Crush ảnh hưởng đến não bộ của bạn theo 6 cách sau

crush-anh-huong-den-nao-bo-cua-ban-theo-6-cach-sau

Khi chợt thoáng thấy bóng dáng của crush, tim bạn đột nhiên đập thình thịch, tay đẫm mồ hôi, và cảm thấy vui như mở cờ trong bụng.

Khi chợt thoáng thấy bóng dáng của crush, tim bạn đột nhiên đập thình thịch, tay đẫm mồ hôi, và cảm thấy vui như mở cờ trong bụng. Bạn tự hỏi: Mình điên rồi sao? Điều gì đã khiến mình thành ra như vậy? Hay thay vì lo lắng, việc nhìn thấy crush sẽ khiến một ngày của bạn trở nên tốt hơn. Thậm chí chỉ một chút mơ mộng thôi, cũng đủ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Việc crush một ai đó giúp cuộc sống của chúng ta trở nên thú vị hơn.

Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi điều gì đang diễn ra trong bộ não của chúng ta khi bắt đầu crush một ai đó? Những vấn đề sinh học gì đang ẩn chứa phía sau, khiến bạn bị ám ảnh, dè dặt, hay đột nhiên tự tin hơn? Những chia sẻ dưới đây sẽ lý giải 6 vấn đề liên quan đến não bộ của chúng ta khi có crush trong lòng.

1. Nghiện tình yêu

Dopamine là một phản ứng hoá học tạo cảm giác dễ chịu trong não bộ, được tiết ra khi chúng ta nghĩ về crush của mình, nó mang lại cảm giác ấm áp và hạnh phúc. Sự hấp dẫn bắt đầu trước tiên ở vùng dưới đồi hay còn được gọi là VTA (Ventral Tegmental Area), nơi mà chủ yếu sản sinh ra hoóc-môn Dopamine trong suốt giai đoạn hạnh phúc khi được kết nối với crush. Trong lần đầu tiên bị trúng sét ái tình, bộ não của bạn sẽ xác định crush là một phần thưởng, và bắt đầu giải phóng các chất hoá học mang lại cảm giác dễ chịu khiến bạn muốn theo đuổi phần thưởng này.

Theo nhà cố vấn chuyên nghiệp được cấp phép hành nghề Natalie Mica, bộ não của con người có một tia liên kết luôn hướng đến những cảm xúc hứng khởi, nên đó là lý do chúng ta thường hay nghĩ về và mong muốn được ở cạnh người mình thích thường xuyên hơn. Bạn có phải là kiểu người luôn crush một ai đó? Sự tiết ra Dopamine trong não bộ có thể là nguyên nhân khiến cho bạn cảm thấy vui vẻ, và thậm chí gây nghiện trong việc phải lòng một người.

2. Mù quáng bởi tình yêu

Khi say mê một người, bộ não của chúng ta có xu hướng nghĩ rằng người ấy chẳng làm sai điều gì. Thậm chí chúng ta còn bỏ qua một vài Red flags (Dấu hiệu báo động đỏ) rõ như ban ngày. Điều này đặc biệt đúng, nếu tình cảm của bạn được người ấy đáp lại.

Theo nhà nghiên cứu khoa học thần kinh Tiến sĩ Julia Ravey, vùng vỏ não trước trán chịu trách nhiệm về tư duy phản biện và tư duy bậc cao, cũng như hạch hạnh nhân, hay trung tâm kiểm soát cảm xúc, tất cả sẽ ngừng hoạt động khi bạn đang yêu. Điều này giải thích vì sao mọi thứ liên quan đến crush đều gần như hoàn hảo trong giai đoạn đầu, cho đến khi nhận được “cái tát” từ thực tế. Bộ não sẽ mất đi khả năng suy nghĩ thấu đáo, khi nhìn đời bằng lăng kính màu hồng của tình yêu.

3. Bị ám ảnh bởi tình yêu

Bạn thấy mình luôn mơ mộng về người ở trong lòng. Bạn có thắc mắc vì sao rất khó để loại bỏ hình ảnh của người ấy ra khỏi tâm trí? Khi đang ở trong những giai đoạn đầu của sự lãng mạn, chẳng hạn như trong ngày hẹn hò đầu tiên, thì sức hấp dẫn được cho là diễn ra mãnh liệt nhất.

Theo một nghiên cứu của Bác sĩ tâm thần D. Marazziti của Đại học Pisa ở Ý, chất dẫn truyền thần kinh Serotonin ở trong não bộ của người đang trải qua cảm giác hấp dẫn trong tình yêu, sẽ có mức độ rất thấp như ở những người mắc phải chứng bệnh Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD (Obsessive Compulsive Disorder). Theo Tiến sĩ Julia Ravey, đối với những người mắc chứng OCD, việc ngăn chặn sự tái hấp thụ Serotonin đã được chứng minh là một phương pháp trị liệu hiệu quả, điều này ngụ ý rằng mức độ Serotonin cao sẽ có xu hướng giống như OCD.

Thật thú vị! Có lẽ việc ngừng nghĩ về crush không dễ như bạn tưởng.

4. Gắn bó và ghen tuông

Bất kể là trong mối quan hệ bạn bè hay gia đình, sự gắn bó luôn là yếu tố thúc đẩy giúp mối quan hệ được phát triển và gắn kết lâu dài. Bạn có thấy mình như đang mơ mộng về một cam kết lâu dài khi nghĩ đến crush không, chẳng hạn như chuyển đến sống cùng nhau, kết hôn, và thậm chí là sinh con? Có lẽ trong bạn đang phát triển cảm giác muốn được gắn bó.

Trong suốt quá trình nghĩ đến chuyện gắn bó cùng crush, não bộ sẽ giải phóng ra Oxytocin từ vùng dưới đồi. Theo Tiến sĩ tâm lý học Melanie Greenberg, Oxytocin là một loại hoóc-môn tạo ra mong muốn gắn kết và nuôi dưỡng người bạn đời của bạn. Nó cũng là loại hoóc-môn được sản sinh ra khi đạt được sự hưng phấn, khi sinh con, và thậm chí là khi cho con bú, kết nối mọi người đến gần nhau hơn về mặt tình cảm. Tuy nhiên, Oxytocin cũng có mặt tối của nó, đó là gây ra hành vi ghen tuông và đeo bám người khác. Vì vậy, khi nhìn thấy crush ở cạnh bên người khác, bạn sẽ xanh mặt vì ghen tị, đúng không? Đó là do Oxytocin gây ra.

5. Bồn chồn lo lắng vì yêu

Bạn chỉ vô tình thoáng thấy người trong mộng, khi không nghĩ rằng họ sẽ xuất hiện, và một lần nữa trong người lại xuất hiện một cảm giác xáo trộn. Nó có giống với phản ứng chống trả hay bỏ chạy (còn được biết đến với tên gọi phản ứng căng thẳng cấp tính)? Nếu có thì hãy đổ lỗi cho hoóc môn Adrenaline.

Theo nhà trị liệu tâm lý Jessica Baum, khi nhìn thấy điều khiến mình bị thu hút, não bộ sẽ kích hoạt tuyến thượng tần từ vùng dưới đồi để sản xuất ra Adrenaline.

Adrenaline là nguyên nhân làm tăng nhịp tim, gây ra căng thẳng, giãn đồng tử và đổ mồ hôi. Nó cũng làm cho các mạch máu giãn ra và tăng lưu lượng oxy trong máu, khiến hai bên má của bạn đỏ bừng. Ừ thì, chúng ta đều đỏ mặt khi nhìn thấy crush!

Những cảm giác mãnh liệt này xuất hiện nhiều nhất trong giai đoạn đầu của tình yêu. Tuy nhiên chúng sẽ không tồn tại quá lâu. Adrenaline tiết ra dồn dập làm lu mờ khả năng phán đoán của bạn, vậy nên hãy đảm bảo luôn khiến bản thân được tỉnh táo và không nên trao đi quá nhiều tình cảm cho crush.

6. Tăng cường trí nhớ

Bạn có nhớ rõ những khoảnh khắc ấm áp và ngọt ngào khi được nhìn thấy, hoặc tương tác với crush không? Việc phải lòng một ai đó có thể giúp chúng ta tăng cường khả năng ghi nhớ của mình.

Khi crush một người, não bộ cũng sẽ giải phóng ra một chất hoá học gọi là Norepinephrine cho phép tăng cường trí nhớ đối với những kích thích mới lạ. Theo chuyên gia về vấn đề tình dục và mối quan hệ Tiến sĩ Melissa Fabello, những tương tác cảm xúc ngắn hạn như một buổi hẹn hò, cái ôm, hay thậm chí là một nụ cười ấm áp của crush, đều được lưu giữ rõ ràng trong tâm trí bạn, đó là do số lượng Dopamine chạy trong bộ não của con người.

Bạn có biết bộ não của mình sẽ giống như một chương trình lãng mạn đầy sống động, và nó sẽ hồi tưởng lại tất cả những khoảnh khắc thân mật quan trọng của cả hai vào thời điểm chia tay? Tất cả là nhờ đến Norepinephrine.

Đôi lời chia sẻ cuối cùng
Những chia sẻ ở trên là 6 điều mà crush ảnh hưởng đến não bộ của bạn. Phải lòng một ai đó là điều hết sức diệu kỳ. Cách mà crush tạo ra những phản ứng mạnh mẽ bên trong tâm trí, dù cho đó là lo lắng, phấn khích, hay thậm chí là ghen tuông, thì cũng khiến chúng ta cảm thấy như mình không tài nào kiểm soát được cảm xúc của bản thân.

Bạn có học được thêm điều gì thông qua những chia sẻ về chất dẫn truyền thần kinh và các loại hoóc môn được sản sinh ra khi yêu hay không? Hãy chia sẻ những điều thú vị hoặc có liên quan đến trường hợp của mình để mọi người được biết đến nhé!

Tài liệu tham khảo

Baum, J. (n.d.). Attraction & the Effects of Adrenaline on Your Body… and Your Relationship. Jessica Baum. https://www.beselffull.com/blog/attraction-and-the-effects-of-adrenaline

D. Marazziti, H.S. Akiskal, A. Rossi & G.B. Cassano, “Alteration of the platelet serotonin transporter in romantic love”, Psychological Medicine, 29,741–745, (1999)

Fabello, M. A. (2012, December 8). The Neurobiology Behind All of the Ridiculous Things You Do When You’re in Love. Everyday Feminism. https://everydayfeminism.com/2012/12/the-neurobiology-behind-all-of-the-ridiculous-things-you-do-when-youre-in-love/

Greenberg, M., PhD. (2016, March 30). The Science of Love and Attachment. PsychologyToday. https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-mindful-self-express/201603/the-science-love-and-attachment

Ravey, J. (2022, 2019 2). Blinded by Love: The Neuroscience of Crushes, Obsession and Rejection. Julia Ravey Science. https://www.juliaraveyscience.com/post/2019/02/22/blinded-by-love-the-neuroscience-of-crushes-obsession-and-rejection

Dịch giả: Amy Cattuong - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Link bài gốc: 6 Ways Having a Crush Affects Your Brain

menu
menu