Có nên theo đuổi hạnh phúc bằng thành công?

co-nen-theo-duoi-hanh-phuc-bang-thanh-cong

Nhiều người theo đuổi thành công vì cho rằng nó sẽ dẫn đến hạnh phúc. Nhưng thật sự nếu muốn hạnh phúc, hãy đảo ngược quá trình.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thành công và hạnh phúc có mối tương quan. Tuy nhiên, tăng lương lớn chỉ có tác động nhỏ và nhất thời đối với hạnh phúc.

Trong một nghiên cứu năm 2017, các nhà khoa học đã theo dõi mức lương và mức độ hài lòng trong công việc của gần 35.000 công nhân Đức trong nhiều năm. Kết quả cho thấy mức độ hài lòng trong công việc sẽ tăng lên khi mức thay đổi tiền lương của các cá nhân cao hơn mức tăng trung bình. Tuy nhiên, hiệu ứng này không kéo dài và mất dần sau hai năm.

Một nghiên cứu khác năm 2016, các nhà tâm lý học đã đo lường thành công trong sự nghiệp bằng cách yêu cầu gần 1.000 chuyên gia có trình độ đại học so sánh thành tích nghề nghiệp của mình với những người khác. Kết quả phát hiện mọi người thường thích tiền và địa vị mà thành công tạo ra. Tuy nhiên, thành công không dẫn đến sự hài lòng hoàn toàn: Nó gián tiếp làm mất đi sự hài lòng trong cuộc sống, có thể là do hạn chế về thời gian, căng thẳng và ít các mối quan hệ xã hội.

 

Khi các nhà nghiên cứu đảo ngược quá trình đã thu được những kết quả tích cực và mạnh mẽ. Năm 2005 các học giả đã khảo sát hàng trăm nghiên cứu và kết luận rằng hạnh phúc dẫn đến thành công trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm hôn nhân, tình bạn, sức khỏe, thu nhập và hiệu suất công việc.

Lời giải thích có thể là hạnh phúc khiến chúng ta hấp dẫn hơn, vì vậy chúng ta thu hút được năng lượng tích cực, nhận được nhiều ưu ái. Ngoài ra, hạnh phúc có thể giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Đơn cử một nghiên cứu của Anh đã cho hai đối tượng làm bài kiểm tra toán học và số học có giới hạn thời gian. Nhóm được xem phim hài trước khi làm bài thi có kết quả cao hơn 12% so với nhóm không được xem và càng xem clip hài thì càng làm việc hiệu quả.

Cho dù bạn là nhân viên hay người sử dụng lao động thì đây là một khoản đầu tư tốt để gia tăng hạnh phúc trong công việc và trong cuộc sống, thay vì chỉ đơn giản là cố gắng tăng các thước đo thành công.

Điều đầu tiên cần nhớ là hạnh phúc cần có sự cân bằng. Dù bạn có yêu thích công việc của mình đến đâu, thì làm việc quá sức sẽ trở thành một cản trở đối với hạnh phúc. Nghiên cứu năm 2020 với hơn 400 nhân viên ngân hàng của Iran đã phát hiện hành vi tham công tiếc việc có thể gây ra nhiều hành vi không mong muốn tại công sở, chẳng hạn thù địch, xâm phạm quyền riêng tư, buôn chuyện, đấu đá. Những hành vi tham công tiếc việc cũng làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Bạn nên đề phòng thói tham công tiếc việc của bản thân và giúp đỡ bạn bè, gia đình, những người đang mắc phải chứng bệnh này. Nhưng cũng quan trọng không kém, người sử dụng lao động không nên khuyến khích nhân viên làm việc quá sức, dù điều này hơi khó khăn.

Một khi kiểm soát được khối lượng công việc, hạnh phúc tại nơi làm việc đòi hỏi phải có ý nghĩa và mục đích. Theo giáo sư, nhà văn Arthur C. Brooks (Đại học Harvard), tác giả chương trình How to Build a Happy Life, hai khía cạnh chính của công việc có ý nghĩa là giành được thành công và phụng sự cộng đồng. Thành công đạt được bao hàm cảm giác hoàn thành và được công nhận hoàn thành tốt công việc, trong khi việc phụng sự cộng đồng là làm cho nhiều người được hưởng lợi từ công việc của bạn.

Hầu hết chúng ta đang đi theo quy trình thông thường, tức làm việc để đạt được thành công, từ đó có được hạnh phúc. Nhưng con đường này không hiệu quả và thậm chí có thể dẫn bạn đến bất hạnh. Điều này không có nghĩa là bạn phải lựa chọn giữa chúng. Bạn có thể có được cả hai, nhưng phải đảo ngược thứ tự: Thay vì cố gắng trước tiên để đạt được thành công và hy vọng dẫn đến hạnh phúc, hãy bắt đầu bằng cách đạt được hạnh phúc, từ đó sẽ nâng cao thành công của bạn.

Mặc dù biết điều này, bạn vẫn có thể rơi vào thói quen cũ. Đừng cảm thấy quá tệ, bởi ngay cả những chuyên gia trong lĩnh vực này cũng như vậy. Giáo sư Brooks cho biết bất cứ khi nào cảm thấy mình nghiện công việc, ông lại thích đọc lại một câu chuyện ngắn xuất bản năm 1922 của Franz Kafka có tên A Hunger Artist (tạm dịch Kẻ biểu diễn tuyệt thực).

Trong truyện có hình ảnh một người đàn ông bỏ đói mình trong lồng để kiếm sống tại các lễ hội du lịch. Anh là người theo đuổi chủ nghĩa "nhịn ăn hoàn hảo". Người nghệ sĩ đói khát tự hào về thành công của mình, mặc dù trông anh luôn rủ rũ, ốm yếu. Có một người tốt bụng giải thích nỗi buồn của anh có nguyên nhân từ việc nhịn ăn, thì người nghệ sĩ đói đáp lại bằng cơn thịnh nộ. Theo thời gian, công chúng không còn mặn mà với tiết mục biểu diễn của người nghệ sĩ. Trong tuyệt vọng phục hồi sự nghiệp, anh cố gắng nhịn ăn lâu nhất có thể. Rồi cuối cùng anh chết trong cái lồng của mình...

Tất nhiên, chúng ta không tệ đến mức đó, nhưng số đông đều có một chút nghệ sĩ trong mình. Lời khuyên là: Bạn sẽ không tìm thấy hạnh phúc bằng cách từ bỏ hạnh phúc. Đừng bỏ đói bản thân. Tỷ lệ thành công của bạn sẽ tăng lên nếu bạn ăn uống.

Bảo Nhiên dịch

Nguồn: https://www.theatlantic.com/family/archive/2022/10/prioritizing-happiness-before-success/671714/

Ảnh: Jan Buchczik

menu
menu