Đời Là Một Trò Chơi Điện Tử - Và Đây Là Mã Gian Lận

doi-la-mot-tro-choi-dien-tu-va-day-la-ma-gian-lan

Chào mừng, Người Chơi Số 1, đến với chỉ dẫn chiến lược trong trò chơi có tên Cuộc đời.

Chào mừng, Người Chơi Số 1, đến với chỉ dẫn chiến lược trong trò chơi có tên Cuộc đời.

Như bạn chắc chắn sẽ nhận ra, trò chơi Cuộc đời đôi khi thật khó nhai. Bạn sẽ phải đối mặt với những thách thức đầy bất ngờ và những quãng thời gian thất vọng ê chề. Bạn sẽ thường vật vã với mối nghi ngờ bản thân, cảm thấy hoang mang bởi sự vô dụng và mất mát, và thi thoảng phải hứng c*t khi mà bạn hết sạch giấy vệ sinh.

Vâng, Đời rất dở, như các cụ vẫn thường bảo thế.

Nhưng đừng sợ, cái cẩm nang nhỏ xinh này được tạo ra để giúp bạn thực hiện sứ mệnh của mình và hoàn thành trò chơi ở cấp bậc cao nhất có thể.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÀNH CHIẾN THẮNG TRONG TRÒ CHƠI CUỘC ĐỜI

Mục tiêu của trò chơi Cuộc đời rất đơn giản: đó là Lên Bàn hết mức có thể. Mỗi một Bàn trong cuộc sống đưa ra một thách thức cụ thể mà bạn phải vượt qua. Một khi bạn vượt qua được thách thức đó, bạn sẽ được lên Bàn tiếp theo. Mục tiêu của bạn là lên được càng nhiều bàn càng tốt. Và đến cuối trò chơi, người chơi được đến bàn cao nhất sẽ có lễ mai táng hoành tráng nhất.

Đừng lo, Nhà vô địch, cậu sẽ giành được nó.

Trò chơi Cuộc đời có năm bàn tất thảy:
• Bàn 1 – Tìm thức ăn; tìm chốn ngủ vào ban đêm
• Bàn 2 - Nhận thức rằng bạn rồi sẽ chết
• Bàn 3 – Tìm kiếm người ấy của bạn
• Bàn 4 – Làm điều quan trọng và có giá trị đối với cả bản thân bạn và những người khác
• Bàn 5 - Gây dựng di sản

Bàn 1 chỉ có ý nghĩa rằng bạn không phải là kẻ vô gia cư và/hoặc đang đói ăn. Đây là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ một điều gì khác. Nhiều khả năng là, nếu như bạn bị mắc kẹt ở Bàn 1, thì hiện tại bạn chẳng thể đọc được bài viết này.

Bàn 2 có hơi phức tạp hơn một chút, bởi vì nhiều người tuy có một cái giường ấm đệm êm để ngả lưng vào mỗi tối, nhưng họ không ngủ nổi với tiếng súng nổ bên ngoài hay bọm dội trong thành phố, hoặc có lẽ là ông bô xỉn quắc cần câu của họ đang cố châm lửa đốt nhà để mà nướng mực cũng nên.

Mấy chuyện này thực chẳng hay ho gì. Bàn 2 yêu cầu bạn tìm kiếm một mái nhà an toàn và yên ổn mà sinh sống. Để vượt qua được Bàn 2 thì bạn cần phải tìm cách giải thoát bản thân mình khỏi những tình huống hiểm nghèo.

Bàn 3 có nghĩa là những mối quan hệ, tìm kiếm người phù hợp để yêu và người phù hợp yêu bạn.

Việc này nghe qua thì có vẻ dễ dàng và hay hớm hơn hẳn so với thực tế. Chủ yếu là bởi vì, như bạn cũng có thể nhận ra, hầu hết mọi người đều tệ lậu như nhau.

Tìm ra người đặc biệt hơn hẳn là cả một vấn đề đau đầu và phức tạp mà tôi sẽ đề cập tới sau.

Bàn 4 có nghĩa là xây dựng một số kỹ năng hay tri thức hay năng lực mà sẽ cộng thêm giá trị cho thế giới quanh bạn và đồng thời trong suốt quá trình đó bạn sẽ thấy mình là thằng cực kì giỏi.

Bàn 5 chỉ có nghĩa là đảm bảo rằng cuộc đời bạn có ý nghĩa khi bạn về giời. Chúc bạn may mắn với cái danh hiệu đó nhá.

Hầu hết chúng ta đều có cái đầu óc lành lặn ở vạch xuất phát nhờ ơn các đấng sinh thành. Nếu như bạn may mắn, ông bà già sẽ thành công dẫn dắt bạn đi từ Bàn 1 lên Bàn 3 và có thể còn cho bạn một nền tảng tốt đẹp để qua được Bàn 4.

Nếu như bố mẹ bạn có chăm sóc bạn từ thưở bé nhưng lại khiến bạn chịu ít nhiều tra tấn về mặt tinh thần, thì bạn sẽ qua được Bàn 1 và 2 dễ dàng nhưng phải tự lực cánh sinh ở Bàn 3.

Còn nếu bạn được sói nuôi ấy hả, a) xin chúc mừng khi bạn tự học đọc chữ đánh vần, và b) làm ơn đừng có gặm cái điện thoại di động mà bạn đang cầm trên tay.

KIẾN THIẾT CUỘC ĐỜI

Cuộc đời là một trò chơi có quy mô lớn và phức tạp. Đó là trò chơi có quy mô lớn nhất trên thế giới tính đến hiện nay. Chúng ta đều bắt đầu với những xuất phát điểm khác nhau và chúng ta được đặt vào những môi trường vô cùng đa dạng mà có thể sẽ mang lại cho ta lợi thế hoặc bất lợi.

Nhưng bởi vì hầu hết mọi người đều gặp khó khăn trong việc giải nghĩa Cuộc sống, nên họ cho rằng mình không thể kiểm soát Cuộc đời. Nhưng chẳng có điều gì lại đi xa hơn sự thật hết.

Thực ra cuộc đời là một trò chơi được thiết kế đơn giản một cách đáng ngạc nhiên. Nó được dẫn dắt bởi một vài nguyên lý cơ bản mà được tạo ra để mang đến cho người chơi một sự trải nghiệm về rất nhiều sự ngẫu nhiên.

1. Cuộc đời được thiết kế để liên tục ném những khó khăn và vấn đề không lường trước được vào mặt bạn. Cuộc đời là một loạt những vấn đề không bao giờ chấm dứt mà bạn cần phải đối mặt, vượt qua và/hoặc giải quyết. Nếu tại một thời điểm nào đó, Đời hết cả vấn đề dành cho chúng ta, thì với tư cách là những người chơi, ta sẽ vô thức tự sáng tạo ra những vấn đề cho bản thân. Những vấn đề giúp chúng ta bận rộn và mang đến ý nghĩa cho cho cuộc sống của ta và, vì lẽ đó, cần thiết để chinh phục Bàn 4 và 5 (mang đến giá trị và để lại di sản).

Là những người chơi, chúng ta dành phần lớn thời gian của mình để chuẩn bị trước những vấn đề được đoán trước. Nhưng bởi vì sự chuẩn bị này mà, theo như định nghĩa, vấn đề khó khăn nhất mà ta gặp phải trong Cuộc sống sẽ là những gì nằm ngoài sự tiên đoán của ta.

Sự oanh tạc liên tục của những vấn đề không được kỳ vọng mang đến cho người chơi cái cảm giác rằng họ không thể kiểm soát Cuộc đời mình, trong khi thực ra, mục đích của Cuộc đời không nằm ở chỗ kiểm soát những gì xảy đến với bạn, mà là kiểm soát và lựa chọn một mức độ phản ứng cao hơn trước những gì xảy ra với bạn.

2. Người chơi có thể phản ứng trước vấn đề bằng Giải pháp hoặc sự Sao lãng. Tất cả người chơi sẽ phải đối mặt với vấn đề bằng sự phản ứng (ngay cả khi chọn việc không phản ứng lại một vấn đề, thì tự nó, vẫn là một phản ứng).

Mọi sự phản ứng được chia thành hai loại: Giải pháp và Sao lãng.
Giải pháp là những hành động và mục tiêu mà giúp giải quyết một vấn đề nhằm ngăn ngừa nó tiếp tục tiến triển hay xảy ra trong tương lai. Sao lãng là những hành động hay mục tiêu được thiết lập khiến Người chơi hoặc không nhận biết về sự tồn tại của vấn đề hoặc là làm tê liệt nỗi đau mà vấn đề gây ra cho họ.

Nếu như Người chơi cảm thấy rằng họ hiểu rõ một vấn đề và có thể giải quyết được nó, họ sẽ theo đuổi một Giải pháp. Nếu như người chơi chỉ thấy phát ốm lên được với mấy đống cức của Cuộc đời, thì họ sẽ thích thú hơn với việc theo đuổi sự Sao lãng nhằm giúp họ giả vờ như thể vấn đề không thật sự có đó.

3. Càng sử dụng nhiều Giải pháp hoặc sự Sao lãng hơn, thì ta càng tự động và dễ dàng vận dụng nó trong tương lai. Bạn càng sử dụng nhiều Giải pháp hay sự Sao lãng, thì nó sẽ càng dễ được sử dụng lại hơn, tới một mức độ nào đó thì nó sẽ trở thành sự vô thức và tự động. Một khi một Giải pháp hoặc sự Sao lãng trở thành vô thức và tự động, nó trở thành Thói quen.

Những thói quen là điều cần thiết bởi vì chúng ngăn bạn khỏi việc rơi trở lại Bàn trước mà bạn đã vượt qua. Là người chơi, một khi bạn đã tìm ra được Giải pháp cho một Bàn, bạn cần phải sử dụng Giải pháp đó đủ nhiều để biến nó trở thành một Thói quen, do đó sẽ chơi tốt bàn này và lên được Bàn tiếp theo.

4. Giải pháp đưa chúng ta tới Bàn tiếp theo, Sao lãng buộc chúng ta ở lại Bàn. Để lên được Bàn trong trò chơi Cuộc đời đòi hỏi việc giải quyết vấn đề, việc làm sao lãng bản thân khỏi những vấn đề của chúng ta chỉ càng đảm bảo rằng ta sẽ mắc kẹt mãi ở một Bàn.

Nếu như mà Sự sao lãng của ta trở thành Thói quen, thì chúng ta sẽ viễn vĩnh mắc kẹt ở một bàn và còn không hề nhận ra được điều đó. Nếu như mà bạn băn khoăn rằng vì sao mà tất cả các mối quan hệ yêu đương của bạn đều kết thúc trong đau khổ suốt cả chục năm qua, thì rất có thể là vì những Thói quen-Sao lãng của bạn đang ngăn cản bạn khỏi việc đạt đến những sự thân mật thực sự để qua được Bàn 3.

5. Công thức dành cho việc chiến thắng trò chơi Cuộc đời thực ra cực đơn giản luôn:

a) xác định chính xác những Giải pháp và Sao lãng của bạn
b) loại bỏ hết những Sao lãng
c) ????
d) lợi ích

Một ví dụ đơn giản: Tôi gặp một vấn đề trong công việc và lão sếp của tôi thì ghét tôi, nên hoặc là tôi có thể theo đuổi một Giải pháp (đối mặt với lão sếp, yêu cầu được thuyên chuyển, làm việc chăm chỉ hơn, vân vân) hoặc là tôi có thể theo đuổi sự Sao lãng (bù khú mỗi đêm, hút cần, vừa xem mấy bộ phim hoạt hình Disney vừa tự sướng, vân vân.).

Tôi càng chọn lựa Giải pháp nhiều hơn, thì việc tôi tiếp tục lựa chọn Giải pháp trong tương lai cũng sẽ dễ dàng hơn, do đó sẽ dẫn đến việc Lên Bàn. Nếu tôi càng chọn Sao lãng nhiều hơn, thì về sau này tôi sẽ càng dễ tìm đến Sao lãng hơn, và vì thế mà tôi sẽ sớm trở thành một thằng lông bông với thói quen tình dục quái đản.

Gạch đầu dòng cuối cùng trước khi tôi hướng dẫn bạn làm cách nào để hoàn toàn gian lận trong trò chơi Cuộc đời và xây được cái kim tự tháp khổng lồ cho bản thân khi bạn về ngắm gà khoả thân với ông bà tổ tiên:

Chỉ bởi vì bạn Lên Bàn không có nghĩa là các vấn đề ở các bàn trước đó dừng lại. Một người thì vẫn cứ phải ăn (Bàn 1). Tất cả chúng mình đều cần phải ở trong trạng thái an toàn mới mong đạt tới bất kỳ điều gì (Bàn 2). Các mối quan hệ đều đòi hỏi sự cố gắng (Bàn 3), bla bla bla.

Vì thế hãy nghĩ về việc Lên Bàn không nhất thiết là phải đi từ việc tung bóng chày sang tung hứng dao. Thay vì vậy, Lên Bàn giống như là bạn bắt đầu với tung hứng ba con dao rồi tăng lên bốn, rồi năm, và cứ tiếp tục như vậy.

Dưới đây là 5 mã gian lận nhằm giúp bạn tự định hướng trong Cuộc đời và đi đến cuối cùng với sự mãn nguyện và Lên-Bàn.

Việc nhập vào mấy mã gian lận này thì tương đối dễ: bạn chỉ cần nhấm phím Tab trên chức năng Màn hình chính để truy cập vào Trí nhớ của bản thân. Trí nhớ là nơi mà bạn sẽ tích cực quan sát bản thân mình và lựa chọn đối tượng suy nghĩ. Từ đây, chỉ cần gõ vào những mã gian lận bên dưới vào ô “Não” và rồi nhấn phím ENTER.

(Chú ý: Những mã này, cũng giống như Giải pháp và Sao lãng, cũng đòi hỏi việc phải thực hiện liên tục. Vì vậy bạn nên kiên trì với chúng. Tự chúng sẽ trở thành Thói quen cả thôi.)

MÃ GIAN LẬN #1: TÔI CHỊU TRÁCH NHIỆM TRƯỚC ĐIỀU NÀY

Nguyên nhân số một khiến mọi người làm sự việc rối tung hết cả lên là tự cho rằng mình chẳng thể làm gì trước những vấn đề mà Cuộc đời trao cho họ.

Bạn luôn có thể làm được điều gì đó với những vấn đề mà Đời ném bạn.

Khi mà bạn quyết định rằng mình chẳng thể làm gì để giải quyết một vấn đề, ngay lập tức bạn tự hạn chế các phản ứng có thể của bản thân trong sự Sao lãng. Và nếu như mà bạn hạn chế sự phản ứng của mình bằng sự Sao lãng đến một mức độ nào đó, chẳng chóng thì chầy bạn sẽ tạo nên một Đời sống không có gì ngoài những Thói quen Sao lãng. Bạn sẽ chạy trốn khỏi mọi thứ, và mọi người, vào mọi lúc. Và có thể bạn sẽ còn trở thành một con lợn ích kỷ hạng A nữa cơ.

(Thêm một cái gạch đầu dòng nữa nè: “sự ích kỷ” về cơ bản là một xu hướng của sự Sao lãng trước các Giải pháp. Bởi vì những người xung quanh bạn và các mối quan hệ của bạn được hưởng lợi từ các Giải pháp và sự Sao lãng thường cô lập bạn khỏi những người khác, việc thường xuyên theo đuổi sự Sao lãng sẽ khiến bạn trở thành một kẻ mà chẳng mấy ai thèm chơi cùng – trừ khi, là, họ cũng cùng theo đuổi một sự sao lãng giống như bạn. Bạn biết đấy, kiểu như là sinh đôi cùng trứng ấy, đại loại vậy.)

“Mã gian lận” số 1 này rất là quan trọng nhé, tôi có lần từng viết một bài có tiêu đề “Niềm tin cơ bản” và đăng lên Facebook những ba lần liền. Một số người lại còn bấm nút ‘share’ nữa chứ, mà không phải chỉ có mỗi mình mẹ tôi đâu. Bởi vì mã gian lận #1 rất quan trọng, nên tôi đã dành hẳn một chương trong quyển sách của mình cho nó. Và nó quan trọng tới mức mà nếu như bạn bất tỉnh nhân sự vì say quá cỡ thợ mộc trong một buổi tiệc tùng nào đó, thì tôi sẽ lấy bút dạ mà viết nó lên cái trán bóng dầu của bạn.

MÃ GIAN LẬN #2: VIẾT MẤY CÁI C*T NÀY RA NÀO

Không, tôi không bảo bạn giải trình việc bạn nợ thằng bạn nối khố, Mike, $12 tiền bia đâu. Mặc dù, điều này kể ra thì cũng đáng ghi lại đấy.

Việc tách biệt các Giải pháp khỏi sự Sao lãng trong cuộc đời bạn là vô cùng khó khăn và phức tạp. Đó là bởi vì chúng ta có khuynh hướng tự dối lòng về những sự Sao lãng. Chúng ta tự nói với mình rằng chúng ta cần tới sự Sao lãng của mình. Chúng ta tự nói với mình rằng sự Sao lãng của ta chỉ đơn giản là thú vui vô hại mà thôi. Và rằng chúng ta hoàn toàn kiểm soát được chúng, và vầng, có thể tôi thức dậy trên đống nôn mửa của mình dưới một cái gầm cầu nào đó, cơ mà ít nhất thì tôi vẫn còn nhớ ra được mình vứt xe ở đâu. Đấy, thấy chưa, anh sống có trách nhiệm thế cơ mà.

Nhưng tệ nhất là, đôi khi chúng ta đâm ra tin rằng Sao lãng thực sự là một Giải pháp. Chúng ta cho rằng việc dành ra 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày mài mông ở văn phòng sẽ khiến gia đình ta yêu ta nhiều như ta mong muốn, rằng kéo vĩ cầm trong công viên kiếm vài đồng tiền lẻ sẽ mang tới một sự nghiệp vĩ đại.
Chúng ta thường có thể bỏ ra nhiều năm trời (hay nhiều chục năm trời) để theo đuổi những điều mà ta tin là sẽ khiến cho ta bay cao và bay xa chỉ để nhận ra rằng về cơ bản ta đã ngồi nghịch ti mình suốt 12 năm qua, và trong khi cái trò đấy cũng phê vãi ra, thì ta nào có khoe được chuyện này với ai.

Do vậy, chúng ta đều cần phát triển khả năng quan sát suy nghĩ của chính mình. Các nhà tâm lý học đôi khi gọi việc này là “siêu nhận thức.” Trước đây, tôi thích gọi nó là khiếp-vãi. Nhưng mà trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đơn giản gọi nó là “đừng có mà tự bôi c*t lên mặt.”

Để có thể quan sát được những suy nghĩ của mình và không bị người khác ghét bỏ, bạn cần phải lôi những suy nghĩ của bản thân ra trước mặt bạn và giả vờ như thể chúng không thuộc về bạn. Chỉ khi ấy thì bạn mới có thể thấy được mấy cái suy nghĩ của mình thật sự lố bịch ra sao.

Một phương pháp phổ biến là thường xuyên viết ra những thứ ở trong đầu bạn.

Bạn có thể sử dụng nhật ký, hay blog (mà các chú nghĩ là mấy cái bài viết kiểu này ở đâu mà ra hử?), hoặc cũng có thể là những lá thư tay/thư điện tử gửi tới bạn bè và người nhà.

Điều quan trọng là bạn tích cực đào sâu vào các vấn đề của đời mình và nhìn lại các hành vi của bản thân dưới con mắt của người thứ ba.

Ví dụ như, tôi biết điều này nghe rất chi là hay ho khi mà bạn quyết định đối diện với mấy vấn đề của Mẹ bằng cách nốc thuốc và ngủ với hàng tá mấy em độc thân cần yêu chỉ hòng có được niềm vui khi đá bay mấy ẻm sau đó. Đó có vẻ là một ý kiến hay. Nhưng bạn hãy cầm bút viết ra đi. Để mà xem bạn đáng đánh ra sao.

Việc trị liệu tâm lý cũng có tác dụng tương tự. Bạn chỉ việc ngồi xuống một cái ghế và lải nhải một đống thứ với cái người ngồi ở đằng kia mà đang giả vờ là quan tâm tới bạn lắm. Rồi thì cái người ấy nhai lại mấy cái suy nghĩ của bạn với bạn, chỉ theo một cách diễn đạt khác mà thôi. Và rồi thì bạn có phản ứng thế này, “Ối, khoan đã, nghe sao mà vô lý thế nhỉ. Nhưng cảm ơn nhiều nhé, Bác sĩ.” Và rồi thì bạn rơi vào tình cảnh lâm li bi đát bởi vì gói bảo hiểm y tế của bạn đâu có chi trả cho cái tiết mục này.

Vì vậy, nếu như mà bạn cũng giống như phần lớn những người dân Mỹ khác và không có bảo hiểm, thì bạn có thể giải quyết gần như triệt để vấn đề bằng cách xây dựng một thói quen kinh tế hơn nhiều là hãy viết mấy cái c*t ấy ra.

MÃ GIAN LẬN #3: ĐỪNG CÓ MÀ PHÀN NÀN LÀM ÉO GÌ NỮA

Thực ra thì than vãn có giải quyết được cái gì đâu. Sorry Airline? Thằng taxi lái xe như đang phê tài mà? Cửa hàng pizza yêu thích của bạn hết mất món tủ pepperoncini?

Hãy hít sâu vào nào… rồi giữ hơi thở trong… mãi mãi, bởi vì bạn cần phải ngậm miệng lại.

Việc phàn nàn mang đến vấn đề và rồi kéo dài nó mãi. Nó khiến cho một sự việc bất kỳ từ một sự khó chịu trở thành một nỗi đau có thật và rồi trở thành một thực thể xã hội, và các thực thể xã hội này trở nên thật tệ hại bởi vì chúng ta cảm thấy bắt buộc phải đứng bên chúng và bảo vệ chúng và làm cho mọi người hiểu được chúng và ĐỒNG Ý VỚI CHÚNG TA. Và rồi thì bạn trở thành thằng cha cứ KHĂNG KHĂNG rằng cái nhà hàng này lởm vãi, và cố sống cố chết bảo vệ ý kiến của mình, mặc dù thật ra, bạn cũng chẳng phiền lòng lắm đâu, và bạn vẫn cứ thích cái chốn ấy nếu như mà bạn không lỡ làm nhặng xị hết cả lên.

Mọi người than vãn không hẳn bởi vì một điều gì đó thật tệ hại. Mọi người than vãn bởi vì họ muốn tìm kiếm sự cảm thông và để cảm thấy được gắn kết với những người xung quanh mình.

Thật không may, than vãn có thể là cách thức kém hiệu quả nhất để kết nối với những người khác. Cũng giống như là bạn tập các bài tập bổ trợ cho tim bằng cách cố bơi trong đám rong biển vậy. Vâng, đúng là bạn có tập luyện thật, nhưng ui, có cái gì trên mặt bạn kia?

MÃ GIAN LẬN #4: NGỪNG NGAY VIỆC MỘNG MƠ GIỮA BAN NGÀY

Nhớ hồi còn học đại học, tôi từng ghi danh vào một lớp Thiền tập, và tôi nhớ là giáo viên hướng dẫn, trong buổi giao lưu, gợi ý rằng hãy cố gắng ngừng mơ giữa ban ngày và hãy từ bỏ tất cả những giấc mộng nói chung.

Hồi ấy tôi khoảng 20 tuổi, và vì thế, tôi dành phần lớn thời gian còn thức trong ngày vào a) mấy em xinh tươi, b) gẩy đàn guitar trước mặt mấy em xinh tươi, hoặc c) lao vào mấy bữa tiệc vui vui toàn mấy em xinh tươi.

Chẳng cần nói cũng biết, mấy lời dạy của giáo viên dạy thiền làm hỏng hết cả mấy cái suy nghĩ mang lại cho tôi hạnh phúc vô bờ vào thời điểm đó. Cho nên là tôi xua ngay cái khái niệm ấy đi giống như thể mấy con miu ghét tắm vậy.

Nhưng mà khi tôi già hơn một tẹo, khi thực sự đã vượt qua thời kỳ ám-ảnh-với-mấy-em-xinh-tươi mà tôi nghĩ rằng là một yêu cầu đối với bất kỳ ai tìm kiếm dấu hiệu của sự trưởng thành, và nhận ra rằng cô giáo dạy thiền (vâng ạ, là cô đấy) nói mới đúng làm sao.

Sức tưởng tượng của con người quả là vô biên. Và trí tưởng tượng là một trò chơi thú vị – đó là điều thu hút ta đến với những cuốn sách và những bộ phim và những chương trình truyền hình mà ta xem say sưa vào mỗi cuối tuần.

Nhưng khi áp dụng vào bản thân, thì trí tưởng tượng có thể trở thành một hình thức Sao lãng khác. Nó có thể là một cách thức để tránh khỏi những điều là thật và đúng đối với chúng ta trong thời điểm này, là một cách sống gián tiếp qua những hình ảnh và những ý tưởng mà người khác bơm vào đầu chúng ta. Đó là một cách để mang lại cảm giác thành tựu, trong khi những việc ta cần làm chỉ là ngồi dài trên ghế salon ở nhà, một mình.

Hầu hết những sự tưởng tượng lặp đi lặp lại của chúng ta về bản thân là sự phản phản ứng lại của ta trước nỗi bất an của chính mình.

Nếu tôi mà liệt kê ra tất cả những nỗi bất an xuất hiện trong bức ảnh này, thì chắc là tôi phải viết thêm một bài nữa quá.

Tôi sẽ cho bạn được quyền đoán về sự tự ti lớn nhất của tôi hồi tôi còn 20 cái xuân xanh là gì… Ừa, mấy bé xinh tươi (hoặc là sex, hoặc là trở nên hấp dẫn/được yêu thích/được khao khát, hay là bất cứ cái tên gì mà bạn đặt cho nó).

Và những mộng mơ ấy không giúp gì cho tôi trong việc giải quyết sự tự ti của bản thân hết. Mà ngược lại, khuynh hướng sống trong thế giới ảo tưởng của tôi (*e hèm* porn *e hèm*) làm tôi bị ám ảnh với việc coi thường phụ nữ và xem họ như là những cuộc chinh phục nhục dục đã đẩy tôi đến các hành vi và nỗi ám ảnh mà rất khó có thể từ bỏ trong đời thực.

Nếu như bạn bỏ ra nhiều năm để mơ tưởng đến một chiếc du thuyền, thì có khả năng là bạn sẽ trở thành người phung phí cả phần đời còn lại của mình chỉ để cố mua được nó. Nếu như bạn cứ ám ảnh với cái giấc mơ về việc trở nên được mến mộ và yêu quí bởi tất cả mọi người, thì rồi bạn sẽ thất bại trong việc đứng lên vì bản thân vào những thời điểm mà bạn cần đến nó nhất.

Mộng mơ cũng giống như những sự Sao lãng khác – chúng được sử dụng dè xẻn và không vì mục đích gì ngoài niềm vui thú đơn thuần. Đó là khi chúng bắt đầu duy trì cảm giác của bạn về giá trị của bản thân, khát vọng của bạn về tầm quan trọng của mình trong thế giới này, và do đó bạn sẽ tự cản bước tiến của chính mình, và bạn mãi mãi chẳng thể Lên Bàn trong trò chơi Cuộc đời.

MÃ GIAN LẬN #5: ĐỪNG NGẠI NGÙNG CHE GIẤU NHỮNG CHUYỆN TỦI HỔ CỦA BẢN THÂN

Tôi sẽ tóm gọn vấn đề lớn nhất mà mọi người gặp phải trong trò chơi Cuộc đời trong một đoạn văn. Bạn đã sẵn sàng chưa?

Từ hồi còn nhỏ, chúng ta thường bất lực trước rất nhiều vấn đề của cuộc sống. Chúng ta do đó cứ dựa dẫm vào bố mẹ mình để tìm ra cho chúng ta Giải pháp. Nhưng các cụ nhà ta càng thất bại trong việc tìm ra Giải pháp, thì ta càng phải tạo thêm nhiều Sao lãng (bạn có nhận thấy bọn con nít chúng nó tưởng tượng nhiều như thế nào không? Đấy không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đâu nhá) nhằm đương đầu với những khó khăn của Cuộc sống. Chúng ta càng tự tạo ra nhiều sự Sao lãng cho bản thân khi còn nhỏ, và/hoặc bố mẹ ta càng dạy ta vận đến sự Sao lãng càng nhiều, thì chúng càng dễ trở thành Thói quen khi ta trưởng thành. Khi đã trưởng thành, ta quên mất rằng sự Sao lãng của chúng ta hầu như chỉ là phản ứng trước một vấn đề, và ta sẽ thành ra tin rằng chắc chắn có điều gì đó vốn dĩ đã sai lầm hoặc thiếu sót ở chúng ta và ta phải cố giấu chúng đi bằng mọi giá.

Và do vậy, chúng ta giấu giếm những chuyện về bản thân mình như mèo giấu c*t, và để che giấu chúng, chúng ta cần sao lãng bản thân hơn nữa, và điều này lại chỉ càng tạo ra cái vòng xoắn ốc vô tận về Sao lãng và tủi hổ.

Cách tốt nhất để loại bỏ những Sao lãng của chúng ta và khắc phục các vấn đề vẫn luôn ám ảnh chúng ta kể từ hồi con nít là phơi bày chúng ra, chia sẻ chúng, và nhận thức rằng a) không, bạn đâu phải là đồ quái vật, hầu như ai mà chẳng (đã) vật vã với chuyện này chuyện kia cơ chứ, và b) rằng sự Sao lãng của bạn chỉ là thế này thôi: những cách thức thiếu lành mạnh để cân bằng việc bạn thấy mình như c*t ra sao.

Từ thời cụ kỵ của cụ kỵ chúng ta đã đúc kết rằng: “ánh nắng là chất khử trùng tốt nhất.” Ờ, điều này cũng đúng đối với chính chúng ta nữa. Cách duy nhất để triệt tiêu mấy cái phần tăm tối trong bạn là lôi chúng ra hong nắng.

Chúc may mắn nhé Người chơi Số 1. Hãy nhớ rằng, trò chơi Cuộc đời được thiết kế với mục đích để trở nên phức tạp và khó hiểu. Cái khó không phải là việc giành được chiến thắng, mà là biết được chiến thắng tự nó có nghĩa là gì. Bởi vì đó mới chính là thử thách thực sự: quyết định giá trị của cuộc đời ta và rồi gom góp cho đủ dũng khí để bước ra ngoài và sống thôi.

 

Dịch: December Child

Nguồn: https://markmanson.net/life-cheat-codes

menu
menu