ đến thế. [Có] một cảm giác về việc sắp đánh mất vẻ ngây thơ ấy. Tôi biết điều đó trước cả khi tôi quay lại với chuyến tàu điện Central, lúc đó tôi sẽ nghĩ thầm rằng một người lạ mặt đúng là một kẻ ngu dốt vì đã đứng sai chỗ trong toa xe.”

Trước khi đánh mất cảm giác ngây thơ mong manh đó, Winston muốn tận dụng trải nghiệm của mình. Anh đã lôi bạn gái mình đi dạo và cầu hôn cô. Cô nhận lời. Hơn một tháng trôi qua anh bị sút cân và làn da xanh xao, nâu sẫm đã trở nên hồng hào trong làn gió ngoài trời. Từ cái thuở cô quen biết Winston đôi mắt của anh có màu xanh xám chẳng mấy nổi bật. Bây giờ khi anh ấy tháo khăn bịt mắt ra, cô vô cùng kinh ngạc. Cô vội vàng chụp một tấm ảnh. Đôi mắt của anh, sau 28 ngày không nhìn bất kỳ thứ gì, đã chuyển thành màu xanh nhạt sống động.

Ít lâu sau, Winston đã đăng bức ảnh lạ lùng về đôi mắt sáng rực của anh lên Twitter, cho những người theo dõi anh nhìn thấy. Anh đăng nhập, tải lên jpeg, thêm vào một đoạn thông điệp ngắn và nhấn gửi, những thao tác kỹ thuật số báo hiệu một điều chắc chắn rằng anh ấy đã quay trở lại với thế giới.

Một buổi chiều nọ vào tháng Giêng năm nay, tôi gặp Winston bên kênh đào  Regent ở phía đông London. Anh ấy vừa dạy một lớp nghệ thuật ở gần đó và sẽ quay lại studio của anh, nơi người quản lý đang đợi anh ấy. Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ ngày kết thúc đợt nhập thất của anh và đôi mắt của anh đã trở lại màu xanh-xám như bình thường. Winston mang theo một cái túi lớn, chất đầy các ống cacton và khi tôi hỏi có cái gì trong đó, anh bảo đó là tác phẩm của các học sinh của anh. Buổi chiều hôm đó anh hướng dẫn cho một lớp mà anh khuyến khích chúng đeo bịt mắt để vẽ.

Anh ấy đã trở thành người ủng hộ việc sáng tác nghệ thuật trong bóng tối. Sự ẩn dật của Winston đã để lại cho anh nhiều cảm xúc mâu thuẫn, nhưng anh tin chắc một điều rằng: một cái tát của bóng tối, với một lượng vừa đủ, là một công cụ sáng tạo đầy sức mạnh. Lời diễn giải đơn giản của anh cho những nghệ sĩ khác chính là bằng cách tước đi của họ kích thích thị giác, tâm trí phải rời khỏi những thói quen thoải mái của nó. Kết quả đem lại chính là sự nguyên bản. Anh hài lòng với những bức vẽ bằng bút chì cuộn tròn lớn mà anh đã thực hiện trong bóng tối và có kế hoạch mang chúng đi triển lãm ở Barbican tại London và Trung tâm Viết lách Quốc gia ở Norwich. Winston giới thiệu đến các nhà thơ và tiểu thuyết gia để họ thực hiện những đợt ẩn dật trong bóng tối, và hài lòng khi nghe họ nói rằng tác động giải phóng của việc làm việc trong bóng tối đã tràn vào những dạng thức sáng tạo khác.

Trong máy tính của anh có hàng đống email cần trả lời về chương trình kép. Hộp thư đến (200), Hộp thư đến (300). Winston thú nhận rằng, một trong những công việc tiêu tốn thời gian nhất của anh là thuyết phục các nhà phụ trách ở London và Norwich xây dựng những không gian kín, tối đen, để du khách có thể thử đắm chìm vào trong bóng tối. Winston đề nghị khoảng thời gian tối đa là một hoặc hai giờ, chứ không phải 672 giờ.

Anh nói rằng anh sẽ không khuyên bất kỳ ai thử những việc mà anh từng làm. Trong một năm, Winston cuối cùng đã tìm lại được vị trí của mình nhưng anh ấy mất nhiều tháng trời, có thể là 6 tháng, để quay trở lại trạng thái cân bằng. Trong một thời gian dài, anh ấy không thể nào ngừng chú ý đến từng ấn tượng nhỏ đang đến. Ở một thành phố ồn ào và nặng mùi như London thì điều đó quả là quá sức chịu đựng. Sau khi nhập thất, anh ấy thường cảm thấy buồn bã, gần như là đau buồn, vì, với tất cả những nỗi kinh hoàng của nó, bóng tối có thể gây nghiện. Anh mòn mỏi nhớ đến một đợt nhập thất nữa. Điều này khiến anh bất an.

Trở lại studio chúng tôi gặp bạn gái của anh ấy. Như thường lệ, để ghi âm cuộc trò chuyện của chúng tôi, tôi đặt chiếc iPhone lên bàn, cạnh một chiếc iPad an toàn. Đằng sau chúng tôi, chiếc máy tính của studio chuyển sang trình bảo vệ màn hình, phần mềm ẩn email đầy ắp những việc cần làm. Không muốn đối mặt với những thứ này, Winston làm trò hề bằng một cái ống cacton, dùng nó như một loa phóng thanh để chọc bạn gái anh. “Tại sao chúng ta vẫn chưa kết hôn?” anh oang oang.

Cô mỉm cười nói: “Em không biết nữa,” ném cho Winston một cái nhìn mơ hồ mà tôi có thể ngầm hiểu là, “Vì anh là loại người có thể biến mất vào bóng tối bất kỳ lúc nào.” Winston thở dài. Mọi thứ dường như đơn giản hơn khi tắt đèn. “Tôi muốn biết, ‘Làm thế nào mà chúng ta đều quá rối ren như vậy?’ Bởi vì tôi không thể nhìn thấy sự rối ren. Giờ thì tôi không thể nhận thấy sự đơn giản.”

Anh ngồi trước máy tính. Gõ gõ một chút. Anh thấy bồn chồn. Tôi có muốn thử nó không, Winston hỏi, bóng tối? Mặt trời đang dần khuất bóng bên ngoài cửa sổ căn chung cư. Chúng tôi có thể trốn trong một vài giờ trước khi tôi phải về nhà, theo tính toán của anh ấy. Đầy phấn khích giống như một cậu nhóc lôi ra những sticker của nó, Winston lấy hai tấm bịt mắt từ một cái móc và bắt đầu đẩy đồ đạc vào tường. Bạn gái anh xin phép rời đi. Tôi đồng ý thử và viết một ít, trong khi Winston thì ngồi thiền và ngủ gật trên cái ghế sofa gần đó. Nhà thơ George Szirtes từng cảm thấy bồn chồn lo lắng khi trời sụp tối, Winston nhớ lại, đến nỗi ông ấy cần được cầm tay ai đó. Don Paterson, một nhà thơ khác, từng thú nhận rằng thứ thực sự làm ông khiếp sợ là viễn cảnh lúc nào cũng có ai đó kè kè bên mình. “Tôi sẽ qua đằng kia,” Winston nói với tôi. Có một cú nhấp chuột và đèn vụt tắt.

Dựa theo tiếng sột soạt trên ghế sofa, tôi cố hình dung những vị trí mà Winston di chuyển qua. Sau đó tôi lắng nghe những tiếng kẽo kẹt của hệ thống sưởi của tòa nhà và âm thanh của những đoàn tàu ở đằng xa. Cầm lên một cây bút chì, tôi bắt đầu viết phần mở đầu nguệch ngoạc về câu chuyện này. Sau nửa giờ, chắc chắn không lâu hơn, tôi nghe thấy Winston cựa quậy. Anh ta tháo khăn bịt mắt và xem giờ. 2 tiếng đã trôi qua. Với chút miễn cưỡng, tôi kéo bản thân khỏi vị trí trung bình của những màu sắc nhạt nhẽo, tiếng cọt kẹt và suy nghĩ chậm rãi, khoan thai. Tôi tạm biệt Winston và đi đến ga tàu điện ngầm gần đó. Một bảng điện tử phía trên sân ga cho biết còn 15 phút nữa mới có chuyến tàu tiếp theo: thật khó chấp nhận. Tôi nhắn tin về nhà để than phiền về chuyện này. Bảng thông tin lần lượt hiện tên các trạm dừng, những cảnh báo an ninh, những lời sáo rỗng về một chuyến đi quan trọng. Một người đàn ông bên cạnh tôi xem một bộ phim mới của Scorsese trên chiếc điện thoại nằm ngang của ông.

Nguồn: https://www.economist.com/1843/2020/04/29/can-we-escape-from-information-overload

menu
menu