Đây là cách hài hước nhất để làm cuộc sống của bạn trở nên tuyệt vời (Phiên bản đại dịch)     

day-la-cach-hai-huoc-nhat-de-lam-cuoc-song-cua-ban-tro-nen-tuyet-voi-phien-ban-dai-dich-     

Virut không phải là thứ duy nhất lây lan qua các mạng lưới của con người. Thái độ và hành vi cũng lây lan.

Đó là năm 1962, khi các cô gái không thể ngừng cười và chẳng ai hiểu nguyên do tại sao.  

Và thậm chí còn kỳ lạ hơn, tiếng cười đã lan rộng. Như một con virut.  

Điều này xảy ra ở một trường nữ sinh ở Kashasha, Tanzania. Một vài học sinh đã bật cười và chúng không thể dừng được. Hành vi không thể giải thích được này đã lây lan từ cô gái này sang cô gái khác cho đến khi 95 trong số 159 học sinh bị ảnh hưởng. Sau 6 tuần trường học phải đóng cửa vì chuyện này. Nhưng điều đó vẫn không thể ngăn được tiếng cười.

Nó đã lan sang một ngôi làng lân cận, Nshamba. Có thêm 217 cô gái bị nhiễm. Và sau đó nó lan đến Bukoba, “lây cho” 48 cô gái nữa.

Tổng cộng, “đại dịch” này kéo dài 18 tháng, đóng cửa 14 trường học, và ảnh hưởng đến hơn 1000 trẻ em.

Nghe thật điên rồ phải không? Là thật đấy. Mặc dù chắc chắn là không phổ biến, nhưng mấy chuyện này không phải là chưa từng có. Thời Trung cổ từng có những đợt bùng phát của “chứng cuồng loạn nhảy múa -choreomania”–chứng nhảy múa do lây nhiễm, không thể kiểm soát được, lây lan khắp châu Âu, đôi lúc ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người cùng một lúc. Và, không, tôi không bịa ra chuyện đó đâu.

Virut không phải là thứ duy nhất lây lan qua các mạng lưới của con người. Thái độ và hành vi cũng lây lan. Giáo sư trường Yale, Bác sĩ, Tiến sĩ, Thạc sĩ y tế công cộng Nicholas Christakis, đã nghiên cứu cách thức hoạt động của điều này. Một mạng lưới có thể duy trì bất cứ thứ gì trong nó: không chỉ có mốt, thời trang và các xu hướng, mà còn cả hạnh phúc, sự bất hạnh, sự tử tế và tàn nhẫn cũng có thể lan truyền như một căn bệnh. Khi tôi trao đổi với Nicholas, đây là chia sẻ của ông ấy:

Chúng tôi đã chứng minh rằng hành vi vị tha được lan truyền qua các mạng lưới và sự đê tiện cũng vậy. Các mạng lưới sẽ phóng đại bất cứ thứ gì mà chúng được gieo giống. Chúng sẽ phóng đại Ebola, chủ nghĩa phát xít, bất hạnh và bạo lực, nhưng chúng cũng sẽ phóng đại tình yêu, lòng vị tha, hạnh phúc và thông tin.

Một người bạn hạnh phúc làm tăng khả năng bạn hạnh phúc thêm 9%. Một người bạn bất hạnh đồng nghĩa với hạnh phúc của bạn giảm đi 7%. Vâng, hạnh phúc dễ lây lan hơn bất hạnh. Nó là phiên bản khoa học của Nghiệp (karma) (Đọc thêm bài viết ở đây). Với hiệu ứng kéo dài qua ba cấp độ, có khả năng khi bạn bỏ ra chút sức mọn để giúp bạn bè hạnh phúc hơn thì hạnh phúc sẽ quay ngược trở lại với bạn. Nicholas phát hiện thấy nếu một người bạn trở nên hạnh phúc trong sáu tháng qua thì có 45% khả năng hạnh phúc của bạn cũng sẽ tăng lên. Tuyệt vời, hử?

Khoan hẵng nói, tôi sẽ kể câu chuyện thứ hai cho bạn:

Julius Wagner-Jauregg đã giành giải Nobel vào năm 1927 cho “liệu pháp lửa-gây sốt nhân tạo.” Ngoài việc có cái tên ngầu nhất trong số tất cả các liệu pháp, gây sốt nhân tạo sẽ tiếp tục cứu sống hàng chục ngàn người. Đây là thời điểm trước khi có kháng sinh, khi bệnh giang mai là một thảm họa. Bệnh này không có thuốc chữa. Nhưng lại có cách chữa bệnh sốt rét. Chuyện là thế này: vi khuẩn gây bệnh giang mai thực sự không thích nhiệt. Trong khi đó, bệnh sốt rét lại gây sốt cao. Vì vậy Wagner-Jauregg chủ động làm cho bệnh nhân mắc giang mai bị nhiễm sốt rét. Cơn sốt cao sẽ tiêu diệt giang mai. Khi ấy bạn sẽ chữa khỏi sốt rét. Bệnh nhân sẽ khỏi cả hai bệnh. 

Câu chuyện thông minh. Nhưng tất cả chuyện này có ý nghĩa gì?

Một mạng lưới có thể lan truyền một virut—nhưng nó cũng có thể lan truyền hạnh phúc, sự trợ giúp, lòng biết ơn và tính lạc quan.

Bạn có thể dùng một chứng lây nhiễm để chống lại một chứng lây nhiễm khác. “Lấy độc trị độc.”

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta khơi mào “đại dịch” của mình và dùng nó để chống lại đại dịch hiện tại?

Nó chỉ là một phép ẩn dụ thôi nhưng không sao cả; gần đây giấy phép sáng tạo của tôi đã được gia hạn ở DMV. Lưu ý, tôi không có ý khuyên rằng việc lan truyền hạnh phúc và sự tử tế ngay bây giờ sẽ tiêu diệt COVID-19 một cách màu nhiệm. Và tôi không muốn coi nhẹ một thứ hết sức nghiêm trọng.

Nhưng chúng ta cần giữ thái độ tích cực, lạc quan và hy vọng để tiếp tục chống lại chuyện này. Chúng ta cần giúp đỡ nhau. Chúng ta cần bảo vệ sức khỏe của mình, nhưng để làm vậy chúng ta cũng phải bảo vệ sức khỏe tinh thần của ta, tâm linh và linh hồn của ta để giữ được sự kiên cường.

Tổ tiên của chúng ta không leo lên đỉnh của chuỗi thức ăn để rồi tinh thần của họ bị khuất phục bởi một số chuỗi ARN lạ được cho là còn sống. Chúng ta không từ bỏ hy vọng. Nhân loại sẽ không quay trở lại những sinh vật đơn bào nguyên thủy và đóng cánh cửa đằng sau chúng ta. Chúng ta không thể để cho điều này làm ta thất vọng hay chia rẽ chúng ta.

Vậy hãy bắt đầu đại dịch cảm xúc tích cực của chúng ta để giữ cho tinh thần chúng ta mạnh mẽ cho trận chiến phía trước. Chúng ta sẽ lấy độc trị độc. Chúng ta sẽ lây lan mối quan hệ, sự trợ giúp, lòng biết ơn và tính lạc quan. Và chúng ta sẽ thắng.

Bạn đã sẵn sàng để bị lây nhiễm chưa?

1) Lây lan Sự kết nối

70% hạnh phúc của bạn đến từ mối quan hệ với người khác.

Theo cuốn sách The 100 Simple Secrets of Happy People:

Trái với niềm tin rằng hạnh phúc là thứ khó lý giải, hoặc nó phụ thuộc vào sự giàu có, các nhà nghiên cứu đã xác định được các yếu tố cốt lõi của một cuộc đời hạnh phúc. Các thành phần chính là số lượng bạn bè, sự thân thiết của bạn bè, sự gần gũi với gia đình và mối quan hệ với đồng nghiệp và hàng xóm. Các đặc điểm này cùng với nhau giải thích cho khoảng 70 phần trăm của hạnh phúc cá nhân.

– Murray và Peacock 1996

Nhưng với giãn cách xã hội, một số người trong chúng ta hiện giờ chẳng có ai kề bên. Và không có giao tiếp xã hội trong khoảng thời gian dài thì thật tệ. Rất tệ.

Theo cuốn sách The Village Effect: How Face-to-Face Contact Can Make Us Healthier and Happier:

Thậm chí nhiều tháng sau khi họ được thả, MRIs của các tù nhân chiến tranh ở Nam Tư cũ cho thấy những tổn thương thần kinh nghiêm trọng nhất ở những tù nhân từng bị biệt giam. “Thiếu tương tác xã hội kéo dài, bộ não con người có thể bị tổn hại giống như bộ não của một người từng bị một chấn thương đầu,” Gawande kết luận .

Cô đơn tương đương với việc bị đấm vào mặt. Và bạn đọc thân mến, đó không phải là phép ẩn dụ.

Phản ứng căng thẳng của bạn trước cả hai—gia tăng mức cortisol trong cơ thể bạn— là như nhau.

Theo cuốn sách Lost Connections: Uncovering the Real Causes of Depression–and the Unexpected Solutions:

Hóa ra cảm giác cô đơn khiến mức cortisol của bạn tăng vọt—giống như một số chuyện gây phiền nhiễu nhất từng xảy đến với bạn. Tình trạng cô đơn sâu sắc, thực nghiệm phát hiện ra, gây căng thẳng cho bạn giống như đang trải qua một vụ hành hung cơ thể. Điều này đáng được lặp lại. Tình trạng cô đơn sâu sắc có vẻ như gây ra nhiều căng thẳng tựa như việc bị một kẻ xa lạ cho ăn đấm.

Chúng ta có thể bị cách ly và cách biệt với người khác ở nhiều mức độ khác nhau, song điều này không có nghĩa là chúng ta ắt sẽ thấy cô đơn. Nghe kỳ quặc không? Không đâu. Hãy theo sát tôi.

Bạn đã bao giờ cảm thấy cô đơn khi ở trong một đám đông hay giữa một bữa tiệc chưa? Yeah. John Cacioppo quá cố là chuyên gia hàng đầu về sự cô đơn. Ông nói cảm giác cô đơn không phải do thiếu vắng con người. Chúng ta cảm thấy cô đơn vì chúng ta không chia sẻ được với người khác, không kết nối với họ. Đó là lý do tại sao bạn có thể được vây quanh bởi mọi người mà vẫn thấy cô đơn.

Hãy vươn ra. Đại dịch tích cực mới của chúng ta cần lan rộng và lan xa cảm giác kết nối.

Gửi một tin nhắn. Cầm điện thoại lên. Hãy gọi video call. Những tín hiệu khói và ra dấu. Bất cứ điều gì. Chỉ cần cho người khác biết rằng bạn quan tâm và đang nghĩ đến họ.  

Bạn biết cảm giác đó tuyệt đến thế nào khi được kết nối với người khác chứ? Nghiên cứu thì biết đấy. Nó mang lại cảm giác khá giống với việc kiếm được thêm $76,856 một năm:

Vì vậy, một người chỉ gặp bạn bè hay người thân của anh/cô ấy ít hơn một lần một tháng cho đến hoàn toàn không gặp sẽ cần phải kiếm thêm £63,000 một năm thì mới thấy mãn nguyện với cuộc sống giống như một người gặp mặt bạn bè hay người thân của anh/cô ấy gần như mỗi ngày.

Tìm đến và cho mọi người biết bạn đang nghĩ về họ. Chúng ta có những công cụ giao tiếp hiệu quả nhất trong tầm tay, lại còn miễn phí, 24/7. COVID-19 cần tiếp xúc trực tiếp thì mới lây được. Đại dịch tích cực của chúng ta thì chẳng cần.

Chúng ta có lợi thế.

2) Lây lan sự giúp đỡ

Hỏi người khác xem họ có cần giúp gì không. Những người khác ngay lúc này có thể cần nhiều hơn một chút so với những lời chúc tốt đẹp.

Tất cả mọi người nên làm điều này. Tất cả. Phải, ngay cả những người ích kỷ. Vì một chút quên mình thực sự có thể là cách tốt nhất để vì mình.

Như giáo sư Martin Seligman tại Đại học Pennsylvania, một trong những chuyên gia hàng đầu về hạnh phúc, đã giải thích trong cuốn sách của ông Flourish:

…những nhà khoa học chúng tôi đã phát hiện thấy làm một điều tử tế làm tăng mức độ hạnh phúc nhất thời đáng tin cậy hơn bất kỳ việc làm nào khác mà chúng tôi đã thử nghiệm.

Và điều gì xảy ra nếu bạn không chỉ ích kỷ mà còn là một kẻ ái kỷ ngạo mạn? Không hề gì. Tôi khuyến khích bạn nói với người khác rằng bạn đã giúp đỡ nhiều ra sao và được ghi nhận về điều này. Vâng, thật đấy.

Khi con người nhìn thấy người khác đang giúp đỡ (cộng đồng), họ có khả năng cũng xắn tay giúp đỡ. Hãy lây tinh thần vị tha cho người khác. Lòng vị tha đã ăn sâu trong chúng ta như những động vật có vú. Ngay cả loài chuột (vâng, chuột) cũng tin vào việc đền đáp, cho đi.

Theo cuốn sách The Price of Altruism:

Một nghiên cứu gần đây cho thấy một con chuột càng nhận được lợi ích từ hành động vị tha của một con chuột xa lạ thì sau này nó sẽ càng đối xử tử tế với những con chuột xa lạ khác.

Và ngược lại, nếu bạn cần giúp đỡ thì đừng ngại xin trợ giúp ngay bây giờ.

Phần lớn chúng ta (những người không ích kỷ, không ái kỷ) không bao giờ muốn trở thành gánh nặng cho người khác, song nghiên cứu chỉ ra chúng ta đánh giá thấp việc người khác sẵn sàng chìa tay ra giúp đỡ:

Một loạt nghiên cứu đã kiểm tra xem mọi người có đánh giá thấp khả năng người khác sẽ đồng ý với thỉnh cầu trợ giúp trực tiếp của họ hay không. Trong 3 nghiên cứu đầu tiên, con người đánh giá thấp lên mức 50% khả năng những người khác sẽ đồng ý trước một thỉnh cầu trợ giúp trực tiếp, trên một loạt thỉnh cầu xảy ra ở cả bối cảnh tự nhiên và thử nghiệm.

Hãy lây lan sự giúp đỡ. Và xin sự trợ giúp khi bạn cần. Hãy giữ liên lạc để tất cả chúng ta đều có thể nhận được thứ mình cần ngay lúc này.

3) Lây lan lòng biết ơn  

Lòng biết ơn là nhà vô địch hạng nặng không thể bàn cãi của hạnh phúc. Nghiên cứu nói gì? Không thể nào rõ ràng hơn điều này:

…một người càng có xu hướng biết ơn, anh/cô ấy càng ít có khả năng bị trầm cảm, lo âu, cô đơn, ganh tị hay dễ bị kích động.

Tôi biết, một số người đang nói rằng bây giờ họ có rất ít thứ để biết ơn. Có lẽ điều đó đúng thật, cũng có thể sai nhưng đoán xem?

Không quan trọng. Bạn chẳng cần phải tìm kiếm thứ để biết ơn. Chỉ riêng hành động tìm kiếm là được rồi, theo nhà khoa học thần kinh ở UCLA Alex Korb.

Theo cuốn The Upward Spiral:

Nhớ phải biết ơn là một dạng của trí tuệ cảm xúc. Một nghiên cứu phát hiện thấy nó thực sự ảnh hưởng đến mật độ tế bào thần kinh ở vùng mặt trước bụng giữa vỏ não và vỏ não trán trước bên. Những thay đổi về mật độ này cho thấy khi trí tuệ cảm xúc tăng lên, các tế bào thần kinh ở những vùng này trở nên hiệu quả hơn. Với trí tuệ cảm xúc cao hơn thì bạn sẽ chẳng mấy tốn sức để tỏ lòng biết ơn. 

Hãy lây lan lòng biết ơn. Gửi đi một tin nhắn cảm ơn là một cách tuyệt vời để làm cả hai người hạnh phúc và lây lan đại dịch tích cực của chúng ta.

Nhà nghiên cứu về hạnh phúc ở trường Harvard, Shawn Achor đã kiểm tra điều này—và nó có hiệu quả. Đây là chia sẻ của Shawn:

Điều đơn giản nhất bạn có thể làm trong 2 phút là viết email khen ngợi hoặc cảm ơn một người nào đó mà bạn biết. Chúng tôi đã làm điều này ở Facebook, US Foods cũng như ở Microsoft. Chúng tôi yêu cầu họ viết email ca ngợi hoặc cảm ơn một người mà họ biết và mỗi ngày lại viết cho mỗi người khác nhau trong 21 ngày liên tiếp. Chúng tôi khám phá ra điều đó đã làm tăng mức độ kết nối xã hội của họ, vốn là nguồn mang lại hạnh phúc lớn nhất trong các tổ chức.  

Và đừng quên những người mà bạn có thể bị cách ly cùng với họ. Bây giờ một số người trong chúng ta đang phải tham gia một cách không tự nguyện vào chương trình truyền hình thực tế kéo dài 24/7 với người bạn đời của mình và có thể gây căng thẳng cho bất cứ mối quan hệ nào.

Vì vậy đừng quên bày tỏ lòng biết ơn đối với họ. Nghiên cứu của Eli Finkel tại Northwestern cho thấy ngay cả khi chỉ một trong hai bạn cảm thấy biết ơn thì cả hai vẫn cảm thấy mãn nguyện hơn với mối quan hệ.  

Tôi biết, mọi người thường lầm bầm một lời cảm ơn chiếu lệ và nó chả có mấy ý nghĩa, đúng không nào? Chính xác. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là cần phải rất cố gắng và thực lòng biết ơn đối với những việc mà người bạn đời của bạn đã làm.

Nghiên cứu cho thấy quan trọng không phải lời nói—mà là cảm giác.

4) Lây lan tính lạc quan  

Nghiên cứu cho thấy sự lạc quan làm tăng hạnh phúc, sức khỏe, tính kiên cường và thậm chí là may mắn. (Phải, may mắn — vì tính lạc quan giúp con người cởi mở hơn trước những cơ hội mới mà chúng thường không xảy đến khi bạn nói không với tất cả mọi thứ.)

Một số người sẽ cho rằng sự lạc quan thái quá sẽ dẫn đến nguy hiểm, rằng chúng ta có thể trở thành người lạc quan quá mức cho phép và không xem xét vấn đề một cách nghiêm túc. Và biết sao không? Họ đúng đấy. Chúng ta nên cẩn thận với sự lạc quan để ta không bỏ qua những vấn đề nghiêm trọng. Giáo sư Martin Seligman có một phương pháp giúp bạn tạo ra sự cân bằng:

Bất cứ khi nào bạn không chắc chắn về việc liệu lạc quan có phải là cách đúng đắn để giải quyết chuyện gì đó không thì hãy tự hỏi bản thân câu: “Cái giá của việc phạm phải sai lầm ở đây là gì?”

Theo cuốn Learned Optimism:

Phương châm cơ bản để không sử dụng óc lạc quan là hỏi cái giá của thất bại trong một tình huống cụ thể là gì. Nếu cái giá của thất bại là cao, thì lạc quan là một chiến lược sai. Người phi công trong buồng lái quyết định liệu có nên làm tan băng máy bay một lần nữa hay không, người tiệc tùng quyết định có nên tự lái xe về nhà sau khi đã uống rượu không, một người vợ/chồng thất vọng với cuộc hôn nhân quyết định liệu có nên bắt đầu ngoại tình, nếu bị phanh phui thì hôn nhân sẽ tan vỡ thì không nên dùng chiến lược lạc quan. Ở đây cái giá của thất bại lần lượt là, cái chết, tai nạn xe hơi và một cuộc ly hôn. Sử dụng các kỹ thuật nhằm giảm thiểu những cái giá trên là không phù hợp. Trái lại, nếu cái giá của thất bại là thấp thì hãy dùng đến sự lạc quan.

Chẳng hạn, nếu bạn đang mắc phải những triệu chứng bệnh nghiêm trọng, đừng lạc quan rằng chúng sẽ tự biến mất và không đi chữa bệnh. Nhưng nếu cái giá của việc phạm sai lầm chỉ là một cảm giác thất vọng tí chút khi sự việc không diễn ra theo ý bạn, thì ngay bây giờ tốt hơn là nên giữ thái độ lạc quan.

Và hãy lan truyền sự tích cực đó. Những hiệu ứng gia tăng tính kiên cường của óc lạc quan mạnh mẽ đến nỗi quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện một kế hoạch dạy tư duy lạc quan cho các binh sĩ. Và tất cả chúng ta có thể sử dụng một chút khả năng phục hồi ngay bây giờ.

Đâu là cách tốt nhất để giúp người khác giữ được tinh thần phấn chấn? Khiến cho họ cười. Óc hài hước mang đến một bộ đệm mạnh mẽ chống lại căng thẳng và sợ hãi.

Theo cuốn sách Nerve: Poise Under Pressure, Serenity Under Stress, and the Brave New Science of Fear and Cool:

“Sự hài hước liên quan đến việc chơi đùa với các ý tưởng và khái niệm,” theo Martin, giảng viên ở trường Đại học Western Ontario. “Vậy nên bất cứ khi nào ta thấy điều gì đó khôi hài; ấy là vì chúng ta đang nhìn nó từ một quan điểm khác biệt. Khi con người bị kẹt trong một hoàn cảnh căng thẳng và cảm thấy đuối, chính là họ đang kẹt trong một lối tư duy: ‘Chuyện này thật kinh khủng. Mình phải thoát ra khỏi đây’. Nhưng nếu bạn có thể  chọn góc nhìn hài hước thì khi ấy theo định nghĩa, bạn đang nhìn sự việc khác đi—bạn đang phá vỡ lối tư duy cứng nhắc đó.”

Bây giờ, những cái ôm không phải là một lựa chọn, nên bạn hãy gửi đi tiếng cười. Bạn bè bạn sẽ cảm kích vì điều đó. Nụ cười mang đến nhiều niềm vui cho bộ não tương đương với 2000 thanh kẹo socola.

Theo cuốn sách Smile: The Astonishing Powers of a Simple Act:

Rất nhiều nghiên cứu về phản hồi trên khuôn mặt cho thấy mỉm cười có cảm giác thật tuyệt vời. Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Anh làm việc với Công ty Hewlett-Packard Development, tìm cách định lượng và tìm hiểu ý nghĩa của tất cả các hoạt động não bộ. Họ dùng một máy quét não điện từ và máy theo dõi nhịp tim để thiết lập “các giá trị nâng cao tinh thần” cho các kích thích não bộ khác nhau…Tùy thuộc vào nụ cười (của ai) mà bạn nhìn thấy, các nhà nghiên cứu khám phá ra một nụ cười có thể mang lại niềm vui và kích thích tương đương với 2000 thanh kẹo socola!

Hạnh phúc, sức khỏe, sự kiên cường và may mắn, tất cả đều rất cần thiết ngay bây giờ. Cho nên hãy lây lan sự lạc quan. Đây là một phần của giao thức “vệ sinh hạnh phúc“ mới của bạn. Và rồi sau đó đi rửa tay. Vâng, lại lần nữa.

Tóm tắt

Đây là cách chúng ta khơi mào đại dịch tích cực:

  • Lây lan sự kết nối: Chỉ cần để người khác biết rằng bạn đang nghĩ về họ và họ có ý nghĩa đối với bạn.
  • Lây lan sự giúp đỡ: Giúp đỡ khi bạn có thể và xin được trợ giúp khi bạn cần.
  • Lây lan lòng biết ơn: Nói cảm ơn. Và thật tâm cảm nhận điều đó.
  • Lây lan tính lạc quan: Nếu cái giá của việc phạm sai lầm là thấp thì cứ để bản thân tin rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.

Theo giáo sư Martin Seligman, câu hỏi màu nhiệm nào là dự đoán tốt nhất liệu bạn sẽ sống hạnh phúc đến 80 tuổi?

“Trong cuộc đời, bạn sẽ không ngại gọi điện cho ai vào lúc 4 giờ sáng để kể về những rắc rối của mình?”

Theo cuốn sách Flourish: A Visionary New Understanding of Happiness and Well-being:

Nếu câu trả lời của bạn là có, bạn có khả năng sống lâu hơn những ai trả lời không. Theo George Vaillant, nhà tâm thần học Harvard khám phá ra sự thật này, sức mạnh mấu chốt là khả năng được yêu thương.

Mối quan hệ của chúng ta với người khác thường là chìa khóa cho sự sống còn và hạnh phúc của chúng ta. Đó là điều mà ta cần ghi nhớ ngay lúc này. Và nó là một ý tưởng chúng ta cần lan truyền.

 

Dịch: Rubi

Nguồn: https://www.bakadesuyo.com/2020/03/pandemic/

menu
menu