Con gái của những bà mẹ không biết yêu thương: 7 nỗi đau thường gặp
Thiếu tự tin và khó tin tưởng chỉ mới là sự khởi đầu.
Nhiều năm kể từ khi tôi nghiên cứu và viết cuốn sách ‘Mean Mothers’ (Tạm dịch: Những bà mẹ ích kỷ), tôi bắt đầu cùng những người phụ nữ khác nói chuyện, chia sẻ với nhau. Mỗi người phụ nữ có một câu chuyện khác nhau; nhưng có lẽ điểm chung lớn nhất là việc phát hiện ra: chúng ta không phải là cô gái duy nhất có những bà mẹ không thể hoặc sẽ không yêu thương chúng ta. Việc luôn cho rằng chẳng có bà mẹ nào là không tốt, cũng như một số huyền thoại về tình mẫu tử đã phác họa nên hình ảnh tất cả bà mẹ đều thương yêu con cái, nhưng điều đó lại cổ xúy làm cô lập những người con gái vốn không được yêu thương. Phát hiện này làm nhẹ đi một phần những gánh nặng và đau thương, nhưng không phải là tất cả.
Những mẩu chuyện dưới đây là những gì xảy đến với một đứa con gái lớn lên mà không có tình thương và sự chở che của mẹ, được lấy từ trong cuộc sống hằng ngày, chứ không phải từ một cuộc khảo sát khoa học. Một lần nữa, tôi không viết với tư cách của một nhà tâm lý hay một bác sĩ, mà với tư cách của một người đồng hành đồng cảm.
Thuyết gắn bó (attachment theory) do Bowlby đề xuất và sau đó được mở rộng bởi Mary Ainsworth, Mary Main và nhiều nhà tâm lý khác đã giải thích đầy đủ lý do tại sao những nỗi đau đó thường xuyên xảy ra.
Trong giai đoạn ẵm bồng và thời thơ ấu, đứa con gái có thể là phản chiếu hình ảnh của người mẹ. Nếu người mẹ biết yêu thương và gần gũi con cái, đứa bé sẽ được che chở an toàn, nó nhận thức được rằng nó được yêu thương và biết yêu thương. Cảm thức về sự yêu thương – cảm giác xứng đáng nhận tình cảm và sự chú ý, được lắng nghe và quan sát – trở thành nền tảng mà trên đó cô bé xây dựng những ý thức sớm nhất về bản thân và cung cấp năng lượng cho sự phát triển của mình.
Còn những đứa con gái của bà mẹ không thương con học những bài học khác nhau về thế giới bên ngoài và về bản thân từ chính người mẹ – những người lạnh nhạt, ích kỉ, không kiên định, hoặc thậm chí phê bình quá nghiêm khắc hoặc độc ác. Tất nhiên, vấn đề cơ bản là cách một đứa trẻ phụ thuộc vào người mẹ để được nuôi dưỡng, được tồn tại và hình thành bản tính của nó. Điều đó dẫn đến sự gắn bó không an toàn (insecure attachment), điển hình là sự “gắn bó tính hai chiều”- ‘ambivalent’ (đứa trẻ không biết mẹ nó tốt hay xấu) hoặc sự “tránh né” – ‘avoidant’ (đứa trẻ khao khát sự yêu thương nhưng lại e ngại cái kết nhận được khi tìm kiếm điều đó). Sự gắn bó ‘tính hai chiều’ làm cho đứa trẻ nghĩ rằng mọi mối quan hệ trên đời đều không đáng tin, và sự tránh né tạo ra một mâu thuẫn tồi tệ giữa khao khát được mẹ yêu thương che chở và sự bạo hành về thể xác hoặc cảm xúc của người mẹ.
Sự gắn bó trong thời thơ ấu hình thành những hình mẫu và sự hình dung về các mối quan hệ trong xã hội. Nếu không có bất kì liệu pháp hoặc sự can thiệp nào, những hình dung tâm lý này sẽ có xu hướng tiếp tục tồn tại.
Điều quan trọng là những đứa con gái luôn mong có tình thương của mẹ, nhưng nhu cầu đó lại không được đáp ứng– và điều đó lại song song tồn tại với một quan niệm tồi tệ – không có ai yêu thương bạn vô điều kiện. Đấu tranh để phục hồi tâm lý cần sự dũng cảm và mạnh mẽ. Cuộc đấu tranh đó ảnh hưởng rất nhiều đến chúng ta, một phần, nếu không nói là tất cả, đặc biệt là trong các mối quan hệ.
Công trình của Cindy Hazan và Philip Shaver (và sau đó, còn nhiều Công trình khác nữa) đã chỉ ra sự gắn bó trong thời thơ ấu có tính dự đoán cao đến các mối quan hệ tình cảm, cũng như tình bạn trong tương lai. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi những nỗi đau thường gặp này phần lớn thuộc về bản thân và lĩnh vực kết nối cảm xúc.
Việc nhìn ra những nỗi đau này không phải là để chúng ta than vãn hay bó tay tuyệt vọng mà là để trở nên có nhận thức hơn về tình mẹ mà chúng ta đang đối mặt hằng ngày. Nhận thức là bước đầu tiên trong việc trị liệu cho những cô gái không được yêu thương. Chuyện mà chúng ta đơn giản chấp nhận những nỗi đau mà không hề biết nguyên nhân đã xảy ra quá thường xuyên rồi!
Nguồn: Chamille White/Shutterstock
1. Thiếu tự tin
Những người con gái không được yêu thương sẽ không biết rằng họ có khả năng yêu thương và xứng đáng được chú ý, được quan tâm; họ có thể sẽ phải lớn lên trong cảm giác bị lãng quên, không được lắng nghe hoặc bị chỉ trích thường xuyên. Trong đầu họ là ý nghĩ về những lời của mẹ – họ không thông minh, không xinh đẹp, không tốt, không đáng yêu và quan tâm. Suy nghĩ đó sẽ tiếp tục ngầm phá hoại tài năng và thành tích của họ nếu như không có bất kì sự can thiệp nào. Những người con gái đó thỉnh thoảng nói rằng họ cảm giác họ là những kẻ ngốc nghếch và thể hiện nỗi sợ bị nhận ra khi họ tận hưởng thành công trong cuộc sống.
2. Thiếu lòng tin
Có một người phụ nữ thổ lộ rằng “Tôi luôn tự hỏi tại sao có một số người muốn kết bạn với tôi. Bạn biết đó, tôi không thể ngăn được ý nghĩ rằng đâu đó có một vài bí mật sau lưng tôi và tôi đã phải trải qua trị liệu tâm lý, cách trị liệu đó là làm mọi thứ với mẹ tôi”. Những vấn đề về lòng tin này bắt nguồn từ cảm giác các mối quan hệ cơ bản không đáng tin, cả trong tình bạn lẫn tình yêu. Như là Hazan và Shaver đã chỉ ra trong bài viết của họ, những bé gái có “sự gắn bó tính hai chiều” cần được khẳng định lòng tin một cách liên tục. Theo họ, những người này trải nghiệm yêu thương như một sự ám ảnh, một khao khát được cho và nhận, được đồng hành, được hạnh phúc và được chú ý và được ganh tỵ. Lòng tin và sự khó khăn trong việc thiết lập các giới hạn dường như có mối liên kết chặt chẽ với nhau.
3. Khó khăn trong việc thiết lập các giới hạn
Sống trong vòng luẩn quẩn của việc khao khát tình thương từ mẹ và không đạt được nó, nhiều cô gái nói rằng họ trở thành “những người làm hài lòng người khác’ trong các mối quan hệ khi trưởng thành. Hoặc họ không có khả năng đặt ra các giới hạn, mà những giới hạn đó giúp cũng cố các mối quan hệ. Rất nhiều người nói về những vấn đề liên quan đến việc duy trì các mối quan hệ bạn bè thân thiết với những cô gái khác, nó rất phức tạp, bởi vì nhiều lý do – thứ nhất, lòng tin (“Làm sao tôi có thể biết cô ấy có thật sự là bạn?”), thứ hai, không thể từ chối (“Không biết làm sao mà cuối cùng tôi luôn bị chà đạp, tôi làm rất nhiều, và tôi luôn thất vọng vào phút cuối”), hoặc mong muốn thắt chặt mối quan hệ với người đã rời bỏ họ… Những cô gái với sự gắn kết không an toàn thường kết thúc các tình huống phát sinh giống như câu chuyện “Goldilocks và 3 chú gấu”, nhưng, bằng cách nào đó lại quá “lạnh nhạt” hoặc “tình cảm”.
Điều này cũng thường đúng với các mối quan hệ tình cảm. Nghiên cứu của nhà tâm lý học Kim Bartholomew giúp chia nhóm người tránh né sự gắn bó ra 2 loại: “Lo sợ” và “bất cần”. Cả 2 nhóm người đều tránh mối quan hệ thân thiết với người khác nhưng vì những lý do khác nhau. Nhóm “lo sợ” luôn chủ động tìm kiếm các mối quan hệ thân thiết nhưng lại lo sợ sự thân mật ở tất cả các cấp độ, họ rất dễ bị tổn thương và có xu hương bám víu và phụ thuộc. Trong khi đó nhóm “bất cần” thì tự tạo một lớp vỏ bọc kiên cố và tự tách mình ra, có thể là để bảo vệ bản thân, và sự trốn tránh của họ thì thẳng thừng hơn. Than ôi, cả 2 nhóm người này đều không thể có được một mối quan hệ tình cảm – điều sẽ giúp họ khôi phục tâm lý.
4. Khó nhìn nhận bản thân một cách đúng đắn
Có một người phụ nữ chia sẻ về những gì cô học được sau một khóa tâm lý trị liệu: “Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã ngăn bước tiến của tôi bằng việc chỉ tập trung soi xét lỗi lầm của tôi, chứ không bao giờ xem những thành tích mà tôi đạt được. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có nhiều công việc, nhưng tất cả mọi người, những giám đốc của tôi đều phàn nàn rằng tôi đang chưa thực sự thúc đẩy bản thân để phát huy khả năng thực sự của mình. Chỉ sau đó tôi mới nhận ra rằng tôi đang tự giới hạn chính mình, chấp nhận quan điểm của mẹ về mình trong cuộc sống”. Phần lớn những người này đang nội tâm hóa những gì họ nghe trong quá trình trưởng thành. Những biến dạng trong cách chúng ta nhìn nhận chính mình có thể mở rộng trên tất cả các lĩnh vực, kể cả về ngoại hình. (Cá nhân tôi đã lùng sục những tấm hình thuở thiếu niên của mình, tìm kiếm những cô gái mà mẹ tôi gọi là “béo”. Bà cũng gọi tôi là “khó ưa”, điều mà, than ôi, không dễ dàng để xác minh hay tranh luận trong bức ảnh. Điều đó phải tốn mấy năm trời”. Những người con gái khác cũng nói rằng họ ngạc nhiên khi đạt được thành công nào đó, cũng như do dự khi thử một điều gì đó mới để giảm khả năng bị thất bại. Điều này không chỉ là vấn đề về việc tự đánh giá thấp bản thân (low self-esteem) mà còn là một thứ gì đó sâu xa hơn.
5. Tránh né các mối quan hệ
Sự thiếu tự tin hoặc cảm giác sợ hãi đôi khi làm cho những cô gái không được yêu thương co mình lại để tránh bị tổn thương bởi một mối quan hệ xấu, hơn là chủ động tìm một mối quan hệ thân thiết và ổn định. Những người phụ nữ này, bề ngoài, có thể hành động như thể họ muốn có một mối quan hệ, nhưng bên trong tiềm thức, họ tránh né. Bài viết của Hazan, Shaver, và Bartholomew đã chứng mình điều này là có thật. Thật không may, sự tránh né – cho dù có sợ hãi, ngờ vực hoặc có một thứ gì đó khởi phát hay không – đã làm cho những cô gái không có được những mối quan hệ tốt đẹp, điều mà họ luôn tìm kiếm.
6. Quá nhạy cảm
Một đứa con gái không được yêu thương có thể nhạy cảm với việc bị coi thường, dù thực tế hay tưởng tượng; một lời nhận xét ngẫu nhiên có thể mang đến gánh nặng cho thời thơ ấu của họ mà thậm chí chính họ cũng không nhận thức được. Một người phụ nữ 40 tuổi đã nói: “Tôi đã thực sự tập trung vào phản ứng của mình, hoặc hơn nữa, là những phản ứng thái quá. Đôi khi, tôi nhầm lẫn giữa những lời đùa giỡn với những thứ khác và tôi không ngừng lo lắng cho đến khi tôi nhìn lại và nhận ra người đó thực sự không có ý như thế”. Có một người mẹ không mấy thân thiết cũng có nghĩa là đứa con gái không được yêu thương thường gặp khó khăn trong việc điều khiển cảm xúc; họ cũng có xu hướng suy nghĩ thái quá.
7. Sao chép lại mối quan hệ với mẹ trong các mối quan hệ khác
Than ôi! Chúng ta có xu hướng bị thu hút bởi những gì quen thuộc, trong khi những điều quen thuộc này cuối cùng không thể giúp chúng ta hạnh phúc, nhưng hiện tại chúng ta lại cảm thấy thoải mái hơn. Trong khi những người có xu hướng gắn bó an toàn sẽ tìm kiếm những người có cùng kiểu gắn bó trong xã hội, thì thật không may là những người có xu hướng gắn bó tính 2 chiều và tránh né cũng vậy. Điều này đôi khi làm cho họ vô tình sao chép lại mối quan hệ với mẹ trong các mối quan hệ khác. Có một người phụ nữ nói rằng: “Tôi đã cưới chính mẹ của mình, chắc chắn rồi. Bề ngoài, anh ta hoàn toàn khác mẹ tôi, nhưng cuối cùng thì anh ta lại đối xử với tôi hệt như mẹ. Anh ta lãnh đạm và đôi khi chỉ tình cờ quan tâm tôi, chỉ trích thậm tệ và chỉ giúp đỡ tôi lấy lệ.” Cuối cùng cô ấy đã kết thúc bằng cách chia tay với chồng.
Với những điều này, tự ngẫm về những nỗi đau của bản thân và nhận thức lại bản thân là việc đầu tiên để khôi phục chấn thương tâm lý. Hãy sống thoải mái hơn và hướng đến ngày mai.
--------------------------------------------
Hazan. Cindy and Philip Shaver. “Romantic Love Conceptualized as an Attachment Process,” Journal of Personality and Social Psychology (1997). Vol. 42(3): 511-524.
Bartholomew, Kim and Leonard M. Horowitz. “Attachment Styles Among Young adults: A Test of a Four-Category Model,” Journal of Personality and Social Psychology (1991), vol.101 (2): 226-244.
Holmes, Bjarne M. and Kimberly R. Johnson. “Adult Attachment and Romantic Partner Preference: A Review,” Journal of Social and Personal Relationships (2009), vol..26 (6-7): 833-852.
Nguyen Ngoc dịch