Cuộc đời tốt đủ

cuoc-doi-tot-du

Nguồn: Avram Alpert, “The Good-Enough Life,” The New York Times, Feb. 20, 2019.

Biên dịch: Tram Nguyen | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Jean Shin’s mosaic for the Second Avenue Subway was based on archival photographs of everyday riders and pedestrians | Photo by George Etheredge for The New York Times

 

Những lý tưởng về sự vĩ đại tràn ngập trên phổ chính trị nước Mỹ. Những người ủng hộ chương trình “Xã hội Vĩ đại” của Lyndon Johnson và những người tin vào lời nói “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Ronald Reagan và Donald Trump có thể thấy mình mâu thuẫn với nhau, nhưng khác biệt của họ nằm ở chỗ điều gì tạo nên sự vĩ đại, mà không phải ở chỗ liệu sự vĩ đại bản thân nó có là một mục tiêu xứng đáng hay không. Trong cả hai trường hợp—và trong gần như mọi ý niệm lặp đi lặp lại của nước Mỹ về bản thân mình—nó là một mục tiêu xứng đáng.

Khao khát sự vĩ đại cũng hợp nhất các trường phái triết học đa dạng của nền đạo đức học phương Tây. Aristotle kêu gọi thực hành thứ đức hạnh cao thượng nhất. Kant tin vào một quy tắc đạo đức nghiêm ngặt đến nỗi ông không nghĩ con người có thể đạt được. Thuyết vị lợi của Bentham muốn tối đa hóa sự hạnh phúc. Marx tìm kiếm thế giới vĩ đại cho tất cả mọi người. Các nhà cá nhân chủ nghĩa thời hiện đại sẽ làm mọi cách để mở rộng tự do và lợi ích cá nhân. Những khác biệt ấy chắc chắn là quan trọng, nhưng trong khi định nghĩa về sự vĩ đại thay đổi thì bản thân nó mỗi người lại đều tìm kiếm theo một cách.

Bơi ngược dòng thủy triều của sự vĩ đại là một phản lịch sử đạo đức học mà hiện thân là các trường phái tư tưởng đa dạng như Phật giáo, chủ nghĩa Lãng mạn và phân tâm học. Bằng cách vay mượn từ D. W. Winnicott, một nhân vật quan trọng trong sự phát triển của phân tâm học, mà chúng ta có cái tên có lẽ là tốt nhất cho nền đạo đức khác này: “cuộc đời tốt đủ.” Trong cuốn Playing and Reality của Winnicott, ông viết về cái mà ông gọi là “người mẹ tốt đủ.” Người mẹ tốt đủ không phải theo nghĩa là đủ tốt, mà tức là bà làm được một nhiệm vụ khó khăn: đưa đứa trẻ vào một thế giới mà nó sẽ cảm thấy vừa được quan tâm chăm sóc, vừa sẵn sàng đối đầu với những nỗi thất vọng bất tận của cuộc sống. Trở thành một người tốt đủ có nghĩa là trưởng thành vào một thế giới tốt đủ, chất chứa sự quan tâm và tình yêu cũng như khổ đau và thất vọng.

Từ Phật giáo và chủ nghĩa Lãng mạn chúng ta có thể có một bức tranh đầy đủ hơn cho thấy một thế giới tốt đủ có thể là thế nào. Phật giáo đả kích hệ thống thứ bậc và cái quan niệm rằng một số người phải sống một cuộc đời tôi tớ để đảm bảo cho sự vĩ đại của những người khác. Thay vào đó nó đặt ra ý niệm “Trung đạo,” một cuộc đời không quá vật chất cũng không quá khổ hạnh. Và một số nhà tư tưởng Phật giáo, như thầy Cát Tạng người Ba Tư lai Hán ở thế kỷ VI, thậm chí còn cho rằng cuộc đời trung đạo này, cuộc đời tốt đủ này, là quyền sinh ra đã có không chỉ của mọi con người, mà còn của mọi thứ trong tự nhiên. Trong tầm nhìn triệt để về cuộc đời tốt đủ này, nhiệm vụ của chúng ta không phải là tạo nên một xã hội loài người hoàn hảo, mà là tạo nên một thế giới tốt đủ nơi mỗi người chúng ta có đủ (mà không quá nhiều) nguồn lực để xử lý những cuộc chạm trán với những khổ đau không thể tránh trong một thế giới luôn thay đổi và phức tạp.

Các nhà thơ và các triết gia Lãng mạn đã mở rộng tầm nhìn về sự tốt đủ này để đón nhận cái mà họ sẽ gọi là “cái phàm” hay “cái thường.” Nó không phải là những phiền muộn hay lo âu thường ngày mà chúng ta trải qua, mà nói đến thực tế là trong những thứ thường nhất, căn bản và quen thuộc nhất, chúng ta cũng có thể sẽ gặp được thứ niềm vui không thể hình dung nổi nếu chúng ta chỉ đi tìm ý nghĩa ở trong sự vĩ đại. Thái độ phản anh hùng này được George Eliot thể hiện rõ ở cuối cuốn Middlemarch: “mọi thứ không quá tệ với bạn và tôi như chúng đã có thể, một nửa là nhờ những người đã tận tụy sống một cuộc đời kín kẽ, và an nghỉ trong những nấm mộ không người thăm.” Và di sản của nó cũng được chứng tỏ trong bài thơ “Nổi tiếng” của Naomi Shihab Nye: “Tôi muốn nổi tiếng với những người đàn ông lê bước/ mỉm cười băng qua phố,/ những đứa trẻ khó chiều trong những hàng chờ tạp hóa,/ nổi tiếng như một người đã mỉm cười đáp lại.”

Làm một người tốt đủ không phải là dễ. Cần rất nhiều công sức mới có thể đơn thuần mỉm cười trong khi mệt mỏi chờ đợi ở một hàng chờ tạp hóa. Hay tốt đủ với những người mình yêu thương để vừa hỗ trợ họ, vừa cho phép họ trải nghiệm sự thất vọng. Và còn phải chờ xem chúng ta, với tư cách là một xã hội, có thể tạo nên những mối quan hệ tốt đủ với nhau hay không, nơi mà các cá nhân và các quốc gia không phấn đấu vì sự vĩ đại cho riêng mình, mà hợp tác để tạo nên những điều kiện sống tử tế vốn cần thiết cho tất cả.

Để đạt được điều này chúng ta cũng phải xây dựng một mối quan hệ tốt đủ với thế giới tự nhiên, khi chúng ta nhận ra cả sự dồi dào lẫn những giới hạn của hành tinh mà chúng ta chia sẻ với vô số các dạng sự sống khác, mỗi loài đều tìm kiếm con đường riêng để đến với sự tốt đủ. Có làm được gì trong số đó cũng không phải là vì chúng ta đã đạt được sự vĩ đại, mà là vì chúng ta đã nhận ra mình sẽ không thể đạt được gì trong số đó nếu bản thân sự vĩ đại còn chưa bị quên lãng.

 

Avram Alpert, giảng viên tại Đại học Princeton, là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản, Global Origins of the Modern Self, from Montaigne to Suzuki (SUNY Press, 2019). Tiểu luận này được chọn là tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi xã luận Đêm Triết học 2019 của Thư viện Công cộng Brooklyn.

menu
menu