Cơ Chế Tâm Lý Và Dấu Hiệu Của Hội Chứng Peter Pan (Peter Pan Syndrome)
Peter Pan đã làm mọi cách để trốn tránh những trọng trách đi kèm với sự trưởng thành, và những đối tượng mắc phải hội chứng mang tên cậu - hội chứng Peter Pan - cũng có xu hướng hành động tương tự.
Chắc hẳn bạn cũng đã từng được nghe câu chuyện về cậu bé Peter Pan ở lại mãi trong vùng đất kỳ diệu Neverland, để rồi được ban tặng cho tuổi thơ vĩnh hằng. Dẫu viễn cảnh nơi ta không còn phải lo nghĩ chuyện tiền nong hay bệnh tật thì cũng hào nhoáng thật đấy, nhưng chúng vốn dĩ đã là những bổn phận hết sức căn bản của một người lớn rồi. Nói cách khác, Peter Pan đã làm mọi cách để trốn tránh những trọng trách đi kèm với sự trưởng thành, và những đối tượng mắc phải hội chứng mang tên cậu - hội chứng Peter Pan - cũng có xu hướng hành động tương tự.
Nguồn Gốc Của Cách Gọi “Hội Chứng Peter Pan"
Lấy cảm hứng từ tên của một nhân vật không bao giờ trưởng thành, cụm từ “hội chứng Peter Pan" lần đầu tiên xuất hiện trong một cuốn sách của nhà phân tâm học Dan Kiley, “Hội chứng Peter Pan: Những con người chưa từng được lớn lên" (“The Peter Pan Syndrome: Men Who Have Never Grown Up”). Thuật ngữ này được sử dụng để miêu tả hiện tượng của những người lớn chỉ già đi về mặt thể chất, nhưng tinh thần thì lại không phát triển. Những đối tượng mắc hội chứng Peter Pan - hay còn có tên gọi khác là “Hội Chứng Vào Đời Thất Bại” (failure-to-launch syndrome) - thường sẽ cố gắng tảng lờ đi mọi thứ trách nhiệm của người lớn, bất kể là việc công hay tư. Nhà tâm lý học kiêm chuyên viên về các mối quan hệ Babita Spinelli cho hay, “Họ chỉ đơn giản là những đứa trẻ nhất quyết không chịu trưởng thành, và mọi thứ bổn phận của người lớn đối với họ thì cũng như chuyện vượt núi băng sông ấy, khó khăn vô kể.”
Thêm vào đó, tuy nghiên cứu của Kiley chỉ tập trung vào đàn ông, nhưng mọi đối tượng từ tất cả các giới đều có khả năng mắc phải hội chứng này. Spinelli khẳng định, “Ngày nay khi định kiến giới đã không còn nữa, chúng tôi cũng muốn được mở rộng phạm vi đối tượng có thể mắc hội chứng.” Và mặc dù hội chứng Peter Pan thì không được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM-5) coi là một loại bệnh hay trạng thái tâm lý chính thức, nhưng việc đặt một cái tên để định hình các dấu hiệu tương tự mà mọi người xung quanh ta, hay thậm chí bản thân ta có thể mắc phải, vẫn là rất quan trọng.
6 Dấu Hiệu Phổ Biến
Các triệu chứng của hội chứng Peter Pan thì không được xác thực, vì vậy sẽ rất khó cho bạn nếu muốn xác định xem liệu người này người kia có mắc phải hội chứng hay không. Tuy nhiên, chúng tôi đã liệt kê ra dưới đây một số dấu hiệu gần gũi mà bạn có thể bắt gặp trong đời sống. Dẫu cũng hãy lưu ý, rằng không phải ai mắc bệnh cũng biểu hiện giống hệt nhau đâu nhé:
Gặp Khó Khăn Với Những Dự Định Dài Hạn
Người mắc hội chứng Peter Pan thường sẽ chật vật trong việc duy trì một mối quan hệ lâu bền, dù tình yêu ấy có thuộc kiểu nồng nàn hay trong sáng đi chăng nữa. Họ dường như không có khả năng gắn kết bền chặt cùng người khác, cũng không thể hứa hẹn trên phương diện cảm xúc với bất kì ai. Dẫu vậy không có nghĩa rằng bất cứ ai e ngại chuyện yêu đương lâu dài cũng đều bị mắc hội chứng đâu nhé - điều này chỉ có thể xảy ra nếu thái độ ấy của họ bắt nguồn từ trách nhiệm đôi bên trong một mối quan hệ, hay nỗi sợ chuyện phải lớn lên thôi.
Lệ Thuộc Vào Sự Chăm Sóc Của Người Khác
Thói quen dựa dẫm vào cha mẹ hay gia đình vốn đã là bản tính của những con người không bao giờ trưởng thành này rồi. Theo Gauri Khurana, một nhà tâm thần học phụ trách cho cả trẻ nhỏ và người lớn, “Họ không thể tự làm những việc mà hoặc có khả năng sẽ giúp ích cho họ, hoặc sẽ chia cắt họ khỏi vòng tay gia đình.” Thay vào đó, họ chỉ thích được người khác chiều chuộng chăm lo cho thôi.
Không Muốn Phát Triển Bản Thân
Chúng ta thường cho rằng cùng với tuổi tác thì con người ta cũng sẽ trưởng thành thêm - một sự trưởng thành dẫu nhỏ, nhưng vẫn theo chiều hướng đi lên. Tuy với những người mắc hội chứng Peter Pan, thì “trưởng thành để làm gì: bao lâu nay sống vẫn ổn vậy kia mà.”
Gặp Khó Khăn Khi Phải Đưa Ra Quyết Định
Một người bình thường trung bình mỗi ngày sẽ đưa ra đến 35.000 lựa chọn. Có thể nói, trọng trách ra quyết định là vô cùng to lớn đối với người trưởng thành. Dẫu vậy, người mắc hội chứng Peter Pan sẽ chỉ đơn giản làm lơ đi và vào hùa cùng người khác. Spinelli cho biết, “Họ không muốn gây ấn tượng xấu với những người xung quanh, nên mỗi khi phải quyết định điều gì là y như rằng sẽ ‘đông cứng' lại luôn.”
Gặp Khó Khăn Trong Chuyện Tiền Bạc
Không phải ai cũng thành thục chuyện tiền nong cả đâu. Có thể bạn cũng ít khi ngó ngàng gì đến vấn đề tài chính ngoài những lúc tiêu tiền hay kiểm tra số dư trong tài khoản, nhưng làm sao so bì được với sự thờ ơ của những người mắc hội chứng Peter Pan: đến cả việc này họ cũng cố gắng tránh nữa, và chỉ chịu để mắt đến khi tài khoản đã về âm.
Tránh Đi Mọi Tình Huống Xích Mích/Đối Mặt Trực Tiếp
Sự trưởng thành nội tâm của những người mắc hội chứng Peter Pan có thể chỉ dừng lại ở mức tương đương với một đứa trẻ thôi, nên họ thường cố gắng hết sức để lảng tránh việc phải tranh cãi hay đối đầu với người khác, bằng cách hoặc trốn tiệt vào với thế giới riêng của mình, hoặc đùng đùng bỏ đi rồi chui rúc vào trong phòng.
Những Đặc Điểm Trên Từ Đâu Mà Đến?
Theo Spinelli, “Trên cương vị là một nhà phân tâm học, chúng tôi thường sẽ cố gắng tìm ra liên kết bằng cách lần lại về thời thơ ấu của đối tượng - có thể điều tra cụ thể về ảnh hưởng của cha mẹ lên đối tượng, chẳng hạn.” Ví dụ nếu bạn có phụ huynh “trực thăng” (helicopter parents), tức là họ chăm sóc bạn từng ly từng tí, thậm chí còn hơi bao bọc quá đà. Thì mặc dù tuổi thơ của bạn có thể đã từng rất an toàn và hạnh phúc, nhưng bạn lại không có một nền tảng vững chắc cho tương lai làm người lớn, dẫn đến cảm giác lo lắng bồn chồn mỗi khi phải tự mình đưa ra quyết định, hoặc tự mình làm điều gì đó. Hậu quả tương tự cũng có thể xảy ra đối với những đứa trẻ có phụ huynh thuộc kiểu độc đoán, hay kiểu “máy dọn tuyết" (snowplow, kiểu cha mẹ lúc nào cũng chỉ chăm chăm “dọn đường” cho con cái mình).
Mặt khác, ví dụ, nếu từ hồi bé bạn đã phải chứng kiến những cảnh bạo lực gia đình, hoặc lúc nào cũng bị bác bỏ khi đưa ra ý kiến. “Thì bạn lại không được dạy cho cách làm người lớn thêm một lần nữa,” Spinelli khẳng định. Bởi nỗi sợ và sự tự ti cứ thế ăn sâu luôn vào máu bạn, khiến bạn trở thành một người lớn lúc nào cũng e ngại, lúc nào cũng sợ sai, nên rốt cuộc chẳng làm được gì hết. Bên cạnh đó, giả dụ bạn đã gặp phải những trở ngại về kinh tế hay tinh thần trong quá khứ, đến nỗi chẳng bao giờ được học cách quản lý tài chính hay các mối quan hệ, thì dường như đối với bạn lúc này, cứ ở lại mãi trong tình trạng “không cần tiền, cũng chẳng cần tình" chính ra lại hợp lý. Suy cho cùng, mọi thứ đều xuất phát từ những kỹ năng bạn đã học được từ thuở thơ ấu, ngoài ra còn phụ thuộc vào phương pháp nuôi dạy của cha mẹ.
Mối Quan Hệ Với Chứng Ái Kỷ (Narcissism)
Thường thì những ví dụ minh hoạ cho hội chứng Peter Pan trên TV đều hết sức cực đoan, thậm chí gần như đã đạt đến ranh giới ái kỷ. Khả năng phân biệt hai chứng bệnh này là rất quan trọng, thêm vào đó cũng cần lưu ý luôn rằng người bị ái kỷ thì chưa chắc sẽ mắc hội chứng Peter Pan, và ngược lại. Spinelli đã chia sẻ một số điểm tương đồng giữa bệnh ái kỷ và hội chứng Peter Pan:
- Không thể nhận trách nhiệm về mình
- Thường đổ lỗi cho người khác
- Ưu tiên góc nhìn cá nhân
- Ưu tiên mong muốn cá nhân
- Sợ bị chê trách
Cô cũng lưu ý thêm rằng đối với những trường hợp mắc bệnh ái kỷ, thì bên cạnh các biểu hiện trên còn có cả sự lạnh lùng, không biết cảm thông cùng người khác nữa. Tuy điều này chưa chắc sẽ xảy ra với người mắc hội chứng Peter Pan.
Cách Đối Phó Với Hội Chứng Peter Pan
Một chút sự trẻ con trong phong cách sống có thể giúp bạn xả stress và giữ lại tính tò mò của bản thân. Đó là mặt tốt của chứng bệnh này đấy - ta lúc nào cũng sẽ được sống thật vui vẻ, bộc phát tuy vẫn điềm tĩnh. Chính vì vậy, có thể bạn vẫn chưa biết rằng mình đang mắc phải hội chứng Peter Pan đâu. Theo Khurana, “Tôi không nghĩ các bệnh nhân của hội chứng này có đủ khả năng để tự nhận thức được hiện trạng của bản thân. Bởi ngay từ khi sinh ra thì họ đã có ngay cho mình tâm thế đó, góc nhìn đó - họ đâu biết phải sống thế nào khác đâu.”
Nên nếu bạn cảm thấy hình như những dấu hiệu của hội chứng Peter Pan đang xảy ra…
...với chính mình: Giả dụ bạn có cảm giác rằng dạo này mình sống hơi buông thả quá, tới mức đã gây hại cho cả những mối quan hệ, công việc hay đơn giản là phúc lợi bản thân, thì Spinelli khuyên bạn nên đi điều trị tâm lý hoặc tìm đến các buổi tư vấn đời sống (life coaching).
...với nửa kia: Nếu người ấy của bạn đang cư xử theo những cách kể trên, hãy dành ra một chút thời gian để nghĩ xem mình nên làm gì tiếp theo. Thẳng thắn giao tiếp có thể sẽ “cứu cánh” cho bạn đấy, nhưng hãy chắc chắn rằng cả hai bạn cùng đang có những mục tiêu và quan điểm chung về tình yêu này nhé.
Điều bạn không nên làm vào lúc này chính là cố gắng chống lại bản chất Peter Pan của họ, Khurana cho hay, bởi cố gắng tỏ vẻ người lớn sẽ chỉ càng khiến đối phương trở nên trẻ con hơn thôi.
Lời Kết
Hội chứng Peter Pan không được chính thức công nhận là một loại bệnh, thay vào đó thường được dùng để miêu tả xu hướng hành vi, lý tưởng và các đặc điểm tương đồng của một nhóm người vẫn chưa sẵn sàng bước chân qua thế giới người lớn và đương đầu với những thử thách kèm theo. Nếu bạn đang có quan hệ tình cảm với một cô/anh Peter Pan, thì đã đến lúc hai bạn nói chuyện thẳng thắn với nhau rồi đấy. Hãy cứ thỏa sức khám phá phần đời trước kia của đối phương. Và tốt hơn hết, hai bạn nên có cùng một điểm nhìn về mối quan hệ này, ngoài ra còn có đủ khả năng để thỏa mãn những mong muốn của người kia; chứ đừng để tình yêu cứ thế trôi dạt không biết nên đi đâu về đâu, nhé.
----
Dịch giả: Nguyễn Hà Anh – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Link bài gốc: The Psychology Of Peter Pan Syndrome & 6 Signs Someone Has It