Chủ nghĩa Khắc kỷ và Lối sống tối giản thời công nghệ số

chu-nghia-khac-ky-va-loi-song-toi-gian-thoi-cong-nghe-so

Một bài phỏng vấn tác giả và đồng thời là nhà khoa học máy tính Cal Newport

Giáo sư khoa học máy tính Cal Newport đã trở thành một trong những người có tiếng nói quan trọng của thế hệ này về cách thức mà chúng ta có thể làm việc thông minh hơn và sâu sắc hơn. Trong cuốn sách mới nhất của ông Digital Minimalism: Choosing A Focused Life In A Noisy World (tựa tiếng Việt mới ra mắt: Lối sống tối giản thời công nghệ số), tác giả của cuốn sách bán chạy Deep Work (tựa tiếng Việt: Làm ra làm, chơi ra chơi) giới thiệu một triết lý cho việc sử dụng công nghệ đã cải thiện cuộc sống của biết bao nhiêu người. Với việc tiêu thụ truyền thông không ngừng gia tăng (mà với phần đông chúng ta, điều đó đồng nghĩa với hạnh phúc và năng suất làm việc tiếp tục đi xuống) và thế giới trở nên ồn ào hơn mỗi ngày, cuốn sách này là một lời kêu gọi hành động khẩn cấp cho bất cứ ai nghiêm túc về việc làm chủ cuộc đời họ. Phong trào tối giản đã thành công trong việc khiến cho hàng triệu người từ bỏ nhiều tài sản mà chúng ta được khuyên là nên thèm khát và thay vào đó tập trung vào một số lượng ít ỏi những thứ mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị nhất của cuộc đời chúng ta. 

Hệ tư tưởng tương tự cũng được áp dụng cho đời sống online của chúng ta. Sự lộn xộn trên không gian kỹ thuật số gây ra nhiều căng thẳng. Chúng ta không cần phải liên tục kết nối, hết trang ứng dụng này đến trang ứng dụng khác, cuộn và nhấp chuột không ngừng. Các công nghệ mới có thể cải thiện cuộc sống của chúng ta nếu ta biết cách tận dụng chúng tốt nhất.

Cal cũng là một fan của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Cal, ông giải thích về mối quan tâm của mình và ứng dụng của chủ nghĩa Khắc kỷ, tại sao ý tưởng càng tối giản càng tốt đã được thực hiện từ thời cổ đại, tầm quan trọng của sự cô độc và giải trí chất lượng cao, và còn nhiều nữa. 

***

Anh từng viết về Chủ nghĩa Khắc kỷ vài lần, điều đó rất hợp lý với một giáo sư đại học nhưng lại khá bất ngờ đối với một giáo sư ngành khoa học máy tính. Anh có nhớ về lần đầu tiên mà anh biết đến chủ nghĩa Khắc kỷ là như thế nào không? 

Tôi luôn đọc rộng cả triết học và lịch sử tôn giáo, vì vậy Chủ nghĩa Khắc kỷ có một thời gian từng thu hút được sự chú ý của tôi. Tôi nhớ mình đang đọc cuốn sách A Guide to the Good Life của William Irvine (đây là cuốn mà page dịch có tựa đề: Chủ nghĩa khắc kỷ-Phong cách sống bản lĩnh và bình thản), vào khoảng thời gian mà sách ra mắt. Tôi cũng nhớ Tim Ferriss, trong suốt giai đoạn này đã nói rất nhiều về Seneca.

Tại sao anh cho rằng điều đó cộng hưởng với anh?

Ở cấp độ cao, tôi lúc nào cũng yêu thích mô hình triết học Hy Lạp cổ đại như một nền móng cho hành động. Đây là lý do tại sao trong các cuốn sách của tôi, tôi luôn pha trộn những lời khuyên thực tế với những lý thuyết và những ý tưởng toàn cục phức tạp hơn. Khi tôi lần đầu tiên bắt đầu làm việc theo phong cách kết hợp “self-help thông minh”, gặp phải sự phản đối từ giới xuất bản. Những cuốn sách Self-help được cho là viết theo phong cách bình dân và có ít nội dung trí tuệ, và những cuốn sách tư tưởng được cho là uyên bác và phê bình và không bao giờ làm bẩn thanh danh của bản thân chúng bằng những lời khuyên thực tế. Ranh giới này là nhân tạo. Người Hy Lạp đã nói đúng: động não về những vấn đề liên quan đến cuộc đời anh thì có tác dụng gì nếu nó không trực tiếp giúp ích cho cuộc đời anh? Đây từng là một nguồn cảm hứng lớn cho cách tiếp cận với sách của tôi.   

Ở cấp độ thấp hơn, bản thân chủ nghĩa Khắc kỷ hàm chứa trí tuệ tâm lý to lớn: những suy nghĩ phản ứng, hơn bất kỳ sự kiện thực tế nào, kiểm soát trải nghiệm cuộc sống của chúng ta. Học cách tìm ra sức mạnh và niềm vui trong những thứ mà bạn kiểm soát được thay vì những thứ mà bạn không thể kiểm soát, nghe thì đơn giản nhưng thâm thúy khi hành động.

Anh có một bài viết tuyệt vời về Seneca bàn về điều hoang đường của “tự do” và cách mà phần lớn mọi người không nhận ra những chi phí ngầm của mạng xã hội. Là một người nổi tiếng quyết định không có bất kì tài khoản mạng xã hội nào, anh cảm thấy mình thu được điều gì qua chuyện đó? Hãy cho chúng tôi biết cảm giác đi ngược lại số đông như thế nào. 

Từ Seneca, qua Thoreau, đến Kondo, cái ý tưởng rằng ít hơn có thể là nhiều hơn đã tồn tại trong suốt lịch sử của nền văn minh. Tư tưởng chủ chốt là tập trung nguồn năng lượng hạn chế của bạn vào những thứ mà bạn biết chắc rằng rất giá trị và sẽ đền đáp giá trị tổng thể lớn hơn so với việc tiêu hao nguồn năng lượng này cho nhiều thứ có giá trị thấp hơn trong nỗ lực vô vọng không muốn bỏ lỡ những giá trị vụn vặt ngẫu nhiên.

Tôi không dùng mạng xã hội vì trong cuộc đời tôi với tư cách một nhà văn tôi muốn tập trung năng lượng của mình giống như một tia laze vào một số lượng nhỏ những điều mà tôi đã học được rằng sẽ đền đáp lại cho tôi phần thưởng to lớn: đọc những điều thông minh, viết những bài luận trên blog của tôi để thẩm định ý tưởng và viết sách. 

Tôi chắc chắn là có nhiều giá trị nho nhỏ mà tôi có thể thu được qua việc tham gia với nhóm độc giả của tôi qua Twitter, hoặc quản lý một người cố vấn mạng xã hội thay mặt tôi đăng bài lên Facebook. Nhưng năng lượng đầu tư vào những hoạt động đó là năng lượng bị tước đi khỏi các hoạt động cốt lõi mà tôi biết là tạo ra sự khác biệt trong sự nghiệp viết lách của mình, điều đó có nghĩa là thu nhập “ròng” của tôi có thể sẽ giảm đi.

Nói cụ thể hơn, nếu chúng ta xem xét một giả định mà trong đó nếu tôi là một người dùng mạng xã hội nhiều, có lẽ tôi sẽ có rất nhiều người theo dõi trên Twitter nhưng tổng số sách tôi viết được sẽ ít hơn. Tôi sẽ chọn sách chứ không chọn retweets.

Nếu anh muốn nghe tôi ca cẩm lâu hơn một chút, tôi cũng muốn lưu ý rằng mạng xã hội đang trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với những người vừa mới bước chân vào lĩnh vực sáng tạo đầy cạnh tranh. Nó cung cấp cho anh một hoạt động có thể khiến cho bạn cảm thấy mình bận rộn và quan trọng, và như thể anh xuất sắc trên mọi phương diện, mà không thực sự yêu cầu bạn phải nỗ lực quá nhiều với những công việc khó khăn. Nhưng chừng nào còn liên quan đến thị trường thì, chỉ những việc khó nhằn mới là quan trọng!

Theo kinh nghiệm của tôi, hầu như trong mọi lĩnh vực mang tính cạnh tranh, chìa khóa then chốt để đạt được thành công và hạnh phúc là tuân theo lời khuyên nổi tiếng của Steve Martin là trở nên giỏi tới mức không ai dám phớt lờ bạn được (Tôi đã viết một cuốn sách về điều này vào năm 2012). Hoặc như Jocko từng nói: bỏ cái điện thoại chết tiệt xuống và làm việc đi!

Cuốn sách mới của anh Lối sống tối giản thời công nghệ số nói về việc cắt giảm thời gian lên mạng của chúng ta, tập trung vào một số ít hoạt động ủng hộ những điều mà chúng ta coi trọng. Một trong những điều mà các triết gia Khắc kỷ thường nói đến là bạn cần dành thời gian cho triết học—và để làm vậy thì quá chừng khó khăn. Có phải anh đã phát hiện thấy lối sống tối giản công nghệ số đang cho con người có nhiều thời gian hơn để đọc, nghĩ và suy ngẫm về những thứ thật sự quan trọng?

Năm ngoái, tôi đã dẫn dắt hơn 1,600 tình nguyện viên trong một thực nghiệm mà họ tránh xa những lựa chọn công nghệ trong đời sống kỹ thuật số của họ để xây dựng lại mối quan hệ với những điều họ thật sự coi trọng. Một trong những thông báo mà tôi thường được nghe nhất từ những tình nguyện viên đó là họ đều thấy bất ngờ và thích thú khi tái khám phá ra họ yêu thích những hoạt động đơn giản nhiều biết bao mà chúng ta từng xem thường, chẳng hạn như từ thư viện về nhà với một chồng sách chọn ngẫu nhiên hay tự tay xây dựng nên một thứ gì đó.

Như anh thấy, những vấn đề này không phải là mới. Cả Seneca và Aristotle đều viết về tầm quan trọng của loại hình giải trí chất lượng cao. Arnold Bennett đã viết hướng dẫn tuyệt vời này vào đầu thế kỷ 20 với tựa đề How to Live on 24 Hours a Day (Cách sống 24 giờ mỗi ngày), mà trong đó ông cho rằng những việc bạn làm trong thời gian rảnh rỗi là nền tảng cho chất lượng cuộc sống của bạn. Ông lập luận rằng bạn nên đọc và ngẫm nghĩ về những điều khó nhằn thay vì ăn uống no say và quanh quẩn bên cây piano (thời Victorian tương đương với việc lướt Twitter).

Một trong những câu của là hãy nghĩ về cái mà chúng ta đang trở thành “nô lệ” cho nó —quả thật hãy chất vấn về bất cứ thứ gì khiến ta bất lực trong việc dừng kiểm tra hay dừng làm hay dừng dành thời gian cho nó. Có phải thực tế là rất khó bỏ mạng xã hội và công nghệ, liệu có bằng chứng gì cho thấy nó nguy hiểm và mang tính thao túng không?

Dường như có 2 lý do chính giải thích tại sao chúng ta dành quá nhiều thời gian nhìn vào màn hình. 

Lý do đầu tiên là một số công cụ—đặc biệt là những nền tảng mạng xã hội lớn—đã thiết kế những trải nghiệm của người dùng để khuyến khích việc sử dụng mạng xã hội mang tính cưỡng bách. Ví dụ như Facebook từng là một nền tảng khá tĩnh. Bạn có thể đăng nhập vào Facebook vài lần một tuần để xem có người bạn nào thay đổi tình trạng mối quan hệ của họ hoặc có ai đăng hình sau một chuyến du lịch hay không. Tuy nhiên khi chúng chuyển sang nền tảng động, Facebook tái cấu trúc trải nghiệm để gửi đi một luồng chỉ báo ủng hộ xã hội phong phú đến người dùng (những cái likes, tag ảnh, những bình luận), pha trộn với với những nội dung được tối ưu hóa theo thuật toán nhằm châm ngòi cảm xúc. Giờ đây thay vì chỉ xem facebook vài lần một tuần, bạn có cảm giác cưỡng bách phải bấm vào biểu tượng chữ f nhỏ xíu đó trên điện thoại 20 lần một giờ. Đây chẳng phải là sự tình cờ—mà nó là chiến lược của các giám đốc điều hành Facebook nhằm tăng chỉ số tương tác của người dùng mà họ cần để được niêm yết IPO.

Nói cách khác: nút “like” không mang lại lợi ích cho bạn, mà thay vào đó nó được giới thiệu vì lợi ích của những nhà đầu tư ban đầu vào Facebook , những người đang kiếm lại lợi nhuận gấp hàng trăm lần so với số vốn họ bỏ ra.

Nguyên nhân khác có vẻ khiến cho mọi người cứ dán mắt vào màn hình là vì nó khỏa lấp nỗi trống trải. Cuộc sống vốn khắc nghiệt. Sự khắc nghiệt này đặc biệt hiển lộ trong suốt những khoảng thời gian nhàn rỗi khi bạn ở một mình với những suy nghĩ của bạn. Con người né tránh những cuộc đối đầu này thông qua sự phân tâm liên tục trên không gian số có chất lượng thấp, giống như cách mà con người ở thời đại khác có thể đối diện với những khó khăn trong cuộc sống bằng cách uống rượu quá độ.

Nhưng đây chỉ là một miếng băng cá nhân cho một vết thương nặng.

Như người xưa đã dạy chúng ta, phản ứng bền vững là dành thời gian rảnh rỗi của bạn cho những chuyện quan trọng. Chịu trách nhiệm nhiều nhất có thể, tìm kiếm chất lượng vì lợi ích của chất lượng (như Aristotle khuyến nghị trong The Ethics), phụng sự cộng đồng của bạn, kết nối với những con người bằng xương bằng thịt ngoài đời thật và hết lòng vì họ.

Tất cả những chuyện này dường như gây nản chí khi so với việc bấm vào “xem tập tiếp theo” trên dòng Netflix của bạn, nhưng một khi bạn dấn thân vào những cuộc truy đuổi sâu sắc đó thì bạn khó mà quay lại với những hình thức giải trí cạn cợt.

Anh cũng đã phổ biến khái niệm “làm việc sâu” này— khả năng ngày càng hiếm hoi để tập trung mà không bị phân tâm vào một nhiệm vụ khó nhọc. Anh nói đây là một kỹ năng có thể huấn luyện được. Anh có lời khuyên gì cho những người muốn cải thiện khả năng làm việc sâu của họ không?

Xóa bất kỳ ứng dụng nào khỏi điện thoại của bạn khi người ta kiếm tiền từ sự chú ý của bạn khi bạn mở ứng dụng đó. Những ứng dụng này ảnh hưởng tới khả năng nhận thức của bạn cũng giống như thức ăn rác ảnh hưởng tới khả năng thể thao của bạn vậy.

Thường xuyên dành thời gian ở trong tình trạng cô độc, ý tôi là “Không tiếp nhận thông tin đầu vào từ những tâm trí khác”: không điện thoại, không tai nghe, không màn hình, không sách —chỉ có bạn và những ý nghĩ của bạn mà thôi. Nếu bạn muốn tư duy tốt, ý tôi là xử lý thông tin và có những hiểu biết sâu sắc, bạn cần luyện tập. (Định nghĩa về sự cô độc này bắt nguồn từ một cuốn sách tuyệt vời có tựa đề Lead Yourself First).

Thực hiện luyện tập xen kẽ: chọn một vấn đề hóc búa; đặt hẹn giờ; suy nghĩ dữ dội về vấn đề mà không hề sao lãng (thậm chí không được liếc nhìn điện thoại) cho đến khi hết giờ. Bắt đầu với một khoảng thời gian ngắn và khi bạn đã thoải mái với khoảng thời gian tập trung đó thì hãy tăng thời gian thêm 10-15 phút.

Một trong những điều mà các nhà Khắc kỷ nói đến là hãy tách ra khỏi kết quả hoặc hiệu quả (ví dụ, chúng ta kiểm soát được thông tin đầu vào của một dự án nào đó, nhưng không kiểm soát được những lời phê bình hay liệu thị trường có đón nhận nó). Anh nghĩ sao về điều này khi nó liên quan đến một chuyện khá căng thẳng và không chắc chắn như một buổi giới thiệu sách?

Một trong những quy tắc của tôi trong các buổi ra mắt sách đó là tôi dốc sức để tung cú đấm đẹp mắt, ý tôi là viết những bài hay nhất mà tôi có thể, hoặc thực hiện những cuộc phỏng vấn thú vị nhất mà tôi có thể trong lúc đó. Nhưng sau khi tung xong cú đấm, ngay lập tức dành sự chú ý của bạn cho việc tiếp theo. Ví dụ, tôi không đọc bình luận hay xem phản ứng trên các trang mạng xã hội về những bài mà tôi viết. Một khi nó nằm ngoài tầm tay của tôi thì tôi muốn chuyển sang việc khác.

 

Đặt sách Lối sống tối giản thời công nghệ số ở đây Tiki

 

Nguồn: DailyStoic 

menu
menu