‘Đạt cực khoái’ với một cú nhấn nút

dat-cuc-khoai-voi-mot-cu-nhan-nut

Một thiết bị tuyệt vời mà khi cấy vào cơ thể, sẽ giúp bạn ‘đạt cực khoái’ chỉ với một nút bấm.

Hồi đầu năm ngoái, các hãng tin trên thế giới đã đăng tải tin về một thiết bị tuyệt vời mà khi cấy vào cơ thể, sẽ giúp bạn ‘đạt cực khoái’ chỉ với một nút bấm.

Orgasmatron, do bác sĩ Stuart Meloy sáng chế, là một chiếc hộp nhỏ được đính vào xương sườn và có thể gửi đi các tín hiệu khoái lạc bất cứ khi nào người sử dụng muốn.

Tuy nhiên khi tìm hiểu sâu hơn, công nghệ này có một lịch sử kỳ lạ và khá thú vị.

“Bạn là phóng viên thứ sáu hay thứ bảy gì đó điện thoại đến, và tôi đang tự hỏi điều gì đang xảy ra,” Tiến sỹ Meloy bối rối nói với tôi.

Thái độ của ông cũng dễ hiểu. Các bản tin về thiết bị này đều chỉ dựa vào một câu chuyện đăng 13 năm trước trong tạp chí New Scientist và xuất hiện trở lại trên trang mạng Reddit hồi đầu năm ngoái.

Trong một thời gian dài, Meloy đã tìm cách thu hút sự chú ý để tạo nguồn vốn cho thiết bị của mình nhưng không thành công.

Ông là một bác sĩ và cũng là nhà đồng sáng lập Advanced Interventional Pain Management, một trung tâm chữa trị cho các bệnh nhân đang phải chịu đựng những cơn đau từ các bệnh mãn tính.

Từ nơi này, ông bắt đầu làm việc với các vi mạch cấy ghép.

Khi gắn vào các dây thần kinh ở xương sườn, thiết bị này có thể liên tục gửi đi các xung điện nhằm làm dịu cơn đau.

Tuy nhiên, một trong các bệnh nhân sau đó đã báo về một phản ứng phụ bất thường, nhưng không phải nằm ngoài mong muốn: thiết bị này tạo nên cảm giác khoái lạc cực độ.

Meloy nhận ra ông đang nắm giữ một công nghệ vô cùng quan trọng trong tay, công nghệ mà ông cho rằng có thể được sử dụng để chữa trị cho những ai bị rối loạn tình dục.

Đó là câu chuyện của hơn 10 năm trước. Nay, Meloy vẫn đang là một bác sĩ thành công nhưng dự án Orgasmatron của ông không tiến triển thêm gì kể từ đó.

Một trong những điểm vướng mắc là về các máy phát điện được sử dụng cho thiết bị, tốn khoảng 25.000 đôla.

Meloy tự tin rằng Orgasmatron có thể hoạt động chỉ với một nguồn cung cấp điện rất nhỏ, đủ dùng khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày.

“Phát xung điện đi nhiều ngày liên tiếp, theo ý kiến cá nhân tôi, là không thực sự cần thiết để chữa trị rối loạn tình dục,” ông nói.

“Nhiều người trong chúng ta còn phải đi làm nữa.”

Đáng tiếc là hiện vẫn chưa có một phương án nào khác, và ông vẫn chưa thể thuyết phục bất cứ nhà sản xuất thiết bị y tế nào giúp ông thiết kế ra một mẫu khác.

Vấn đề tiếp theo là ai sẽ là người đứng ra chi trả cho các loại thiết bị này.

“Các công ty bảo hiểm sẽ không trả cho bất cứ gì mà họ xem là đang trong quá trình thử nghiệm,” ông giải thích.

Mặc dù Meloy đã gắn thiết bị này cho hàng trăm bệnh nhân để giúp làm giảm các cơn đau (trong đó có người đã báo về tác dụng phụ nói trên), việc gắn thiết bị để chữa chứng rối loạn tình dục lại phạm luật.

Bất chấp những gì báo chí đăng tải, thiết bị này vẫn chưa được chứng minh là phương pháp để chữa trị chứng rối loạn tình dục hiệu quả. Bất cứ ai giả vờ bị đau chỉ để được gắn thiết bị này nhiều khả năng sẽ thấy thất vọng.

Để được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chuẩn thuận, Meloy phải tiến hành các cuộc thử nghiệm với mức tốn kém vào khoảng 6 triệu đôla.

“Đó là khoản tiền mà hiện nay tôi chưa có,” ông thở dài.

Thiết bị Orgasmtron

Trung tâm khoái lạc

Điều kỳ lạ là Meloy không phải là người đầu tiên nghĩ đến việc gắn một chiếc nút tạo cảm giác khoái lạc lên cơ thể người.

Hồi thập niên 1950, Robert Gabriel Heath, một bác sỹ người Mỹ khác, khi đó đang chữa trị chứng rối loạn tâm lý tại Đại học Tulane ở New Orleans.

Heath muốn tìm ra một giải pháp có tác dụng ngang với việc phẫu thuật thuỳ não.

Ông thực hiện bằng cách sử dụng máy khoan nha sỹ để đục các lỗ nhỏ trên sọ của các bệnh nhân, qua đó, các cực dò điện được đẩy vào bên trong để các xung điện được truyền trực tiếp tới não.

Heath nhận ra rằng bằng việc kích hoạt vùng vách ngăn, ông có thể tạo ra cảm giác khoái lạc giúp giảm thiểu các hành động bạo lực từ một số bệnh nhân.

Một số người khi được cho làm chủ chiếc nút kích hoạt thiết bị này đã có thể tự mình kiểm soát được bản thân mỗi khi tâm trạng trở nên thất thường.

Một bệnh nhân thậm chí đã bấm nút này đến 1.500 lần trong khoảng thời gian 3 giờ, nhưng nói chung, các bệnh nhân tỏ ra kiềm chế một cách ngạc nhiên (khác với những con chuột trong phòng thí nghiệm vốn thường sử dụng thiết bị này đến khi kiệt sức).

Thiết bị của Heath được nói là khiến ông bị CIA ghé thăm. Nhân viên từ cơ quan này muốn biết rằng liệu công nghệ này có thể được dùng để tạo ra cơn đau để giúp cho quá trình hỏi cung hay kiểm soát suy nghĩ của những người bị liệt vào danh sách kẻ thù của Hoa Kỳ hay không.

Heath đã đuổi người này ra khỏi phòng thí nghiệm của mình.

“Nếu tôi muốn làm mật vụ thì tôi đã làm rồi,” ông nói với báo New York Times trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi muốn làm một bác sĩ và nghiên cứu thuốc.”

Tuy nhiên, các nhà khoa học tiếp bước ông Heath lại nhìn thấy những tác động lớn hơn của nỗ lực kiểm soát cảm xúc con người.

Jose Manuel Rodriguez Delgado là một nhà nghiên cứu khác đã tìm cách tạo cảm giác khoái lạc qua đường não của các bệnh nhân.

Ông cũng gắn máy kích thích não được điều khiển bằng sóng vô tuyến - đồng nghĩa với việc ông có thể từ xa điều khiển cảm giác của đối tượng.

Delgado tự tin với công nghệ này đến nỗi ông nhảy vào đấu trường đối diện với một trong những chú bò tót mà ông dùng cho thí nghiệm của mình.

Trong lúc con bò này phóng về phía Delgado, ông đã làm cho nó dừng lại, rống lên và đi lòng vòng, chỉ bằng một cú nhấn nút.

Tuy nhiên, dư luận tỏ ra bất đồng với việc cấy ghép vi mạch lên não sau khi ông ra cuốn sách “Physical Control of the Mind: Toward a Psychocivilized Society” vào năm 1969, trong đó giảm nhẹ những rủi ro của thiết bị này và khuyến khích mọi người áp dụng công nghệ mới.

Ông cho rằng nếu tất cả đều sử dụng vi mạch cấy ghép để kiểm soát cơn giận dữ cũng như những tổn thương về tinh thần, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Hai nhà nghiên cứu mà ông cộng tác trong một thời gian ngắn đã gây phẫn nộ trong dư luận sau khi gợi ý rằng thiết bị này có thể được dùng để dập tắt các cuộc bạo động của người da màu tại các thành phố Mỹ.

Với nguồn tài trợ cạn dần và sự phát triển của các loại thuốc chữa các bệnh rối loạn thần kinh, thiết bị kích thích não rơi vào dĩ vãng.

Mặc dù Meloy khá lạc quan về những lợi ích của các thiết bị mình sáng chế, việc sử dụng chúng để kiểm soát xã hội ‘không phải là điều tôi muốn’, ông nói.

Ông hy vọng rằng một ngày nào đó, dư luận sẽ lại hướng sự chú ý đến Orgasmtron và giúp nó trở thành hiện thực.

Nếu điều đó xảy ra, liệu chúng ta có sắp phải thấy những chiếc nút tạo khoái cảm đính trên cơ thể của những người xung quanh hay không?

Không nhanh đến vậy, bác sỹ Petra Boynton, một nhà nghiên cứu về tình dục tại Đại học University College London, nói.

“Tôi vẫn chưa thấy thiết bị, phương pháp hay dược phẩm trị liệu nào mang lại kết quả tốt hơn cho các vấn đề về tình dục so với hiệu ứng giả dược (placebo)”, bà nói.

“Tôi lo lắng trước ý tưởng sử dụng các thiết bị kích thích đối với những trường hợp lẽ ra nên được sử dụng liệu pháp tâm lý hoặc cung cấp thêm thông tin về các vấn đề tình dục, những cách thức đạt khoái lạc khác, hoặc cách cơ thể chúng ta vận hành.”

Như vậy, nếu Orgasmatron được tung ra thị trường một ngày nào đó, hãy chắc rằng bạn biết ai là người đang nhấn nút của mình.

 

Bản gốc bài viết đã được đăng trên BBC Future

menu
menu