Chữa lành tuổi thơ độc hại? Hai từ bạn cần nhất

chua-lanh-tuoi-tho-doc-hai-hai-tu-ban-can-nhat

Làm sao để thoát khỏi vướng mắc và tiến lên phía trước.

Tôi cá là bạn đang tự hỏi hai từ đó là gì, và bộ não của bạn đang đưa ra vài gợi ý như: Hãy gác lại chuyện buồn mà bước tiếp. Hãy tha thứ cho họ. Sống tử tế hơn. Hãy tỉnh táo. Hãy tập thấu hiểu. Giữ khoảng cách. Hãy tỉnh thức. Hãy hy vọng vào tương lai. Đó là chuyện quá khứ rồi. Mạnh mẽ lên.

Không. Hai từ đó là buông bỏ (let go). Hai từ nhỏ ấy—tổng cộng năm chữ cái—cực kỳ quan trọng, vì trái với quan điểm thông thường, luôn khuyên chúng ta cần nỗ lực để tiếp tục cố gắng và cố gắng, trạng thái mặc định đối với con người là kiên trì. Buông bỏ mới là việc khó. Nguyên do thì vừa đơn giản mà cũng phức tạp.

Chúng ta có khuynh hướng ở yên tại chỗ hơn là tiến lên, vì chúng ta thích duy trì nguyên trạng—ngay cả khi mọi việc thật tệ hại và đau đớn—hơn những điều ta chưa biết. Loài người nổi tiếng là ghét rủi ro—Daniel Kahneman đã đoạt giải Nobel vì cho thấy chính xác điều đó—và tâm trí có đủ mọi thói quen khiến con người dễ dàng bị mắc kẹt. Chúng ta được thúc đẩy mạnh mẽ bởi Củng cố Gián đoạn—thỉnh thoảng có được thứ mà ta mong muốn—hơn là luôn luôn có được thứ ta muốn, hay thậm chí là không bao giờ có được. Điều này đặc biệt có liên quan nếu bạn lớn lên trong cảnh thiếu thốn tình thương, sự ủng hộ và chấp nhận. Khi mẩu phần thưởng thi thoảng mới đến—hay thậm chí những lời chỉ trích bất tận tạm lắng yên—sẽ có tác dụng tương tự như một bữa ăn có năm món.

Ngoài ra, chúng ta có xu hướng dùng lăng kính màu hồng và xem một lần mất mát như một “chiến thắng hụt”; đó là thứ níu chân con người tại máy đánh bạc khi các biểu tượng gần khớp và, tích cực hơn, khiến chúng ta tiếp tục dốc sức mà chơi. Một lần nữa, khi mẩu phần thưởng đó được đưa ra—có lẽ mẹ bạn nghe có vẻ quan tâm đến việc bạn đang làm, hay anh chị của bạn thực sự dành tặng bạn một lời khen ngợi—lòng bạn tràn đầy hy vọng, chắc mẩm rằng chiến thắng đang gần kề: “Rồi họ sẽ nhận ra họ đã hiểu sai về tôi”; “Cuối cùng rồi mẹ sẽ nhìn nhận đúng con người tôi”; “Có lẽ chuyện điên rồ này sắp kết thúc và gia đình tôi sẽ bình thường trở lại.” Tương tự, thói quen nghiền ngẫm—thường thấy rõ ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông—khiến chúng ta cứ tập trung mãi vào những tình huống và tương tác khó khăn và khổ não, quá khứ và hiện tại, và khiến chúng ta có khuynh hướng tái diễn lịch sử và tự phán xét bản thân, thay vì hành động và tiến về trước.

Nguồn ảnh: Alliance/Shutterstock

Buông bỏ không phải là …  

Nhưng buông bỏ không có nghĩa là vờ như quá khứ chưa từng xảy ra, rằng bạn không bị tổn thương hay bị ảnh hưởng, hoặc cha mẹ bạn phần nào đó được tha tội và không phải chịu trách nhiệm. Nó có nghĩa là học cách phân biệt giữa những lối suy nghĩ mà bạn phải từ bỏ và những cảm xúc cần phải gạt sang một bên khiến bạn mắc kẹt, và những cách suy tư và cảm nhận giúp bạn tiến lên và chữa lành.

Cái tên ưa thích dành cho kiểu buông bỏ mà tôi đang nói đến là Buông bỏ mục tiêu. Đây không phải là việc chỉ có 1 bước, tựa như hình ảnh xuất hiện trong tâm trí bạn khi bạn nghĩ đến chữ “buông bỏ”—bạn có khả năng hình dung về sợi dây rời khỏi tay bạn và quả bong bóng bay vào không trung, hay khoảnh khắc bạn trượt tay và thứ bạn đang cầm rớt bịch xuống đất—mà là một quá trình phức tạp.

Buông bỏ mục tiêu

Về cơ bản thì đó là một quá trình gồm 4 bước bao gồm việc buông bỏ những lối tư duy duy trì tình trạng hiện tại (buông bỏ nhận thức), kiểm soát cảm xúc đi cùng với việc từ bỏ (buông bỏ cảm xúc), từ bỏ mục tiêu trước đó (buông bỏ động lực), và bắt đầu thực hiện các kế hoạch nhắm đến một mục tiêu mới (buông bỏ hành vi).

Từng bước đòi hỏi một bộ kỹ năng hơi khác biệt: Buông bỏ Nhận thức đòi hỏi bạn ngừng suy nghĩ về lý do tại sao bạn lại không đạt được mục tiêu mà bạn đề ra và lo lắng và/hoặc nghiền ngẫm về nó, dừng phát những kịch bản “điều gì xảy ra nếu” trong đầu bạn có thể đang thuyết phục bạn rằng lẽ ra bạn không nên buông bỏ. Buông bỏ cảm xúc đòi hỏi bạn xử lý mọi cảm xúc nảy sinh khi bạn không đạt được những gì đề ra; bao gồm cảm giác tội lỗi, nản lòng, hay đổ lỗi cho bản thân. Buông bỏ động lực đòi hỏi bạn dừng nghĩ về mục tiêu đó và bắt đầu lên kế hoạch cho những mục tiêu mới, bao gồm nơi bạn muốn đến lúc này và những việc bạn muốn thử. Cuối cùng, buông bỏ hành vi đòi hỏi bạn hành động và bắt đầu lên kế hoạch cho việc bạn sẽ thay đổi tương lai của mình ra sao.

Áp dụng điều này như thế nào cho tuổi thơ độc hại    

Trong trường hợp điều này nghe quá trừu tượng, hãy cho phép tôi đưa các thuật ngữ trên vào bối cảnh ứng phó với một tuổi thơ độc hại. Ở đây tôi đang suy luận từ nhiều cuộc phỏng vấn mà tôi thực hiện cho cuốn sách của tôi, Daughter Detox: Recovering from an Unloving Mother and Reclaiming Your Life, và đúc kết các hoàn cảnh một cách tổng quát.

Bạn cảm nhận tuổi thơ của mình không được yêu thương, sống như kẻ vô hình ở bên lề, và là đối tượng hứng chịu sự chỉ trích bất tận và có thể bị chọn làm ‘dê tế thần’ gánh chịu mọi tội lỗi trong gia đình. Bạn đã làm những gì có thể để bảo vệ mình, hoặc có lẽ bạn phải an ủi xoa dịu người khác; dù thế nào đi nữa, bạn đã làm những gì trong khả năng để đối phó cho đến khi bạn dọn khỏi nhà, bắt đầu cuộc sống trưởng thành của mình. Đó là thời điểm bạn bắt đầu đưa ra lựa chọn của riêng mình về nơi sống, bạn bè, con đường mưu sinh, hỗ trợ bản thân, bạn đời và người yêu, cũng như cách đối phó với gia đình gốc của bạn. Hầu hết những cô con gái không được yêu thương—thích thú với thực tế là họ đang thoát khỏi sự ảnh hưởng trực tiếp của mẹ—không làm gì để thách thức tình trạng hiện tại và làm những gì có thể để kiểm soát tình hình. Đó là khi những nỗ lực kiểm soát của họ bắt đầu thất bại—họ vẫn cảm thấy tổn thương khi gặp bố mẹ hay anh chị em của mình, và không thể kiểm soát được cảm xúc của mình, vẫn còn cảm giác lạc lối, và không thể đặt ra ranh giới lành mạnh—họ nhận ra họ đang mắc kẹt, phải buông bỏ và tìm một cách tương tác mới với gia đình họ.

Buông bỏ nhận thức lại càng khó khăn, vì những ẩn ý văn hóa về gia đình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục chịu đựng và cố gắng (“Bà ấy là mẹ cô,” “Gia đình ai cũng có vấn đề,” “Bạn sẽ ổn thôi, mọi chuyện không quá tệ”), và bởi vì cô con gái không được yêu thương có khả năng nghi ngờ sự phán đoán của mình sau nhiều năm bị khuyên nhủ rằng cô ấy còn nhiều khiếm khuyết và có xu hướng tự phán xét bản thân ("Có lẽ bà ấy đúng, Còn tôi thì quá nhạy cảm,” “Bà ấy đã làm hết sức rồi, và có lẽ tôi đã sai khi đòi hỏi quá nhiều”).

Buông bỏ cảm xúc là việc khó không chỉ vì nỗi đau trong quá khứ, làm khơi dậy mọi cung bậc cảm xúc, từ giận dữ đến sầu muộn, cũng như cảm giác tội lỗi, xấu hổ và phản bội khi suy nghĩ đến việc quản lý mối quan hệ của bạn với gia đình. Rồi sau đó là nỗi sợ rằng họ đúng về bạn, còn bạn thì sai về mọi phương diện. Thêm vào đó là thực tế những đứa trẻ không nhận được sự quan tâm mà chúng cần khi còn bé thì gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc, bạn có thể thấy tại sao phần này của quá trình buông bỏ lại cực kỳ khó.

Buông bỏ động lực bị ngăn cản bởi cái mà tôi gọi là “xung đột trung tâm”—căng thẳng giữa việc bạn ý thức được rằng bạn cần kiểm soát mối quan hệ của bạn với mẹ và gia đình gốc của bạn và bạn vẫn luôn khao khát tình yêu và sự hỗ trợ của mẹ và ấp ủ hy vọng rằng sẽ giành được nó. Xung đột này giữ cô con gái bị mắc kẹt trong tình trạng hiện tại.  

Và chừng nào xung đột trung tâm này còn tiếp diễn thì hành động là bất khả thi, do đó giai đoạn của buông bỏ hành vi—đặt ra mục tiêu mới cho cuộc sống và các mối quan hệ của bạn—không thể diễn ra.

Những bước nhỏ để buông bỏ 

Nếu bạn thấy mình đang bị mắc kẹt, những chiến lược sau có thể giúp bạn thoát khỏi bế tắc. Tất nhiên, làm việc với một nhà trị liệu giỏi là phương án tốt nhất, nhưng có những thứ mà bạn có thể làm để tự cứu giúp bản thân.  

1. Nhận ra đó không phải lỗi của bạn

Tự đổ lỗi cho bản thân, là một trạng thái mặc định, đang cản trở bạn, và nghĩ rằng có một vai sai sót ở bản thân bạn mà bạn có thể sửa chữa và mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhận ra bạn không đáng trách cùng với việc thừa nhận rằng bạn không thể tự mình khắc phục điều này; bố [mẹ] của bạn phải hợp tác.

2. Đừng bình thường hóa hành vi bạo hành

Trẻ em bình thường hóa hành vi trong gia đình gốc của chúng, và không hiếm trường hợp họ sẽ tiếp tục làm vậy khi trưởng thành. Đừng bào chữa hay thờ ơ trước hành vi bạo hành lời nói; hãy ghi nhận rằng chuyện đó đang diễn ra, và điềm tĩnh đáp lại một cách thẳng thắn. Bạn có quyền đưa ra quy tắc về cách bạn muốn được mọi người đối xử, ngay cả với cha/mẹ hoặc họ hàng.

3. Thiết lập ranh giới

Bạn sẽ cần tạo lập không gian tinh thần để tìm ra cách quản lý mối quan hệ. Hãy làm bất cứ việc gì bạn cần—cắt liên lạc hoặc hạn chế liên lạc—để có thể làm vậy.

4. Xây dựng bộ kỹ năng cảm xúc của bạn.

Cố gắng nhận diện các cảm xúc của bạn càng chính xác càng tốt—một phần quan trọng của trí tuệ cảm xúc— và thử xem liệu bạn có thể truy tìm nguồn gốc của cảm xúc của mình hay không, đặc biệt khi bạn nghĩ về mối quan hệ của mình với mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Ví dụ, cố gắng phân biệt được cảm giác tội lỗi với xấu hổ, cũng như những cảm xúc tiêu cực về bản thân như đáng bị bạc đãi hay không xứng đáng được yêu thương.

5. Kiểm soát suy nghĩ của bạn  

Nghiền ngẫm và lo lắng có thể khiến bạn bị mắc kẹt. Nghiên cứu về những suy nghĩ ám ảnh bởi Daniel Wegner cho thấy việc cố kìm nén suy nghĩ chỉ càng khiến chúng kéo dài dai dẳng, vì vậy bạn cần thử kỹ thuật khác. Một kỹ thuật mà ông đề xuất là ấn định một khoảng thời gian để lo lắng cho bản thân; một kỹ thuật khác là cho phép bản thân đối mặt với những ý nghĩ xâm nhập đó và nghĩ về tình huống xấu hơn nếu những lo lắng ấy trở thành sự thật, và bạn phải giải quyết chúng.

Buông bỏ là một nghệ thuật khó học, nhưng bạn có thể thành thục.​

 

Tham khảo

The observations about goal disengagement are taken from my book, Quitting—Why We Fear It and Why We Shouldn’t—In Life, Love, and Work. New York: Da Capo Press, 2015.

Wegner, Daniel M. “Setting Free the Bears: Escape from Thought Suppression,” American Psychologist (November, 2011): 671-670.

Tác giả: Peg Streep

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/tech-support/201801/healing-toxic-childhood-the-two-words-you-need-most

 

menu
menu